Tuesday, June 21, 2011

Con đường của Tuấn - Lão ngư và trải nghiệm đầu tiên về giàu nghèo và hạnh phúc

Năm thứ ba đại học, Tuấn và Minh được phân công chung một nhóm, cùng nhau tiến hành công việc thu thập số liệu ở vùng ven biển thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Công việc thực tập kéo dài  khoảng từ 2 đến 4 tuần.

Do trời hè nắng nóng, công việc thực địa tiến hành rất sớm. Khoảng 10 giờ 30 sáng, hai bạn đã kết thúc công việc để về nơi tạm trú.  Một buổi sáng, cùng nhau đi bộ về nhà trên bờ cát, một bên là biển, một bên chân đồi, Minh bỗng nhiên reo lên vì phát hiện ra trái dũ dẻ, một loại trái có mùi thơm như cam quýt nhưng nhỏ chỉ bằng hạt đậu phộng và có vị ngọt rất thanh.  Hai đứa vừa hái, vừa bỏ vào mồm nhấm nháp và tiếp tục tìm thêm quả khác. Tuấn nhận ra quy luật, càng trèo lên cao, anh càng hái nhiều trái chín và vị ngọt càng thanh hơn. Do mãi mê vừa đi vừa hái, vừa ăn, Tuấn đã leo lên lưng chừng đồi cao vài chục mét. Anh đưa mắt nhìn xuống thấp, thấy biển xanh lặng lẽ và hoang vắng vô cùng. Bỗng dưng mồ hôi lạnh toát ra, mặt mày Tuấn xây xẩm. Biết mình bị say nắng, anh ngồi bệt bên tảng đá, lớn tiếng gọi Minh.  Không thấy tiếng người đáp trả, anh liều lĩnh cho cơ thể trượt trên cỏ tranh và bụi gai trôi xuống chân đồi. Khi tỉnh dậy anh thấy cơ thể mình vắt ngang một tảng đá hoa cương tròn cạnh, theo bản năng, anh bò vào nấp sau bóng mát của một túp liều tranh độc nhất trên bờ biển. Lúc đó, Minh cũng vừa đi vừa gọi và phát hiện ra nơi Tuấn đang nằm, anh dìu Tuấn vào bên trong túp liều, nằm trên chiếc giường ghép bằng thân của những bụi cây hoang dại mọc trên sườn đồi.

Giữa trưa, một ông già bước vào lều. Minh bối rối giải thích lý do hai đứa dám tự tiện mở cửa vào lều.  Ổng lão không hề tỏ thái độ giận dữ trái lại rất ân cần, yêu cầu Tuấn hãy nằm xuống để nghỉ ngơi.

Tuấn ngũ thiếp đi một lát. Khi tỉnh giấc anh thấy ông lão đang ngồi đan lưới, anh gợi chuyện. Anh hỏi ông vì sao người ta gọi là trái dũ dẻ. Ông lão cho biết vùng núi này là nơi chúa Nguyễn Ánh một lần bị quân Tây Sơn đuổi đã dạt thuyền vào tìm nước.  Quân lính phát hiện quả hoang nhưng ăn được bèn hái dâng cho chúa.  Về sau, khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh cho đặt tên quả này là dũ dẻ để cảm ơn trời đất đã cho quân của ông trái lạ đỡ đói lúc ngặt nghèo.

Nhận thấy ông già vui chuyện, anh hỏi tiếp về kế sinh nhai. Ông lão chỉ tay ra biển cả thong thả nói, "Tối đi câu hoặc kéo lưới, sáng mang cá ra chợ bán, mua gạo, mắm mang về. Rau thì hái ở đằng sau nhà hay lá giang ở trên đồi."  Thế bác ở đây một mình, nhỡ đau ốm thì sao? Tuấn hỏi.  "Tôi chẳng bao giờ đau ốm gì cả."  Tuấn tò mò hỏi tiếp, "Thế bác có bao giờ đi lên thành phố Huế chưa?"  "Tôi chưa đến Huế bao giờ!"  Lão ngư vô tư trả lời.

Nằm vắt tay lên trán, anh tự hỏi.  Mình sắp ra trường, nghĩ đến cảnh xa quê, xa gia đình đã có cảm giác cô đơn, lo sợ. Còn cụ già này sống một mình bên bờ biển, không có bất cứ một tài sản nào ngoài một chiếc thuyền câu cá, sinh hoạt văn hóa cũng không có, bạn bè cũng không, nhưng cụ sống vô tư, thản nhiên như cây cỏ. Vậy hạnh phúc trong cuộc sống là gì, đâu phải chỉ nhà cửa cao sang, xe đẹp, địa vị cao và những lời chúc hay trong nhà hàng sang trọng như mọi người thường mô phỏng? Rồi anh nhớ lại chuyện của riêng mình.  Anh đã nghe lời khuyên của một số bạn không nên tiếp tục quen Khánh vì gia đình cô đã bán hết tài sản để về Sài Gòn. Anh nhận ra mình đã nông cạn và thiếu bản lĩnh  vì đã tìm cách xa lánh Khánh trước ngày cô ấy ra đi.

Nhận ra được điều này, Tuấn quyết định tiến hành công việc thực địa càng nhanh càng tốt để trở về gặp Khánh và cùng cô ấy đạp xe  trên những đường phố xinh đẹp của thành phố Huế thân yêu.

Sunday, June 19, 2011

Con đường của Tuấn-Học tiếng Anh Hội Việt Mỹ

Ganh đua cùng bạn bè trong lớp như Duy Tấn, Quang Thanh đã đưa Tuấn đến với chương trình tiếng Anh Hội Việt Mỹ. Cuối năm lớp 7, Tuấn tham dự cuộc thi kiểm tra năng lực tiếng Anh và anh được xếp vào lớp 4/12. Lớp học tổ chức vào ban đêm. Từ lớp 4, anh tiếp tục học đến lớp 7, cũng là lúc đất nước thống nhất.  Tuy thế, Tuấn chưa được học với một giáo viên nước ngoài nào dù chương trình mang tên Hội Việt Mỹ. Tuấn cũng không có ấn tượng gì sâu sắc về chất lượng của chương trình ngoài một vài buổi anh đến đọc sách tiếng Anh ở thư viện của văn phòng trên đường Lý Thường Kiệt, Huế.

Trong lớp, anh chỉ làm quen với một học viên ngồi bên cạnh, xấp xỉ lứa tuổi của Tuấn và là con trai của một vị đại tá quân đội. Cả hai, Tuấn và anh ta có lẽ là học viên nhỏ tuổi nhất. Còn lại, đa phần là sinh viên, lính tráng và những người đã đi làm việc. Sau lớp học, người đón kẻ đưa rất đông, đa phần người đón đi xe máy hoặc xe Jeep quân đội. Học xong, Tuấn phải đạp xe về nhà, xa khoảng chừng 7 cây số, từ trung tâm thành phố ra ngoại thành trên con đường không có một chút ánh đèn điện. Anh còn phải qua một đồn lính địa phương trên đường về làng. Để không bị bắn nhầm, Tuấn có sáng kiến treo một vỏ hộp sữa vào tay lái, bỏ vào ít viên sỏi lắc tiếng kêu leng keng để cho lính canh biết có người đang đi.  Nhiều hôm, không chuẩn bị sẵn dụng cụ, anh phải đi đường vòng qua làng Lại Thế.  Nhờ vậy, đã xãy ra một chuyện vui khiến khó quên trong đời.

Lại Thế là nơi các quan triều Nguyễn cư ngụ. Mỗi khu nhà có vườn rộng hàng ngàn mét vuông. Phía trước thường có cổng tam quan. Thậm chí, có vị quan còn xây những cột lớn chạm trỗ rồng phượng rất ấn tượng. Con đường nho nhỏ chạy trước làng một bên là ruộng lúa. 

Một hôm trên đoạn đường làng Lại Thế, dưới anh trăng mờ, Tuấn phát hiện hai bóng đen trước mặt. Anh dừng xe quan sát. Nhớ lại những câu chuyện ma Tuấn thường nghe kể, muốn phân biệt ma hay người hãy nhìn vào đôi chân. Quá sợ hãi anh quay đầu nhìn về thành phố Huế với ánh điện hừng sáng ở chân trời. Về đâu bây giờ?  Anh liều lĩnh lấy hết sức mình đạp thật nhanh xông vào hai bóng ma trước mặt để vượt qua. Ầm! tiếng thét thất thanh của hai cô gái đi bộ trên đường. Một cô bị hất văng xuống ruộng lúa. Thì ra đây là hai cô Ánh và Nga đi học buổi tối trên đường về nhà.  Do cả hai mặc váy đồng phục nên từ xa, Tuấn không thể phân biệt ma hay người và đã gây ra một tai nạn đáng yêu.

Thursday, June 16, 2011

Con đường của Tuấn - tham gia phong trào hướng đạo (Boy Scout)

Có bột mới gột nên hồ! Thời nào cũng thế, nếu sống trong một gia đình thu nhập không cao, bạn có thể bị rào cản tham gia những sinh hoạt rất tốt cho cuộc sống ngoài lớp học.  Một trong những hoạt động như thế là tham gia sinh hoạt phong trào hướng đạo. Trong trường hợp của Tuấn, hoàn cảnh khiến Tuấn trở thành một thành viên quan trọng trong gia đình. Dù tuổi còn nhỏ, nhưng cũng tạo cho anh cơ hội có thể gia nhập phong trào này.
Do bị thu hút bởi một số đàn anh trong thôn, Tuấn đã xin gia nhập thiếu đoàn Chương Dương. Khác với các thiếu sinh trong đoàn, Tuấn phải rất khó khăn để xin tiền mẹ sắm bộ đồng phục hướng đạo. Tuy vậy, tinh thần bình đẳng, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên cũng như tính cạnh tranh giữa các đội trong thiêú đoàn đã giúpTuấn vượt qua rào cản tự ti hòa mình với tập thể. Bên cạnh đó, lòng nhiệt thành và khả năng ứng phó nhanh chóng cộng với tuổi nhỏ nhất trong đội của Tuấn đã góp phần thu phục cảm tình của đồng đội. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Tuấn đã được tuyên hứa để trở thành một thiếu sinh thực thụ với lối chào đưa ba ngón tay lên mũ, tượng trung cho ba lời hứa của người hướng đạo.

Đêm tuyên hứa là một kỷ niệm khó quên trong đời của những người tham gia hướng đạo bậc thiếu sinh.  Đa phần, đó là một cuộc cắm trại bên bờ biển hay một vùng đồi thơ mộng. Đêm lửa trại với sự tham gia của toàn thể thiếu đoàn rất sôi động nhưng lễ tuyên hứa diễn ra trong tinh mơ, khi mặt trời vừa hé dạng ở chân trời biển Đông yên bình. Tuấn đã được chứng kiến một lần đáng nhớ như thế ở bãi biển Cảnh Dương, phía Bắc Cửa Thuận An, Huế.
Thiêú đoàn Chương Dương do thiếu trưởng Nguyễn Võ Hinh dẫn dắt. Anh sinh trưởng trong một gia đình đều tham gia hướng đạo. Lúc đó anh là sinh viên đại học y khoa Huế. Huỳnh Huy Việt, người học trên Tuấn vài lớp được chọn làm trưởng đội Sóc. Phải tự hào khi nhắc về những thành viên của đội này, Việt giỏi toán, Nhuận giỏi hội họa và nét chữ rất đẹp. Diệu rất giỏi toán, tiếng Anh và có tài làm thơ... Ngày nay, nhìn lại những thành viên đội Sóc, hết thảy họ đều là những người mẫu mực trong xã hội.

Sinh hoạt hướng đạo của Tuấn đã chấm dứt trong lần cắm trại cuối cùng ở Đàn Nam Giao, Huế, đúng ngày sinh nhật của BP. Hơn một tháng sau, ngày 26/3, Huế thuộc sự kiểm soát của quân Mặt trận Giải phóng Miền Nam.  Những người bạn cùng sinh hoạt trong thiếu đoàn ly tán khắp nơi.  Nhiều người trong số họ đến giờ Tuấn vẫn chưa hề gặp lại.

Tuesday, June 14, 2011

Con đường của Tuấn-Ngày cha mất

Còn cha gót đỏ như son,
Một mai cha mất gót con đen sì.
Mẹ Tuấn thường hay ngâm nga như thế mỗi khi bà cảm thấy bất lực một mình phải nuôi dạy bầy con nên người. Người ta thường  nói, chuyện xui xẻo thường ba dập bảy dồn và điều đó cũng đúng với gia đình của Tuấn. Ngày cha mất, Tuấn vừa học xong lớp 6 và đang nghỉ hè. Đấy là một buổi chiều mùa hạ nóng bức ngày 14 tháng 5 năm Tân Hợi, khoảng 3-4 giờ.  Lúc ấy, Tuấn và chị gái đang tránh nóng ở nhà. Mẹ Tuấn vào Sài Gòn thăm nuôi người anh trai đang nằm viện do tai nạn giao thông.
Tuổi còn quá nhỏ để Tuấn nhận ra mất mát, nhất là khi cha vừa mất, rất nhiều bà con ở xa như Đà Lạt, Đà Nẵng về thăm khiến nhà của trở nên sum vầy, đông đúc.  Thậm chí, Tuấn còn nhe răng cười khi nghe thầy cúng đọc kinh ê a với nhiều biến tấu, Tuấn tin rằng do ông ngẫu hứng sáng tác.

Đám tang xong, mọi người ai nấy trở về nhà mình, lúc ấy, Tuấn mới cảm thấy nỗi cô đơn pha lẫn sợ sệt trong khu nhà vắng lặng.  Thêm vào đó, người cha ra đi để lại hơn 2 mẫu ruộng lúa cần chăm sóc. Ngoài mẹ và chị gái, hai anh em Tuấn còn rất nhỏ để làm công việc đồng áng. Ngoài những công việc nặng nhọc cần phải thuê mướn, vẫn còn rất nhiều công việc Tuấn phải tự giải quyết bằng sức vóc của mình. Một trong những việc như thế là bơm thuốc trừ rầy hại lúa. Hồi đó, các bình xịt do Mỹ sản xuất hiệu Hudson làm bằng inox sáng loáng. Mỗi bình chứa chừng 10 lít nước.  Khi pha thuốc vào bình, người sử dụng phải dùng sức bơm đầy hơi vào bình để tạo áp suất đẩy nước thành tia. Vóc người của Tuấn không thể mang đủ 10 lít và mỗi lần bơm hơi, Tuấn phải để bình ở vị trí thấp rồi dùng toàn bộ sức nặng của cơ thể đẩy hơi vào bình.  Mang bình xịt vào người, bước vào ruộng lúa sình lầy, chiều cao của Tuấn còn thấp hơn cả chiều cao cây lúa.

Vụ hè rất vất vả nhưng vụ đông cũng không kém.  Sau buổi học ở trường, Tuấn thường đạp xe ra thẳng đồng lúa để thăm nước hay quan sát sâu bệnh hại lúa. Do những công việc đồng áng như thế, sức học của Tuấn suy giảm.  Để giữ vững vị trí thuộc nhóm đứng đầu trong lớp, Tuấn phải rất cố gắng  trong các năm sau ngày cha mất.

Monday, June 06, 2011

Bài học đầu tiên về lòng tự trọng của dân tộc

Từ Chợ Mai đến trường tiểu học Vỹ Dạ khoảng gần hai cây số. Hằng ngày Tuấn đều phải đi bộ từ nhà đến trường dọc theo con đường trải nhựa Huế -Thuận An khá bận rộn với những chuyến xe quân sự đi về của lính Mỹ. Không hề biết một chút tiếng Anh nhưng bọn trẻ con trạc tuổi Tuấn truyền nhau những tiếng lóng rất nhanh chóng. Để xin thuốc lá bọn trẻ đưa hai ngón tay lên môi. Để xin đồ hộp bọn trẻ hét to hai tiếng "cháp cháp"-âm thanh phát ra mỗi khi chúng ta nhai thức ăn.  Những lần như thế lính Mỹ thường vứt xuống đường khi thì đồ hộp, khi thì thuốc lá, kẹo cao su, bánh kẹp... Bọn trẻ con tranh nhau thu nhặt "chiến lợi phẩm" trên đường đến trường. Chúng thường giấu vào cặp, vào túi quần để rồi mang vào lớp chia nhau ăn trong giờ ra chơi.
Sự việc không thể qua mắt cô giáo chủ nhiệm. Cô họp lớp lại, một mặt răn đe các em nếu tái phạm sẽ trừ điểm hạnh kiểm, một mặt khuyên răn các em không nên có hành vi xin xỏ kiểu ấy. Tuấn không bao giờ quên được vẻ mặt nghiêm trang nhưng đượm buồn của cô giáo Tuyết Ba khi cô nói, "Khi các em tranh nhau lượm thức ăn, biết đâu họ sẽ chụp hình và mang về kể cho gia đình và bạn bè bên nước họ.  Các em sẽ nghĩ gì về lòng tự trọng của dân tộc khi các em hành xử chẳng khác gì là loài vật khi tranh nhau giành giật quà vứt từ xe của lính Mỹ.