Monday, February 09, 2015

Một vài khác biệt văn hóa gây cản trở hội nhập của người Việt Nam đương đại

Rất nhiều câu chuyện hàng ngày liên quan đến hành xử thiếu kỷ luật, thiếu tính nhân bản của người Việt Nam đương đại. Bản thân tôi sau nhiều năm được học tập và làm việc với các tổ chức quốc tế và trong nước, cũng có điều kiện trải nghiệm cũng như tiếp nhận một số nhận xét của chuyên gia nước ngoài về các khuyết điểm kể trên.
Trước hết, xin kể về tính thiếu kỷ luật về giờ giấc. Sau nhiều lần tiếp xúc để tìm hiểu về khả năng tham gia phối hợp trong việc thi công công trình mang tính đột phá về hạ tầng ở TP. Hồ Chí Minh giữa tập đoàn xây dựng quốc tế Shimizu Nhật Bản và đơn vị chúng tôi, một hôm, một quản lý phía đối tác thản nhiên bảo tôi, “Này ông! Tôi thấy ông không giống người Việt”.
Tưởng rằng ông ta nhận xét về phương diện nhân chủng học, tôi tuôn ra ngay một tràng giải thích về sự di cư của các giống người Indonesean trong quá khứ hàng ngàn năm qua.  Tôi tự hào nói, “Trên thế giới, sự di dân từ nơi này sang nơi khác đã từng được chứng minh qua các chứng cứ về khảo cổ học và nhân chủng học.  Nước Việt chúng tôi nằm trên ngã ba đường của các cuộc di dân đó nên chúng tôi có thể là người Nhật, người Hoa, người gốc Ấn, và thậm chí còn có thể là con cháu của Thành Cát Tư Hãn xứ Mông Cổ.
Từ tốn như bao người Nhật khác, vị chuyên gia bảo tôi, “Tôi nói ông không giống người Việt là ở điểm khác anh bạn ạ! Ý tôi là qua nhiều cuộc hẹn, tôi thấy ông lúc nào cũng đúng giờ, không giống như các cuộc làm việc của tôi với nhiều người Việt khác.” Đến đây, tôi thẹn đỏ mặt, không chỉ vì sự võ đoán của mình mà còn vì nhận xét cay đắng của vị chuyên gia Nhật dành cho người Việt chúng ta.
Kế đến, nói về tính nhân bản của người Việt. Có thể đây là một sự xúc phạm đến đồng chủng của mình.  Nhưng không bàn đến vấn đề này có thể là một tội lớn đối với tiền nhân và thế hệ kế tiếp.
Trước hết, xin nói về tiêu chuẩn thiết kế các công trình xây dựng dân dụng. Nếu bạn có dịp đi vào các công trình dân dụng xây trước 1975 còn sót lại, chẳng hạn, Dinh Thống Nhất ở TP. HCM,  bạn sẽ thấy dốc cầu thang khá thoải và các bậc cấp có chiều cao vừa phải khiến cho người đi bộ leo dốc có cảm giác nhẹ nhàng thoải mái.  Bên cạnh đó, các tòa nhà đều có lối đi hoặc các nhà vệ sinh dành cho người dành cho người tàn phế, già yếu.
Đi bất cứ đâu ở các nước như Singapore, Hàn Quốc, Mỹ… chúng ta đều thấy có các hạng mục xây dựng dành cho người già, người tàn phế ở các công trình dân dụng và các phương tiện công cộng mà thi thoảng mới gặp ở nước ta.  Chẳng hạn, mới đây, trong một dịp ghé vào trạm dừng ôtô Tâm Châu, Bảo Lộc, tôi ngạc nhiên và rất mừng cho ngành du lịch địa phương khi nhìn thấy bảng chỉ dẫn nhà vệ sinh dành cho người tàn phế.
Cơ quan Ngoại giao Mỹ ở Việt Nam trong nhiều năm trước đây cũng đã nêu vấn đề này có chương trình tài trợ để thiết kế phương tiện lên xuống xe buýt cho người tàn tật ở TP. HCM. Tuy vậy, có lẽ vì lý do ngân sách, hiện nay các xe buýt công cộng ở TP vẫn vắng bóng phương tiện này.
Nói đến tính nhân bản của người Việt, cũng không thể không nói đến văn hóa ẩm thực. Hầu như chúng ta có thể vô tư ăn nhậu bất cứ loài cầm thú nào. Thức ăn càng hiếm càng khoái khẩu và càng quyết tâm lùng kiếm để thưởng thức. Trên các tuyến đường du lịch ở nước ta, đi đâu cũng thấy các bảng quảng cáo đặc sản, “Cá suối, rau rừng”. Còn ở chợ đồng bằng, người tiêu dùng dường như không biết thực hư về trọng lượng cũng như chất lượng thực phẩm có giá như tôm, cua, thịt bò…đành chuyển dần sang sử dụng hàng ở siêu thị.  Hiện chưa có ý kiến của ngành y tế về thông tin tỷ lệ ung thư của người Việt rất cao, một phần vì dư lượng các chất tăng trọng, thuốc trừ sâu trong thực phẩm!
Đâu là giải pháp giúp giới trẻ Việt thay đổi?
Bước xuống sân bay quốc tế Bangkok, chúng ta luôn bắt gặp nụ cười và ánh mắt thân thiện từ nhân viên hải quan đến người đẩy xe phục vụ.  Ta còn thấy hình ảnh chùa tháp và các tượng Phật ở trong và cả lối ra vào sân bay.  Ở khu thương mại sầm uất của nội đô Bangkok, ta vẫn thấy ở các góc ngã tư, ngã ba đền thờ Phật, hình ảnh nhà vua, hoàng hậu xuất hiện trong các dịp lễ. Ở thủ đô Pnompenh, Cambodia, ở Yangon, Myanmar… chúng ta cũng bắt gặp những hình ảnh tương tự.  Nghe nói, thanh niên ở Thái Lan, người Khmer ở nước ta và ở Cambodia, người Lào… đều phải vào chùa học giáo lý và thực hành nghi thức tôn giáo một thời gian.  Phải chăng đây là gốc rễ cho tính thiện, và sự hiền từ thể hiện trong tính cách của người dân các nước láng giềng?

Sau nhiều năm công tác ở TP.HCM, chuyên gia kinh tế Heung Choi tiết lộ cho tôi một trong những bí quyết thành công của Hàn Quốc.  Anh nói, thật tình, nước tôi phải học tập Việt Nam về quyết tâm thống nhất đất nước mà đến nay người Hàn vẫn chưa làm được.  Thế nhưng trong cái rủi lại có cái may. Do lo sợ chiến tranh, chính phủ Hàn Quốc ban hành luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc hai năm đối với thanh niên. Ở trong quân ngũ, chúng tôi không những học về kỹ thuật quân sự mà còn được rèn luyện về thể chất, tính kỷ luật, tính tuân thủ...  Nhờ vậy, khi trở về cuộc sống đời thường các tố chất này hóa ra rất cần thiết để tạo nên một thế hệ trẻ Hàn Quốc mạnh về thể chất, nhạy bén trong đối phó các tình huống và đặc biệt biết tôn trọng giờ giấc và kỷ luật của tổ chức, yếu tố góp phần làm nên một quốc gia hưng thịnh trong hội nhập quốc tế ngày nay.