Sunday, December 01, 2013

Chuyện người bán đinh



Ông anh họ của tôi vốn con nhà nho học. Tuy vậy, vào thời kỳ cuối của triều Nguyễn, người Pháp sau khi chiếm xong Nam kỳ và Bắc kỳ đã đặt triều đình Huế vào cảnh làm vua của một nước bị đô hộ.  Trước tình cảnh Nho học suy tàn, Tây học lên ngôi, anh tôi bỏ học chữ Nho sang học nghề làm guốc.

Theo tiếng gọi hoàng triều cương thổ, anh tôi theo đoàn người di dân lên Đà Lạt lập nghiệp. Oái ăm thay, Đà Lạt là xứ lạnh, đất dẽo lại lầy lội do nhiều mưa, người đi guốc vừa không ấm chân lại thêm dính đất nên guốc dễ đứt quai. Nghề ngỗng của ông anh tôi xem như chấm hết. Túng thế, anh chuyển sang làm nghề sửa giày dép cho qua được cơn bỉ cực. 

Một ngày Chủ nhật nọ, ngồi bên hè phố Đà Lạt sửa giày cho khách, nhìn sang bên kia đường, anh quan sát một tiệm bán hàng vật liệu xây dựng đang tấp nập người mua.  Đa số là người dân tộc ở các vùng xung quanh Đà Lạt, có lẽ sau khi đi lễ nhà thờ Thiên Chúa, tranh thủ mua dụng cụ để đi rừng hoặc sửa chữa nhà cửa. Anh chợt  nghĩ, “Sao mình không bán mặt hàng này?”

Một tháng sau, vay được một thành viên khác trong gia đình một khoản tiền lớn, anh quyết định thuê nhà, mở tiệm phía đối diện bán hàng vật liệu xây dựng gồm các loại đinh ốc, lưỡi cưa, bản lề cửa, lưỡi rìu, đục, bào, búa các loại.... Hơn hai tháng trôi qua, tiệm vật liệu xây dựng của anh chẳng mấy khách đến mua. Tiền thuê nhà, lãi vay, hàng hóa bị ứ đọng không biết lấy đâu ra tiền măt để trả.  Nhìn sang bên kia đường, đám đông mua hàng hình như một ngày một đông, càng thêm áp lực khôn tả.  Bỗng dưng ông nghĩ ra một sáng kiến.  Sáng Chủ Nhật sau đó, như thường lệ, cửa hàng bên kia đường vẫn đông khách.  Bỗng nỗ ầm một tiếng, đám khách bên kia đường hết thảy quay lưng nhìn qua quán của ông bên kia đường.  Thôi thì đinh ốc, lưỡi cưa văng tung tóe khắp mặt đường. Theo quán tính, người đi đường, ai nấy xúm lại nhặt giúp để vừa khỏi cản trở giao thông vừa khỏi dẫm đinh khi đi qua đoạn đường này. Nhiều người gạ hỏi mua hàng, ông tranh thủ bán với giá vừa phải để làm quen.

Vài tuần sau, khách quen quay trở lại mua hàng. Họ cho biết hàng họ của cửa hàng ông dùng cũng tốt không thua kém với cửa hàng bên kia đường nhưng giá tốt hơn nên sẽ giới thiệu thêm bà con dân tộc đến mua. Hàng hóa bán chạy, cuộc sống của gia đình ông trở nên khấm khá hơn trước.

Ngoài bí quyết nói trên, khi bán đinh ông còn học cách cân hàng sao cho người mua thoải mái.  Ông nói, ai cũng muốn tăng thêm chứ không thích giảm bớt.  Để tạo tâm lý này, mỗi khi cân đinh cho khách, ông bốc một lượng hàng xấp xỉ trọng lượng cần bán, sau đó thêm dần vào cho đủ. Ngoài ra, khi khách hàng mua số lượng lớn, thay vì trích chiết khấu ông thường tặng thêm hàng cho khách. Những kỹ năng bán hàng này tuy nhỏ nhưng đã giúp ông tạo ra một cơ nghiệp khấm khá để tạo cho con cái có nền tảng giáo dục vững chắc so với thời gian khó của ông.