Saturday, February 12, 2011

Chuyện kể đêm đông của cha tôi


Ở Huế mùa đông rất khắc nghiệt.  Tôi đã sống một vài nơi thuộc xứ lạnh như Boulder, Colorado, Nashville, Tennessee ở Mỹ hay Kharkiv ở Ucraine… nhưng cái rét ở Huế khác xa các xứ này. Có lẽ cái lạnh ở Huế khó chịu vì độ ẩm ở vùng này rất cao.  Một yếu tố khác làm cho mùa đông ở Huế lạnh hơn ở nhiều nơi khác là do hồi còn trẻ cuộc sống của chúng tôi, và đa phần dân cư ở Huế, thiếu các phương tiện chống rét.  Thử hỏi làm sao không rét khi nhà ở xây chưa kín gió, mặc không đủ ấm, chăn nệm chưa dày, khi đi lại phải lội bộ hoặc đạp xe trong mưa phùn gió bấc, đường sá lầy lội. 

Những đêm đông như thế cha con chúng tôi chui trong một tấm chăn chung dệt bằng lông vịt.  Tôi thường nằm gọn trong lòng hay ôm tấm lưng to phẳng như tấm phảng của ông để nghe kể chuyện tiếu lâm dân gian. Một vài câu chuyện của ông gây ảnh hưởng cho tôi khá sâu sắc, phần nào tạo nên tính cách của tôi trong cuộc sống.  Trước hết, đó là kỹ năng giải quyết vấn đề, biến hóa, tìm ra các giải pháp khi gặp khó khăn tưởng như ở bước đường cùng. Sau đây là một trong những câu chuyện như thế.

Chuyện về một thiếu niên tầm sư luyện võ

Một chàng thiếu niên nọ được cha gửi đến trường để xin làm học trò của một võ sư nổi tiếng. Được nhận vào nhiều tháng rồi nhưng thầy không chỉ cho một miếng võ nào. Thay vào đó, anh ta bị phân công gánh nước, bổ củi, nấu cơm, quyét sân võ đường sáng tối…những việc đó anh không hề làm khi còn ở quê nhà.
Lòng càng buồn tủi hơn khi nghĩ về quê hương và gia đình. Liệu khi trở về anh ta phải trả lời ra sao với gia đình và bè bạn. Đã bao nhiêu buổi sáng anh đưa chổi quyét đi qua đi lại trước sân luyện công của thầy, nhưng không dám mở lời dù chỉ hai chữ “tại sao”. Càng nghĩ anh càng thấy ức chế vô cùng. 
Một buổi chiều nọ, buồn quá, anh ngồi một mình bên dòng sông tính chuyện nên bỏ về hay tiếp tục ở lại võ đường. Bỗng dưng võ sư xuất hiện, vỗ vai anh và hỏi, “Con có biết leo dừa không?”  Tưởng việc gì chứ leo dừa là việc quá dễ dàng, vì quê anh là xứ dừa. Thấy anh gật đầu võ sư đưa anh một con dao nhỏ, chỉ ngay một cây dừa cao nhất, thân dừa hơi nghiêng về phía dòng sông yêu cầu anh leo lên đỉnh.  Thoắt một lát, anh đã lên ngọn dừa, đưa mắt hỏi thầy xem ông muốn anh làm gì.  Anh cũng tranh thủ quan sát cảnh vật xung quanh và nhìn về quê hương xa xa. Chưa nghe mệnh lệnh gì của thầy, anh đã thấy ba môn sinh bắt thang tre dùng các nhánh cây gai mắt mèo bó quanh thân dừa. Rõ ràng, anh không thể ôm thân dừa tụt xuống đất được nữa. Lúc đó, giọng nói sang sảng của thầy vang lên như mệnh lệnh. “Con hãy nghĩ cách để xuống đất. Nếu xuống được an toàn, vào gặp thầy, thầy sẽ chọn con làm môn sinh.”
Anh vô cùng hoảng sợ. Làm sao có thể xuống đất an toàn từ đỉnh cao gần hai chục mét! Chưa biết suy nghĩ ra sao, anh đã thấy thầy và các võ sinh quay mặt bước về nhà. Mặt trời ngả bóng, bầu trời chuyển sang màu đỏ, bóng tối phủ dần không gian. Vậy là, nếu không xuống đất, anh phải ngủ ngồi qua đêm trên đỉnh cây dừa.  Cảm giác hụt hẫng, tức giận, buồn bực, chán nản xen lẫn lo sợ xâu xé tâm hồn anh.  Bụng cồn cào, bản năng sống chỉ cho anh thấy phải dùng dừa non để lấy nước uống cho qua cơn đói.  Mệt quá, anh ôm chặt các tàu dừa, dùng lá bện thành dây quấn quanh người để khỏi rơi khi ngủ thiếp.

Một đêm đã qua, anh mở mắt vì tiếng hót véo von của những chú chim ăn đêm quay về tổ.  Trời hửng sáng, nhìn những cánh chim chao lượn, anh chợt nghĩ ra một kế sách: dùng lá dừa non kết thành tấm thảm lớn, túm bốn góc làm thành chiếc dù cản gió khi nhảy xuống đất.  Quả vậy, anh đã nhảy xuống nước an toàn bằng tấm thảm dừa đã đan mất gần cả ngày. Hơn nữa, khi chìm trong  dòng nước lạnh, anh phát hiện đáy sông rất sâu nên anh đã không hề hấn gì.

Vừa bơi vào bờ, anh đã thấy vị võ sư với ánh mắt trìu mến, nắm tay anh kéo lên và đưa anh vào nhà.  Anh trở thành học trò từ hôm ấy và được thầy truyền dạy gần như mọi bí quyết võ công của môn phái.

Thursday, February 03, 2011

Từ Việt Nam nghĩ về Ai Cập

Chuyển biến xã hội ở Ai Cập cho thấy, quyền lực thuộc về nhân dân.  Khi một thể chế không còn có thể làm cho "Sói cũng no, cừu cũng thỏa mãn," nó phải bị thay thế. 

Luật Pareto rất đúng.  20% thành phần xã hội nắm 80% tài sản của đất nước, nhưng nếu 20% thiểu số vì lòng tham muốn chiếm đoạt nhiều hơn phần tài sản của đa số, mâu thuẫn xã hội sẽ nảy sinh và tồn tích đến lúc bùng phát thành cuộc cách mạng.

Ở Ai Cập, người nông dân bị tước đoạt dần đất đai.  Cư dân đô thị sống trong những chung cư không được hoàn thiện để tránh thuế nhà đất. Khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất nằm trong tay các tập đoàn nước ngoài.  Quần thể di tích lịch sử, viện bảo tàng danh tiếng không được trùng tu đúng mức... những dấu hiệu cho một thể chế đã mục ruỗng. Vì thế, Ai Cập cần phải thay đổi.

Mồng 01 Tết Tân Mão.
From Vietnam to think of Egypt

Social movements in Egypt showed that power belongs to the people. When an institutional can no longer make, "Wolves are full, sheep are also satisfied," it must be replaced.

Pareto law is very true. 20% social components capture 80% of the country's property, but if 20% minority because of greed to appropriating the more the property of the majority, social conflicts will arise and accumulate to break the revolution.

In Egypt, the farmers were stripped out of land. Urban residents lived in the apartment cannot be finalized to avoid taxes on the property. Hotels, restaurants, and manufacturing facility are mostly located in the hands of wealthy families and foreign corporations. Renowned historic places, museums are not restored correctly... the signs for a spoiling institution.

Egypt needs to change.
(Translated by Bing)