Thursday, May 29, 2008

Câu chuyện văn phòng thời hiện đại: “Trăm nghe không bằng một thấy!”

Edward Murrow là một sư tổ về nghề báo chí và truyền thông. Ông còn là một người có nhiều câu phát biểu nổi tiếng được đưa vào sách sưu tập những câu nói hay của danh nhân. Tuy nhiên, có một câu không thấy sách trích dẫn, nhưng rất cần chú ý trong thời đại kỷ thuật số hiện nay, liên quan đến vấn đề lạm dụng công nghệ kỹ thuật trong giao tiếp, tạm dịch nôm là, “Hiệu ứng ba bước!” Lam Điền là một thư ký giỏi. Đang làm thư ký họp cơ quan bỗng nhiên cô bỏ ra ngoài. Lát sau, một đồng nghiệp vào thay thế vì cuộc họp vẫn còn tiếp tục. Cuối cuộc họp tìm hiểu mới biết, Lam Điền bỏ ra ngoài để khóc vì nàng nghĩ mình đã bị oan. Cô đã gửi thư điện tử nội dung cần bàn đến từng người để đọc và cho ý kiến trước khi họp. Tuy nhiên, một vài vị tham dự họp vì không nhận được email nên mới có lời trách móc. Để chứng minh rằng mình đã gửi, Lam Điền mở máy vi tính in ra danh sách người nhận thư trình cho mọi người. Địa chỉ của mọi người nhận đều có đủ, nhưng không rõ vì sao, thư điện tử không đến tay người nhận? Tuần trước bản thân Hoàng cũng bị một vố tương tự. Buổi sáng, anh nhận được một tin nhắn, “Chiều nay ba giờ anh đến trình bày nhé! Anh nhớ mang theo máy tính xách tay.” Hoàng bần thần không biết tin nhắn của ai, vì trong danh bạ điện thoại của anh không hiển thị tên người gửi. Tự nhủ, ắt có người gửi lầm vào số điện thoại của mình, Hoàng bỏ lơ. Chiều hôm đó, ngồi trong một cuộc hội thảo quốc tế, máy điện thoại của Hoàng rung đến tám lần. Giờ giải lao Hoàng gọi vào số máy của người đã gọi và nhận ra cô thư ký mới tên Thuận ở văn phòng của một đơn vị thân quen. Thuận bảo, “Chết rồi anh ơi! Sao anh không đến trình bày chuyên đề của mình, túng quá em phải đưa giám đốc của công ty làm người thay thế. May quá, thôi ổn rồi anh ạ!” Thì ra Thuận đã gửi thư điện tử cho Hoàng. Thấy thư có tiêu đề không liên quan, Hoàng chưa có ý định mở ra đọc! Người thư ký này sau khi gửi thư còn cẩn thận tiếp tục bằng một tin nhắn, “Đã gửi anh email!” và nhận tin của Hoàng “OK” nàng đinh ninh mọi chuyện suông sẻ. Nào ngờ! Hai câu chuyện nhưng cùng một vấn đề có thực trong đời sống giao tiếp văn phòng hiện đại, có lẽ cả hai cô thư ký và Hoàng đều đã bị thời đại kỹ thuật số làm cho mê muội. Đối với Hoàng, do nhận nhiều thư điện tử trong ngày, anh máy móc đề ra nguyên tắc, nếu mở thư điện tử là phải xử lý ngay. Vì vậy, nếu đưa chuột vi tính vào tiêu đề của thư điện tử, thấy hiển thị tiêu đề thư không mấy quan trọng, Hoàng thường giữ nguyên chúng và chỉ xử lý khi hết sức rảnh rỗi. Nguyên tắc này đã gây thiệt hại đến công ty của cô thư ký đáng mến và chắc chắn tạo ra mặc cảm không hay giữa công ty của Thuận và Hoàng. Thuận có thể trách Hoàng, tại sao anh lại gửi lại hai chữ OK làm gì khi không biết người gửi cho mình là ai? Nhưng Hoàng cũng có thể trách Thuận, tại sao không gọi điện hay gặp mặt nhắc nhỡ Hoàng trước đó vài hôm? Tại sao không nhận tài liệu tập huấn của Hoàng nhưng Thuận không gọi điện để nhắc nhỡ và nàng vẫn đinh ninh Hoàng đã nhận lời? Còn trong câu chuyện của Lam Điền, câu nói của Edward Murrow càng tỏ ra có tác dụng hơn. Tại sao Lam Điền không in ra nội dung và đưa trực tiếp cho đồng nghiệp của mình, người chỉ cách nàng ba bước, hàng ngày vẫn ra vào cơ quan? Qua câu chuyện kể trên, ngẫm nghĩ mới hay, tổ tiên ta đã có lời dạy, “Trăm nghe không bằng một thấy!” Quả không có gì có thể thay thế được bằng giao tiếp trực diện.