Thursday, February 28, 2008

Mệ đã có sổ rồi!

Hồi bé tôi thường hay nghe người ta nhắc đến câu nói “Phú quý sinh lễ nghĩa” khi có sự việc liên quan đến chuyện ứng xử của những người khá giả, nhưng phần nhiều với thái độ có đôi chút mỉa mai. Nghe mãi thành thói quen khiến tôi gần như chấp nhận đấy là một câu nói tiêu cực, cho đến một hôm tôi chợt nhận ra ý nghĩa tích cực của nó từ câu chuyện sau đây trong một cuộc họp mặt của các cựu học sinh Trường Trung học Hàm Nghi Huế tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Anh Tạo, hiện đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Quê anh ở làng La Chữ, cách Huế khoảng 10 cây số, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, hai anh em phải theo mẹ về “ở đậu” quê ngoại ở làng Vĩnh An, Phong Điền, cách Huế khoảng 50 cây số. Mẹ anh năm nay 89 tuổi, vẫn sống ở quê nhà. Anh kể, hồi đó bà thường dẫn hai anh em ra nghĩa trang của làng chỉ mấy ngôi mộ mới và nói, “Đây là mộ của bác, còn đây là mộ của chú tụi bây. Nhớ ra đây thắp hương mỗi ngày nghe chưa.” Khi lớn lên anh tìm hiểu mới hay rằng không có chiếc mộ nào trong số đó là của gia đình anh. Đấy là mộ của các chiến sĩ Việt Minh bị Tây (Pháp) bắn chết. Anh còn kể, mẹ thường dấu bớt gạo, chỉ để hơn chục lon sữa bò[1] trong nhà, phòng khi Tây vào lục soát thấy gạo nhiều sinh nghi tiếp tế cho Việt Minh. Nhưng hàng đêm, thỉnh thoảng, bà vẫn chuyển gạo cho du kích ở vùng Phước Tích, Vân Trình, Phong Chương lắm lúc mãi tận Phong Lai, Phò Trạch.

Khi hòa bình lập lại, những người tham gia kháng chiến chống Pháp kẻ hy sinh, người trôi dạt đi đâu không biết. Nghe nói, một người còn sống ở Đồng Xoài, Bình Phước, tuổi cũng đã ngoài 80. Bà cụ tuy rất tự hào vì đã cống hiến phần mình cho thắng lợi của dân tộc, nhưng đặt vấn đề công nhận sự đóng góp của bà cần phải có chứng cứ để xác minh. Sự việc không hề dễ dàng cho cả gia đình và chính quyền địa phương. Anh Tạo kể tiếp rằng bà là một người rất khí khái, chỉ muốn cho chứ không thích nhận. Năm ngoái, nghĩa là lúc 88 tuổi, bà vẫn trồng tỉa quanh vườn. Lần ấy, anh Tạo về thăm, bà khoe đã thu hoạch đậu đen trồng quanh vườn được vài chục lon. Bà cho anh 2 lon bảo đem vào Sài Gòn nấu chè cho cháu nội. Anh hỏi đùa đòi mua hết, bà bảo không bán mà nói là để đem biếu cho mỗi nhà hàng xóm 2 lon. Để làm gì? Bà nói: “Cho họ biết tao già nhưng vẫn còn làm việc tốt”. Anh Tạo đã nhiều lần tìm cách đưa bà vào Thành phố Hồ Chí Minh, bà không chịu rời quê. Cho tiền để bà tiêu, bà nhất quyết không nhận. Trái lại, bà chất vấn con cháu vì sao không bỏ thời gian “làm sổ” công nhận công lao đóng góp với nước cho bà. Trước hoàn cảnh ấy, anh Tạo nghĩ ra cách làm cho bà một sổ trợ cấp giả. Hàng năm anh gửi về quê vài triệu đồng. Mỗi tháng anh nhờ người nhờ cán bộ Thương binh Xã hội xã Hương Chữ mang cho bà 300 ngàn đồng, phần còn lại đưa dần cho bà vào dịp Tết, lễ theo đúng cách thức nhà nước đang làm với người có công với nước. Do không biết chữ, bà không hề nhận ra đó là sổ giả. Vì thế, từ đấy mỗi khi ai đến thăm, bà hoan hỉ khoe, “Mệ đã có sổ rồi!”

Câu chuyện của anh Tạo khiến tôi nhớ lại cũng trong buổi lể tổ chức trao học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học của các cựu học sinh Hàm Nghi tháng 12 năm rồi, một sinh viên quê ở Huế hỏi chủ tọa đoàn, “Các anh cho chúng em lời khuyên sau khi tốt nghiệp nên về quê để đóng góp sức mình xây dựng quê hương hay ở lại thành phố Hồ Chí Minh để công tác?”

Có nhiều cách ứng xử, nhưng thiết nghĩ, cách làm của anh Tạo cũng là một trong những câu trả lời cho bạn sinh viên ấy, nếu thu nhập của anh Tạo không khá, dù có hiếu, dù có nghĩ ra được kế hay, anh cũng không thể hiện được lễ nghĩa với ông bà, cha mẹ của mình ở quê hương. Vì vậy, quê hương mỗi người chỉ một, nhưng ai cũng mong sống nơi nào mình có điều kiện tối đa hóa năng lực cá nhân và có việc làm tốt, với thu nhập cao. Nếu ra trường nhưng không được làm việc ở những nơi có điều kiện phát triển tài năng và thu nhập cao mới là điều đáng bàn. Tấm lòng hướng về quê hương, chúng ta có nhiều cách, và hành động của cựu học sinh Hàm Nghi và nhiều hội đồng hương khác hiện nay ở trong nước và cả ở nước ngoài thông qua các quỹ học bổng, các đợt trao thiết bị và đồ dùng dạy học cho học sinh, thiết bị y tế, xe lăn, áo ấm, lương thực cho người nghèo ở các vùng quê xa rất thiết thực, rất đáng tôn vinh và trân trọng.

[1] Ở Huế, người dân dùng lon sữa đặc có đường hiệu Ông Thọ để đong gạo thay cân.

Saturday, February 09, 2008

Chiếc bánh văn hóa


Chiếc bánh toàn cầu hóa (văn hóa)

Thầy Hiệu trưởng Đại học Hồng Bàng, Nguyễn Mạnh Hùng cho nhân viên gửi hai chiếc bánh chưng biếu cho hai người quen là cán bộ ngoại giao nước ngoài ở lại Việt Nam ăn Tết. Ý của ông muốn ‘xuất khẩu tại chỗ’ văn hóa Việt Nam đến với các nhà ngoại giao quốc tế.

Là người Việt, chúng ta ai cũng biết rằng mỗi khi Tết đến, dân Việt thường làm bánh Dầy và bánh Chưng (ở trong Nam, bánh Dầy được thay bằng bánh Tét) để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất. Vì thế, bánh Dầy (bánh Tét) và bánh Chưng, thể hiện lối sống văn hóa đạo đức của dân Việt: Gia đình là cái gốc của xã hội Việt Nam; con cái hiếu thảo với cha mẹ. Nhân ngày đầu năm, con cái dâng lên cha mẹ cả “Trời và Đất” để tỏ lòng biết ơn công lao sinh thành dưỡng dục.

Tinh ý một chút, bạn sẽ thấy tổ tiên ta ngày xưa đã sai lầm khi cho rằng trái đất là hình vuông. Nếu thế, bánh Chưng không thể đại diện cho trái đất được vì ngày nay ai cũng biết trái đất có hình cầu. Không chỉ người Việt cổ mới sai lầm. Ý nghĩ trái đất bằng phẳng và có hình vuông ngự trị trong ý nghĩ của toàn bộ loài người hàng ngàn năm cho đến khi nhà thiên văn Galileo Galilei phát biểu trái đất không phải là trung tâm của thái dương hệ mà nó quay quanh mặt trời. Cũng chính từ suy nghĩ như thế, một đất nước hùng mạnh, to lớn như Trung Quốc đã không có những đội thương thuyền mạnh vượt đại dương vì cho rằng nếu rời bỏ đất liền ra đi sẽ không có cơ hội quay về chốn cũ. Nhờ sự phát triển của khoa học, các nước châu Âu đã dấy lên phong trào vượt đại dương tìm vùng đất mới. Christopher Columbus đã ra đi và trở về châu Âu bằng thuyền. Ông đã phát hiện ra châu Mỹ mà tưởng đó là đất nước Ấn Độ. Từ đó, các đội thương thuyền của các nước ở châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Hà Lan… đã cập bến Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, đi xa tận Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi mang về hương liệu, tơ lụa, vàng bạc, châu báu từ những vùng đất xa xôi. Hơn thế nữa, châu Á, một thời hùng mạnh và có lịch sử văn hóa lâu đời đã trả giá cho sai lầm của mình với hàng chục thậm chí hàng trăm năm bị đặt dưới ách cai trị của thực dân các cường quốc châu Âu. Là quốc gia có bờ biển dài, Việt Nam cũng có chung số phận với gần 100 năm bị đô hộ bởi thực dân Pháp.

Trái đất không phải hình vuông nhưng mỗi điểm trên trái đất phải bằng phẳng để con người có thể sinh sống như thuở xa xưa. Bánh chưng khó có thể tin là biểu tượng của trái đất nhưng bề mặt bằng phẳng của nó có ý nghĩa thú vị về thế giới ngày nay. Thời đại toàn cầu hóa làm cho thế giới đang trở thành “thế giới phẳng.” Trong bối cảnh đó, chiếc bánh văn hóa của ông Hiệu trưởng Đại học Hồng Bàng ấy càng có ý nghĩa hơn: Nếu biết tận dụng cuộc cách mạng công nghệ thông tin ngày nay, bất cứ ai trên trái đất, các nước tiên tiến hay các nước đang phát triển đều có cơ hội ngang nhau.

Với một xuất phát điểm thấp trong cuộc đua hội nhập, chúng ta cần phải ý thức rằng người dân Việt Nam phải nỗ lực phấn đấu vượt bậc mới có thể ngang bằng các dân tộc khác trên thế giới. Lòng hiếu thảo với tổ tiên của mỗi người chúng ta ngày nay chính là nỗ lực học tập, làm việc vì mục tiêu cao cả đó. Không chỉ là biểu tượng của lòng hiếu thảo, chiếc bánh Chưng vì thế nên được tôn vinh là chiếc bánh toàn cầu hóa (văn hóa) của Việt Nam.