Saturday, September 17, 2011

Thất vọng biển Hàm Tân


Nhìn cát trắng, biển xanh của Hàm Tân tôi mừng lắm. Mừng vì đây là một vùng ít mưa nhất Việt Nam, điều đó có nghĩa là nếu xây dựng các khu nghỉ dưỡng ở đây, số ngày khai thác sẽ lớn. Đây là một trong những yếu tố khiến nhà đầu tư quan tâm nhất. Con đường trải nhựa ven biển tuy chỉ rộng đủ hai làn xe, không có lề, nhưng so với các tỉnh khác, như thế cũng đủ để tạo ra động lực cho du lịch phát triển. Tuy vậy, quan sát một vòng các khu nghỉ dưỡng, tôi thấy lộ ra những khuyết điểm rất lớn.
Thứ nhất, là hệ thống xử lý chất thải của hầu hết các khu nghỉ dưỡng đều không đúng quy cách. Đa số đều chỉ xử lý thô trước khi cho thấm ra biển. Mùi hôi của chất thải theo gió Tây Nam thoảng bay trở lại vào khu nhà nghỉ.
Thứ hai, đa số khu nghỉ dưỡng đều có diện tích không lớn.  Điều này sẽ rất khó thu hồi vốn nhanh nhờ hiệu ứng số lớn để tái đầu tư. Việc đa dạng hóa dịch vụ cũng sẽ khó thực hiện được. Rốt cục, câu chuyện nằm co vì giường chật sẽ khiến cho du lịch ở vùng này và nhiều nơi trên dọc bờ biển Việt Nam sẽ khó phát triển.
Chiều nay tôi tranh thủ ra tắm biển. Càng thất vọng hơn khi trong nước biển Hàm Tân đầy dầu.  Không phải là váng dầu, nhưng trong nước biển đầy những quả cầu nhỏ dầu màu vàng.

Sunday, September 11, 2011

Nguyên lý kinh doanh

Trong lần ăn tối với bạn bè gần đây ở miền Trung, tôi được giới thiệu với một doanh nhân trẻ thành đạt.  Tôi càng cảm phục nhiều hơn khi thấy tính tình của doanh nhân này cỡi mở, hoạt bát xen chút hài hước, một tố chất cần thiết để thành công trong kinh doanh. 

Như để tăng thêm uy tín cho doanh nhân và gia đình ông, một người bạn kể thêm về cô con gái của vị này.  Anh nói, "Con gái còn giỏi hơn cha nữa đấy. Mới học lớp 9, sang Singapore du học, cô được cha thuê cho một căn phòng 500 đô la một tháng để ở. Về sau, cô bé gọi hai người bạn học đến ở chung. Một đứa trả 300 đô la, đứa kia trả 200 đô la. Cô bé nói với hai người bạn thuê phòng, "Vì tao là chủ nên ở không phải trả tiền."

Thoạt đầu tôi cũng bị hấp dẫn bởi tài thuyết phục của cô bé.  Nhưng sáng hôm sau, khi đầu óc tỉnh táo, tôi chợt nhận ra có gì không ổn trong câu chuyện hồi đêm.  Liên tưởng đến câu chuyện của ông Ernesto Preatoni, một doanh nhân Ý nói với tôi năm ngoái về đặc điểm của lớp doanh nhân mới thành đạt sau khi Liên Xô sụp đổ ở Đông Âu tôi càng thấm thía hơn nguyên tắc kinh doanh trong kinh tế thị trường.

Theo ông Preatoni, các doanh nhân xuất thân từ các nước xã hội chủ nghĩa có các đặc điểm giống nhau: duy ý chí, muốn giàu thật nhanh đến nỗi bất chấp hậu quả những việc làm của mình.  Ông cho biết đã nghỉ đêm ở một khu nghỉ dưỡng năm sao ở miền Trung. Chủ khu nghỉ dưỡng này cũng đang rao bán các căn hộ triệu đô.  Theo nhận xét của ông, những người mua căn hộ khó có thể bán lại với giá cao hơn và vì thế, họ sẽ bực bội khi bán lại căn hộ trong trường hợp không còn nhu cầu sử dụng.  Nguyên tắc kinh doanh bất động sản, theo ông, là phải làm cho nhà đầu tư có lãi khi tham gia kinh doanh với mình. Nếu không, đấy gần như chỉ là một vụ lừa đảo.

Một nữ doanh nhân kinh doanh bất động sản ở thành phố Hồ Chí Minh cũng có suy nghĩ tương tự. Bà nói, "Nguyên tắc làm ăn của tôi là khi giao dịch, tôi để cho đối tác nhận phần trước, còn lại là phần của tôi."  Thoạt đầu, khi nghe bà nói như thế, tôi không tin lắm.  Bởi tôi thường được nghe Win-Win hay cả hai cùng thắng, hoặc "cưa đôi", nghĩa là làm ăn phải sòng phẳng mới bền.

Về sau khi nghe nữ doanh nhân này giải thích kỹ tôi mới hiểu ngụ ý của bà. Bà cho rằng, trong mua bán bất động sản, mỗi người thường chỉ giao dịch một hai lần. Nếu họ hài lòng, khi có cơ hội họ sẽ giới thiệu thêm người khác. Vì thế, việc kinh doanh bất động sản của bà sẽ tiếp diễn nhờ sự giới thiệu này. "Tôi tuy có thể nhận phần ít nhưng rút cục tích tiểu thành đa, tôi là người hưởng lợi nhiều nhất", bà nói thế.

Đến đây, tôi mới hiểu ý nghĩa câu nói của giáo sư Peter Drucker rằng, "Nguyên tắc kinh doanh là tạo ra một khách hàng và khi họ giao dịch xong lại giới thiệu cho ta một khách hàng khác."

Cô bé khôn ngoan ơi, có thể về sau khi lớn lên em sẽ hiểu ra chân lý này!

Saturday, September 10, 2011

Về Xứ Nghệ

Lần đầu tiên tôi đến đất Nghệ An. Nhiều cảm xúc vui hơn buồn. Vui vì trước đây nghe nói xứ Nghệ nghèo nhưng hôm nay, Nghệ An giàu lên trông thấy. Đường giao thông tuy chưa hiện đại như các nước trên thế giới nhưng gần như được trải nhựa hoặc bê tông ở diện rộng trên cả tỉnh.  Nhiều nhà ngói mới khang trang với nhiều cổng thôn văn hóa. Nhiều đền tưởng niệm các danh nhân văn hóa, lịch sử được xây mới và có biểu bảng hướng dẫn khách tham quan.  Thành phố Vinh đường sá khá rộng và có tính quy hoạch khá rõ. Thấp thoáng các tháp nhà thờ công giáo được xây mới nhô cao trên nền ngói đỏ khiến lữ khách có được cảm giác an lành. Chưa có nhiều thời gian để đi sâu tìm hiểu thực tế cuộc sống của con người xứ Nghệ, tôi chỉ có một vài hình ảnh chia sẻ cùng bạn bè.
Special squips of Nghe An sea

Coconut wine (naturally made)

Lúa trỉu hạt - rich rice
Đồng vàng xen ngói đỏ - Yellow rice field and red roofs

Tuesday, September 06, 2011

Con cá mụt măng

(Cảm nghĩ nhân đọc chuyện Sonadezi xả nước thải)

Hồi nhỏ tôi thường được nghe nói, sát sanh là có tội. Chẳng hạn, người láng giềng nhân từ của gia đình tôi, bác Hậu, dù nhà nghèo vẫn không chịu ăn cá vụn vì bác lý luận, bỏ vào mồm chỉ một nhúm đũa mà giết bao nhiêu sinh mạng là phạm tội sát sinh rất lớn.

Vườn nhà tôi có lũy tre xanh bao bọc. Cha tôi trồng tre thành lũy để chắn gió bão, thân tre để làm rui mè cho mái nhà rường, đan phên làm tường, đan thúng, mũng, nong nia, dần, sàng... thậm chí đan nôi cho em bé và làm chõng tre cho phụ nữ khi sinh đẻ. Mẹ tôi thường nói cắt măng tre vào tháng Tư là có tội. Bà còn thuyết phục được chúng tôi khi nói, cắt măng tre nên cắt vào tháng Bảy, tháng Tám âm lịch. Nếu cắt măng vào tháng Tư, chỗ cắt măng tre sẽ rỉ máu.

Thoạt đầu tôi nghĩ những điều bác Hậu hay mẹ tôi nói ở trên là do ảnh hưởng của giáo lý nhà Phật. Tôi đã quy kết rằng tin tưởng vào những điều như thế là mù quáng và thiếu cơ sở khoa học. Chẳng hạn, chỗ măng tre rỉ máu là màu của ốc xít sắt đọng lại trên mặt cắt sau khi hơi nước bốc đi.

Rồi một hôm tôi chợt ngộ ra sự sâu sắc của tiền nhân. Cắt măng vào tháng Bảy, tháng Tám là thuận lẽ trời vì ở quê tôi, tháng Chín, tháng Mười là mùa mưa bão. Cây măng non nớt một hai tháng tuổi sẽ không biết uốn mình theo bão dữ nên sẽ gãy đổ và khi lớn lên, cây tre ấy trở nên vô dụng.

Không đánh bắt cá con là biết bảo vệ môi trường. Trong thiên nhiên, cá lớn nuốt cá bé. Vì thế, diệt con cá bé, chúng ta mất cơ hội để bắt con cá lớn khi chúng trưởng thành và bản thân loài cá bé khi bị tiêu diệt khiến cho loài cá lớn thiếu mồi nên cũng khó lớn nhanh.

Rõ ràng, vận dụng quy luật thiên nhiên vào cuộc sống đã giúp cha ông ta tồn tại từ thế hệ này sang thế thế hệ khác một cách bền bỉ. Lẽ nào ngày nay chúng ta lại không chịu học hỏi từ kinh nghiệm của cha ông, hối hả làm giàu để rồi hủy hoại thiên nhiên và gieo mầm bệnh tật cho thế hệ con cháu mai sau?