Sunday, February 26, 2012

Tham gia hiệp hội để làm gì?

Trong một dịp tham dự họp mặt cuối năm do Chi nhánh Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Chi nhánh phía Nam tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh, một đại biểu chi nhánh hiệp hội đến từ tỉnh Bình Thuận đã cung cấp một chi tiết để chứng minh cho những khó khăn của các công ty xây dựng tỉnh của ông trong năm 2012.  Theo ông, toàn tỉnh có gần 200 công ty xây dựng, đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thế nhưng ngân sách xây dựng của toàn tỉnh chỉ có chừng vài trăm tỷ đồng. Theo ông, đây là lúc cần tiếng nói của hiệp hội trong việc phân chia nguồn lực ít ỏi này để tránh bất bình đẳng trong đấu thầu.  Hiệp hội cũng cần có tiếng nói với chính quyền trong việc tìm ra những dự án trọng điểm, khả thi để tập trung nguồn lực, thay vì đầu tư dàn trải như trước đây.

Một đại biểu khác là chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty xây dựng lớn nhất nhì thành phố HCM cũng nêu ra những khó khăn của công ty ông trong việc tham gia đấu thầu và nhắc đến vai trò của hiệp hội.  Ông cho biết, các công trình nhận thầu của công ty trước đây là những dự án quy mô lớn và đa phần là do chỉ định thầu nhờ vào uy tín thương hiệu.  Tình hình cạnh tranh càng cao, các chủ đầu tư có nhiều lựa chọn.  Kinh tế khó khăn chủ đầu tư lại quan tầm nhiều hơn đến giá cả trong việc chọn nhà thầu thi công. Công ty của ông hiện đang đối mặt với nhiều thách thức. Chẳng  hạn, với tỷ lệ thắng thầu chừng 10%, nghĩa  là cứ 100 công trình đấu thầu, chỉ có chừng 10 công trình trúng thầu.  Nếu công ty có 30 dự án đang thi công, đội ngũ phòng dự thầu đã phải tham gia đấu thầu tương đương 300 công trình.  Khối lượng công việc làm hồ sơ dự thầu sẽ như núi, không thể có đủ nhân lực gồm kỹ sư, chuyên viên kinh tế xây dựng để tham gia.  Hơn nữa, chi phí quản lý sẽ tăng và nếu chọn các dự án quy mô nhỏ để tham gia đấu thầu, công ty phải cạnh tranh với hầu hết các doanh nghiệp trong ngành (hiệp hội).  Vì thế, công ty của ông quyết định chuyển hướng sang mảng hạ tầng, công nghiệp vì quy mô những dự án này lớn nhưng việc làm hồ sơ dự thầu có thể đơn giản hơn mảng xây dựng dân dụng nhiều.  Ông tâm sự, nhiều lúc ông định nhờ hiệp hội đứng ra tổ chức cho các nhà thầu tổng hợp trong nước cùng ngồi lại để bàn thảo kế sách đấu thầu, vì theo ông, “mấy ông nhà thầu trong nước đấu nhau, người sứt đầu, kẻ mẻ tráng. Rút cục, các dự án thi công lớn đều rơi vào tay nhà thầu ngoại quốc.”
Nhớ lại, trước đó, trong một lần làm việc với nhà tư vấn KPMG, ông John Ditty, tổng giám đốc KPMG  có gợi ra một ý rất hay. Ông nói, khi kinh tế khó khăn, nhà thầu đứng trước rủi ro rất lớn trong việc thu hồi nợ từ các chủ đầu tư.  Vì thế, nếu thông qua hiệp hội có thể cùng nhau thỏa thuận một mức tạm ứng cao hơn tỷ lệ thông thường. Như thế, vừa không vi phạm luật chống độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh mà còn bảo vệ được các nhà thầu khỏi nguy cơ thiếu vốn hoạt động khi chủ đầu tư chậm thanh toán có thể dẫn đến phá sản các nhà thầu xây dựng.

Vai trò hiệp hội mỗi nước mỗi khác nhưng xét ra rất cần để tham gia. Chẳng hạn, tại hội nghị liên hiệp nhà thầu ASEAN (ACF), chủ tịch liên hiệp nhà thầu ASEAN và nguyên chủ tịch hiệp hội nhà thầu Philippines (PCA), Jorge Consunji chia sẻ kinh nghiệm trong việc sử dụng sức mạnh của hiệp hội.  Ông cho biết, với quá trình hơn 50 năm kinh nghiệm, PCA đã tham vấn cho chính phủ điều kiện gia nhập WTO của Philippines rằng nhà thầu xây dựng các nước khác chỉ được đưa công nhân, kỹ sư vào tham gia dự án  ở Philippines với điều kiện vốn của các dự án do quốc gia đó tài trợ. Đây là một điều kiện để hạn chế cạnh tranh không cân xứng khi nhà thầu trong nước yếu về vốn và Philippines là nước đông dân, cần bảo vệ công ăn việc làm cho người dân trong nước. Trái lại, tại hội nghị lần thứ 4 hiệp hội nhà thầu Malaysia ở Kuala Lumpur vừa qua, các nhà thầu nước này phàn nàn rằng các dự án thi công lớn đều lọt vào tay các nhà thầu Hàn Quốc, Nhật…nhờ giá thấp trong khi Malaysia vẫn rất cần tạo công việc làm cho lao động có kỹ năng.
Khi ôn lại những câu chuyện kể trên, tôi thật sự lo lắng cho các nhà thầu Việt Nam. Với lãi suất vay vốn trong nước cao ngất trời, nguồn vốn tự có chưa tích lũy đủ lớn, công nghệ thi công còn chưa làm chủ một cách chắc chắn, làm thế nào các nhà thầu nội có thể đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các nhà thầu quốc tế.

Sunday, February 19, 2012

Kuala Lumpur National Museum

National Museum in KL
Photo souvernir with Chairman of ACF and President of MBAM

Public Private Partnership Conference

Sunday, February 12, 2012

Xa thương-Gần thường

Xa thương
Mang quốc tịch Mỹ, trở về Việt Nam làm việc từ năm 1991, đến nay anh Nhân đã qua lại Mỹ không biết bao lần. Vừa rồi, theo phái đoàn Việt Nam sang Mỹ công tác, khi đến sân bay Los Angeles, thấy lô gô của Việt Nam Airlines song hàng với các hãng máy bay quốc tế khác, anh mừng quá, kéo cả đoàn đến nhìn. Hết sức ngạc nhiên, anh Nhân kể, trên mặt các thành viên trong đoàn không có một chút xúc cảm nào.  Mấy ngày sau, trong một cuộc họp, vị trưởng đoàn, nửa thật nửa đùa, nói với toàn thể thành viên đoàn công tác, “Tôi thấy anh Nhân, còn yêu nước hơn cả chúng ta, là người mang quốc tịch Việt Nam và đang công  tác trong một công ty hàng đầu của quốc gia.”
Anh Nhân kể thêm, hồi năm 1979, khi xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc, gần 300 sinh viên Việt Nam biểu tình phản đối làm náo loạn cả trường đại học anh đang theo học ở Mỹ. May nhờ một vị quản lý cấp cao của trường can thiệp nếu không cả nhóm đã bị đuổi học.  Năm 1991, khi Việt Nam Airlines còn vận hành các loại máy bay do Liên Xô cũ sản xuất, các chuyến bay từ Thái Lan về Việt Nam, khách quốc tế không chịu đi, họ cứ nằm lì ở Bangkok, chờ chuyến bay của các hãng khác mới bay.  Sống chết có số, anh vẫn cứ về quê trên những chuyến bay đôi lúc chỉ có các tổ lái và vài hành khách.  
Nhân tâm sự, không chỉ mình anh mới là người yêu quê hương.  Câu chuyện trên đây chỉ là một trong vô số trường hợp minh chứng rằng khi đi xa, mỗi người chúng ta ai cũng nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn.  Rất nhiều người nỗ lực làm việc, học tập, vươn lên trong cộng đồng xứ người cũng vì lòng yêu quê hương, tha thiết đóng góp cho gia đình, lo tích cóp để về thăm quê hương khi có điều kiện. Nhiều người còn so sánh quê mình với xứ người rồi sinh lòng tự ái, quyết tâm vươn lên để không bị thua thiệt trên xứ người.
Gần thường
Chưa qua hết mấy ngày mồng của năm Nhâm Thìn, tôi đã nhận rất nhiều cuộc điện thoại báo tin tai nạn của vợ một người bạn hồi đại hoc. Chị này đi lễ chùa, trên đường về, khi băng qua đường thì bị xe máy tông ngã lăn trên đường gây chấn thương sọ não. Rất ngạc nhiên, các cuộc điện thoại đến từ  Buôn Mê Thuột, Đà Lạt, Quảng Trị, Nha Trang… không có cuộc điện thoại nào từ thành phố Đà Nẵng, nơi đang có nhiều người bạn của chúng tôi đang làm việc cùng với anh ấy.
Thấy tôi có vẻ trách các đồng liêu ở Đà Nẵng, một người bạn khác, đang công tác ở Lâm Đồng giải thích, “Có gì đâu, xa thương, gần thường, con người ta ai cũng thế mà.”  Tôi giật mình nhìn lại. Quả thế thật! Lấy những ngày Tết làm ví dụ. Người người đổ xô đi lễ chùa, đi thăm các sếp, nhưng ít người bước sang nhà láng giềng thăm hỏi nhau.  Bán bà con xa, mua láng giềng gần. Lời dạy của tiền nhân là thế nhưng ít ai nhận lấy.
Tệ “gần thường” còn xãy ra trong giáo dục, trong hành vi tiêu dùng. Các thạc sĩ, tiến sĩ của chúng ta được đào tạo ở các trường hàng đầu đôi khi không được lắng nghe, hoặc tuyển dụng với mức lương tương xứng chỉ vì là tóc đen, mắt nâu như đồng bào của họ.  Nhiều loại hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng không thua kém hàng nhập của ngoại quốc vẫn bị bán thấp giá so với hàng ngoại. Liệu chúng ta có thể thay đổi thói thường này không nhỉ?

Tuesday, February 07, 2012

Trích những lời hay của GS TS Trương Nguyện Thành

"Học vấn là con đường ngắn nhất để đưa một người không có gì tới thành công."
 Những yếu tố nào giúp một cậu bé lam lũ, nghèo khó từng bán thuốc lá dạo, cày thuê cuốc mướn ở đáy xã hội Việt Nam lột xác, đổi đời thành một nhà khoa học danh tiếng tại Mỹ? GS. Thành cho biết:
“Người đó có tiềm năng trời phú. Thứ hai, có môi trường giúp họ phát triển. Thứ ba, người đó có nhận thức được rằng mình có cơ hội đó hay không. Tiềm năng chỉ là khả năng, muốn đạt được thành công đòi hỏi phải có môi trường để phát triển. Môi trường không cho phép người đó phát triển, thì cũng không làm được.
 "Một con én không làm nên nổi mùa xuân. Tôi chỉ là người mở đường. Những người khác bước chân theo, làm cho con đường rộng ra, nhẵn thêm, dễ đi hơn.”
“Tôi chỉ có một lời nhắn nhủ với các sinh viên ở Việt Nam rằng trên đời cái gì cũng có giá phải trả. Nếu muốn thành công, phải chấp nhận trả cái giá đó. Thành công là một con đường đi chứ không phải là một điểm đích. Tôi không nói tôi đã thành đạt điều gì, chỉ là một con đường mà khi quay lại tôi thấy tôi đã đi được rất xa rồi.”

Wednesday, February 01, 2012

Lời giải cho các vấn đề kinh tế Việt Nam

Bằng phương pháp so sánh các chỉ tiêu kinh tế thương mại giữa các nước ASEAN với nhau, tiến sĩ Antonio Emilio của Viện REIT, Phillipine, chỉ ra 5 mặt yếu nhất của nền kinh tế Việt Nam:

- Lạm phát cao nhất,

- Lãi suất cao nhất,

- Thâm hụt thương mại cao nhất,

- Đồng nội tệ yếu nhất,

- Lệ thuộc nhiều nhất vào dòng vốn bên ngoài để phát triển kinh tế.

Đâu là lời giải khắc phục những mặt yếu nhất trên đây của nền kinh tế. Trước hết, chúng ta xem xét các biện pháp kìm hãm lạm phát hiện nay của chính phủ.

- Giảm lượng cung tiền để kìm hãm lạm phát. Không làm cho các loại hàng hóa trên thị trường tăng giá bằng các tổ chức bán trợ giá; bù lỗ giá điện, nước, xăng dầu…rút bớt lượng tiền trong dân và doanh nghiệp thông qua việc phát hành trái phiếu...

- Điều chỉnh hành vi tiết kiệm, tiêu dùng và đầu tư cùa người dân thông qua công cụ lãi suất. Thu hút lãi suất tiền gửi cao nhằm thu hút tiền gửi tiết kiệm của người dân và ngược lại...

Tiếc thay, những cách làm căn cơ ở trên không còn phù hợp trong một thế giới kết nối và mở cửa với cộng đồng quốc tế và khối thương mại khu vực như ASEAN, EURO và cả WTO nữa. Chẳng hạn, làm thế nào chúng ta có thể bình ổn giá xăng dầu khi chúng ta phải nhập chúng, trong bối cảnh giá dầu mỏ thế giới biến động? Làm thế nào chúng ta có thể bình ổn giá vàng trong nước khi giá vàng quốc tế tăng cao? Chúng ta cũng không quên rằng nước ta có hàng ngàn cây số đường biên giới trên biển và trên đất liền, chỉ cần chênh lệch giá các mặt hàng trên sẽ xuất hiện vô số cách buôn lậu qua biên giới.

Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia sâu vào WTO và ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), các liệu pháp về kinh tế cổ điển nói trên cần phải phối hợp với các giải pháp thương mại quốc tế, đặc biệt là tập trung các biện pháp giảm thâm hụt cán cân thương mại và tăng sức mạnh của đồng nội tệ. Tuy vậy, giải pháp này thường phát huy hiệu quả chậm và trong một môi trường thương mại quốc tế rất biến động như ngày cần phải linh hoạt điều chỉnh chính sách kinh tế để phù hợp với. Lấy một ví dụ về cách điều hành chính sách của chính phủ Singapore để minh họa: Singapore điều chỉnh cán cân thương mại quốc tế bằng cách tăng xuất khẩu hàng hóa ở các khu công nghiệp do Singapore đầu tư ở Indonesia, Việt Nam thông qua hiệp định thương mại tự do (FTA) ký với Mỹ và EU. Khi thị trường Trung Quốc mở cửa và trong bối cảnh suy thoái kinh tế ở châu Âu và Mỹ, Singapore nhanh chóng tăng tốc làm ăn với nước này. Thống kê cho thấy Singapore hiện dẫn đầu ASEAN trong giao thương với Trung Quốc.

Giải quyết vấn đề thâm hụt mậu dịch của Việt Nam, cần phải hiểu rằng chúng ta là một quốc gia đông dân và giàu tài nguyên nhân lực là lao động trẻ. (cơ cấu trẻ em tuổi 0-14 của Việt Nam năm 2011 là 25,2% so với Nhật 13,1%). Vì thế, hy sinh mục tiêu dài hạn cho ưu tiên cấp thiết hàng đầu của chúng ta là công việc làm cho lớp trẻ. Những năm qua nhà nước cũng đã đi theo hướng này. Tuy nhiên, chúng ta đã không kiểm soát nổi trong một số tình huống. Chẳng hạn, việc đẩy mạnh các ngành công nghiệp nặng tiêu tốn nhiều vốn như đóng tàu, lọc dầu, chế tạo ô tô... đã chưa hiệu quả như mong muốn. Chúng ta cũng đã lập khu công nghiệp để tạo việc làm cho lớp trẻ, nhưng thay vì tập trung ở hai vùng kinh tế trọng điểm TP. HCM và thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận hai địa phương này, chúng ta đã phá ruộng lúa, giải tỏa nhà cửa, mồ mã làm khu công nghiệp ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, ở đâu cũng có khu công nghiệp, khu chế xuất trong khi đó việc đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, giáo dục phổ thông cơ sở, giáo dục đại học cũng chưa đồng bộ với mục tiêu phát triển khu công nghiệp. Đến nay, kỹ sư, công nhân của chúng ta vẫn thiếu ngoại ngữ, kỹ năng thực hành vẫn chưa đáp ứng nhu cầu công việc của doanh nghiệp. Chúng ta vẫn ở trong tình trạng “thầy không ra thầy, thợ không ra thợ”, hoặc “nhiều thầy, thiếu thợ.”

Trong bối cảnh thương mại quốc tế phức tạp và đầy biến động như hiện nay, khi nền kinh tế Trung quốc tiếp tục vẫn là đầu tàu cho cả thế giới; khi đồng Yen Nhật tăng giá, khi nền kinh tế châu Âu và Mỹ vẫn còn trì trệ, khi lao động của các nước phát triển công nghiệp càng ngày càng già và giá lao động cao, chúng ta vẫn cần tạo ra các chính sách thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài vào lắp đặt nhà máy, xưởng sản xuất ở Việt Nam. Chúng ta vẫn rất cần các chính sách giảm giá đất khu công nghiệp và nhà ở cho công nhân để làm hài lòng nhà đầu tư và đối tượng của họ là lớp người trẻ của quốc gia. Đầu tư hạ tầng giao thông, điện nước, trường học, bệnh viện rất cần các chính sách ưu đãi để phục vụ mục tiêu sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Thử hỏi, làm sao nhà đầu tư có thể yên tâm khi hàng hóa của họ khi sản xuất, xuất nhập đều thỉnh thoảng gặp khó khăn về cung cấp điện, nước, xử lý chất thải và vận chuyển hàng hóa ra vào cảng? Làm sao lớp người trẻ ngày nay có thể tăng năng suất lao động khi họ thiếu đào tạo nghề bài bản, khi phải sống trong những căn nhà thuê mướn thiếu tiện nghi quanh các khu công nghiệp? Làm thế nào người lao động có thể tích lũy tiền mua nhà để ở khi thu nhập của họ chỉ vài triệu đồng/tháng và trong khi đó, các công ty đầu tư bất động sản vào phân khúc này phải trả giá đất và giá đền bù, giá thi công tính theo giá thị trường lên đến trên chục thậm chí hàng chục triệu đồng? Làm sao có được một lớp trẻ khỏe mạnh và có giáo dục căn bản khi ngày càng thiếu đất cho xây trường và sân chơi xanh và sạch cho con trẻ?

Mạnh vì gạo bạo vì tiền. Trong mục tiêu cải thiện cán cân thương mại chúng ta cần phải “mạnh”. Nông ngư nghiệp là hai ngành tạo ra thế mạnh đó. Như đã nêu ở trên, cần tập trung đầu tư các khu công nghiệp vào hai đầu đất nước, các tỉnh khác tập trung vào nông ngư nghiệp, dịch vụ du lịch… Cần phải giữ gìn môi trường xanh và sạch của miền Trung trở thành bữa ăn, chỗ nghỉ ngơi và thưởng ngoạn du lịch của cả nước và thế giới.

Thực ra, nếu chấp nhận phát triển công nghiệp tập trung ở hai vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, chúng ta đã vô hình trung chấp nhận quy luật thị trường, mở hướng đầu tư công nghiệp vào phát triển nông nghiệp. Dần dần, các hộ nông nghiệp cần diện tích lớn để khai thác hiệu quả, theo hướng canh tác công nghiệp. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng sẽ đưa công nghệ kỹ thuật vào lĩnh vực nông nghiệp. Không thể nào đặt trách nhiệm tương lai của ngành nông nghiệp vào vai của nông dân nhỏ lẻ khi giá cả hàng hóa nông sản, phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng đều đang nằm trong tay các doanh nghiệp, phần lớn là các công ty đa quốc gia.

Một vấn đề khá nhạy cảm đối với các tỉnh ven biển miền Trung trong phát triển kinh tế là tìm ra sự cân bằng trong phát triển du lịch và phát triển ngành hải sản, thậm chí cả công nghiệp. Chẳng hạn, Phú Yên là một tỉnh có vịnh Vũng Rô biển rất đẹp, nhưng nếu phát triển nuôi trồng hải sản trong vịnh sẽ làm ô nhiễm vùng biển khiến cho du lịch không còn hấp dẫn. Thừa Thiên Huế có vịnh Lăng Cô rất đẹp nhưng phát triển Khu kinh tế và cảng Chân Mây sẽ gây ô nhiễm vùng biển này. Những ví dụ này, một lần nữa cho thấy thiếu vắng một chính sách vĩ mô có tầm nhìn sẽ làm cho các địa phương vấp phải các trở lực rất lớn trong phát triển về sau.

Khi những vấn đề như lạm phát, lãi suất, thâm hụt thương mại quốc tế được phần nào giải quyết sẽ dần dần cải thiện vị thế của đồng nội tệ. Tuy vậy, sức mạnh đồng nội tệ không chỉ tập trung bằng các biện pháp hành chính mới làm được. Biện pháp giáo dục ý thức tiêu dùng, xây dựng ý thức tự trọng của dân tộc cần nên chú trọng. Một doanh nhân ở TP. HCM cho biết, trong 4 ngày thăm hai thành phố Degu và Seoul của Hàn Quốc, ông ta chỉ đếm được hơn chục chiếc xe Mercedes, BMW. Toàn bộ xe hơi chạy trên đường phố Hàn Quốc đều là xe chế tạo trong nước. Tương tự như vậy, một số công ty Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan khi sang Việt Nam kinh doanh đều sử dụng sản phẩm chế tạo từ nước mình. Trong dịp Tết vừa qua, một CEO ngành xây dựng ở TP HCM trăn trở, “Tôi đến nhà các sếp, họ toàn xài rượu ngoại, vài trăm thậm chí vài ngàn đô la Mỹ một chai.”

Ý thức tự tôn dân tộc không phải là hẹp hòi theo kiểu dân tộc chủ nghĩa. Người Hàn Quốc sử dụng xe của nước mình không chỉ để giúp “đội nhà” mà còn thử (test) sản phẩm ngay trên chính đất nước mình để khi thiện sản phẩm, giảm thiểu rủi ro khi đưa ra thị trường thế giới. Rượu ngoại, siêu xe, thịt bò Kobe, trái cây ngoại… làm cho cán cân thâm hụt của quốc gia tăng thêm nhưng không vì thế mà chúng ta đóng cửa các mặt hàng này khi người tiêu dùng vẫn sẵn lòng sử dụng chúng. Điều chúng ta cần là giải thích cho người dân hiểu tình thế của nước mình và họ sẽ tự điều chỉnh hành vi tiêu dùng của mình cho hợp lý.