Friday, October 20, 2017

THE VIETNAM WAR:CHUYỆN THẮNG THUA

Trong bộ phim tài liệu The Vietnam War do PBS sản xuất năm 2017, có một chi tiết rất thú vị có tính học thuật cao trong môn học xác suất thống kê đó là nỗ lực dùng số liệu thu thập để phán đoán kết quả của biến cố.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Mcnamara là người rất mê ứng dụng này. Ông đã nỗ lực đưa những thành quả của môn học này đã một thời làm cho nền công nghiệp của nước Mỹ vươn lên dẫn đầu thế giới. MADE IN USA đã trở thành thương hiệu về chất lượng của hàng hóa Mỹ.

Trong chiến tranh Việt Nam ông đã chỉ đạo thu thập số liệu của các chương trình ở Việt Nam rồi đưa vào máy tính IBM để đưa ra kết luận về tính hiệu quả của chương trình. Rất buồn cười, máy tính cho ra kết quả Mỹ đã thành công vào năm 1965.

Chúng ta đều biết chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975 với sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa. Rất nhiều lần trong bộ phim tài liệu, các nhân vật người Mỹ đã bực bội cho rằng nguyên nhân thất bại là do họ đã chọn sai đối tác (người lãnh đạo); do sự yếu kém của quân đội Việt Nam Cộng Hòa; do miền Bắc mạnh hơn cả về tinh thần và vật chất; do các phong trào phản chiến…

Theo tôi, Mỹ đã thất bại từ đầu cuộc chiến kể từ trận đánh Ấp Bắc. Những lý do ở trên dẫn tới kết thúc chiến tranh Việt Nam đều không sai. Tuy nhiên, sai lầm nguy hiểm nhất, có thể nói là sai lầm cơ bản, đó là sự xung đột văn hóa giữa các Cố vấn và ngay cả lính Mỹ đối với người dân miền Nam.

Tại sao sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, Lý Tòng Bá và cấp trên của ông không nghe lời Cố vấn Mỹ trong trận Ấp Bắc? Tại sao chính quyền Ngô Đình Diệm nhận viện trợ của Mỹ, mà không làm theo chỉ đạo của Mỹ? Tại sao Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng mà không báo cho chính quyền miền Nam chuẩn bị?

Rõ ràng người Mỹ đã đụng vào tự ái dân tộc của người Việt, không kể là người miền Nam hay là người miền Bắc. Người Việt Nam đã chịu sự thống trị của ngoại bang hàng ngàn năm và vẫn tìm cách nổi dậy để giành độc lập. Vì vậy, sự độc đoán, kiêu ngạo của bất cứ ai là không thể chấp nhận, nhất là đối với tính khí của dân Nam bộ. Vì vậy, tôi kết luận thất bại của người Mỹ là thất bại trong giao tiếp, ứng xử do thiếu hiểu biết về văn hóa.

Đối với người Việt Nam, không có chuyện thắng thua trong cuộc chiến kéo dài 20 năm đã làm chết hơn hai triệu người.

Tôi muốn đưa ra một vài câu chuyện về chiến tranh Việt Nam ở làng Ngọc Anh quê tôi ở Huế để minh chứng. Láng giềng của nhà tôi gồm có 3 gia đình: bác Hậu, bác Thợ Cháu và mệ Nghè.

Gia đình bác Hậu rất nghèo, bác làm ấp trưởng vì được dân làng mến phục. Thế nhưng, trong biến cố Mậu Thân, bác được mời đi họp và về sau được tìm thấy trong một hố chôn tập thể. Ba người con trai, hai người ở miền Nam cùng đi lính Việt Nam Cộng Hòa, người con trưởng thoát ly ra miền Bắc gia nhập quân đội, trở thành sĩ quan. Sau chiến tranh, cả ba người đều gặp khó khăn, riêng người con trưởng vẫn phải ở lại miền Bắc.

Gia đình bác Thợ Cháu cũng có hoàn cảnh tương tự. Bác có ba người con trai, người con trưởng tham gia du kích Việt Cộng và đã mất tích sau biến cố Mậu Thân. Người con thứ là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa và đã hy sinh trong trận Hạ Lào.

Mệ Nghè có chồng là một viên chức miền Nam trong ngành giao thông công chánh. Mệ sống một mình nên hàng đêm anh em tôi phải sang ngủ nhà mệ. Sau biến cố Mậu Thân, nhà Mệ bị lính Mỹ đốt cháy. Hòa bình lập lại Mệ phải ra Hà Nội sống cùng người con trai lúc ấy là Thứ trưởng của một Bộ trong chính quyền.

Với những người Việt Nam như thế, chuyện thắng thua đều vô nghĩa!

Bạn vs Đối tác?

Tôi đã mất một tuần để xem hết bộ phim tư liệu nhiều tập: “The Vietnam War” do PBS mới phát hành năm 2017. Tôi đã phải ngưng việc xem phim sau khi hết tập 7 và trải qua một đêm thức trắng. Tôi có ý định bỏ, không tiếp tục xem thêm các tập sau vì nghĩ rằng mình đã trải nghiệm qua thời kỳ này. Thế nhưng, tôi vẫn bị thôi thúc xem tiếp ba tập còn lại và đã thở phào nhẹ nhỏm khi xem xong.

Tôi muốn viết những dòng này để tri ân nhóm làm phim và những ai đã đóng góp cho việc hoàn tất bộ phim lịch sử này. Tôi rất vui và tự hào vì gặp lại những người bạn, những khuôn mặt, những cái tên thân quen trong suốt 20 năm qua.

Anh Hồ Đăng Hòa nhiều năm trước đây đã tâm sự với tôi: “Mình đang tham gia làm phim kể chuyện về chiến tranh Việt Nam và phải làm gấp vì những người tham gia trong cuộc chiến nay đã già, nếu họ không tham gia thì chẳng còn ai mà kể lại.”  Lúc đó, tôi rất đồng tình vì từ lâu tôi đã có ý định ghi lại những câu chuyện về thời chiến tranh xãy ra trong cuộc sống quanh mình.

Tôi thật bất ngờ khi gặp lại những khuôn mặt quen thuộc tham gia kể chuyện như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà báo Huy Đức, người bạn cũng là ân nhân của chương trình Fulbright Tom Vallely…

Bộ phim đã giúp tôi giải mã vấn đề quan hệ Việt Mỹ, chuyện đã ám ảnh tôi nhiều năm và một thời tôi đã dấn thân muốn tìm giải pháp.

Tôi trở lại Việt Nam năm 1997. Sau hơn 10 năm làm việc cho đoàn ngoại giao Hoa Kỳ, tôi đã nói với một số bạn bè thân tín rằng vị trí của Việt Nam trong quan hệ địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc như chiếc cầu thang trong tòa nhà cao tầng. Nghĩa là, tòa nhà đã được trang bị thang máy nhưng vẫn phải xây cầu thang bộ phòng khi hỏa hoạn hay mất điện.
Tôi nhìn thấy một cách ngẫu nhiên sự giống nhau trong nhận thức về tình bạn của lãnh đạo hai miền Nam Bắc. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sau khi từ chức đã cay đắng nói: “ Làm kẻ thù với Mỹ thì dễ, làm bạn với Mỹ khó lắm thay!”

Năm 1994, lúc đến chào tướng Võ Quang Hồ để sang Mỹ du học theo học bổng của chương trình Fulbright, ông cũng đã nói: “Chú được đi học, tôi mừng cho sự nghiệp của chú, nhưng chú hãy nhớ lời tôi, người Mỹ và Trung Quốc không bao giờ là bạn của dân mình.”

Nhiều nhân vật là người Mỹ trong phim cũng có cảm giác tội lỗi khi chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị bỏ rơi.

Thế rồi, ở cuối đoạn phim tôi bị bất ngờ khi có sự xuất hiện của Tổng thống Barack Obama, ông nói: “ Mỹ và Việt Nam giờ đây là đối tác…”

Lời nói ấy hầu như đã giúp tôi gỡ bỏ gánh nặng, nỗi ám ảnh về quan hệ Việt Mỹ trong nhiều năm qua.

Thật vậy, từ nhỏ đi học ở trường, quan hệ cộng đồng, gia đình… chúng ta bị ảnh hưởng quá nặng tư tưởng Nho giáo. Từ những câu chuyện cổ nổi tiếng bên Tàu như Tam Quốc Chí, Tây Du Ký…đến những truyện kiếm hiệp của Kim Dung, ở đâu chúng ta cũng thấy nhân vật ứng xử với nhau theo nguyên lý trung thành trong quan hệ vua tôi, huynh đệ.

Nhận thức về đối tác trong quan hệ ngoại giao, thương mại quốc tế và ngay cả những mối quan hệ của các bên liên quan, thậm chí gia đình vợ chồng con cái…đòi hỏi mỗi bên đều phải có trách nhiệm thấu hiểu lẫn nhau và có trách nhiệm vun đắp hoặc làm ngược lại nếu không còn muốn giữ quan hệ đối tác với nhau nữa.

Nên chăng lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945 về sau cần phải can đảm, trung thực chỉnh sửa để sau này con cháu chúng ta hiểu và cư xử với nhau tốt hơn.

Hỡi các bạn trẻ Việt Nam! Trong một thế giới mở trên nền tảng tri thức cùng công nghệ thông tin, chỉ có duy nhất hành trình học hỏi để trở thành đối tác mới có thể đưa dân tộc Việt Nam thực hiện được ước mơ Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc.


Sunday, September 24, 2017

VÕ TỘC CỬU QUANG

Theo lời anh họ Võ Quang Khương hiện sống ở Bảo Lộc - Lâm Đồng, Chúa Nguyễn khi vào Nam đã đặt ra một tiền lệ: Một làng thành lập mới phải có ít nhất ba họ. Làng Ngọc Anh của tôi có các họ: Nguyễn Văn, Nguyễn Hữu và họ Võ. Ngoài ra, trong làng còn có họ Ngô, Nguyễn Xuân, Nguyễn Đình…đến cư ngụ sau. Các họ được phân ngôi thứ: nhất, nhì, ba, tư. Mỗi họ, khi làm lễ ở đình làng đều phải theo thứ tự này.

Mỗi họ được chia ra nhiều phái. Phái còn được chia nhỏ thành nhiều chi. Những người sống ở cùng thời với nhau gọi là một đời. Ví dụ, tôi thuộc phái ba, chi nhì, đời thứ mười bảy.

Cùng phái, bác họ tôi giữ một chức quan nhỏ triều Nguyễn. Ông ở nhà thờ phái, vì vậy, những ngày lễ lớn, đặc biệt mỗi năm đến ngày chạp, chúng tôi phải có mặt cùng vác cuốc lên núi để giẫy cỏ, thắp hương mộ tổ tiên rồi về nhà ông ăn cỗ.

Con cái của gia đình bác họ tôi đều học hành thành đạt và giàu có.  Anh Võ Quang Hồ là một vị tướng thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Hồi còn trẻ, nghe nói anh làm việc cùng với các lãnh đạo miền Bắc. Ở miền Nam, anh Võ Quang Hàm cũng là một quan chức thời Bảo Đại rồi trở thành một đại gia trong ngành khai thác gỗ thời kỳ Việt Nam Cộng hòa. Những người còn lại đều giàu có và thành đạt.

Thời kỳ chiến tranh, nhà cửa ruộng vườn của bác đều giao cho cha tôi canh tác để lo việc hương hỏa. Vì thế, sau 30/4/1975, một hôm tôi được yêu cầu mở cửa cho anh Hồ thắp hương bàn thờ phái.

Vừa gặp tôi, anh hỏi: “Con chú Yên phải không?” Tôi gật đầu. Thật lạ, cha tôi mất năm 1971, còn anh theo kháng chiến trước 1945 lúc đang học ở Hà Nội, vậy mà vẫn nhận ra.
Đó là lần gặp đầu tiên. Phải đến năm 1994, tôi mới gặp lại anh. Lúc đó, anh đã nghỉ hưu và sống gần sân bay Tân Sơn Nhất.

Tôi đến chào anh và báo tin tôi sẽ sang Mỹ du học. Thật ngạc nhiên, lúc tiễn tôi ra cổng, vẻ mặt trầm tư, anh nói: “Chú được đi học, tôi mừng cho sự nghiệp của chú, nhưng chú hãy nhớ lời tôi người Mỹ và Trung Quốc không bao giờ là bạn của dân mình.”

Mỗi người có một cách nhìn về thế giới khác nhau. Tôi là người học và làm việc trong môi trường thương mại quốc tế. Tôi luôn tin rằng giao thương giúp người ta hiểu và có trách nhiệm vun đắp quan hệ, gìn giữ hòa bình.

Tết Đinh Dậu vừa rồi, tôi có dịp về thăm nhà thờ họ Võ làng Ngọc Anh. Bất giác nhìn lên trước cửa, tôi thấy một bức hoành phi mạ vàng trên đó khắc bốn chữ Việt: “Võ Tộc Cửu Quang”, có ghi người tặng là anh Võ Quang Hồ. Được biết anh vừa tạ thế tháng 3 năm 2016.

Tôi thầm nghĩ, cuộc đời vị tướng này đã trãi qua ba cuộc chiến tranh tàn khốc : Pháp, Mỹ và Trung Quốc. Anh là một người yêu nước, yêu tiếng Việt nên bốn chữ anh để lại cho hậu thế được viết bằng chữ quốc ngữ, khác với nhiều đình chùa ở nước ta vẫn treo những câu đối, hoành phi bằng chữ Hán, mặc dầu chẳng còn mấy ai hiểu trên đó viết gì.

Nghĩ đến đây, tôi tìm thấy giữa anh và tôi có một điểm chung, đó là lòng yêu nước.

Friday, September 22, 2017

Thời của Hoàng Anh

Nhà tôi trồng bốn gốc hoa Hoàng Anh. Thấm thoát đã 15 năm rồi, vậy mà hoa vẫn nở vàng tươi mỗi ngày. Hôm qua, có dịp uống cà phê với người bạn láng giềng, tình cờ tôi phát hiện hai gốc ở bên hông nhà đã già cỗi và một gốc đã khô. Tôi ngạc nhiên vì đây là hai gốc xanh tươi nhất ngày nào. Những nụ hoa vàng, cánh mỏng nở rộ đẹp đến nỗi tôi thường mượn nhà hàng xóm đối diện để ngắm hoa nhà mình. Thế mà sau một thời gian khoe sắc giờ đây chúng trở nên già cỗi.

Trái lại, hai gốc phía trước nhà một thời èo uột bây giờ lại nở hoa mỗi ngày. Tuy không nhiều, nhưng những nụ hoa vàng đong đưa trước gió mỗi sáng mai thức dậy, nhìn ra cửa khiến tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
Tôi chợt nhớ cây bàng trước nhà đã bị công ty Điện Lực đốn ngã. Thì ra, cây bàng luôn phủ bóng xanh tươi và những chiếc lá màu vàng, đỏ lúc già đi đã luôn cuốn hút khiến tôi quên mất gốc Hoàng Anh bên dưới.
Tôi chợt hiểu khi bóng râm của cây bàng không còn nữa là thời của gốc Hoàng Anh đón nhận ánh sáng mặt trời để đơm hoa kết nụ.
Tôi bỗng nhớ lại thời sinh viên và những năm đi dạy ở đại học Văn Lang, tôi đã kể cho sinh viên khoa Thương mại câu chuyện của một bạn học, anh Nguyễn Tất Trọng ở Đắc Lắc. Sau khi tốt nghiệp Trọng được phân công về Đắc Lắc, nơi mà không ai muốn nhận. Thế nhưng, anh đã thăng tiến rất nhanh, trở thành một cán bộ lãnh đạo Cục quản lý Đo lường Chất lượng của khu vực miền Trung & Tây Nguyên.
Hồi còn học ở đại học, anh luôn ngủ gục ở trong lớp. Về sau có dịp tâm sự, anh cho biết hàng đêm anh phải thức cùng mẹ và em gái làm bao bì để kịp đưa ra chợ vào sáng mai.
Tôi kể với sinh viên câu chuyện này để nhắc nhở họ đối xử với nhau tốt hơn. Những gì xãy ra hôm nay ở lớp học hay trong đời sống mỗi ngày chưa nói lên điều gì. Thành công của mỗi người cần phải có cơ hội phát huy, cũng như chuyện bốn gốc hoa Hoàng Anh ở nhà tôi vậy.

Tuesday, September 19, 2017

Vinh danh những “Ông Mối ngoại” của Hòa Bình

Chặng đường 30 năm chinh phục đỉnh cao của Hòa Bình có những lúc thăng trầm. Trải qua những giai đoạn như thế, luôn hiện diện những “Ông Mối ngoại”. Họ là những người ngoại quốc đã và đang công tác ở những công ty nước ngoài có mặt ở Việt Nam một thời gian và có cơ hội tiếp xúc với lãnh đạo Hòa Bình.

Họ là những lãnh đạo công ty, giám đốc dự án, kỹ sư…, nhưng đôi khi họ chỉ là một chuyên viên thương mại đến từ Pháp, Đức, Úc…phổ biến là người châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore.

Khác với đa số người Việt thường coi khinh những “Ông Mối” và gán mác “Dân chạy mánh”, anh Lê Viết Hải, Tổng Giám đốc Hòa Bình luôn coi trọng những người này và đối xử nghĩa tình.

Lúc tôi mới gia nhập Hòa Bình, buổi họp Ban Điều hành đầu tiên, chúng tôi đã gặp một trường hợp gay cấn phải biểu quyết tại phòng họp: Ông Lee, Giám đốc công ty VK Housing Hàn Quốc muốn vay 100.000 đô la Mỹ để trả lương và tiền thuê văn phòng lúc cận Tết. Lúc đó, Hòa Bình cũng gặp khó khăn vì đang ở thời kỳ khủng hoảng thị trường địa ốc.

Trái với quyết định của hầu hết thành viên cuộc họp, anh Lê Viết Hải đã quyết định cho mượn. Anh nói: “Ông Lee đã từng chi khoảng 160.000 đô la Mỹ để cùng Hòa Bình dự thầu công trình xây hầm để xe ở thành phố Hồ Chí Minh. Bây giờ họ đang khó khăn, chúng ta phải giúp đỡ.”

Công tác ở Hòa Bình, tôi đã nhiều lần chứng kiến anh Lê Viết Hải ra nhiều quyết định táo bạo trong hoàn cảnh khó khăn và đầy áp lực mà những người làm kinh doanh thông thường có thể cho là ngớ ngẫn.

Không chỉ có những trái đắng, “Ông Mối ngoại” đã mang lại cho Hòa Bình nhiều quả ngọt vì họ thấu hiểu tấm lòng của anh Hải: Ông Park giúp Hòa Bình làm sơn đá; ông Jung giúp Hòa Bình nắm vững kỹ thuật làm kết cấu cốp pha nhôm ở công trình Kumho Asiana; ông Daniel Lim giúp Hòa Bình ký hợp đồng ngoại đầu tiên ở Myanmar…

Ba mươi năm nhìn lại, Hòa Bình ngày nay đã trở thành một thương hiệu quốc gia trong ngành xây dựng. Năm 2016, với doanh số trên 10.000 tỷ đồng, Hòa Bình đã gia nhập câu lạc bộ Những Nhà thầu lớn của thế giới.

Trả lời cho câu hỏi của nhiều người: “Vì sao?” Xin dẫn câu thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm.”

Viết đến đây, tôi lại nhớ câu chuyện của anh Trần Sĩ Chương, thành viên Hội đồng quản trị Hòa Bình. Anh nói: “Sự thần kỳ châu Á (thành công của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore…) đã làm ngạc nhiên những chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới và họ đã tự hỏi, phải chăng nhờ vào những giá trị văn hóa.”

Nếu quả đúng như vậy, tôi tin rằng những giá trị văn hóa kinh doanh anh Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và là người sáng lập Hòa Bình đã và đang đặt nền móng sẽ tiếp sức cho Hòa Bình trên đường chinh phục những đỉnh cao mới.


Sunday, September 17, 2017

Cây trứng cá ở công trường bệnh viện Tâm Trí, Nha Trang

Người ta thường nói, khi bạn sống lâu ở một nơi nào đó, bạn sẽ có cảm tình với nơi ấy. Vì thế, những người lập nghiệp ở nơi mới thường nói: “Xin chọn nơi này làm quê hương thứ hai.”

Nha Trang với tôi cũng như thế. Nơi đây tôi đã về công tác sau khi tốt nghiệp đại học, rồi lập gia đình, có con và đặc biệt đã để lại một đứa con trong lòng đất ở nghĩa trang Đồng Bò. Vì vậy, dù sau này chuyển vào sống ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi luôn ao ước được làm một việc gì đó cho Nha Trang để đền ơn vùng đất đã nuôi nấng gia đình mình thưở hàn vi.

Cơ hội đã đến lúc tôi cùng kỹ sư, giám đốc dự án Nguyễn Trung Kiên tham gia đàm phán với các chuyên viên dự án của Tập đoàn bệnh viện Tâm Trí để ký hợp đồng xây hai bệnh viện ở Đồng Tháp, và Nha Trang.

Thông thường, là một công ty xây dựng, Hòa Bình cũng như các nhà thầu khác, luôn đòi hỏi chủ đầu tư chứng minh có đầy đủ vốn và chứng từ pháp lý theo quy định. Tuy nhiên, phía Tập đoàn bệnh viện Tâm Trí cho biết họ chỉ có đủ vốn 60%. Phần còn lại 40% họ muốn Hòa Bình vay ngân hàng với điều kiện họ sẽ cung cấp bảo lãnh và phí lãi vay. Điều kiện này chưa từng có tiền lệ ở Hòa Bình. Tuy vậy, với kinh nghiệm làm việc ở ngân hàng trước đây, tôi đã thuyết phục Tổng Giám đốc đồng ý tiến hành ký hợp đồng thi công.

Ngày động thổ công trường, tôi gặp kỹ sư Nguyễn Đức Toại chỉ huy trưởng. Biết Toại là người ở Khánh Hòa, tôi rất mừng vì cảm nhận chúng tôi đã một thời sống ở vùng đất này, như vậy ắt Toại cũng có tình cảm với quê hương.

Trực giác này của tôi đã đúng. Rất nhiều cuộc họp Ban Điều hành, Cố vấn Lê Viết Hưng thường than thở một cách tế nhị: “Mấy công trình của Hòa Bình ở miền Trung chưa hiệu quả, trừ công trình của anh Toại.”

Tôi hiểu để có được lời khen này của anh Hưng, Ban chỉ huy công trường của Toại đã cật lực tiết kiệm trong điều kiện thi công ở đô thị. Chẳng hạn, anh nhường văn phòng của Ban chỉ huy cho một đối tác ở thành phố Hồ Chí Minh ra quản lý công trình. Khi nào họp với các bên anh mới vào văn phòng chung đặt ở trong một container, tiếp khách hay giải quyết công việc anh thường ngồi dước gốc cây trứng cá ở ngay cổng ra vào. Nhiều lần ghé thăm công trường chúng tôi đều ngồi dưới tàn lá dày đặc của cây trứng cá. Thỉnh thoảng, cả khách và chủ đứng dậy hái những quả chín mọng hồng thắm, bỏ vào miệng nhai một cách ngon lành.

Tôi còn phát hiện Ban chỉ huy đã khôn khéo để cho chủ đầu tư quảng bá Hòa Bình, thông qua hình ảnh marketing công trường trên những vách dựng hàng rào.

Không chỉ đối mặt với những đòi hỏi khắc khe từ phía chủ đầu tư, Ban chỉ huy công trường còn phải thỏa mãn yêu cầu về chất lượng từ phía lãnh đạo công ty. Một lần tôi cùng anh Trương Quang Nhật ghé thăm công trình, lúc đang vào giai đoạn hoàn thiện. Nhìn một bộ cửa nhôm mẫu mới lắp, anh Nhật đề nghị phải thay vì khung nhôm có bề dày mỏng. Như thế sẽ tăng chi phí cho công trường, nhưng đổi lại sẽ giữ được uy tín cho công ty khi công trình đi vào hoạt động.

Tôi chợt hiểu, làm nghề thi công xây dựng thật khó. Không chỉ: “Mồ hôi đổ xuống, công trình vươn cao.” Để tồn tại và phát triển như quy mô của công ty hiện nay, Ban lãnh đạo và tập thể cán bộ kỹ thuật, quản lý phải có lòng yêu nghề sâu đậm mới vượt qua muôn vàn trở lực trong hoạt động hàng ngày.

Riêng đối với kỹ sư Nguyễn Đức Toại, ngoài lòng yêu nghề anh còn thể hiện trách nhiệm với công ty & một người con của quê hương Khánh Hòa. Vì thế, anh cùng anh em Ban chỉ huy công trường đã hy sinh những tiện ích để công trình không bị lỗ ở một thị trường xây dựng mà các anh là người khai phá.

Có lẽ kỹ sư Toại đã đồng cảm với lời nhắn nhủ của tôi lúc lần đầu gặp nhau. Sau này chúng ta sẽ già đi, một mai ghé thăm Nha Trang, chúng ta sẽ tự hào chỉ cho người thân, bạn bè và nói: “Công trình này là do Hòa Bình xây dựng đấy!”.

Nhỡ một mùa hoa Dã Qùy

Tháng 11 năm 2015, tôi theo đoàn kiến trúc sư người Pháp gốc Việt lên Đà Lạt với một đề nghị làm ăn khá hấp dẫn, nhưng không kém phần lãng mạn. Đó là khôi phục tuyến đường sắt để làm du lịch. Dĩ nhiên, hiện đang có loại hình du lịch này từ ga Đà Lạt lên trại Mát và ngược lại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dịch vụ cần bổ sung để làm hài lòng du khách và giữ chân họ lưu lại lâu hơn ở thành phố.

Lúc rời thành phố ra ngoại ô cũng như trên đường ra sân bay Liên Khương tôi để ý hai bên đường mọc đầy một loài hoa dại có màu vàng sẫm. Thoạt nhìn khá giống hoa Hoàng Anh mọc quanh hàng rào nhà tôi. Tuy nhiên, màu hoa đậm đà, mộc mạc mà nếu so sánh hai loài hoa với hai người con gái thì loài hoa dại như một người thiếu nữ hiền hòa, giản dị làm xao xuyến khách lãng du và những chàng trai đã từng lên rừng xuống biển, giang hồ lãng tử hay những ai có tâm hồn thi sĩ.

Không biết tên hoa là gì, nhưng tôi nuôi hy vọng sẽ trở lại Đà Lạt đúng vào mùa này để ngắm hoa và hỏi bạn tôi, một người hay làm thơ về tên hoa luôn thể.

Nhân dịp chuẩn bị sang định cư ở Hoa Kỳ, vợ chồng bạn tôi là anh Trần Xuân Mỹ giới thiệu tôi với bác sĩ Lê Hùng. Xem qua bệnh án, bác sĩ nói: “Thôi anh cứ đi chơi ở đâu được thì đi.” Nghe lời bác sĩ, và được bà xã động viên, chúng tôi thăm Huế, Đà Nẵng, Nha Trang.
Tại Nha Trang, chúng tôi gặp vợ chồng bạn Trương Văn Nhân, người mà tôi dự định gặp ở Đà Lạt trong một chuyến du lịch tương lai. Nghe Nhân nói rằng sân bay Liên Khương đã có trợ giúp xe nâng cho người đi lại khó khăn, tôi bán tín bán nghi, đành thử liều một chuyến trở lại Đà Lạt.

Để chuyến đi có thể mỹ mãn, tôi đã gọi điện kiểm tra thời tiết vì phải đợi mùa mưa ở cao nguyên chấm dứt mới an tâm. Lúc máy bay hạ cánh ở sân bay Liên Khương, tôi đưa mắt nhìn ra hai bên đường băng, nhưng không thấy màu hoa năm cũ. Chỉ có một điều mừng là sân bay đã trang bị xe nâng rất mới.

Trên đường về thành phố Đà Lạt, tôi tiếp tục nhìn ra hai bên đường. Lúc đó, trời đổ mưa, ở giữa đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt tôi lại thấy hoa Hoàng Anh nở rộ thay cho màu hoa tôi mong gặp lại. Thì ra, mùa mưa năm nay kéo dài hơn cho nên hoa dại bên đường vẫn còn ngủ yên lúc tôi trở lại.

Thấm thoát đã gần một năm trôi qua. Hôm qua ngồi trên taxi nhìn ra đường, tôi thấy một cô gái mặc chiếc áo có màu vàng giống màu hoa dại ở Đà Lạt năm trước. Tiếc rằng tôi không thể nhớ nỗi tên hoa là gì. Đó là biểu hiện của tuổi già vì chỉ mới một năm tôi đã quên. Gọi điện hỏi Nhân, anh nói: “Đó là hoa Quỳ, nhiều người hay gọi là hoa Dã Quỳ”. Nhân còn nói đùa: “ Nhiều ông đi với bồ nhí lên thăm Đà Lạt thường mang hoa này về tặng các cô vợ già vì “Giả Quỳ” là “Quỷ Gìa”.

Bất ngờ Cam Ranh

Phía Bắc bán đảo Cam Ranh là một dải cát trắng, nơi tôi là một trong những người đầu tiên khai phá khi hòa bình lập lại từ sau năm 1975.

Hồi đó, chúng tôi lập luận chứng kinh tế kỹ thuật để xin Hội đồng Bộ trưởng cấp phép cho tỉnh Khánh Hòa xuất khẩu cát trắng. Lúc đất nước còn bị cấm vận, một chuyến tàu cát trắng xuất qua Đài Loan, Hàn Quốc chỉ mang về vài trăm ngàn đô la Mỹ nhưng quý hóa vô cùng. Cũng nhờ việc này, chúng tôi có dịp tiếp cận thương lái nước ngoài và được lãnh đạo chính quyền địa phương ưu ái. Tôi được tháp tùng Phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Văn Trung sang Đài Loan dự hội nghị kêu gọi đầu tư và làm việc với đối tác để lập nhà máy tuyển rửa cát ở Cam Ranh.

Rời Khánh Hòa năm 1994, đến năm 2007, tôi lại có dịp đáp máy bay xuống sân bay Cam Ranh để đón Đại sứ Mỹ Michael Marine rồi đi cùng ông thăm tỉnh Khánh Hòa. Tôi còn nhớ sau khi tham quan khu du lịch Bãi Dài, trở về văn phòng ủy ban Tỉnh, vừa ngồi xuống Đại sứ đã nói ngay: “Tôi sắp về hưu, muốn mua một lô đất ở Bãi Dài để làm nhà nghỉ được không?” Lãnh đạo tỉnh ghi nhận yêu cầu, nhưng trả lời phải xin ý kiến ngoài Trung ương.

Tháng 12 năm 2013, tôi lại về Cam Ranh để làm lễ động thổ khu biệt thự Riviera Beach Resort do Hòa Bình thi công. Lúc đó, nguyên một dải đất từ sân bay đến chân núi Cù Hin, gần như đây là công trình đột phá chỉ sau Mia Resort.

Tuần trước tôi trở lại Cam Ranh, ở ngay căn biệt thự sát biển của Riviera Beach Resort do đồng nghiệp chúng tôi xây dựng cách đây hơn ba năm. Hết sức ngạc nhiên, một vùng cát trắng như hoang mạc giờ đây được phủ xanh với những hàng dừa và cây cảnh. Đêm mưa văng vẳng tiếng ểnh ương. Sáng thức dậy bởi tiếng chim hót. Tôi ngồi ở trong phòng nhìn ra biển đón ánh bình minh buổi sớm mai, nắng như dát vàng lên ngọn cỏ.

Theo lời một nhân viên, Riviera Beach Resort có khách quanh năm với tỉ lệ bình quân công suất phòng khá cao nhờ Công ty mẹ đã có kinh nghiệm tổ chức tour du lịch quốc tế nhiều năm. Hôm tôi đến ở, mặc dù vào thời điểm giữa tuần nhưng Resort đón khách rất đông, đa số đến từ Nga và Trung Quốc.

Tôi mừng cho Cam Ranh, mừng cho chủ đầu tư Riviera Beach Resort. Cảm ơn những người doanh nhân như anh Nguyễn Đức Chi, anh Đặng Hiếu … đã dám mạo hiểm biến vùng đất bỏ hoang trở thành dáng dấp một đô thị nghỉ dưỡng trung tâm ngang tầm quốc tế.
Hơn thế nữa, sân bay Cam Ranh đang được mở rộng xứng tầm để đón khách du lịch quốc tế đến từ các châu lục.

Tôi mong một lần trở lại cùng với đồng nghiệp của Tập đoàn Hòa Bình đóng góp sức mình để xây dựng Cam Ranh thêm giàu đẹp.

Chuyện Mạnh Tử

Hồi nhỏ, tôi được nghe chuyện Mạnh Tử lúc thiếu thời: Mẹ của ông rất nghèo, nhưng muốn ông học hành để trờ thành một người tốt nên đã chuyển nhà sống gần trường học. Về sau, Mạnh Tử trở thành một đại học giả lưu danh muôn thuở ở Trung Hoa.

Lúc còn là một sinh viên, một hôm đang ngủ say, tôi nghe tiếng chị Thu gọi nhỏ, tay chị đụng vào người. Chị nói: ”Ba ơi! Có một người ngỏ ý muốn thương tau!”

Trời đã gần sáng, tôi nghĩ, có lẽ chị Thu đã trằn trọc suốt đêm, khi gần sáng mới dựng tôi dậy để vừa tâm sự vừa hỏi ý kiến. Chị cho biết, người ngỏ ý với chị là con trai của một bạn hàng mua trái cây ở các vườn nhà rồi bán lại cho chị. Tôi hỏi: ”Anh ấy ở đâu?” chị cho biết, nhà anh ở sau trường tiểu học Thế Dạ.

Lúc ấy, tôi liên tưởng đến câu chuyện Mạnh Tử liền im lặng không phản đối. Tôi còn nhớ lại chuyện hôn nhân của chị Vàng với anh Hoàng do bác họ tôi mai mối.

Bác họ tôi là một vị quan nhỏ của triều Nguyễn. Nghe nói, ông là bạn của cụ Phan Bội Châu. Hai người thường gặp nhau bàn về thời sự và hay dùng dịch lý Trạng Trình để nói về tương lai. Theo lời cha tôi, bác đã gieo quẻ để xem cho người con nuôi là anh Hoàng và đã thuyết phục cha tôi gả chị Vàng cho anh ấy.

Bác nói: “Không ai giàu ba họ. Không ai khó ba đời.”và giảng giải rằng không nên nhìn vào gia thế hiện tại để quyết định chuyện hôn nhân của con cái. Nghe lời, cha tôi đã “ép” chị Vàng lấy chồng. Ngay hôm đám cưới, chị ấy vẫn còn khóc tức tưởi.

Tiếp nối chuyện Mạnh Tử, vợ chồng chị Thu ngày nay vẫn sống sau trường Thế Dạ, vẫn tiếp tục mua bán trái cây, nhưng tất cả bốn đứa con đều học hành đàng hoàng. Tháng Sáu năm nay, đứa con út vừa tốt nghiệp đại học và có việc làm ngay.

Bạn có tin vào dịch lý không? Gia đình chị Vàng hiện nay rất vững vàng như lời phỏng đoán của bác họ tôi ngày trước. Mặc dầu anh chị vẫn bán khoai sắn và nuôi heo mỗi ngày nhưng con cái đều thành đạt, có đứa là bác sĩ, kỹ sư, thậm chí là tiến sĩ.

Đất lành chim đậu

Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong quy hoạch phát triển đô thị, nhưng đã không kiên định trong việc thực hiện. Khắp nơi ở nội đô các chung cư vẫn mọc lên như nấm. Các lô đất có diện tích lớn như trại lính của Việt Nam Cộng Hòa, kho hàng, chợ… ở các quận đã dần dần bị lấp đầy bởi các chung cư, trung tâm thương mại, văn phòng. Hậu quả là các con đường ở thành phố luôn bị nạn kẹt xe mặc dầu đã mở rộng hai bên hoặc làm cầu vượt ở những giao lộ đông đúc.

Mặt khác của việc quy hoạch cho thấy tính chủ quan trong việc phát triển. Chẳng hạn, những tòa cao ốc được xây bằng vốn của thành phố ở quận 2 lại không có người đến ở.

Tổ tiên ta đã có câu: “An cư lạc nghiệp”. Tuy vậy, trong quy hoạch cần vận dụng câu: “Đất lành chim đậu”. Rõ ràng, nhiều khu quy hoạch được xây bằng vốn nhà nước vẫn bỏ hoang nhan nhãn khắp nơi vì đã không được xây ở những nơi phù hợp với cuộc sống của người dân.

Việt Nam vẫn là quốc gia đi lên từ nông nghiệp. Tính cộng đồng, văn hóa làng xã, gia đình vẫn còn là nền tảng. Rất mong những nhà quy hoạch và chính quyền dựa vào yếu tố này để phát triển đô thị phù hợp với văn hóa và trình độ dân trí.

Đây cũng là đáp án cho việc giãn dân ở nội đô và vấn nạn giao thông đô thị của thành phố.

Saturday, May 13, 2017

“FAKEBOOK”

Trong hai tháng 4 và 5, tôi mất đi ba người bạn. Các bạn ấy ra đi đột ngột đến nỗi khi vợ tôi, Trúc báo tin cho anh Độ, cựu sinh viên khoa Sinh K1, bằng cách chỉ cho anh trang Facebook của Đại học Tổng Hợp Huế, anh gạt ngang nói đó là “Fakebook”, nghĩa là “Tin đểu”.
Anh Độ liền bốc máy điện thoại di động gọi vào máy hai bạn lớp Lý K1 là Trung và Hải. Cả hai máy đã bị đóng. Anh gọi cho hai bạn khác là Thanh và Cư, bạn cùng lớp với Trung và Hải, rồi mới chịu tin.
Tôi cũng bị sốc khi vợ tôi mở Facebook và báo tin buồn. Cách đây vài tháng, Trung uống cà phê với các bạn đã gọi cho tôi và hứa sẽ đưa các bạn nữ cựu sinh viên của các khoa Văn, Sử, Ngoại ngữ đến thăm tôi. Còn Hải đã đi cùng Cư và Hà tới thăm. Anh còn đùa giỡn tiếu lâm, giọng anh sang sảng. Khi cả ba đã về, cháu tôi nói, “Nhìn ba anh ấy to khỏe ghê”.
Thế mà Trung và Hải đã ra đi quá dễ dàng!
Chiều nay, lúc mở laptop, một tin nhắn từ Google bật lên chào tôi. Một đồng nghiệp cũ đang công tác ở Myanmar báo tin, bạn tôi là ông Tin Maung Win, người cùng tuổi, đã qua đời tháng trước. Hèn gì, mỗi lúc mở máy, tên Ông vẫn hiện ra, nhưng không thấy Ông online.
Cả ba người này đều rất dễ mến và đã ra đi rất thanh thản. Họ như những ngôi sao đã tắt, nhưng ánh sáng của những ngôi sao này vẫn đang tỏa sáng như bầu trời đầy sao mỗi đêm tối trời.
Tạm biệt những người bạn thân thương của tôi.

Lỗi tại mình

Cách đây vài năm, nhà tôi bỗng xuất hiện nhiều chuột. Ở bếp ga, chuột nhắt chui vào nằm sâu bên dưới bếp lò. Không may cho chúng, điện giật chết khiến mùi hôi bốc ra trong vùng bếp, vợ tôi tìm hoài vẫn không thấy. Ở phòng ngủ, chuột nhắt chui vào máy điều hòa, chúng cắn đứt dây điện làm máy bị hỏng. Ở ngoài sân, trước đây lúc mới làm nhà, kiến trúc sư để lại một dải đất để trồng cỏ. Chuột cống đào xới làm hang để sống. Chúng đông đến nỗi hàng đêm đuổi nhau kêu chít chít làm tôi mất ngủ. Vì thế, chúng tôi đã mở chiến dịch tìm và diệt.
Trận đánh đầu tiên là đối phó với lũ chuột ở trong bếp. Chúng tôi đặt bẫy, keo dính chuột và đã có kết quả bước đầu, bắt đươc một vài con. Chúng tôi phải mở tung bếp ga mới tìm thấy xác chuột chết khô và nhờ đó phát hiện được đường xâm nhập của địch thủ. Thì ra, những người thợ xây bếp đã lắp một ống thông hơi cho bếp. Ống này dẫn từ bếp lò xuyên qua tường thải khí ra bên ngoài. Lũ chuột đói ăn tìm thấy đường dẫn, chúng đã thâm nhập và đã gây ra những bực mình cho gia đình tôi. Ở phòng ngủ, chúng tôi phải kêu thợ điện lạnh đến sửa và làm tạm một vòng thép bao quanh thân máy điều hòa để chặn đứng đường vào của chuột. Thế nhưng, ống dẫn nước thải đẩy ra từ máy điều hòa vẫn bị nghẹt. Bí quá, thợ sửa máy phải nối tạm một ống dẫn nước thoát ra ngoài.
Cách đây hơn một năm, nhà tôi tiến hành sửa chữa, chúng tôi thay toàn bộ bếp và máy điều hòa mới. Nạn chuột nhắt cũng từ đó chấm dứt.
Ở phía ngoài sân, chúng tôi bỏ trồng cỏ và láng xi măng toàn bộ khoảnh đất trống, chỉ chừa lại hai ô trống vì có hai gốc hoa hoàng anh đang xanh tốt. Lũ chuột cống thiếu nơi cư ngụ, chúng bỏ đi gần hết. Tuy vậy vẫn còn một gia đình chuột cố nán lại bằng cách đào hang mới ngay ở gốc hoa hoàng anh gần cổng.
Giờ đây, mỗi ngày tôi một mình ngồi nhìn ra cửa, đôi vợ chồng chuột vẫn thản nhiên chạy qua lại. Thỉnh thoảng, chúng ngước mắt nhìn tôi, đôi mắt tròn xoe, sáng long lanh.
Rồi tôi chợt hiểu, lũ chuột không hề có lỗi. Thế nhưng, tôi đã đổ hết tội cho chúng và xem chúng là kẻ đã gây ra phiền toái, thậm chí tốn kém cho gia đình tôi.
Rõ ràng là lỗi tại mình mà tôi không nhận ra, lại đổ cho kẻ khác. Nếu như không có những đường ống đặt sẵn ở bếp và máy điều hòa thì những chú chuột nhắt đã không vào nhà. Tương tự, nếu không có khoảnh đất trống ngoài sân, lũ chuột cống đã không lấy làm nơi cư ngụ.
Từ đây, tôi nhớ lại từng kỷ niệm đau buồn trong đời và đã nhận ra tất cả những hậu quả đã gánh chịu là lỗi tại mình, do chính mình gây ra.
Tết năm Ất Mùi, một người bạn, anh Nhất Thống đến thăm đã tặng tôi cuốn lịch treo tường thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tờ lịch tháng 12, Thiền sư viết, “Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm”. Đã hai năm rồi, tôi vẫn giữ nó để mỗi ngày nhắc tôi phải suy nghĩ, nhận thấy, tưởng tượng ra kết quả, trước khi nói, viết hay hành động một sự việc gì. 

Kỷ niệm với hai người “bạn” Mỹ

Cuốn tự truyện đã xong, nhưng tôi vẫn còn áy náy vì chưa nhắc đến kỷ niệm với hai người “bạn” Mỹ, có lần đã tiếp xúc trong quá trình làm việc ở Tổng Lãnh sự Quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh. Đó là Thượng nghị sĩ John McCain và bà Luella Davis, Giám đốc các Trung tâm Tư liệu khu vực Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Người Việt chúng ta ai cũng biết Thượng nghị sĩ John McCain là tù nhân chiến tranh Việt Nam và hiện đang là Thượng nghị sĩ ở Quốc hội Mỹ. Ông có một cảm tình đặc biệt với Việt Nam. Thời kỳ tôi còn làm việc ở Tổng Lãnh sự Quán, đã có nhiều lần Ông đến thăm Việt Nam. Tuy nhiên, duy nhất một lần tôi được nói chuyện trực tiếp với Ông.
Hôm đó, sau khi thăm Tây Nguyên về, phóng viên hãng Thông tấn AP hẹn lịch phỏng vấn Ông ở văn phòng Tổng Lãnh sự. Lúc đó, ông Tổng Lãnh sự Seth Winnick đang đi nghỉ ở nước ngoài. Sếp của tôi cũng đi vắng. Chúng tôi mượn phòng làm việc của Ông Tổng Lãnh sự để cho Thượng nghị sĩ ngồi tạm trong thời gian phỏng vấn. Một cán bộ ngoại giao Mỹ và tôi ngồi ngoài cửa để canh chừng giữ im lặng và theo dõi cuộc phỏng vấn.
Tôi có một người bạn cùng làm việc từ năm 1982 ở Xí nghiệp Khảo sát Thiết kế Giao thông Phú Khánh là anh Phan Ngọc Toàn. Toàn hay đến gặp tôi để tâm sự về chương trình định cư qua Mỹ theo luật McCain sửa đổi. Toàn là con trai của một Chủ tịch hội đồng tỉnh Bình Định trước năm 1975. Sau khi học tập 9 năm, cha Toàn và gia đình được di dân qua Mỹ. Toàn lấy vợ ở thành phố Hồ Chí Minh. Do Toàn không có tên trong hộ khẩu nên bị kẹt lại. Nhờ Thượng nghị sĩ McCain xin Quốc hội Mỹ sửa đổi luật McCain nên những người kẹt lại như trường hợp của Toàn tiếp tục được theo cha mẹ vào Mỹ.
Lúc Thượng nghị sĩ McCain phỏng vấn xong, Ông bước ra cửa. Tôi đứng dậy buột miệng nói, “Thưa Ông nghị sĩ, tôi đã chăm chú nghe Ông nói về những đóng góp cho quan hệ hai nước Việt – Mỹ. Tôi rất cảm ơn Ông. Tuy nhiên, tôi nghĩ là Ông còn nói thiếu một điều quan trọng.”
Nghe tôi nói xong, Thượng nghị sĩ tỏ vẻ ngạc nhiên. Tôi nói ngay, “Ông chưa nói về luật McCain sửa đổi. Nhờ nỗ lực của Ông mà rất nhiều bạn trẻ người Việt Nam được đoàn tụ gia đình. Thay mặt họ, tôi xin cảm ơn Ông”. Thương nghị sĩ rất vui, Ông nói, “Đúng rồi! Tôi quên.”
Sau lần gặp này, trở lại văn phòng tôi bị một đồng nghiệp Mỹ phê bình vì đã dám nói chuyện trực tiếp với Thượng nghị sĩ. Tuy vậy, tôi chống chế, “Tôi xin lỗi vì không hiểu quy tắc ngoại giao. Nhưng cô vẫn thấy đấy, Ông nghị sĩ rất vui khi nghe tôi nói chuyện.”
Cũng cần nói thêm một chút về Toàn. Toàn đã ở lại Việt Nam vì hồ sơ bảo lãnh của cha mẹ Toàn chưa xong thì cả hai đều mất.
Người Mỹ thứ hai để lại cho gia đình tôi ấn tượng đẹp, đó là bà Luella Davis.
Mỗi năm một lần, bà Luella Davis đến Trung tâm của chúng tôi để vừa kiểm tra công việc vừa huấn luyện chuyên môn. Những lần như thế, chúng tôi thường tạo điều kiện cho Bà tiếp xúc với cơ quan Việt Nam ở các trường đại học và thư viện tỉnh. Bà Luella Davis là người Mỹ gốc Phi. Tôi tìm thấy ở Bà sự khiêm tốn và chân tình nên đã cố gắng tìm cách đưa Bà đi xa tận Huế, Đà Nẵng và cả Đà Lạt. Sau mỗi lần tập huấn, tôi thường bố trí cho Bà đi thăm thư viện và thưởng thức những món ăn địa phương.
Một lần đi thăm Huế, tôi đưa Bà đi ăn ở quán Không Gian Xưa. Bà rất ngạc nhiên vì phát hiện thức ăn ở Huế có vị cay giống ở Thái Lan. Tuy nhiên, Bà khen món mực một nắng ở Việt Nam ngon hơn nhiều nơi Bà đã đến.
Một lần khác, Bà thăm và làm việc ở Đại học Đà Lạt. Lúc tôi đưa Bà đến thư viện tỉnh Lâm Đồng, Bà rất cảm động vì phát hiện những quyển sách cũ trước năm 1975 vẫn được bảo quản tốt và dấu USIS màu đỏ vẫn còn y nguyên. Sau đó, cán bộ thư viện, anh Thắng đưa Bà đi ăn trưa. Tôi chọn món gà nướng ống tre ăn với xôi. Bà rất thích.
Rời Đà Lạt bằng máy bay. Lúc chia tay ở sân bay Tân Sơn Nhất, Bà kéo tôi lại nói, ”Tôi hiểu rồi!”. Tôi ngạc nhiên trố mắt nhìn Bà. Không để tôi hỏi, Bà nói, “Tôi đã hiểu vì sao nước Việt Nam của anh lại bị nhiều lần chiến tranh xâm lược đến thế! Vì đất nước anh đẹp tuyệt vời!”.
Nhiều năm sau, tuy không còn làm việc với nhau, Bà vẫn sẵn lòng đón vợ tôi và đưa đi tham quan ở San Jose lúc Trúc sang Mỹ thăm con gái Mỹ Ngọc đang học ở đại học Houston, Texas. Thỉnh thoảng, giờ đây chúng tôi vẫn còn liên lạc với nhau qua Facebook. 

Thursday, April 27, 2017

Ly cà phê của anh Hưng


Làm việc ở Hòa Bình, tôi rất ấn tượng về Cố vấn Ban Tổng Giám đốc Lê Viết Hưng, người đã gắn bó với Hòa Bình từ khi thành lập công ty. Anh đã để lại rất nhiếu bài học về đối nhân xử thế đối với CBCNV, từ những thành viên kỳ cựu đến nhân viên mới gia nhập vào Hòa Bình, nhất là câu chuyện ly cà phê của Anh.
Trong 30 năm phụ trách công tác quản trị và điều động nguồn nhân lực, mỗi khi có vấn đề nhân sự, Anh thường chia sẻ với họ qua ly cà phê do Anh mời.
Bên ly cà phê đậm đà buổi sáng, hay buổi trưa nồng, Anh đã tìm được nhiều lời giải để chia sẻ với nhân viên về những gút mắc của họ trong công việc, những khó khăn mà họ gặp phải, hay những đề xuất mà họ chưa dám đưa ra. Anh cũng đã lắng nghe những tâm tư của anh em CBCNV, thấu hiểu cuộc sống, công việc của họ để có những lời động viên phù hợp. Không ít lần, những cuộc nói chuyện thân mật và đơn giản với nhân viên giúp Anh hóa giải nhiều vấn đề phát sinh.
Cũng từ ly cà phê chia sẻ này, mà trong suốt ba thập kỷ làm công tác nhân sự, Anh chưa bao giờ ký quyết định buộc thôi việc một nhân viên nào. Từ sự chia sẻ thân tình, đối tượng sẽ hiểu và tự làm đơn xin thôi việc bởi nhận ra sự không phù hợp của mình trong guồng máy hoạt động của công ty.
Đó là một trong những nền tảng đạo đức văn hóa mà Hòa Bình xây dựng để CBCNV luôn ghi nhớ trong hành xử của mình, dựa trên cái Tâm của sự chân thành, cái Tâm trong công việc. Anh nói, “Các hình thức khiển trách về hành chính là cần thiết mạnh mẽ hơn, nhưng không thể thu phục nhân tâm của mỗi người bằng chính cách hành xử văn hóa, đạo đức của mình.” Và mỗi lần nghe lại những cuộc nói chuyện của Anh với các nhân viên trong công ty, tự tôi đã thầm cảm phục.
Theo tôi, nếu con người có thể xác và linh hồn, doanh nghiệp cũng mang trên mình hai yếu tố đó. Từ những trải nghiệm đã qua ở ngân hàng ACB, đến làm việc ở Tập đoàn Hòa Bình, tôi càng thấy cảm nhận này là thật. Và quả không ngoa nếu tôi gọi anh Lê Viết Hưng là linh hồn của Hòa Bình. Hầu như mọi suy nghĩ, hành động của Anh đều dồn hết cho Công ty. Nhất là những khi doanh nghiệp gặp khó khăn vì vấn đề chi phí hoạt động tăng cao hay gặp sự cố về an toàn lao động. Những lúc như thế, Anh gần như không ngủ vì những tin nhắn của Anh đến Ban Điều hành đều phát đi vào những giờ mọi người đang say giấc.
Và một câu chuyện khác, về cái Tâm trong sáng của anh Lê Viết Hưng, lúc Anh vì lý do sức khỏe, không thể tiếp tục giữ cương vị quan trọng ở Hòa Bình, Anh đã tặng cho anh Lê Viết Hải 500.000 cổ phiếu. Tuy nhiên, anh Lê Viết Hải đã cảm ơn và muốn đưa số cổ phiếu này làm chi phí tặng thưởng cho anh chị em CBCNV Hòa Bình có thâm niên gắn bó và làm việc có hiệu quả. Điều làm tôi thật sự xúc động, là những anh chị em có liên quan đều xin phép không nhận phần thưởng này, mà muốn đưa số cổ phiếu làm chi phí hoạt động công ty hay Quỹ hỗ trợ Giáo dục Lê Mộng Đào. Anh Lê Viết Hưng sau khi biết câu chuyện đã rất cảm động bởi tính cách chân tình của anh chị em CBCNV vì sự phát triển chung của công ty, không nhận những giá trị mà không tự mình làm ra.
Tập đoàn Hòa Bình mỗi năm mỗi lớn mạnh. Bộ phận quản lý nguồn nhân lực đối mặt với những thách thức rất lớn, khi mà tổng số CBCNV và công nhân thầu phụ tăng lên trên 20.000 người trải rộng khắp cả nước.
Việc quản lý nguồn nhân lực giờ đây đòi hỏi phải sử dụng giải pháp công nghệ thông tin và những kỹ năng hiện đại khi doanh nghiệp tiến hóa sang giai đoạn quản trị chuyên nghiệp. Tuy vậy, theo tôi, nền tảng văn hóa doanh nghiệp lấy con người làm trung tâm của sự phát triển mà anh Hưng đã ươm mầm vẫn mãi mãi tồn tại ở Hòa Bình.