Thursday, March 13, 2008

Hãy giữ Văn Phong thành khu du lịch sinh thái

Chúng tôi đã khai phá Đầm Môn từ rất sớm. Dưới sự quản lý của Ban Tài Chính Tỉnh Ủy Phú Khánh, chúng tôi đã tiến hành khảo sát tìm cát đen (ilmenit), cát trắng thủy tinh và cát vàng khuôn đúc. Nguyên là cán bộ kỷ thuật dự án, biết chút tiếng Anh, chúng tôi có dịp tiếp cận các đoàn khảo sát của các công ty nước ngoài đến tìm hiểu Đầm Môn, Vịnh Văn Phong từ những năm 1980 và 1990. Lúc ông Võ Văn Kiệt còn làm thủ tướng, những tập đoàn lớn như Total (Pháp), Sumitomo (Nhật), SsangYong (Hàn Quốc), cũng như các công ty vừa và nhỏ khác của Đài Loan, Hàn Quốc, Philippine, Nhật Bản… tất cả đều đã được đưa đến bán đảo Hòn Gốm nhằm tìm cách phát triển Đầm Môn và vịnh Văn Phong.
Kết quả của công việc khảo sát dẫn tới dự án xây dựng cầu trút cát xuống tàu, xuất sang Nhật (xem ảnh) thông qua hợp đồng giữa Công ty Khoáng Sản Khánh Hòa và Công ty I&W Enterprise của Nhật Bản, hiện nay vẫn đang tiếp tục thực hiện.


Gần đây, báo chí bàn nhiều việc xây dựng cảng trung chuyển container, và nhà máy thép, chúng tôi thấy cần góp ý kiến của mình. Vịnh Văn Phong sâu, kín gió nhưng cửa vào vịnh hẹp, có nơi chỉ rộng từ 800 mét đến 1 ki lô mét, hai bên bờ đá dựng đứng. Không rõ lấy đâu ra chiều dài để xây dựng cảng trung chuyển vì cung dài nhất của bãi cát ở thôn Đầm Môn hiện tại chỉ dài khoảng hơn 2 km. Vùng cát trắng phía sau bãi cát cũng chỉ rộng vài chục hecta. Vậy lấy đâu ra vị trí để xây bãi chứa container? Theo tiến sĩ Trương Đình Hiển, Viện Khoa học Công Nghệ Việt Nam, cứ 10 mét cảng cần có 1 ha đất để xây dựng kho bãi. Vậy chỉ cần 2 km cầu cảng cần phải có 200 ha đất làm bãi. Tôi cũng nhớ lại , trong lần đi khảo sát cảng Tai Chung, Đài Loan, chúng tôi phải đi bằng ô tô vì cầu cảng dài trên 15 km. Gần cảng Tai Chung là các khu công nghiệp và đường cao tốc nối với cảng. Chúng tôi muốn đề cập đến các dịch vụ sau cảng và tình trạng phát triển cơ sở hạ tầng của Huyện Vạn Ninh và vùng phụ cận. Vậy không lẽ chỉ biến Đầm Môn thành chỗ gửi tạm container theo đúng nghĩa trung chuyển. Về mặt địa hình, vùng biển trước cảng không rộng, lại có các hòn đảo nhỏ (Hòn Gốm, chẳng hạn) làm giảm khả năng quay trở của các tàu vào ra trả và nhận hàng. Giả sử tất cả các yếu tố trên đều có thể giải quyết, do hình dáng Vịnh là một cái túi có miệng là cửa ra vào đại dương, dầu thải của tàu vào ra sẽ gây ô nhiễm toàn bộ vùng nước từ Vạn Giã đến Đèo Cổ Mã khiến cho việc nuôi trồng hải sản sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể đến gió mùa Đông Bắc, cát mịn bay theo gió sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa tồn kho trên bãi.

Còn về việc xây dựng nhà máy thép, theo chúng tôi lại càng không thuyết phục. Xây nhà máy sẽ phải xây cảng tiếp nhận nguyên liệu, bốc dỡ hàng hóa, khu đổ xỉ thải, khu hành chính, nhà máy điện. Khói thải của nhà máy vào mùa Đông Bắc sẽ bay vào Thị Trấn Vạn Giã, Ninh Hòa. Mùa gió nồm thổi theo hướng Tây Nam sẽ làm cho khu vực biển dọc bán đảo Đầm Môn không còn là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng. Cảnh quan thiên nhiên chắc chắn rồi cũng sẽ bị phá vỡ.

Không hiểu vì sao chúng ta không thuê một đơn vị độc lập đánh giá tác động môi trường của cả hai dự án lớn như thế. Cũng càng khó hiểu khi nghe nói tập đoàn này mời một đoàn cán bộ lão thành sang thăm nhà máy để lobby cho việc xây dựng. Nghe nói một đoàn cán bộ chính trị ở trung ương cũng đã vào thăm và cho ý kiến?

Tôi còn nhớ, ông Ray Chen (người thứ ba từ trái qua phải), hiện đang giữ vị trí Tổng Giám Đốc Nhà Máy Shinan Casting ở Tainan, Đài Loan có nói với chúng tôi khi đi khảo sát cát khuôn đúc ờ vùng này năm 1993. “Phải gìn giữ vùng biển này thành nơi nghĩ dưỡng cho chúng tôi và cả thế giới. Chúng tôi vì đã lao vào phát triển công nghiệp khiến cho môi trường vùng biển Tainan giờ đây đã bị hủy hoại. Chúng tôi đã phải trả giá. Hãy đừng lập lại con đường này của chúng tôi!

Mời các bạn xem ý kiến của tôi tại http://baodulich.net.vn/Story/vn/chuyentrongnghe/chuyentrongnghe/2008/3/1412.html


và Ô. Võ Văn Kiệt tại http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=247950&ChannelID=3

No comments:

Post a Comment