Sunday, March 04, 2018

CÂU CHUYỆN TỪ HAI TỜ LỊCH

Nhiều năm qua, cứ đến dịp Tết, ông bạn người Hàn thường mang tặng tôi mấy quyển lịch treo tường của doanh nghiệp Hàn Quốc. Năm nay, chờ mãi không thấy, liên lạc với ông mới biết ông không được khỏe, phải đi chữa bệnh ở xa.

Hôm treo tờ lịch mới của một doanh nghiệp trong nước vào chỗ cũ, tôi chợt nhận ra sự khác biệt về văn hóa doanh nghiệp giữa hai nước Việt Hàn.

Tờ lịch Việt phải nói là rất đẹp, mang đậm nét văn hóa và có tính nhân văn cao. Lấy ví dụ tờ lịch thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: mới nhìn vào đã thấy ngay nét bút đậm viết bằng tay một câu nói có ngụ ý Thiền. Bên dưới là lời giải thích ý nghĩa của câu nói. Toàn bộ hai phần này của tờ lịch được in trên một bức tranh thủy mạc. Một phần ba tờ lịch dùng để in ngày tháng.

Lướt qua một vòng các tờ lịch treo tường của một vài doanh nghiệp đều thấy giống nhau. Phần lớn, tờ lịch thường được in sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đang cung ứng ra thị trường.
Cũng như tờ lịch văn hóa, tờ lịch của doanh nghiệp đều không chú trọng in cỡ lớn con số về ngày tháng mà trái lại quá chú trọng về hình thức, màu sắc và cả nội dung muốn gửi đến người nhận như là một thông điệp từ phía người làm ra tờ lịch.

Tờ lịch của doanh nghiệp Hàn Quốc thì họ làm ngược lại: nhìn vào tờ lịch cách xa khoảng hai mét vẫn đọc được thứ, ngày. Còn hình ảnh sản phẩm, dịch vụ và địa chỉ liên lạc thì họ bố trí một cách khiêm tốn trên tờ lịch.

Từ việc quan sát văn hóa doanh nghiệp của hai nước ở trên, tôi nhận thấy, nếu mục đích của tờ lịch là để theo dõi ngày tháng thì doanh nghiệp chúng ta đã sai vì qúa chú trọng hình thức văn hóa nghệ thuật.

Đứng về mặt kinh doanh, doanh nghiệp chúng ta đã đi sai mục tiêu: “Bán cái người ta cần chứ không phải bán cái mình có”.
Từ đó, chúng ta cũng có thể hiểu vì sao Hàn Quốc trở thành một quốc gia phát triển với tốc độ thần kỳ, từ một quốc gia có GDP/ đầu người là 100USD năm 1963, nước này đã đạt trên 30,000 USD vào năm 2017.

No comments:

Post a Comment