Wednesday, October 24, 2007

Giải quyết nạn kẹt xe cần những câu hỏi đúng!


Peter Drucker trong cuốn “Thực tiễn của quản lý” nhận xét rằng hầu hết những sai lầm trong các quyết định quản lý là do nhấn mạnh việc tìm kiếm câu trả lời đúng hơn là đặt câu hỏi đúng. Vì vậy, để giải quyết nạn kẹt xe ở thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta nên bắt đầu bằng hai chữ - TẠI SAO? Tại sao lại kẹt xe?

Người viết đã tham gia phương tiện công cộng từ tháng 10/2006 đến nay và đã tiến hành trò chuyện mỗi ngày hai chuyến đi và về với đông đảo người già, thanh niên và nhất là sinh viên, học sinh về vấn nạn kẹt xe. Dưới đây là các lý do gây kẹt xe được nhiều người thống nhất:

a) Kẹt xe vì ngày càng nhiều người và phương tiện tham gia giao thông,
b) Kẹt xe vì cơ sở hạ tầng giao thông hiện tại không đáp ứng với tình hình thực tế,
c) Kẹt xe vì ý thức tham gia giao thông của người dân kém,
d) Kẹt xe vì các yếu tố mang tính thời vụ và bất thường, như mùa thi cử, tai nạn giao thông, mưa bão, cây ngã …
Để tìm ra giải pháp cho vấn nạn kẹt xe, ứng dụng phương pháp giải quyết vấn đề và ra quyết định trong quản lý, người viết hỏi ý kiến người đồng hành trên các chuyến xe buýt và xếp hạng các lý do trên bằng cách cho điểm theo các tỷ lệ dựa trên ý kiến về tầm quan trọng: thứ nhất, thứ hai, thứ ba và thứ tư. Kết quả thống kê về ý kiến của người tham gia khảo sát thật đáng ngạc nhiên! Dưới đây là bảng tổng kết nguyên nhân kẹt xe theo tầm quan trọng.


1.(c) quan trọng nhất – DO Ý THỨC THAM GIA GIAO THÔNG KÉM
2.(a) quan trọng nhì - DO NGƯỜI & PHƯƠNG TIỆN CÀNG ĐÔNG
3.(b) quan trọng nhì – DO HỆ THỐNG GIAO THÔNG LẠC HẬU
4.(d) quan trọng thứ ba – DO CÁC YẾU TỐ KHÁC

Theo ý kiến những người tham gia khảo sát, kẹt xe phần lớn là do ý thức người tham gia giao thông kém, chen lấn lẫn nhau, không chịu nhường đường. Một học sinh ở Trường Công Nhân Kỹ Thuật Cao Thắng thành phố Hồ Chí Minh nêu ví dụ rất thuyết phục. Ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai – Cách Mạng Tháng Tám ở thành phố Hồ Chí Minh ít kẹt xe vì luôn có công an giao thông đứng gát! Ở các ngã tư, ngã năm, nếu vắng bóng công an giao thông, tình hình kẹt xe rất dễ xãy ra và nếu công an giao thông không can thiệp ngay, tình hình sẽ trở nên rất tồi tệ.

Nếu nhận xét này là đúng, biện pháp trước mắt cho vấn nạn kẹt xe ở thành phố Hồ Chí Minh là cần tăng thêm số lượng công an giao thông, tăng lương và phụ cấp độc hại cho họ. Trang bị thêm phương tiện và bố trí lực lượng công an giao thông trên hầu hết các giao lộ quan trọng, trong các giờ cao điểm mỗi ngày. Cần có hình phạt nặng nhưng nộp phạt phải minh bạch và khoa học. Công an giao thông không cần thiết phải thu tiền mặt mà chỉ cần phạt nguội ghi số xe, số bằng lái, địa chỉ cơ quan, hay nhà riêng, giao phiếu nộp phạt có tài khoản của cơ quan thuế để người vi phạm đóng tiền phạt. Người vi phạm trốn tránh trách nhiệm nộp phạt sẽ chịu hình phạt rất nặng… Thành phố nên tiến hành phân luồng và giờ ưu tiên cho xe buýt phục vụ học sinh và công nhân.

Chọn lựa thứ hai của đa số người tham gia là (a) và (b). Thành phố Hồ Chí Minh là một nơi dễ kiếm sống ai cũng mong muốn đến đây để mưu sinh. Vì thế, người tham gia giao thông càng ngày càng đông là chuyện tất yếu. Nhưng thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển ra sao nếu thiếu lao động nhập cư từ hầu hết các địa phương đổ về.
Giải quyết dãn dân ra khỏi nội thành là cần thiết nhưng là một giải pháp mang tính chiến lược lâu dài và cần sự hợp tác của các tỉnh thành phụ cận. Vấn đề hạ tầng giao thông, ai cũng thấy hệ thống giao thông ở thành phố quá lạc hậu, chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông. Nhưng liệu các biện pháp giật gấu vá vai như hiện nay quan sát thấy ở các đường phố ở thành phố Hồ Chí Minh có thể giải quyết vấn nạn kẹt xe? Thêm vào đó, phong trào xây cao ốc ở quận 1, quận 3 làm văn phòng cho thuê và căn hộ vừa phá vỡ cảnh quan thành phố vừa tăng dân số nội thành, liệu có phải là giải pháp tốt? Có thể bắt chước Malaysia, Trung Quốc, xây những khu tái định cư mới vệ tinh ngoài nội thành để vừa có được tính hiện đại, lại giữ gìn nét đô thị truyền thống?

Đường hầm (metro), đường trên không (motor rail) cần một lượng vốn khổng lồ và thời gian thi công khá lâu. Tuy nhiên, nhận xét rất hay của một Việt Kiều ở Cali cũng cần được xem xét, “Ở Cali đường rộng 8 đến 12 làn xe, vẫn còn nạn kẹt xe nếu không kết hợp với các biện pháp khác như phân luồng ưu tiên, dãn dân ra khỏi các thành phố lớn …

Lựa chọn giải pháp khôn ngoan, trước mắt và lâu dài là một bài toán tùy thuộc vào các nhà quản lý thành phố hiện nay và lịch sử sẽ phán xét những đóng góp của họ.







1 comment:

  1. This friendly HCM city would say thank you for your voices, ideas and the do & don't in the field. I wish besides some helpful newspapers' articles, city's leaders should also be able directly read them over like this in order to take useful action for city for society and for country...
    Kan Nguyen
    http://kanenguyen.blogspot.com
    Oct 25, 2007

    ReplyDelete