Monday, April 30, 2012

Để nuôi dưỡng tính sáng tạo

Giữa mùa đại hội cổ đông thường niên bận rộn, trong số các tin điện tử đành xếp lại chưa xử lý, có thư do một bậc đàn anh tôi hằng ngưỡng mộ gửi với tiêu đề vỏn vẹn bốn chữ “Quy khứ lai từ”.  Thật tình tôi không hiểu nhiều về điển cứu và do rất bận rộn với công việc ở cơ quan, nên hôm nay tôi mới tra cứu ngụ ý của tác giả nhờ qua Internet.  Thật ngạc nhiên khi biết đấy là đầu đề của bài thơ do Đào Tiềm sáng tác cách đây 1067 năm bên Trung Quốc và tác giả cảm tác bài thơ này lúc chỉ mới 41 tuổi.
Đọc kỹ bài thơ, theo tôi đây không phải là bài thơ diễn tả sự chán nản, từ quan về nhà như nhiều người thường mượn ý này để diễn tả tâm trạng của mình khi muốn từ bỏ chốn thương trường, lui về ẩn dật nơi chốn thâm sơn cùng cốc. Trái lại, tôi nhận ra ở ông một tư tưởng cách tân, hành xử dũng cảm và dường như có một sự tương đồng giữa Đông và Tây, giữa cổ và kim khi đối chiếu với xã hội đương đại.  Cách hành xử của Đào Tiềm ngày xưa chính là cách nghĩ, cách sống ngày nay mà những người thiết kế nên hệ thống giáo dục của nước Mỹ đã và đang theo đuổi trong nhiều thập kỷ qua. Chính nền tảng đó đã đào tạo và nuôi dưỡng bao tài năng sáng tạo và đã giúp tạo nên một xã hội giàu mạnh cho đến nay chưa có mô hình nào chứng minh là có thể thay thế được.
Như chúng ta biết, hệ thống tư tưởng Khổng giáo sắp xếp trật tự giai cấp theo bốn bậc cấp, sỹ - nông – công – thương.  Người học trò trưởng thành trong hệ thống này dồi mài kinh sử với mục tiêu trở thành giai cấp được trọng vọng trong xã hội, học để làm quan, để cai trị thiên hạ…Trung thực mà nói, hệ suy nghĩ này vẫn đang ngự trị trong xã hội Việt Nam ngày nay, điển hình là hệ thống giáo dục hiện tại của nước nhà.  Trong khi đó, hệ thống giáo dục Âu Mỹ chủ trương dạy cho người ta cách suy nghĩ và tìm ra con đường cho chính mình từ việc nhận ra năng lực của bản thân và tìm cách phát huy tối đa những điều mình thích thú đam mê.  Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg … là những sản phẩm của hệ thống giáo dục này.

Trung, bạn tôi tích cóp nhiều năm để đưa hai thằng con sang Mỹ du học.  Là dân tài chính, anh mong muốn con mình theo nghiệp cha nên gửi con vào trường đại học nổi tiếng về lĩnh vực này.  Học trong môi trường mới được khoảng một năm, cậu trai phát hiện ra mình đã quá tin lời cha, ép mình vào một môi trường cạnh tranh khốc liệt nhưng chưa chuẩn bị để xung trận. Tiếng Anh chưa đủ mạnh để tranh luận bằng lời và viết những bài phân tích sắc sảo, theo học với những đồng môn giỏi, điểm số sẽ không cao, khó xin việc sau này…Đúc kết kinh nghiệm chính mình, cậu ta đã khuyên đứa em của mình nên học chương trình cao đẳng để chuẩn bị tốt hơn và nên học cái mình có sở trường để phát huy sự sáng tạo.
Trở lại với câu chuyện của Đào Tiềm, vì hoàn cảnh cuộc sống và trách nhiệm với những người thân, ông nhận lời giữ một chức quan nhỏ, nhưng vỏn vẹn chỉ có 80 ngày ông đã xin về bởi vì, “Bản tính tự nhiên của ta là như thế, nên không thể miễn cưỡng, giả vờ được. Sự đói lạnh tuy là quan trọng thực đấy, nhưng làm ngược lại bản tính mình còn đau khổ nhiều hơn.”  Rõ ràng đây chính là điều các nhà tâm lý giáo dục ngày nay khuyên răn mọi người trong việc làm sao có được tính độc lập suy nghĩ và sự sáng tạo trong công việc. Đây cũng chính là mục tiêu để doanh nhân hướng đến trong việc xây dựng doanh nghiệp trở thành một tổ chức giàu mạnh vững bền.