Friday, December 23, 2016

CHUYỆN CHÚ THẰN LẰN


Hồi nhỏ, sống ở nông thôn, quê tôi không có điện. Mọi sinh hoạt về đêm đều nhờ ánh đèn dầu hỏa. Bữa cơm tối, cả gia đình quây quần quanh ngọn đèn bát (đèn thủy tinh cao). Việc đèn sách của anh em tôi phải sử dụng đèn hột vịt (đèn thủy tinh thấp, bóng đèn to bằng quả hột vịt).

Mùa đông, dù cây đèn hột vịt chỉ đủ ánh sáng cho một đến hai người học, nhưng sức nóng của nó tỏa ra cũng hấp dẫn lũ thằn lằn, nhất là những đêm có nhiều muỗi. Vì thế, chúng tôi thường giải lao bằng cách ngắm sinh hoạt của những chú thằn lằn.

Hằng đêm, Mẹ tôi thường hát, “Thạch sùng còn thiếu mẻ kho, huống chi em bậu lại cho mình giàu”. Mẹ kể, thằn lằn là hóa thân của ông Thạch Sùng. Thạch Sùng rất giàu có, đến đâu cũng khoe khoang về sự giàu có của gia đình mình. Ông có hàng ngàn mẫu ruộng, đàn gia súc hàng ngàn con, kẻ hầu người hạ lên đến hàng trăm, gấm vóc lụa là, lúa gạo đầy kho. Hể ai có cái gì mới, Thạch Sùng đều tìm mua mang về cất ở nhà.

Một vị quan ở trong vùng nghe tiếng về sự khoe khoang của Thạch Sùng bèn bày mưu kế làm cho Ông ta một phen bẽ mặt. Thật ra, ý của vị quan này chỉ muốn nhắn nhủ, giàu có cũng quan trọng, nhưng cuộc sống còn nhiều thứ cũng quan trọng không kém đó là sự hiểu biết.

Vị quan cho người đến gặp Thạch Sùng thách đấu, nếu mọi của cải ở trong nhà đều có, Thạch Sùng sẽ thắng và có thêm hàng trăm mẫu đất. Ngược lại, nếu có một loại của cải Thạch Sùng bị thiếu, toàn bộ hàng ở trong kho thuộc về người thách đấu.

Thạch Sùng đồng ý tổ chức cuộc thi. Sau mấy ngày kiểm kê, quả thật, cái gì Ông ta cũng đều có. Tuy nhiên, đến khi bên thách đấu đòi hỏi miếng mảnh sành thì không tìm thấy. Mất hết tài sản, Thạch Sùng tự vẫn. Ông hóa thành thằn lằn. Hằng đêm, tiếc của, tặc lưỡi tạo nên âm thanh đặc trưng của loài thằn lằn.

Gần đây, cuốn phim Công viên kỷ Jura cho thấy, thằn lằn đã tồn tại và tiến hóa trên trái đất hơn ba trăm triệu năm. Như vậy, từ những con khủng long khổng lồ, ngày nay những chú thằn lằn hiền lành vô tư sống chung với loài người. Chúng còn có ích vì ăn côn trùng chủ yếu là muỗi. Nghe nói, thằn lằn còn chữa được bệnh suyễn. Hồi nhỏ, chính mắt tôi chứng kiến mẹ tôi bắt thằn lằn con cho anh tôi nuốt sống bằng cách thả vào miệng để trị bệnh suyễn.

Thằn lằn có mặt ở khắp mọi nhà, hồi nhỏ chúng là bạn của tôi hằng đêm. Sau này, có dịp lưu lại nhiều nơi, ở đâu tôi cũng gặp những chú thằn lằn thảnh thơi dưới ánh đèn nê ông. Ngay ở nhà tôi, nhiều lúc chú thằn lằn bò lên chân tôi để bắt muỗi.

Con người ta tìm thấy hạnh phúc khi được ở dưới một mái nhà. Vì thế, hầu như mọi người đều giành hết thời gian của cuộc đời để tạo dựng cho mình một mái nhà. Có người giỏi giang sở hữu hàng chục căn nhà, như Bác tôi ở Đà Lạt. Thế nhưng, khi lìa bỏ thế gian, Bác chẳng mang theo bất cứ thứ gì. Trong khi đó, những căn nhà của Bác bây giờ thuộc về sở hữu của những người khác.

Bạn tôi ơi! Cho dù căn nhà yêu mến của bạn sau này thuộc về ai, những chú thằn lằn vẫn vô tư sống ở trong nhà như những người chủ.

Ngẩm nghĩ, tôi thấy câu chuyện của mẹ tôi có vẻ thật, Thạch Sùng tuy đã hóa kiếp thành thằn lằn nhưng Ông vẫn rất giàu.


Monday, November 21, 2016

CHUYỆN LÁNG GIỀNG

Láng giềng nhà bên trái của tôi sửa nhà. Nhà hẹp, nhưng dài nên chủ nhà đã ngăn một phần đuôi vỏn vẹn 15 mét vuông làm phòng cho thuê. Nhà sửa vừa xong đã có người đến thuê ở. Người thuê là một đôi vợ chồng trẻ. Do phòng sát mặt đường, đôi vợ chồng vừa ở vừa mở quán trà sữa.

Vốn là người hay quan tâm đến môi trường sống quanh mình, tôi mừng thầm vì láng giềng càng đông càng vui. Người ta nói, nếu bạn ở một nơi láng giềng làm ăn phát đạt thì bạn cũng sẽ được nhờ.

Quán trà sữa mở được một vài tuần, một cặp vợ chồng khác lại hỏi nhờ nhà tôi để bán gỏi cuốn ở sát bên. Tất nhiên là gia đình tôi không có kiến gì, bởi đây cũng là cách giúp người khác có kế sinh nhai. Vả lại, họ chỉ đặt một tủ nhỏ bên vỉa hè ngoài đường.

Tưởng mọi chuyện êm xuôi, mấy ngày sau, hai bên chủ quán bắt đầu lời qua tiếng lại. Sự cố diễn ra bắt đầu từ khi tiệm bán gỏi cuốn bán kèm thêm đồ uống và trái cây cắt sẵn. Có lẽ chủ quán trà sữa cảm thấy tức tối vì sợ mất đi cơ hội bán đồ giải khát mỗi khi có người đến ăn gỏi cuốn.

Mâu thuẫn lên đến cực điểm. Hai bên choảng nhau, đập vỡ tủ kính. Mảnh gương vỡ văng trúng đầu chồng của chị bán gỏi cuốn. Máu đổ, chính quyền phải can thiệp. Vin vào cớ gây mất trật tự công cộng và làm cản trở giao thông, chính quyền ra lệnh dẹp bỏ tủ bán hàng của cả hai quàn và không đồng ý để chủ hộ cho họ thuê nhà tiếp tục nữa.

Câu chuyện bán hàng này xãy ra khá phổ biến ở trên các đường phố ở Việt Nam. Tranh chấp thường ngày do người bán hàng thường hành xử theo bản năng từ lòng tham và sự đố kị vì sợ người khác hơn mình. Tuy nhiên, nếu chịu quan sát một tí việc bán hàng ăn uống ở các trung tâm mua sắm, bạn sẽ thấy sự khác biệt.

Người Mỹ có câu nói, “Ở đâu có Coca Cola ở đó có Pepsi” hay câu, “Ở đâu có Mac Donald ở đó có Burger King ….” Nghĩa là khi tham gia kinh doanh người bán hàng phải tìm cách thõa mãn  nhu cầu khác nhau người tiêu dùng bằng cách cung cấp cho họ nhiều lựa chọn. Người Hàn Quốc và Philippine cũng đã học theo cách bán hàng này và đã thành công đưa vào thương trường ở nhiều nước trong đó có Việt Nam: chuổi bán hàng nhanh Lotteria, Jolibee. Họ cạnh tranh với nhau rất gay gắt nhưng sòng phẳng và thực khách là người hưởng lợi.

Thật ra, chúng ta có thể học hỏi và hành xử với láng giềng khi kinh doanh bằng cách đọc và hiểu câu nói của tiền nhân, “Buôn có bạn, bán có phường”. Hà Nội có 36 Phố phường. Chúa Nguyễn khi lập kinh đô ở Huế cũng đã thành lập các làng nghề như phường Đúc (chuyên đúc đồ đồng), phường Bao Vinh (chuyên về thương mại), làng gốm, làng làm đồ trang sức vàng bạc, …Ở TP. Hồ Chí Minh, Chợ Lớn cũng đã hình thành từng con đường bán hàng chuyên biệt như đồ điện máy, hóa chất, hàng giả da, hàng nội thất…

Không chỉ có cạnh tranh, hồi nghỉ dưỡng ở Đà Lạt, tôi thấy cô bán hàng sữa đậu nành và trà đã bỏ cửa hàng của mình sang bên dì hàng cơm phụ giúp việc rửa chén và lau bàn. Khi tôi hỏi, sao cô không bán hàng của mình, cô ấy trả lời rất tự nhiên, tụi em giúp nhau khi đông khách là chuyên thường ngày, nếu khách ăn cơm xong gọi nước uống thì lúc đó em sẽ bán.

Chuyện bán hàng bị đổ vỡ của hai vợ chồng thuê nhà láng giềng thật đáng tiếc. Nếu họ biết hợp tác hoặc cạnh tranh một cách tinh tế như những câu chuyện ở trên thì sẽ tốt đẹp biết bao.


Saturday, October 15, 2016

Vườn mít nhà tôi

Trang Facebook của bạn tôi đăng một câu chuyện về quả mít như thế này, Thứ bảy tuần trước Thu Nga có nhận được một trái mít mà không biết ai đã tặng. Lòng thật vuiA nhưng cũng thật áy náy vì sợ người ta tặng nhầm nên không dám cắt ra ăn. Mùi hương thơm ngào ngạt không kiềm chế được nên sáng hôm sau đem ra xử. Mít múi thật to, giòn tan và ngọt lịm. Bóc múi ra cái thì để ngăn mát ăn tươi, cái thì để đông đá ăn dần, cái thì làm kem chuối dừa mít, còn xơ thì phơi héo để kho với cá bống thệ.
Hiện tại thì mít cũng hết, kem cũng không còn nhưng lòng vẫn áy náy không biết ai là người cho mít để cảm ơn một tiếng. Thôi thì nhờ bác Facebook cho Thu Nga đăng mấy dòng để cảm ơn ai đó đã có lòng thơm thảo (hi vọng là còn nhận được lần sau!?). Một lần nữa gia đình Nam Nga xin cảm ơn người đã cho mít nhé!”

Hiện tại thì mít cũng hết, kem cũng không còn nhưng lòng vẫn áy náy không biết ai là người cho mít để cảm ơn một tiếng. Thôi thì nhờ bác Facebook cho Thu Nga đăng mấy dòng để cảm ơn ai đó đã có lòng thơm thảo (hi vọng là còn nhận được lần sau!?). Một lần nữa gia đình Nam Nga xin cảm ơn người đã cho mít nhé!”

Mấy ngày sau, TN đã chia sẽ mẫu chuyện này vào trang Facebook của tôi vì đã tìm ra người biếu quả mít.

Hồi tháng 6, chúng tôi có dịp hội ngộ ở Huế nhân ngày giỗ của cha tôi. Nhìn cây mít trước nhà sai quả, chúng tôi bàn với nhau những món ăn dân dã từ quả mít. Mít non trộn tôm thịt xúc bánh tráng, canh mít non nấu với lá lốt, xơ mít phơi héo kho cá bống thệ, …

Câu chuyện các món ăn từ quả mít bỗng dưng đã làm không khí cuộc gặp mặt trở nên đầm ấm. Tôi quay sang chú Tư hỏi, “Em có thể tặng mỗi người một quả mít non khi ra về được không?” Tư bảo, những quả mít này đã hơi già, làm các món ăn từ mít non không còn phù hợp, hẹn dịp khác vậy.

Nhân nói về quả mít, ở trong vườn nhà, tôi nhớ lại hồi còn nhỏ, chúng tôi đã lớn lên với nhiều câu chuyện về nó.

Ngõ vào nhà tôi khá dài, hai bên đường, Cha tôi đã trồng cây mít với nhiều giống khác nhau. Chúng không chỉ có hai loại mít, mít ướt và mít ráo. Mít ướt khi chín, múi mít trở nên mềm, khi ăn phải dùng đũa để gắp hoặc phải dùng tay bàn tay để bóc ăn. Mít ráo, khi chín khô ráo, có thể ăn từng múi, từng sợi xơ cái, hoặc ăn luôn cả lớp đệm sát vỏ (gọi là đợn), xơ mít có thể phơi héo để kho với cá. Không chỉ có hai loại mít kể trên, chúng tôi còn đặt tên cho từng cây mít tùy theo đặc điểm của quả mít khi chín. Chẳng hạn, cây mít đầu tiên từ ngõ vào phía bên phải được đặt tên là mít đài. Quả mít không lớn, tròn, da căng mịn khi già, giống như đáy của cái om đất dùng để rang muối hay kho cá. Cây mít tiếp theo trồng ở bên phải gọi là mít dừa vì múi mít khi chín dòn như cơm dừa. Do đặc điểm của múi mít khi chín ăn rất ngon, mặc dầu ra quả ít, nó đã không bị đốn hạ khi Cha tôi mở rộng ngõ cho xe máy cày vào ra. Hậu quả là nó đứng trơ trọi khi toàn bộ ngõ vào nhà được mở rộng.

Cây mít trẻ nhất trong hàng quân danh dự là cây mít nghệ. Mặc dầu không sai quả như mẹ của nó ở vườn nhà ngoại, nhưng vì màu múi mít khi chín có màu vàng nghệ rất đẹp nên nó vẫn được giữ lại trong vườn. Nghe Mẹ tôi kể lại, hồi mới quen nhau, Cha tôi đã xin giống đem về ươm trồng.

Gần sát sân nhà, còn hai cây mít khác được đặt tên và đối xử với rất khác biệt. Cây mít ướt được yêu quý vì ra quả rất lớn. Quả ra không nhiều nhưng to và dài cỡ bằng thùng dầu hôi 20 lít. Vì thế, cha tôi đã dùng dây và nạng để chống đỡ. Mặc dù mít ướt, khi chín, chúng tôi có thể ăn luôn cả xơ. Mỗi lần mít chín, Mẹ tôi thường mang ra chợ bán vì được giá. Tuy vậy, chúng tôi vẫn có dịp thưởng thức món ngon vì cha tôi yêu cầu cắt ra một khoanh để vừa ăn vừa chọn ra những hột mít đầy đặn làm giống. Mẹ tôi cũng rất vui vì người mua có thể bị hấp dẫn khi nhìn thấy được bên trong của quả mít.

Còn một cây mít nữa, chúng tôi cho là ‘có ma’ vì không những thân nó mọc thẳng vươn cao nhất ở trong vườn mà còn có những đặc điểm khác lạ so với những cây mít khác. Năm nào, đến mùa xuân, nó cũng đều nở hoa, ra quả, nhưng sau đó đều rụng hết. Thấy nó vô tích sự, ai cũng khuyên Cha tôi đốn bỏ, nhưng ông nói, để sau này lấy gỗ làm cột nhà thay cho cột nhà rường làm nơi thờ tự tổ tiên.

Nói về những món ăn từ quả mít, còn hai món nữa gắn liền với tuổi thơ của chúng tôi, đó là hột mít và mít dái.

Do vườn nhà nhiều mít, bạn bè trong lớp từ tiểu học cho đến đại học của tôi đều không bao giờ quên món hột mít do Mẹ tôi đãi. Cho đến lần hội ngộ này, chúng tôi đứa nào cũng xấp xỉ 60 tuổi. Vậy mà khi họp lại đều nhắc kỷ niệm nhổ trộm sắn nấu chung với hột mít mỗi lần tụ tập ở nhà tôi.

Món mít dái có tên hơi tục tỉu vì hoa mít không được thụ phấn để thành trái trông giống hòn dái. Mít dái phải ăn với muối ớt vì có vị chát. Món này tôi thường phải theo mấy bà chị ra vườn để ăn vì phải qua chế biến.

Mùa hè năm 1971, Cha tôi bị tai nạn mất. Tất cả cây trái trong vườn đều được cột một dải vải trắng gọi là để tang. Tôi nhớ lại, chỉ có một vài cây trong vườn bị chết. Vườn mít vẫn xanh tươi. Nhưng một buổi sáng, chị tôi la lên thất thanh, “Ba ơi ra mà xem!” Tôi thức dậy nhìn ra vườn, cây mít vươn cao nhất vườn lá đổi màu vàng rụng đầy quanh gốc. Hồi đó, chị em tôi cho rằng cây mít muốn chết theo Cha tôi. Về sau này, khi tìm hiểu, tôi mới nhận ra, vườn mít đã bị dính thuốc khai quang của Mỹ rãi ở trên rừng Trường Sơn. Bây giờ, nhớ lại hồi còn nhỏ, chúng tôi đã ăn những cây trái trong vườn như mít dái,ổi, khế…một cách trực tiếp mà không biết trên vỏ của nó đôi khi còn đọng lại chất độc màu da cam.

Nghĩ đến đây, tôi bỗng rùng mình.

Monday, October 03, 2016

CÂY BÀNG NHÀ TÔI

Tôi chuyển về sống ở TP. HCM giữa năm 1997. Sau khi tìm được việc làm, mỗi cuối tuần tôi đều chạy xe máy kiếm nhà để mua nhằm đưa vợ con từ Nha Trang vào chung sống. Do số tiền dành dụm không lớn, địa điểm tìm kiếm căn nhà có thể mua cứ xa dần khu trung tâm. Cuối cùng, tôi mua được một căn nhà cấp 4 của một thương binh bán lại qua tay một môi giới ở Tân Sơn Nhì. Căn nhà vỏn vẹn 36 mét vuông, nhưng bên cạnh còn một khoảng đất trống sát đường hẽm. Nghĩ rằng khu đất nhỏ nhưng nằm ngay ngã ba, có 2 mặt tiền nên sẽ thông thoáng, và với sự tư vấn về giá cả của một trùm địa ốc ở cơ quan, việc mua bán được quyết định chỉ sau 1 lần đàm phán.

Tôi dọn về ở trong căn nhà mới mua từ đầu năm 1998. Phát hiện đầu tiên của tôi là căn nhà rất thấp, phần hông của nó quay về hướng Tây nên rất nóng. Hơn nữa, nền của nó thấp hơn mặt đường nên rất ẩm thấp. Vì vậy, tôi quyết định trồng cây để lấy bóng mát. 

Ngày chủ nhật nọ, tôi đi bộ ra đầu hẽm, ghé tiệm bán hoa, cây cảnh để tìm mua loại cây mình cần. Chủ tiệm là một người trạc tuổi trung niên, dáng người có vẻ thầy giáo hơn so với lớp thương nhân từng trải. Với sự tư vấn của chủ hiệu, chúng tôi đã trồng một loại dây leo lá lớn, hoa màu tím không rõ tên. Chẳng bao lâu, dây leo phủ kín căn nhà đến nỗi ở ngoài nhìn vào chỉ thấy một màu xanh của lá. Chúng tôi ở dưới tàn lá đó 5 năm cho đến khi có đủ điều kiện để xây nhà mới.

Nhà xây xong, quay mặt về hướng Tây Bắc nên đầy ánh nắng vào buổi chiều. Tôi lại chạy ra tiệm bán cây cảnh của anh Tuấn để mua cây cảnh trang trí cho có màu xanh. Chợt thấy cây bàng nhỏ đang khô héo bên cạnh tường của tiệm, tôi hỏi mua, nhưng vợ chủ tiệm lại biếu không cho tôi mang về.

Tôi trồng cây bàng sát tường rào phía ngoài đường với hy vọng khi cây lớn lên sẽ che bóng mát cho cả mặt tiền căn nhà. Quả vậy, cây bàng lớn nhanh như thổi, thấm thoát nó đã trở thành chiếc dù che mát nhà tôi. Tôi còn nhớ một người bạn thân từ Nha Trang ghé thăm vẫn nhắc đến bóng mát của cây bàng sau lần hai đứa ngồi nhâm nhi vào một buổi chiều cách đây nhiều năm.

Môt ngày nọ, bỗng dưng Công ty Điện Lực chôn một trụ điện trung thế sát bên cây bàng. Không ngờ đó là tai họa cho cây bàng. Về sau này, mỗi năm cứ đến mùa mưa, công ty lại đến tỉa cành, cắt ngọn. Kì diệu thay, cây bàng nghiêng thân mình dần ra phía đường để né tránh dây điện. Không mọc thẳng được, tàn lá của nó vươn theo chiều ngang, che kín một khoảng đường trước nhà. Những ngày nắng gắt, tán bàng trở thành nơi nghỉ mát của những người bán hàng rong, thu mua phế liệu.

Thấy không gian mát mẽ, thoáng đãng một gia đình ở sâu trong hẽm xin nhờ làm chỗ đặt xe bánh mì vào mỗi sáng. Từ dạo ấy, rạng sáng nào tôi cũng nghe tiếng chổi quét lá quanh nhà. Tôi thầm nghĩ, quanh nhà mình luôn sạch sẽ là nhờ công quét lá của Chị bán bánh mì và cũng là do cây bàng.

Cách đây 2 năm, tôi bị bệnh nên chăm tập thể dục ở nhà mỗi sáng. Đứng trong cửa sổ nhìn ra tàn lá xanh tươi của cây bàng, tôi đã học được nhiều điều từ nó.

Những chiếc lá bàng màu xanh non mơn mỡn vươn lên đón ánh mặt trời, trong khi những chiếc lá đã già trĩu nặng, chúng tạo thành một lớp màu đậm hơn bên dưới. Mỗi ngày, những chiếc lá già nua liên tục đổi màu vàng và rụng xuống. Tôi liên tưởng đến đời người, khi chúng ta già đi thì phải lắng đọng, trải đường làm nền tảng, nhường bước cho lớp trẻ vươn lên.

Khác với cây bàng ở miền Bắc như trong truyện “Nhặt lá bàng” của Thạch Lam, cây bàng nhà tôi đơm hoa kết trái và thay lá quanh năm. Tôi nhận thấy, dù đứng yên một chỗ, cây bàng vẫn giải quyết được chuyện sinh tồn. Cứ một lần bị cưa, chặt cành, cây bàng xơ xác chỉ vài hôm. Sau đó, từng cành non mọc lên xanh tươi, hớn hở đón ánh mặt trời. Lá mọc đến đâu, hoa nở đến đó. Nhờ vậy, cây bàng quyến rũ nhiều lũ chim đến bắt sâu, hút mật. Từng trái bàng có màu xanh  âm thầm lớn lên trong tàn lá. Chúng liên tục chuyển sang màu vàng khi chín. Lũ chim bay đến tìm quả chín để ăn. Những cơn gió mạnh cũng làm lá bàng rơi xuống mặt đường. Người phu quét rác gom lá bàng mang về bãi rác, hay những trận mưa xối xả mang mầm sống của giống bàng tái sinh ở đâu đó. Tạo hóa quả tuyệt vời!

Sáng hôm qua, lúc tờ mờ sáng, tôi đã nghe tiếng cười nói trước nhà. Một nhóm công nhân điện lực với xe chuyên dụng được lệnh đốn hạ cây bàng. Chưa đầy một tiếng đồng hồ, cây bàng đã biến mất. Một lần nữa cây bàng lại dạy cho tôi một bài học cuộc sống. Rõ ràng, cây bàng không hề biết nó bị đốn hạ một ngày nào đó, nhưng ngày hôm qua khi còn tồn tại trên cõi đời nó vẫn đâm chồi, nỡ hoa, sản sinh những trái bàng tươi ngon hấp dẫn lũ chim, những chiếc lá ngả vàng thản nhiên rơi rụng sau khi làm hết trách nhiệm của mình.

Tôi tự hứa, từ nay cho đến cuối đời, tôi sẽ sống theo cách của cây bàng nhà tôi ngày hôm qua.

Thursday, August 18, 2016

TẤM LÒNG CỦA HIẾU

Hồi mới quen Linh, một chủ doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở Quy Nhơn, anh đã nằng nặc mời tôi huấn luyện cho nhân viên văn phòng của anh một khóa kỹ năng quản trị văn phòng. Lý do vì Linh và tôi gặp nhau ở một điểm, năng suất công việc của nhân viên văn phòng các công ty trong nước rất thấp. Trái lại, ở các tổ chức nước ngoài, công việc nhiều hơn nhưng ít nhân viên. Dù công việc khá nặng cho nhân viên nhưng do thuê ít người, chủ doanh nghiệp có thể nâng thêm mức thu nhập cho người lao động. Linh và tôi đều nhận thấy có một mối tương quan giữa hiệu quả công việc cho doanh nghiệp và sự hài lòng của nhân viên.

Linh kể, tôi sang dự triển lãm đồ gỗ ở Las Vegas, Mỹ 7 ngày. Hầu như, tôi chỉ làm việc với một nhân viên của đối tác nhưng công việc trôi chảy và gặp gỡ rất nhiều khách hàng tiềm năng. Cô nhân viên này một mình làm tới năm, sáu công việc khác nhau liên quan đến hội chợ: sắp xếp chuyến bay, đưa đón ở sân bay, sắp xếp khách sạn, lô trưng bày hàng triển lãm, giải thích cho khách tham quan, làm hồ sơ kế toán, thanh quyết toán chi phí cho toàn bộ chương trình hội chợ. Linh nói thêm, ở công ty tôi, phải cần khoảng 5 nhân viên để làm việc này.

Ao ước là thế, nhưng đến nay, sau nhiều năm, tình hình quản trị văn phòng của Linh vẫn chưa có nhiều thay đổi.

Cách đây 4 năm, lúc ở Myanmar mở cửa, tôi gặp ông Daniel Lim, chủ một công ty tư vấn thiết kế Singapore mở văn phòng ở TP HCM. Ông Lim mời chúng tôi cùng đi sang nước này để tìm hiểu mở rộng hoạt động kinh doanh ở thị trường mới. Kết quả của việc hợp tác này đã mang lại cho chúng tôi một hợp đồng ngoại đầu tiên thực hiện ở nước ngoài. Vậy mà, rất khác với nhiều người làm kinh doanh, ông Lim chưa bao giờ tỏ ý đòi hỏi sự trả công, trái lại, còn đứng ra hòa giải mỗi khi hai bên có bất đồng khi triển khai công việc.

Một lần, tôi và sếp của mình sang văn phòng của ông Lim dự họp. Tôi tình cờ gặp lại hình ảnh, ký ức anh Linh đã kể cho tôi về quản trị văn phòng nhiều năm trước.

Văn phòng của ông Lim có khoảng 60 nhân viên, đa số là kiến trúc sư và kỹ sư nhưng chỉ có một quản lý văn phòng. Nhân viên nữ này vừa làm công tác tiếp tân, vừa đánh máy, quản lý hồ sơ, làm bảng lương và các công việc liên quan đến hành chánh khác.

Ngày hôm qua, ông Lim đi cùng một người bạn đến thăm tôi, sau gần hai năm chúng tôi không gặp nhau. Ông mang theo một giỏ trái cây làm quà. Khi mở giỏ quà, người nhà tôi khen, “Ông này người nước ngoài mà cũng biết chọn mua trái cây tươi ngon”. Tôi chợt nhận ra, người chuẩn bị quà cho ông Lim cũng chính là cô nhân viên hành chính ấy. Từ đây, tôi mới hiểu có kỹ năng làm một lúc nhiều việc là quan trọng, nhưng để nhân viên có tâm huyết, động lực làm tốt công việc còn quan trọng hơn nhiều.

Có lẽ, thành công của ông Lim hay thất bại của Linh là ở điểm này.  

Sunday, June 12, 2016

Bác tôi

Mùa đông năm 1982, tôi nghỉ phép, lên Đơn Dương thăm người Bác ruột suốt nhiều năm chưa gặp mặt.

Hồi chiến tranh, việc đi lại giữa địa phương này với nơi khác rất khó khăn. Không chỉ vấn đề kinh tế, an toàn trong lúc đi lại là quan ngại rất lớn vì sợ mìn bẫy dọc đường.

Bác tôi vào Lâm Đồng lập nghiệp, thỉnh thoảng về quê lo việc mồ mả. Khi tôi lớn lên cũng vào thời điểm chiến tranh Việt Nam đến hồi quyết liệt qua những biến cố như Mậu Thân, mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị, rồi Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước… nên gia đình phân tán, chưa một lần có điều kiện đoàn tụ.

Hồi ở Huế, mỗi năm đi chạp mộ một lần, tôi thường để ý ghi chép ở trên bia mộ nào cũng có tên của Bác tôi là người phụng lập. Ngay cả ngôi nhà rường làm nơi thờ tự, theo lời cha tôi, cũng do công sức của Bác dựng nên.

Vì thế, khi vào công tác ở Nha Trang, ao ước của tôi là được một lần gặp Bác. Tôi tưởng tượng cảnh Bác tôi sống trong một căn nhà lớn kiểu Pháp, xung quanh một khu vườn rộng… Thế nhưng, khi ô tô dừng lại ở chợ Đơn Dương, người ta cho biết Bác tôi vào trong rừng cất nhà sống cách đó vài cây số.

Theo chuyến xe ngựa, tôi tìm đến xã Phú Thuận rồi men theo đường ray xe lửa thời Pháp bỏ hoang để tìm đến nhà Bác.

Ngôi nhà tranh thấp dựng ở ven đồi thông, phía dưới chân đồi có khe nước chảy, một mảnh ruộng trồng lúa và khoai môn chạy dọc theo dòng suối màu nước vàng đục do mang nặng đất phù sa. Phía sau đồi, dưới những gốc thông, là những luống dứa được trồng vừa lấy quả, vừa giữ đất khỏi bị xói mòn.

Sống vài ngày trong thung lũng hoang vắng, tôi giúp Bác làm vườn, mỗi chiều xách chiếc cần câu đi dọc bờ suối kiếm vài con cá trê làm thức ăn. Tuy vậy, Bác còn làm thịt thỏ, gà đãi tôi nên so với bữa ăn ở bếp tập thể tại Nha Trang, thật là sung sướng hơn nhiều.

Hàng ngày, khoảng 4 giờ chiều, thung lũng bị bao phủ bởi một màn sương mờ khiến bóng tối đến rất nhanh. Hầu như bữa cơm chiều nào cũng diễn ra dưới ánh đèn dầu rồi mọi người lên giường rất sớm. Khoảng 3 giờ sáng, tôi thấy Bác đốt đèn đọc Kinh Thánh cho đến tận sáng.

Sáng chủ nhật, Bác vác chiếc xe đạp lên vai ra tận quốc lộ để đạp xe về Đơn Dương. Tôi thức dậy nhìn ra thung lũng, màn sương vẫn còn dày đặc. Tôi ngạc nhiên vì không hề thấy Bác rủ tôi đi lễ nhà thờ. Sáng chủ nhật lần sau, tôi chủ động xin Bác đi theo. Bác đồng ý, nhưng tôi đành phải theo xe ngựa vì đường lên thị trấn rất dốc. Khi tôi vào nhà thờ, mọi người đã ngồi chật kín. Khác với nhà thờ Công giáo, nhà thờ Tin Lành thường nhỏ, chứa được vài chục giáo dân. Tôi thấy Bác đứng trên bục giảng, yêu cầu mọi người mở Kinh Thánh nghe Bác giải thích. Cuối buổi lễ, toàn bộ mọi người đồng thanh hát một bài thánh ca. Tôi vẫn còn nhớ như in đến tận ngày hôm nay bài hát, “Xin Chúa hãy kéo tôi lại gần”. Sở dĩ tôi có ấn tượng sâu sắc đến như vậy là do một nữ giáo dân, có lẽ là người gốc Quảng Ngãi, mỗi khi đến điệp khúc kéo tôi lại gần, giọng của chị the thé, khiến tôi không chịu được.

Mấy ngày sau, tôi cố gần gủi Bác để tìm hiểu nguyên nhân Bác trở thành mục sư bất dắc dĩ. Thì ra, từ khi Bác về Đơn Dương làm công việc thu tiền thuê nhà hàng tháng cho người anh em trong họ, Bác nhận làm giúp việc cho một mục sư người Mỹ và được ông này dẫn dắt trở thành một tín đồ Tin Lành. Sau ngày Giải phóng, xét thấy ngôi nhà mình đang ở không phải là chủ sở hữu, Bác đã tự mình giao nộp cho nhà nước rồi sau đó dựng nhà trong thung lũng để sống lại thời thơ ấu ở nông thôn ngoài Huế. Việc Bác trở thành người giảng giải ý nghĩa của những câu chuyện trong Thánh Kinh cũng bộc phát có thể vì tuổi tác và sự kính trọng mọi người dành cho Bác.

Một buổi sáng trước khi rời Đơn Dương tôi đã dậy sớm ngồi bên cạnh Bác. Bác gấp cuốn Kinh Thánh lại, chậm rãi nói với tôi, “Năm nay con lên đây còn gặp Bác, năm sau, nếu có lên thăm chưa chắc đã gặp Bác.”

Tôi về lại Nha Trang tiếp tục công việc, một buổi chiều mùa đông, tôi nhận một mẫu giấy điện tín, vỏn vẹn mấy chữ, “Bác mất rồi”. Lúc đó, đúng vào ngày lễ Giáng Sinh năm sau. Nhiều năm rồi, tôi vẫn luôn tự hỏi, làm sao Bác tôi lại có một dự cảm về ngày ra đi của mình như thế.

Friday, February 05, 2016

O Hến

Từ thuở ấu thơ đến khi tốt nghiệp phổ thông trung học, tôi chẳng bao giờ nghe cha mẹ nhắc đến tên O Hến.  Mùa Thu năm 1977, khi vào Đà Nẵng cùng Dũng - người em họ, chuẩn bị một chuyến hành trình thăm cô bác ở Đà Lạt-Lâm Đồng, tôi mới biết O Hến hiện đang sống ở Nha Trang. 

Hồi đó, muốn đến Lâm Đồng phải đi qua tuyến đường Phan Rang - Đà Lạt. Từ Đà Nẵng đi xe lửa đến Nha Trang cũng mất gần hai ngày và phải dừng ở trạm Nha Trang hoặc Phan Rang để mua vé ô tô đi tiếp Đà Lạt.  Tôi và Dũng đã đột ngột “đến thăm” nhà O Hến và chúng tôi chỉ cần khai báo mình là con cháu ở Huế - Đà Nẵng lên thăm cô bác ở Đà Lạt là chúng tôi có thể ngủ qua đêm ở nhà O Hến. 

Bốn năm sau, tốt nghiệp đại học, tôi đã một lần nữa đến nhà O Hến xin tá túc.  Lần này tôi ở lâu dài vì được phân công về công tác ở Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Khánh. Lúc này Dượng Bảy, chồng O Hến đã qua đời, O Hến sống với một người con nuôi và vẫn ngày hai lần đi về chợ Xóm Mới bán trà Bảo Lộc và lá vối như xưa. 

Làm công tác khảo sát thiết kế giao thông, tôi theo đội đi khắp tỉnh.  Nhưng mỗi khi về Nha Trang làm hồ sơ, tôi đều trú ở nhà O Hến.  Tôi nhận ra O rất ngoan đạo. Tờ mờ sáng, lúc Nhà thờ Núi đổ chuông, O Hến thức dậy đi lễ.  Hằng tuần, trưa Chủ Nhật, O Hến đều nghỉ bán về nhà sớm để đi lễ chiều.  Lúc này O Hến đã già lắm, nên Lành - con gái nuôi O Hến- phải dìu O lên dốc nhà thờ Núi để làm lễ.  Lành cũng là một thành viên trong ca đoàn của nhà thờ nên đưa đón cũng thuận lợi. 

Nói về Lành, O Hến kể rằng, một buổi sáng mùa đông, lúc lễ xong về nhà, O Hến phát hiện một hài nhi quấn trong khăn tắm để dưới một bậc cấp nhà thờ.  O Hến nhặt đứa bé lên, đi ngược lại vào nhà thờ gặp Đức Cha để trình báo.  Nghe xong sự việc, Đức Cha nói ”Đây là quà của Chúa Giêsu ban cho con đấy.”  O Hến sửng sốt đứng lặng người một lát.  Đức Cha chợt hiểu O Hến còn phải xin ý kiến người chồng mặc dù hai vợ chồng đã lớn tuổi và không có con cái.  Đức Cha cho người gọi Dượng Bảy lên gặp Cha rồi làm phép cho Lành làm con nuôi kể từ ngày đó.

Nhà O Hến nằm dưới chân Núi Một, bên cạnh con hẽm cùng tên, nối Ngã Sáu với chợ Xóm Mới. Địa điểm này gần Ga đường sắt Nha Trang nên cư dân rất đa dạng và phức tạp. Mỗi khi về trú tạm ở nhà O Hến, tôi như lạc vào một thế giới của những người được Victor Hugo mô tả trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ”. Tôi nhận ra láng giềng của tôi là các cô gái bán hương sắc về đêm ở các góc phố đèn mờ và nhiều đứa trẻ bán hàng rong trong sân ga hoặc ngoài bờ biển. Rất lạ lẫm đối với tôi là họ tôn trọng việc riêng tư của nhau, chung sống hiền hòa cạnh nhà thờ.

O Hến rất ít nói và có trí nhớ minh mẫn. Việc bán chịu trà ngoài chợ và lối xóm trong hẽm đều ghi trong óc.  Không những thế, O học thuộc lòng Kinh thánh dù không biết chữ. Tôi nhận ra thêm một điều thú vị, đức tin còn quan trọng hơn học vấn để con người có được một cuộc sống an lành hạnh phúc.

Thật vậy, đức tin đã giúp O Hến quên đi nỗi buồn, mất mát lớn nhất trong đời. O Hến kể, thật ra vợ chồng O có một người con trai đã bị du kích bắn chết vì nhầm tên của một ông xã trưởng trong thời chiến tranh ở một huyện nào đó của tỉnh Lâm Đồng.  Sau biến cố đau buồn đó, vợ chồng O Hến quyết định chuyển về sống ở Nha Trang.

O Hến xa quê từ lúc còn nhỏ.  Dường như O chưa một lần về thăm quê hương.  Có lẽ cảm xúc không có nơi chốn để quay về đã ngăn cản bước chân người lưu lạc.  O cho biết, hồi nhỏ, cha mẹ mất sớm,  anh em của O phải sống nhờ nhà của một ông chú.  Khi triều đình Huế có chủ trương di dân gọi là “Hoàng triều cương thổ”, O đã đi theo đoàn người mở đất vào Đà Lạt để mưu sinh.  Vợ chồng O Hến lấy nhau trong hoàn cảnh bơ vơ với sự chứng giám của linh mục.  Từ đó, cuộc sống mới của đôi vợ chồng trẻ đã bắt đầu trong hào quang tỏa sáng của Đức Chúa Trời. 

Khi hòa bình lập lại, O Hến cũng đã mở lòng rộng lượng trong đối xử với con cháu trở về từ hai phía.  O đã đưa số vàng dành dụm được cả cuộc đời tần tảo để cho đứa cháu trai là lính Sài Gòn về quê mua một mảnh vườn có nhà làm nơi thờ tự tổ tiên.  O cũng ôn tồn hàn huyên, lo ăn uống và cho chút tiền để đứa cháu là bộ đội về quê.  Số tiền còn lại, O gửi cho Cha xứ để lo tang lễ khi về Trời. 

O Hến đã cho tôi nhận ra một khuôn mẫu cuộc sống. Khi viết những dòng này, tôi tin, nếu có một thiên đường cho những người sống có đức hạnh, O Hến ắt sẽ là cư dân của thế giới ấy.