Saturday, October 15, 2016

Vườn mít nhà tôi

Trang Facebook của bạn tôi đăng một câu chuyện về quả mít như thế này, Thứ bảy tuần trước Thu Nga có nhận được một trái mít mà không biết ai đã tặng. Lòng thật vuiA nhưng cũng thật áy náy vì sợ người ta tặng nhầm nên không dám cắt ra ăn. Mùi hương thơm ngào ngạt không kiềm chế được nên sáng hôm sau đem ra xử. Mít múi thật to, giòn tan và ngọt lịm. Bóc múi ra cái thì để ngăn mát ăn tươi, cái thì để đông đá ăn dần, cái thì làm kem chuối dừa mít, còn xơ thì phơi héo để kho với cá bống thệ.
Hiện tại thì mít cũng hết, kem cũng không còn nhưng lòng vẫn áy náy không biết ai là người cho mít để cảm ơn một tiếng. Thôi thì nhờ bác Facebook cho Thu Nga đăng mấy dòng để cảm ơn ai đó đã có lòng thơm thảo (hi vọng là còn nhận được lần sau!?). Một lần nữa gia đình Nam Nga xin cảm ơn người đã cho mít nhé!”

Hiện tại thì mít cũng hết, kem cũng không còn nhưng lòng vẫn áy náy không biết ai là người cho mít để cảm ơn một tiếng. Thôi thì nhờ bác Facebook cho Thu Nga đăng mấy dòng để cảm ơn ai đó đã có lòng thơm thảo (hi vọng là còn nhận được lần sau!?). Một lần nữa gia đình Nam Nga xin cảm ơn người đã cho mít nhé!”

Mấy ngày sau, TN đã chia sẽ mẫu chuyện này vào trang Facebook của tôi vì đã tìm ra người biếu quả mít.

Hồi tháng 6, chúng tôi có dịp hội ngộ ở Huế nhân ngày giỗ của cha tôi. Nhìn cây mít trước nhà sai quả, chúng tôi bàn với nhau những món ăn dân dã từ quả mít. Mít non trộn tôm thịt xúc bánh tráng, canh mít non nấu với lá lốt, xơ mít phơi héo kho cá bống thệ, …

Câu chuyện các món ăn từ quả mít bỗng dưng đã làm không khí cuộc gặp mặt trở nên đầm ấm. Tôi quay sang chú Tư hỏi, “Em có thể tặng mỗi người một quả mít non khi ra về được không?” Tư bảo, những quả mít này đã hơi già, làm các món ăn từ mít non không còn phù hợp, hẹn dịp khác vậy.

Nhân nói về quả mít, ở trong vườn nhà, tôi nhớ lại hồi còn nhỏ, chúng tôi đã lớn lên với nhiều câu chuyện về nó.

Ngõ vào nhà tôi khá dài, hai bên đường, Cha tôi đã trồng cây mít với nhiều giống khác nhau. Chúng không chỉ có hai loại mít, mít ướt và mít ráo. Mít ướt khi chín, múi mít trở nên mềm, khi ăn phải dùng đũa để gắp hoặc phải dùng tay bàn tay để bóc ăn. Mít ráo, khi chín khô ráo, có thể ăn từng múi, từng sợi xơ cái, hoặc ăn luôn cả lớp đệm sát vỏ (gọi là đợn), xơ mít có thể phơi héo để kho với cá. Không chỉ có hai loại mít kể trên, chúng tôi còn đặt tên cho từng cây mít tùy theo đặc điểm của quả mít khi chín. Chẳng hạn, cây mít đầu tiên từ ngõ vào phía bên phải được đặt tên là mít đài. Quả mít không lớn, tròn, da căng mịn khi già, giống như đáy của cái om đất dùng để rang muối hay kho cá. Cây mít tiếp theo trồng ở bên phải gọi là mít dừa vì múi mít khi chín dòn như cơm dừa. Do đặc điểm của múi mít khi chín ăn rất ngon, mặc dầu ra quả ít, nó đã không bị đốn hạ khi Cha tôi mở rộng ngõ cho xe máy cày vào ra. Hậu quả là nó đứng trơ trọi khi toàn bộ ngõ vào nhà được mở rộng.

Cây mít trẻ nhất trong hàng quân danh dự là cây mít nghệ. Mặc dầu không sai quả như mẹ của nó ở vườn nhà ngoại, nhưng vì màu múi mít khi chín có màu vàng nghệ rất đẹp nên nó vẫn được giữ lại trong vườn. Nghe Mẹ tôi kể lại, hồi mới quen nhau, Cha tôi đã xin giống đem về ươm trồng.

Gần sát sân nhà, còn hai cây mít khác được đặt tên và đối xử với rất khác biệt. Cây mít ướt được yêu quý vì ra quả rất lớn. Quả ra không nhiều nhưng to và dài cỡ bằng thùng dầu hôi 20 lít. Vì thế, cha tôi đã dùng dây và nạng để chống đỡ. Mặc dù mít ướt, khi chín, chúng tôi có thể ăn luôn cả xơ. Mỗi lần mít chín, Mẹ tôi thường mang ra chợ bán vì được giá. Tuy vậy, chúng tôi vẫn có dịp thưởng thức món ngon vì cha tôi yêu cầu cắt ra một khoanh để vừa ăn vừa chọn ra những hột mít đầy đặn làm giống. Mẹ tôi cũng rất vui vì người mua có thể bị hấp dẫn khi nhìn thấy được bên trong của quả mít.

Còn một cây mít nữa, chúng tôi cho là ‘có ma’ vì không những thân nó mọc thẳng vươn cao nhất ở trong vườn mà còn có những đặc điểm khác lạ so với những cây mít khác. Năm nào, đến mùa xuân, nó cũng đều nở hoa, ra quả, nhưng sau đó đều rụng hết. Thấy nó vô tích sự, ai cũng khuyên Cha tôi đốn bỏ, nhưng ông nói, để sau này lấy gỗ làm cột nhà thay cho cột nhà rường làm nơi thờ tự tổ tiên.

Nói về những món ăn từ quả mít, còn hai món nữa gắn liền với tuổi thơ của chúng tôi, đó là hột mít và mít dái.

Do vườn nhà nhiều mít, bạn bè trong lớp từ tiểu học cho đến đại học của tôi đều không bao giờ quên món hột mít do Mẹ tôi đãi. Cho đến lần hội ngộ này, chúng tôi đứa nào cũng xấp xỉ 60 tuổi. Vậy mà khi họp lại đều nhắc kỷ niệm nhổ trộm sắn nấu chung với hột mít mỗi lần tụ tập ở nhà tôi.

Món mít dái có tên hơi tục tỉu vì hoa mít không được thụ phấn để thành trái trông giống hòn dái. Mít dái phải ăn với muối ớt vì có vị chát. Món này tôi thường phải theo mấy bà chị ra vườn để ăn vì phải qua chế biến.

Mùa hè năm 1971, Cha tôi bị tai nạn mất. Tất cả cây trái trong vườn đều được cột một dải vải trắng gọi là để tang. Tôi nhớ lại, chỉ có một vài cây trong vườn bị chết. Vườn mít vẫn xanh tươi. Nhưng một buổi sáng, chị tôi la lên thất thanh, “Ba ơi ra mà xem!” Tôi thức dậy nhìn ra vườn, cây mít vươn cao nhất vườn lá đổi màu vàng rụng đầy quanh gốc. Hồi đó, chị em tôi cho rằng cây mít muốn chết theo Cha tôi. Về sau này, khi tìm hiểu, tôi mới nhận ra, vườn mít đã bị dính thuốc khai quang của Mỹ rãi ở trên rừng Trường Sơn. Bây giờ, nhớ lại hồi còn nhỏ, chúng tôi đã ăn những cây trái trong vườn như mít dái,ổi, khế…một cách trực tiếp mà không biết trên vỏ của nó đôi khi còn đọng lại chất độc màu da cam.

Nghĩ đến đây, tôi bỗng rùng mình.

Monday, October 03, 2016

CÂY BÀNG NHÀ TÔI

Tôi chuyển về sống ở TP. HCM giữa năm 1997. Sau khi tìm được việc làm, mỗi cuối tuần tôi đều chạy xe máy kiếm nhà để mua nhằm đưa vợ con từ Nha Trang vào chung sống. Do số tiền dành dụm không lớn, địa điểm tìm kiếm căn nhà có thể mua cứ xa dần khu trung tâm. Cuối cùng, tôi mua được một căn nhà cấp 4 của một thương binh bán lại qua tay một môi giới ở Tân Sơn Nhì. Căn nhà vỏn vẹn 36 mét vuông, nhưng bên cạnh còn một khoảng đất trống sát đường hẽm. Nghĩ rằng khu đất nhỏ nhưng nằm ngay ngã ba, có 2 mặt tiền nên sẽ thông thoáng, và với sự tư vấn về giá cả của một trùm địa ốc ở cơ quan, việc mua bán được quyết định chỉ sau 1 lần đàm phán.

Tôi dọn về ở trong căn nhà mới mua từ đầu năm 1998. Phát hiện đầu tiên của tôi là căn nhà rất thấp, phần hông của nó quay về hướng Tây nên rất nóng. Hơn nữa, nền của nó thấp hơn mặt đường nên rất ẩm thấp. Vì vậy, tôi quyết định trồng cây để lấy bóng mát. 

Ngày chủ nhật nọ, tôi đi bộ ra đầu hẽm, ghé tiệm bán hoa, cây cảnh để tìm mua loại cây mình cần. Chủ tiệm là một người trạc tuổi trung niên, dáng người có vẻ thầy giáo hơn so với lớp thương nhân từng trải. Với sự tư vấn của chủ hiệu, chúng tôi đã trồng một loại dây leo lá lớn, hoa màu tím không rõ tên. Chẳng bao lâu, dây leo phủ kín căn nhà đến nỗi ở ngoài nhìn vào chỉ thấy một màu xanh của lá. Chúng tôi ở dưới tàn lá đó 5 năm cho đến khi có đủ điều kiện để xây nhà mới.

Nhà xây xong, quay mặt về hướng Tây Bắc nên đầy ánh nắng vào buổi chiều. Tôi lại chạy ra tiệm bán cây cảnh của anh Tuấn để mua cây cảnh trang trí cho có màu xanh. Chợt thấy cây bàng nhỏ đang khô héo bên cạnh tường của tiệm, tôi hỏi mua, nhưng vợ chủ tiệm lại biếu không cho tôi mang về.

Tôi trồng cây bàng sát tường rào phía ngoài đường với hy vọng khi cây lớn lên sẽ che bóng mát cho cả mặt tiền căn nhà. Quả vậy, cây bàng lớn nhanh như thổi, thấm thoát nó đã trở thành chiếc dù che mát nhà tôi. Tôi còn nhớ một người bạn thân từ Nha Trang ghé thăm vẫn nhắc đến bóng mát của cây bàng sau lần hai đứa ngồi nhâm nhi vào một buổi chiều cách đây nhiều năm.

Môt ngày nọ, bỗng dưng Công ty Điện Lực chôn một trụ điện trung thế sát bên cây bàng. Không ngờ đó là tai họa cho cây bàng. Về sau này, mỗi năm cứ đến mùa mưa, công ty lại đến tỉa cành, cắt ngọn. Kì diệu thay, cây bàng nghiêng thân mình dần ra phía đường để né tránh dây điện. Không mọc thẳng được, tàn lá của nó vươn theo chiều ngang, che kín một khoảng đường trước nhà. Những ngày nắng gắt, tán bàng trở thành nơi nghỉ mát của những người bán hàng rong, thu mua phế liệu.

Thấy không gian mát mẽ, thoáng đãng một gia đình ở sâu trong hẽm xin nhờ làm chỗ đặt xe bánh mì vào mỗi sáng. Từ dạo ấy, rạng sáng nào tôi cũng nghe tiếng chổi quét lá quanh nhà. Tôi thầm nghĩ, quanh nhà mình luôn sạch sẽ là nhờ công quét lá của Chị bán bánh mì và cũng là do cây bàng.

Cách đây 2 năm, tôi bị bệnh nên chăm tập thể dục ở nhà mỗi sáng. Đứng trong cửa sổ nhìn ra tàn lá xanh tươi của cây bàng, tôi đã học được nhiều điều từ nó.

Những chiếc lá bàng màu xanh non mơn mỡn vươn lên đón ánh mặt trời, trong khi những chiếc lá đã già trĩu nặng, chúng tạo thành một lớp màu đậm hơn bên dưới. Mỗi ngày, những chiếc lá già nua liên tục đổi màu vàng và rụng xuống. Tôi liên tưởng đến đời người, khi chúng ta già đi thì phải lắng đọng, trải đường làm nền tảng, nhường bước cho lớp trẻ vươn lên.

Khác với cây bàng ở miền Bắc như trong truyện “Nhặt lá bàng” của Thạch Lam, cây bàng nhà tôi đơm hoa kết trái và thay lá quanh năm. Tôi nhận thấy, dù đứng yên một chỗ, cây bàng vẫn giải quyết được chuyện sinh tồn. Cứ một lần bị cưa, chặt cành, cây bàng xơ xác chỉ vài hôm. Sau đó, từng cành non mọc lên xanh tươi, hớn hở đón ánh mặt trời. Lá mọc đến đâu, hoa nở đến đó. Nhờ vậy, cây bàng quyến rũ nhiều lũ chim đến bắt sâu, hút mật. Từng trái bàng có màu xanh  âm thầm lớn lên trong tàn lá. Chúng liên tục chuyển sang màu vàng khi chín. Lũ chim bay đến tìm quả chín để ăn. Những cơn gió mạnh cũng làm lá bàng rơi xuống mặt đường. Người phu quét rác gom lá bàng mang về bãi rác, hay những trận mưa xối xả mang mầm sống của giống bàng tái sinh ở đâu đó. Tạo hóa quả tuyệt vời!

Sáng hôm qua, lúc tờ mờ sáng, tôi đã nghe tiếng cười nói trước nhà. Một nhóm công nhân điện lực với xe chuyên dụng được lệnh đốn hạ cây bàng. Chưa đầy một tiếng đồng hồ, cây bàng đã biến mất. Một lần nữa cây bàng lại dạy cho tôi một bài học cuộc sống. Rõ ràng, cây bàng không hề biết nó bị đốn hạ một ngày nào đó, nhưng ngày hôm qua khi còn tồn tại trên cõi đời nó vẫn đâm chồi, nỡ hoa, sản sinh những trái bàng tươi ngon hấp dẫn lũ chim, những chiếc lá ngả vàng thản nhiên rơi rụng sau khi làm hết trách nhiệm của mình.

Tôi tự hứa, từ nay cho đến cuối đời, tôi sẽ sống theo cách của cây bàng nhà tôi ngày hôm qua.