Tuesday, February 19, 2013

Đổ vỡ vì quá thành công

Ngày mồng 6 Tết, nghe lời thầy phong thủy, tôi theo đoàn công tác xuất hành hướng Nam để công việc làm ăn được hên cả năm.  Tuy vậy, sau chuyến đi này, đến ngày hôm nay, đã “hết mùng” mà lòng tôi vẫn trĩu nặng. Chia sẻ câu chuyện đầu năm cùng cộng đồng trên blog doanh nhân dưới đây cũng là cách xả stress.  Nhưng, hơn thế nữa, tôi mong mỏi được chia sẻ cùng cộng đồng doanh nghiệp một tình huống kinh doanh đầy kịch tính và cũng khó tin vì sự đổ vỡ của một doanh nghiệp lại xuất phát từ việc quá thành công trong  kinh doanh.  Vì chuyện tế nhị, tên nhân vật trong câu chuyện này chỉ là hư cấu.

Vào những năm đầu 1990, khi Việt Nam theo đuổi chính sách mở cửa kinh tế, đón các công ty ngoại quốc vào đầu tư, nhiều nhà khoa học và những người với vốn ngoại ngữ tốt có nhiều cơ hội tiếp xúc với các công ty nước ngoài. Xuân là một trong số những người đó. Cô tốt nghiệp Đại học Khoa học ở Sài Gòn, lại có mẹ là cán bộ cao cấp, lão thành cách mạng, nên được cấp trên yên tâm bố trí làm việc với đối tác nước ngoài, là một công ty chuyên kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng kỹ thuật cao.

Qua nhiều lần tiếp xúc và được tin tưởng, phía đối tác đề nghị Xuân đứng ra thành lập liên doanh sản xuất hàng hóa của họ tại Việt Nam.  Xuân quyết định nghỉ việc nhà nước, thành lập công ty tư nhân vốn tỷ lệ 30/70. Phía Xuân chủ yếu là góp mảnh đất vài ngàn mét vuông ở ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh do tổ tiên của cô để lại.

Liên doanh làm ăn vô cùng thành đạt. Do lấy nguồn nguyên liệu tốt từ công ty mẹ ở một quốc gia tiên tiến, các sản phẩm sau khi đưa vào môi trường thiên nhiên Việt Nam khảo nghiệm đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Công ty có biểu đồ tăng trưởng doanh số bình quân trên 60% một năm.  Lợi nhuận thu về còn tốt hơn theo kiểu “một vốn, bốn lời”.  Phía nước ngoài rất hoan hỉ vì cứ một đồng lợi nhuận họ chia về cho công ty mẹ ở nuớc mình đến 70%. Xuân được phía đối tác kính trọng với nhiều lời khen cao quý. Chẳng hạn như “Hoàng hậu” của ngành kinh doanh này trên thế giới.  Liên doanh còn nhận được bằng khen của Bộ Chủ quản, của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và lọt vào Top 40 thương hiệu do một tạp chí có uy tín tổ chức. Trước thành quả kinh doanh quá thành công này, công ty mẹ đã trình lên chính phủ của mình để xin hỗ trợ vốn ưu đãi nhằm mở rộng sản xuất, nghiên cứu và bán hàng ở thị trường tiêu dùng hấp dẫn của gần 90 triệu dân này.  Kết quả là một nhà máy hiện đại, đầu tư khép kín, thiết kế theo công nghệ châu Âu được dựng lên trong một khuôn viên đất sản xuất khoảng 20 hec-ta.

Câu chuyện tốt đẹp này chưa kết thúc nếu Xuân không bị xãy ra sự cố về sức khỏe. Qua tuổi ngũ tuần, phụ nữ hay nam giới thường nảy sinh sự cố “đột quỵ” do làm việc quá tải.  Chứng bệnh tai quái này đã khíến cô phải ngừng công việc một thời gian. Công ty được ủy quyền cho một Việt Kiều cũng là người thân của Xuân đề cử để quản lý.

Là một người được lớn lên trong môi trường giáo dục đề cao tính minh bạch trong kinh doanh. Dưới sự điều hành của Mike, công ty liên doanh hầu như không che dấu bất cứ một giao dịch nào từ khâu khảo nghiệm nguyên liệu đến chế biến và phân phối thành phẩm. Qua số liệu báo cáo tài chính, phía đối tác nước ngoài hết sức ngạc nhiên vì nhận ra rằng công ty liên doanh của họ chỉ là một mắt xích trong khâu sản xuất và chế biến sản phẩm. Từ nhiều năm qua, Xuân đã thành lập hai doanh nghiệp sân sau làm nhiệm vụ khảo nghiệm sản phẩm để tìm cách nắm lấy nguồn nguyên liệu gốc. Sau khi khảo nghiệm xong, sản phẩm được giao cho liên doanh để đưa vàp sản xuất. Thành phẩm của liên doanh lại được kín đáo bán cho một công ty sân sau khác của Xuân để phân phối trên thị trường.
Theo một thông tin chưa kiểm chứng, lợi suất của khảo nghiệm đầu vào khoảng 50% và lợi suất của khâu phân phối không dưới 30%!  Không rõ có phải vì lý do này hay không, công ty đối tác ngoại quốc nằng nặc đòi chấm dứt hợp tác kinh doanh, giải thể doanh nghiệp.  Xuân đứng trước hoàn cảnh này phải đồng ý đề nghị giải thể doanh nghiệp vì cô là đối tác có số vốn góp nhỏ.  Tuy vậy, cô vẫn ấm ức vì cho rằng  nếu không có các doanh nghiệp sân sau này, phía liên doanh không thể đủ sức cáng đáng hết các khâu trong dây chuyền sản xuất để tạo ra các sản phẩm có giá trị cho doanh nghiệp. Hơn nữa, việc được chia lời theo tỷ lệ 30% là chưa tương xứng với giá trị đóng góp của mình.
Ai đúng, ai sai, tôi cần thêm thông tin để phán xét. Tuy vậy, đứng truớc một nhà máy và cơ ngơi sản xuất hiện đại giá trị hàng triệu đô la Mỹ, nhưng vắng lặng như tờ như thế, làm sao ai có thể vui được trong những ngày xuân này.

Sunday, February 10, 2013

Chuyện phải - trái

Tháng cuối năm vừa rồi đi thăm Yangon, tôi rất ngạc nhiên về thái độ hành xử của nhà cầm quyền xứ này về chuyện ô tô tay lái phải, tay lái trái.  Số là ở Myanmar chính quyền cấm xe máy ở nội thị Yangon. Từ giá một vài trăm ngàn đô la Mỹ trong thời cấm vận, một chiếc ô tô, nay chỉ còn vài chục ngàn, thậm chí vài ngàn đối với xe đã qua sử dụng, đa số nhập từ Nhật. Khi thấy xe ô tô tay lái phải, tay lái trái, đều chạy bon bon trên đường, tôi hỏi, ”Sao chính quyền ở đây không cấm tay lái nghịch?” Một người bạn Myanmar trố mắt nhìn tôi, “Sao anh lại bảo là tay lái nghịch? Tay lái ở bên phải hay ở bên trái đều dùng để điều khiển ô tô thôi mà. Miễn sao xe chạy đúng luật giao thông là được.”

Một góc phố Yangon
Đến đây, tôi chợt nhớ lại, một thời làm trong ngành giao thông ở tỉnh Phú Khánh, nay tách lại như cũ, thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, nhà máy đại tu ô tô Phú Khánh  rất tự hào quảng bá thành thích “Chuyển đổi tay lái nghịch”. Không ít sáng kiến xung quanh việc tạo ra các chi tiết cơ khí để đưa toàn bộ vô lăng của các xe ô tô chở khách nhập từ Nhật ở phía phải sang bên trái.  Một công việc khá tốn kém nhưng chẳng giải quyết việc gì khác hơn ngoài việc điều khiển chiếc ô tô di chuyển.  Hơn nữa, trên thế giới chẳng ai gọi là tay lái thuận, tay lái nghịch như ở nước ta, vì không riêng gì ở Myanmar, ở Nhật Bản tay vô lăng ô tô đều nằm bên phải. Qua chuyện này, tôi nhận ra một kinh nghiệm, tay lái trái-phải đều có thể chấp nhận được vì chúng đạt mục tiêu cơ bản là giúp ô tô chuyển động để vận chuyển hàng hóa hay hành khách mà thôi.
Nói thế chứ mỗi người chúng ta đều có thói quen nghiêng về một phía. Cách đây nhiều năm, tôi được tham gia một khóa tập huấn về quản lý, ông thầy phát cho mỗi người một bức vẽ đen trắng. Ông hỏi học viên,”Các anh chị thấy gì trong bức tranh đó?” Xoay bức vẽ theo chiều dọc, tồi xoay bên chiều ngang, tôi nhận ra bức tranh vẽ một mụ phù thủy vừa già vừa xấu xí.  Hứng chí, tôi la lên như thể Archimedes tìm ra sức đẩy của nước. Một lát sau, một học viên khác đưa tay, cô ta chỉ ra cho cả lớp rằng bức ảnh vẽ một nàng tiên xin đẹp.  Quả vậy, bằng sự hướng dẫn của cô bạn cùng lớp, tôi cũng nhận ra rằng người họa sĩ đã vô cùng tài tình, thể hiện một nàng tiên vô cùng xinh đẹp.  Ông thầy kết luận, “Cùng một bức tranh, chúng ta người nhìn thấy nàng tiên, người khác nhận ra bà phù thủy.” Vì thế, trong quan hệ xã hội, nhất là trong kinh doanh, chúng ta cần chấp nhận sự khác biệt vì góc nhìn của người khác không giống như chúng ta.  Đôi khi chính sự phiến diện này nảy sinh chủ quan làm cho chúng ta đánh mất cơ hội từ việc khai thác lợi thế của phía kia. 
Sau này tôi có dịp chiêm nghiệm lời thầy dạy. Nhà tôi ở ngay đầu hẽm, phía phải và phía trái láng giềng mở hai quán cà phê cóc.  Mỗi ngày, mới 5 giờ sáng, tiếng cười nói đã rộn rã. Nếu không dậy sớm cùng thời điểm để tập thể dục mỗi buổi sáng, ắt tôi phải bực mình lắm vì tiếng ồn làm tôi mất ngủ. Tôi là người thuận tay phải, mỗi buổi sáng, sau khi tập thể dục về, ghé quán bà Chín, phía tay phải, uống một cốc cà phê sữa nóng, đọc qua hai tờ báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ trước khi đi làm, lâu ngày đã thành thói quen thường nhật. 
Tuy vậy, một ngày nọ, khi quán bà Chín bận rộn, tôi ghé quán Kim Tuyến, phía tay trái, và rất ngạc nhiên khi được phục vụ một cốc cà phê sữa đậm đặc, ngon không thua kém gì quán bà Chín bên phải và cũng cần kể thêm, quán bên trái này báo đọc còn phong phú các hơn cả quán bên phải.
Từ những chuyện nho nhỏ kể trên, tôi rút ra kết luận:  cạnh tranh nhau để thu hút khách làm cho dịch vụ của hai quán cà phê cóc của láng giềng bên phải và bên trái nhà tôi tốt lên. Còn tôi, “bán bà con xa, mua láng giềng gần”, cỏn con như chuyện uống cà phê sáng, bên phải hay bên trái, tôi đều phải cân nhắc điều chỉnh thói quen, chấp nhận sự tồn tại của hai quán phía phải và phía trái sao cho đẹp lòng cả hai cô chủ.