Sunday, June 28, 2009

Xây dựng thái độ làm du lịch

Trong việc phát triển kinh tế của các địa phương theo hướng lấy du lịch làm mũi nhọn, một khía cạnh quan trọng cần chú ý, đó là xây dựng thái độ của người dân khi tham gia hoạt động du lịch. Theo kinh tế học hành vi, con người thường sẽ hành động ngay khi cảm thấy lo sợ mất mát một điều gì đó. Nếu không, họ sẽ bình chân như vại, thậm chí, sẽ có thái độ chủ quan, coi thường rủi ro. Đưa nguyên lý kinh tế này vào trong bối cảnh phát triển ở các thành phố, tỉnh có thế mạnh về du lịch ở miền Trung, theo tôi, các nhà lãnh đạo địa phương cần phải làm sao chỉ cho người dân thấy nguy cơ tụt hậu, thua kém các nơi khác để từ đó xây dựng thái độ thích hợp khi tham gia làm kinh tế du lịch ở địa phương. Cần phải thẳng thắn rằng đã có nhiều lời ta thán về hành vi đối xử với khách du lịch đến Huế, Vũng Tàu, Đà Lạt và nhiều nơi khác ở nước ta, ngay cả Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Chẳng hạn, nhiều chị em tiểu thương, anh em đạp xích lô thường đưa giá dịch vụ cao hơn nếu nhận ra đối tượng là khách du lịch từ nơi khác đến qua quan sát cách ăn mặc hoặc giọng nói. Người viết bài này đã phải can thiệp với một công ty taxi ở Thành phố Hồ Chí Minh đòi lại tiền “xin đểu” của một lái xe đối với một khách quốc tế trên đường từ Sân bay Tân Sơn Nhất về khách sạn New World năm ngoái. Khi về tham dự lễ hội Lăng Cô Huyền Thoại Biển, công bố Lăng Cô là một trong những vịnh đẹp trên thế giới, người viết bài này đã tận mắt chứng kiến một cảnh đôi co giữa nhân viên khách sạn ở Lăng Cô với thực khách đến tham quan. Rất khôi hài khi quan sát sự việc xảy ra, thực khách phàn nàn công tác phục vụ của nhà hàng “RẤT CHẬM”, nhân viên phục vụ lại nghe nhầm là “RẤT CHUẨN”. Thay vì làm vui lòng khách hàng, nhân viên này lại tự cho rằng công tác dịch vụ của nhà hàng nơi anh ta công tác là “CHUẨN” và không hề nhận lấy sai sót. Cũng tại buổi lễ này, nhà báo Chiến Hữu của Báo Thừa Thiên Huế cũng tận mắt chứng kiến, cảnh thực khách uống bia nhấm mực ống hấp bằng tay thay vì dùng đũa hoặc nĩa. Mặc dù, dịch vụ du lịch này tự phát và do người dân địa phương cung cấp. Tất nhiên, có người sẽ nói, những chuyện như thế xảy ra khắp nơi, đâu riêng gì ở một vài địa phương. Là một người có may mắn đi đến những xứ làm du lịch nổi tiếng, tôi khẳng định nhận xét này chưa đúng với những nơi coi du lịch là mủi nhọn kinh tế. Không cần đi đâu xa, chỉ đến thăm Hội An, bạn sẽ nhận ra điều này. Người dân Hội An rất vô tư khi mua bán, đối xử với khách du lịch, nếu không muốn nói là có thái độ đứng về phía khách du lịch mỗi khi giao dịch. Người dân ở các thành phố du lịch như Bangkok, ở Thái Lan, San Francisco hay Boston ở Mỹ… những nơi tôi đã đi qua, đều quan sát họ rất niềm nở chỉ dẫn tận tình cho khách du lịch mỗi khi cần thiết. Một vấn đề cần nữa cần nêu ra và theo tôi cần phải xây dựng thái độ tích cực hơn, đó là thái độ không chịu trách nhiệm về những vấn đề văn hóa xã hội ở chính nơi mình sống. Antoine de Saint Exupéry, một văn sĩ kiêm phi công người Pháp, trong cuốn “Bay đêm” đã viết, “Là con người, chúng ta phải sống có trách nhiệm. Ngay cả những vấn đề đôi khi không phải tự mình gây ra.” Nhiều người đang sống ở chính quê hương mình lại cho rằng “người ở đâu đến” gây ra, chứ dân xứ tôi không có những hành vi như thế. Theo tôi, thái độ này cần phải thay đổi theo chiều hướng tích cực, nếu không, những nỗ lực nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của các địa phương bị phản tác dụng, chưa nói đến là “công dã tràng xe cát”. Hãy thử tưởng tượng, chính quyền và một số cơ quan du lịch, văn hóa ra sức tổ chức các sự kiện theo hướng đề cao, tôn vinh nét đẹp truyền thống của quê mình để thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, khi đến nơi và tiếp xúc với người dân địa phương, khách du lịch gặp phải thái độ đối xử khác với những gì họ kỳ vọng, ngành du lịch sẽ mất mát to lớn vô cùng. Xin mượn lời vị giám đốc công ty Yamato, Nhật Bản khi nói về việc xây dựng thái độ của công dân Nhật sau Thế chiến Thứ hai để kết luận cho ý kiến này. Ông nói, “Khi chiến tranh kết thúc, tôi mới hai tuổi. Khi lớn lên và đi học ở trường, chúng tôi luôn luôn được thầy cô nhắc nhỡ, tiền xây cất trường học, bệnh viện, đường giao thông…hiện nay, là do chúng ta vay mượn của ngân hàng thế giới. Khi lớn lên, các em có trách nhiệm phải trả lại.” “Nhờ có ý thức này, nước Nhật mới có ngày hôm nay” Ông kết luận.

Thursday, June 11, 2009

Huế và vấn đề phát triển

Về thăm Huế lần này, đi đâu tôi cũng gặp những lời than thở về sự phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế. Nhiều người quan sát sự phát triển của thành phố Đà Nẵng rồi nhìn lại thành phố của mình và so sánh. Một anh bạn nói, “Tôi chưa đi nước ngoài, chỉ nhìn các thành phố xứ người qua màn ảnh nhỏ, vô thăm thành phố Đà Nẵng, đi dọc bờ Sông Hàn, tôi thấy Đà Nẵng đâu có khác gì các thành phố bên châu Âu?” Một người bạn khác ở tuổi trung niên liên đới sự phát triển của Huế và vấn đề phong thủy, anh nói “Huế ngày nay dường như đã hết linh khí để phát triển.” Nghe nói thế tôi liên tưởng đến nhận xét gần đây của một cán bộ lão thành về nghỉ hưu ở Huế, ông nói, “So với Đà Nẵng và một số thành phố khác, Huế hiện nay “sạch-sành-sanh”, nói theo tiếng địa phương nghĩa là không có ai đại diện ở trung ương để đỡ đần cho Huế. Băn khoăn về tương lai của Huế đã vơi đi khi những ngày sau đó tôi gặp một vài người bạn khác ở Huế. Những người này, tuy đang đối mặt với rất nhiều thách thức, họ vẫn nung nấu quyết tâm tìm ra những đòn bẩy để Huế phát triển. 1. Phát triển chậm để bảo tồn bản sắc cho Huế: Tại phòng chờ Sân bay Phú Bài trên đường trở về Thành phố Hồ Chí Minh, tôi gặp một người bạn Mỹ công tác rất nhiều năm ở Việt Nam. Nghe tôi hỏi về lý do chuyến đi của anh đến Huế, anh cho biết mình sắp rời Việt Nam. Anh đã đi thăm thủ đô Hà Nội để chào một số bạn bè và quyết định dành một ngày thăm Huế. Ông nghĩ gì về thành phố Huế? Tôi hỏi. “Huế bây giờ khác xưa nhiều lắm. So với quang cảnh tĩnh lặng của những năm 1994 và 1997 khi tôi đến đây, đường phố ở Huế ngày nay có rất nhiều xe máy, ô tô.” Câu nói tiếp theo làm tôi sửng sốt, “Với tốc độ phát triển thế này, tôi e rằng một ngày kia Huế sẽ không còn giữ được bản sắc của mình." Dường như sợ tôi bắt đầu vặn hỏi về nhận xét này, anh bạn Mỹ nói liền một mạch so sánh Huế và các thành phố khác. Ở Việt Nam, rất ít đô thị còn giữ được bản sắc của mình. Hội An có bản sắc riêng của nó, nhưng Đà Nẵng thì không!” Anh nói tiếp, “Thành phố Hồ Chí Minh đang tự đánh mất bản sắc của mình, còn Bình Dương dù phát triển nhanh, nhưng không hề tạo ra một nét gì đặc sắc cả. Tôi mong Huế phát triển chậm lại để lãnh đạo của thành phố này có thời gian suy nghĩ chín chắn, Huế nên phát triển như thế nào mà vẫn bảo tồn được bản sắc riêng của mình.” Ý kiến có vẻ khác chiều nhưng không dễ để tranh luận. Tôi ước gì lúc này có ngay một bản quy hoạch của Huế trong những năm sắp tới để giới thiệu với anh bạn này chiến lược phát triển của lãnh đạo ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy vậy, tôi cũng nêu một số nhận xét của cá nhân về quy hoạch của Huế qua những quan sát khi về thăm quê nhà. Theo tôi, hầu như nỗ lực mở rộng thành phố về phía Đông, vùng phường Vỹ Dạ, xã Phú Thượng đã phá hỏng nét cổ kính của vườn Huế xưa. Vườn Vỹ Dạ ngày xưa nổi tiếng với những câu thơ Hàn Mặc Tử (*)ngày nay không còn tìm thấy nữa! Việc nâng cấp đường 49(**) và làm cầu vượt sông Hương qua phía Bao Vinh dường như cũng không góp phần gì nhiều cho sự phát triển của khu vực này.Trái lại, đồng lúa An Cựu, nơi trồng giống lúa de dâng vua, đồng lúa làng Vỹ Dạ, Lại Thế, Ngọc Anh đã bị san lấp, nhường chỗ cho khu đô thị. Sự phát triển đô thị thiếu đồng bộ làm cho cảnh quan của vùng này thay đổi rất lớn. Theo sau sự phát triển này là vấn nạn ô nhiễm sông Như Ý và nạn ngập úng và ngập sâu các vùng ven sông Hương khu vực Vỹ Dạ vào mùa mưa lũ. Thật vậy, sự hình thành các thành phố, làng mạc dọc ven sông không phải là sự phát triển tự nhiên. Đồng lúa thuộc huyện Phú Vang và Hương Thủy nằm trong vùng trũng. Các đời vua nhà Nguyễn đã khai kênh làm thủy lợi dẫn nước từ sông Hương về tưới lúa. Các con kênh này cũng là hướng thoát lũ tránh ngập cho thành Huế vào mùa mưa. Vì thế, thay vì lấp ruộng xây thành phố, lẽ ra Huế cần giữ nguyên và nâng cấp các tuyến kênh, đường giao thông cũng như các khu cư dân dọc hai ven sông, hói, cha ông đã hình thành từ ngày mở đất. Tương tự, nếu mở rộng Huế về phía Nam, nối với Sân Bay Phú Bài, vùng đồi thấp ở Dạ Lê Thượng, các xã thuộc huyện Hương Thủy chạy dọc theo phía Tây của đường sắt rất lý tưởng để quy hoạch thành khu đô thị mới. Nền móng tốt, chi phí xây dựng sẽ được tiết giảm. Đất chật, người đông, trong bất cứ giải pháp quy hoạch nào, lấp ruộng lúa để xây thành phố không thể là giải pháp tốt cho Huế. 2. Huế và vấn đề bảo tồn văn hóa tâm linh. Một trong những việc phải làm khi về thăm quê đối với đa số người Huế nói riêng và người Miền Trung nói chung là viếng lăng mộ tổ tiên. Những năm qua, khi kinh tế có khá hơn, người Huế rất chăm lo xây lăng mộ cho tổ tiên, xây lại đình chùa, nhà thờ họ phái. Nhìn những nghĩa trang mênh mông, được xây cất vĩnh cữu, có thể nói lên rằng đời sống tâm linh là một phần rất quan trọng của con người xứ Huế. Hình như niềm hy vọng, lòng mong mỏi thoát khỏi đói nghèo cho thế hệ mai sau đã khiến cho người Huế chăm lo giữ gìn tôn tạo lăng mộ cho tổ tiên khi họ đang sống trong thời hiện tại. Một số làng, tộc họ ở Huế, sự hãnh diện về thành công của những người đang sống được thể hiện qua kiến trúc của đình chùa… Vì thế, không ít gia đình phải bán đất để có tiền làm nhà thờ, đình chùa cho bằng vai phải lứa với các nơi khác? Văn hóa tâm linh là một bộ phận không thể thiếu của văn hóa dân tộc. Khó ai có thể tranh luận đúng sai khi bàn về vấn đề này. Nhìn dưới góc độ kích cầu, việc xây dựng đền đài giúp tiêu thụ vật liệu xây dựng, tạo công việc làm cho một số bộ phận dân cư. Mặc khác, nếu không có công tác trùng tu lăng tẩm thành quách ở Huế những năm qua, lấy gì để Huế làm du lịch. Tuy vậy, về lâu dài, tập quán xây lăng đắp mộ cũng cần phải tính toán trong bối cảnh phải để dành quỹ đất cho sự phát triển các cơ sở kinh tế văn hóa của Huế trong tương lai. Hơn nữa, Huế cũng cần vốn để đầu tư cho những dự án hạ tầng này. 3. Giáo dục vẫn là nền tảng phát triển của Huế. Hè này người Huế bàn nhiều về giáo dục. Ngày 17 tháng 5, học sinh Hồ Ngọc Hân thuộc trường Cấp 3 Quốc Học Huế đã giành được vòng nguyệt quế trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 9. Thành tích này rất đáng tự hào và khâm phục. Chiến thắng này dường như giúp người Huế lấy lại sự tự tin về truyền thống học hành dường như đã bị mai một kể từ thời Lê Bá Khánh Trình, Lê Tự Quốc Thắng đoạt các giải toán quốc tế. “Học sinh ở Huế phải đào tạo tài năng từ nền tảng.” Một vị nguyên chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế phấn kích giới thiệu dự án giáo dục Huế Star do nhóm của ông khởi xướng. Theo ông, một hệ thống từ nhà trẻ mẫu giáo, trường cấp 1, cấp 2, cấp 3 sẽ được đầu tư từng bước ở thành phố Huế. Nếu dự án này thành công, nó sẽ minh chứng cho ý kiến của rất nhiều chuyên gia quốc tế, khuyên Việt Nam giải quyết vấn đề chất lượng giáo dục bằng cách đầu tư vào giáo dục phổ thông chứ không phải tăng số lượng tiến sĩ ở cấp đại học. Chuyện thành công trong đầu tư giáo dục tư thục vẫn còn phía trước, nhưng những nỗ lực này rất đáng trân trọng, khi có không ít người đang than thở về con đường phát triển của Huế. Nhất là khi ở Huế còn có hiện tượng xây đình, chùa, lăng mộ nhiều hơn xây trường học. Chẳng hạn, một quan sát thật đáng buồn cho làng Ngọc Anh quê tôi, chỉ một đoạn đường vài trăm mét, ba nhà thờ Họ, hai nhà thờ Phái được xây cất lộng lẫy, uy nghi bên cạnh một trường mẫu giáo và trường cấp một tuyền toàng đến thảm hại. Lòng kính trọng tổ tiên hay tính sĩ diện đã khiến dân làng tôi hành xử với con cháu mình như thế? Phải chăng giáo dục là chuyện của nhà nước lo mà thôi? Vâng, nhìn vào mô hình phát triển giáo dục của các nước tiên tiến, nhà nước đầu tư vào giáo dục cơ sở là chủ yếu. Nhưng quy mô đầu tư lại phụ thuộc vào tiền đóng thuế của cộng đồng địa phương. Vì thế, để cho Huế phát triển bền vững, người dân quê tôi cần thay đổi cách suy nghĩ để lựa chọn sao cho đầu tư vào văn hóa tâm linh và đầu tư vào giáo dục có lợi cho tương lai con cháu mình. 4. Phụ nữ và sự phát triển của Huế. Có lẽ không quá cường điệu nếu nói rằng linh hồn cho sự phát triển của Huế thuộc về phái nữ. Huyền Trân Công Chúa đã trao mình cho Họ Chế để đổi đất về cho dân Việt hai châu Ô và Lý. Chúa Nguyễn nằm mộng thấy Tiên bà rồi cho xây chùa Thiên Mụ để đền ơn. Ngôi chùa này hiện nay trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Huế. Không kể đến những điển tích phi thường về lịch sử như thế, chỉ riêng tài nấu nướng của phụ nữ cũng đủ tạo cho Huế một bản sắc để phát triển kinh tế du lịch không nơi nào sánh được. Xin kể chuyện món cá lóc hấp bầu của bà xã bạn tôi để minh chứng cho nhận xét này. Nghe tin tôi về Huế, một bạn học thời cấp ba gọi điện với một yêu cầu khá ngộ nghĩnh. “Ông đừng đi taxi, xe buýt! Hãy để tôi đón bằng xe máy và ghé qua nhà chơi. Bà xã đã chuẩn bị món cá lóc hấp bầu để tụi mình lai rai. Nghe nói đến món ăn này, tôi tưởng tượng ngay món ăn thỉnh thoảng vẫn thường hay thưởng thức ở Sài Gòn. Một trái bầu dài móc hết ruột, cắt dọc thân, cho vào bên trong một chú cá lóc nguyên con, đặt lên bếp ga nấu cho đến khi sôi mới được ăn. Bầu chấm với nước mắm nguyên chất pha vào ít hạt tiêu hoặc chấm tương chao. Nước chấm loại gì cũng đều rất tuyệt. Thế nhưng tô cá lóc hấp bầu ở Huế của bà xã ông bạn khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Quả bầu hình dạng cái hồ lô của Tề Thiên Đại Thánh được cắt bỏ phần đầu, chọn lấy phần bụng. Ruột quả bầu được lấy ra và cho vào nạc cá lóc thái mỏng đã đuợc xào qua với gia vị. Quả bầu hình tròn, những nụ nấm rơm cũng tròn điểm quanh thành những cánh hoa chạy theo vòng đồng tâm. Màu vàng của ớt phi mỡ, màu xanh của bầu, mầu trắng của củ hành, mầu xám vàng của nấm rơm. Chỉ mới nhìn đã thích mắt. Nhưng khi ăn vào bạn mới cảm nhận thêm vị ngọt của bầu, vị cay của ớt và mùi thơm của hành phi. Món cá lóc hấp bầu này giá thành chưa đến hai chục ngàn đồng so với món cá lóc hấp bầu Nam Bộ có giá cả trăm ngàn! Nói đến đây, ắt bạn không còn muốn tranh luận với tôi về tài nghệ chế biến thức ăn của đa số phụ nữ Huế. Và theo tôi, đây là linh hồn của sự phát triển cho Huế trong tương lai. (*)Sao anh không về chơi Thôn Vỹ. Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên. Vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Lá trúc che ngang mặt chữ điền… (**) Đường quân sự của Mỹ san ủi sơ sài sau 1968 để đề phòng khi tuyến Huế - Thuận An bị chặn.)