Wednesday, October 24, 2007

Giải quyết nạn kẹt xe cần những câu hỏi đúng!


Peter Drucker trong cuốn “Thực tiễn của quản lý” nhận xét rằng hầu hết những sai lầm trong các quyết định quản lý là do nhấn mạnh việc tìm kiếm câu trả lời đúng hơn là đặt câu hỏi đúng. Vì vậy, để giải quyết nạn kẹt xe ở thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta nên bắt đầu bằng hai chữ - TẠI SAO? Tại sao lại kẹt xe?

Người viết đã tham gia phương tiện công cộng từ tháng 10/2006 đến nay và đã tiến hành trò chuyện mỗi ngày hai chuyến đi và về với đông đảo người già, thanh niên và nhất là sinh viên, học sinh về vấn nạn kẹt xe. Dưới đây là các lý do gây kẹt xe được nhiều người thống nhất:

a) Kẹt xe vì ngày càng nhiều người và phương tiện tham gia giao thông,
b) Kẹt xe vì cơ sở hạ tầng giao thông hiện tại không đáp ứng với tình hình thực tế,
c) Kẹt xe vì ý thức tham gia giao thông của người dân kém,
d) Kẹt xe vì các yếu tố mang tính thời vụ và bất thường, như mùa thi cử, tai nạn giao thông, mưa bão, cây ngã …
Để tìm ra giải pháp cho vấn nạn kẹt xe, ứng dụng phương pháp giải quyết vấn đề và ra quyết định trong quản lý, người viết hỏi ý kiến người đồng hành trên các chuyến xe buýt và xếp hạng các lý do trên bằng cách cho điểm theo các tỷ lệ dựa trên ý kiến về tầm quan trọng: thứ nhất, thứ hai, thứ ba và thứ tư. Kết quả thống kê về ý kiến của người tham gia khảo sát thật đáng ngạc nhiên! Dưới đây là bảng tổng kết nguyên nhân kẹt xe theo tầm quan trọng.


1.(c) quan trọng nhất – DO Ý THỨC THAM GIA GIAO THÔNG KÉM
2.(a) quan trọng nhì - DO NGƯỜI & PHƯƠNG TIỆN CÀNG ĐÔNG
3.(b) quan trọng nhì – DO HỆ THỐNG GIAO THÔNG LẠC HẬU
4.(d) quan trọng thứ ba – DO CÁC YẾU TỐ KHÁC

Theo ý kiến những người tham gia khảo sát, kẹt xe phần lớn là do ý thức người tham gia giao thông kém, chen lấn lẫn nhau, không chịu nhường đường. Một học sinh ở Trường Công Nhân Kỹ Thuật Cao Thắng thành phố Hồ Chí Minh nêu ví dụ rất thuyết phục. Ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai – Cách Mạng Tháng Tám ở thành phố Hồ Chí Minh ít kẹt xe vì luôn có công an giao thông đứng gát! Ở các ngã tư, ngã năm, nếu vắng bóng công an giao thông, tình hình kẹt xe rất dễ xãy ra và nếu công an giao thông không can thiệp ngay, tình hình sẽ trở nên rất tồi tệ.

Nếu nhận xét này là đúng, biện pháp trước mắt cho vấn nạn kẹt xe ở thành phố Hồ Chí Minh là cần tăng thêm số lượng công an giao thông, tăng lương và phụ cấp độc hại cho họ. Trang bị thêm phương tiện và bố trí lực lượng công an giao thông trên hầu hết các giao lộ quan trọng, trong các giờ cao điểm mỗi ngày. Cần có hình phạt nặng nhưng nộp phạt phải minh bạch và khoa học. Công an giao thông không cần thiết phải thu tiền mặt mà chỉ cần phạt nguội ghi số xe, số bằng lái, địa chỉ cơ quan, hay nhà riêng, giao phiếu nộp phạt có tài khoản của cơ quan thuế để người vi phạm đóng tiền phạt. Người vi phạm trốn tránh trách nhiệm nộp phạt sẽ chịu hình phạt rất nặng… Thành phố nên tiến hành phân luồng và giờ ưu tiên cho xe buýt phục vụ học sinh và công nhân.

Chọn lựa thứ hai của đa số người tham gia là (a) và (b). Thành phố Hồ Chí Minh là một nơi dễ kiếm sống ai cũng mong muốn đến đây để mưu sinh. Vì thế, người tham gia giao thông càng ngày càng đông là chuyện tất yếu. Nhưng thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển ra sao nếu thiếu lao động nhập cư từ hầu hết các địa phương đổ về.
Giải quyết dãn dân ra khỏi nội thành là cần thiết nhưng là một giải pháp mang tính chiến lược lâu dài và cần sự hợp tác của các tỉnh thành phụ cận. Vấn đề hạ tầng giao thông, ai cũng thấy hệ thống giao thông ở thành phố quá lạc hậu, chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông. Nhưng liệu các biện pháp giật gấu vá vai như hiện nay quan sát thấy ở các đường phố ở thành phố Hồ Chí Minh có thể giải quyết vấn nạn kẹt xe? Thêm vào đó, phong trào xây cao ốc ở quận 1, quận 3 làm văn phòng cho thuê và căn hộ vừa phá vỡ cảnh quan thành phố vừa tăng dân số nội thành, liệu có phải là giải pháp tốt? Có thể bắt chước Malaysia, Trung Quốc, xây những khu tái định cư mới vệ tinh ngoài nội thành để vừa có được tính hiện đại, lại giữ gìn nét đô thị truyền thống?

Đường hầm (metro), đường trên không (motor rail) cần một lượng vốn khổng lồ và thời gian thi công khá lâu. Tuy nhiên, nhận xét rất hay của một Việt Kiều ở Cali cũng cần được xem xét, “Ở Cali đường rộng 8 đến 12 làn xe, vẫn còn nạn kẹt xe nếu không kết hợp với các biện pháp khác như phân luồng ưu tiên, dãn dân ra khỏi các thành phố lớn …

Lựa chọn giải pháp khôn ngoan, trước mắt và lâu dài là một bài toán tùy thuộc vào các nhà quản lý thành phố hiện nay và lịch sử sẽ phán xét những đóng góp của họ.







Sunday, October 07, 2007

Nha Trang ngày về


Tôi trở về thăm Nha Trang tuần rồi không dự định trước, cũng như hai mươi lăm năm trước đây, tôi đã về sống ở đó mà không hề có kế hoạch gì cả. Nha Trang có nhiều đổi thay, nhưng may thay, tình thương của bạn bè và bà con không hề thay đổi. Đã chín giờ tối, nghe cú phôn mời đột xuất, bạn bè vẫn sẵn lòng bước ra khỏi nhà tụ tập trong một quán bình dân để hàn huyên tâm sự. Nói là bạn, nhưng chỉ có một người cùng tuổi. Đa số những người còn lại tóc đã bạc trắng. Hai mươi lăm năm rồi còn gì!

Liên, tên chị được nhắc nhiều làm không khí buổi họp mặt đượm buồn. Chị Liên đã ra đi trong cô đơn để lại một con cún Nhật bơ vơ. Chị mong ước được chôn cất bên dòng sông Thạch Hãn, nơi chôn nhau cắt rốn và chị đã mãn nguyện. Nhưng tôi thì hụt hẫng. Tôi còn bao nhiêu câu chuyện chưa nói hết với chị! Chị đã sống ở Nha Trang nhưng không có một nơi để chúng tôi thỉnh thoảng trở về thắp cho chị một nén nhang. Sao chị không yêu Nha Trang mà lại quay về bên dòng sông tuổi thơ nhỉ?

Tôi tự lần tìm câu trả lời từ chính mình. Chị Liên không đẹp. Nghe nói, chị học giỏi và đỗ đạt cao ở Khoa tiếng Anh, Đại học Sư Phạm Huế. Chị lưu lạc về Nha Trang như tôi. Đi dạy rồi nghỉ dạy ở trường làm cô giáo tại nhà. Chị gặp tôi và kết bạn với những người hiện đang ngồi với tôi để nói về chị tối nay. Tôi hay đến nhà chị chơi vào mỗi buổi chiều cuối tuần. Ngồi bên ghế đu đặt dưới tàn cây vú sữa. Chị ở nhà của một người anh. Ngôi nhà có vườn rộng như bao kiểu nhà ở Huế thời trước. Có lẽ vì yêu thiên nhiên và yêu Huế, người anh, cũng là một giáo viên Trường Võ Tánh ở Nha Trang, đã sao chụp kiểu vườn ở Huế mang về tạo lập ở Nha Trang. Chị Liên thích nhạc Trịnh Công Sơn. Trồng bằng được hoa quỳnh trong vườn nhà để rồi thấp thỏm chờ đêm hoa khai nhụy. Chị đạp xe đi khắp Nha Trang mời những người bạn thân đến uống trà ngồi ngắm hoa quỳnh nở. Tôi không có diễm phúc ấy, vì thời đó tuy văn phòng đặt ở Nha Trang, nhưng tôi làm việc ở Thành phố Tuy Hòa, nay thuộc tỉnh Phú Yên..

Chị Liên yêu ai nhỉ? Anh Thọ hay anh Quyến? Hay chị có cảm tình với tôi? Cảm tình thôi, chứ yêu thì nhất định không phải. Chị hơn tôi cả chục tuổi. Chị tinh thông hai ngoại ngữ Anh và Pháp và thấu hiểu triết học Đông và Tây phương. Còn tôi là gã trai lông bông, tiền lương tháng chỉ đủ bao bạn bè hai lần. Những ngày còn lại tôi trốn biệt lên rừng hay về quê, sống nhờ cơm tập thể. Nhưng tôi đến với chị còn một vài lý do, tôi thích khung cảnh nhà vườn, nơi suốt thời kỳ tuổi thơ tôi đã trãi qua và tôi còn thích không gian yên tĩnh lãng đãng những lời ca buồn của nhạc sĩ họ Trịnh

Có lẽ định mệnh lẻ loi của chị đã được báo trước. Chị thích bài hát “Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn, “Ôm lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về…” Khi ta còn trẻ với tâm hồn trong sáng, tràn đầy xúc cảm, những ca từ thì thầm của nhạc sĩ họ Trịnh có thể gây tác động rất lớn lên não bộ của chúng ta. Theo tôi, ca từ và âm điệu của ông có thể mạnh đến mức hình thành thói quen thưởng thức âm nhạc của nhiều thế hệ. Chị Liên sống vào thời kỳ sự phổ biến của nhạc Trịnh lên đỉnh điểm ấy,ắt chị cũng chịu nhiều ảnh hưởng.

Một trong những người trong cuộc gặp mặt hôm nay, Thọ và Quyến là hai người cùng trang lứa của chị Liên. Họ học hành thành đạt. Nghe nói, hai anh đều là sĩ quan chế độ cũ. Tuy nhiên, chỉ mới bắt đầu tham gia quân đội thì cuộc chiến kết thúc. Hai người trở về sống với bố mẹ ở Nha Trang. Quyến thì bạo hơn trong quan hệ tình cảm, nhưng chẳng bao giờ anh cho chị một câu trả lời, khi nào thì trò chơi kết thúc. Thọ thì sâu sắc và kín đáo. Có thể chị Liên bị hai con người này bủa vây tình cảm. Tuổi đã lớn mà thời gian thì như nước chảy qua cầu. Nhiều năm trôi qua. Tôi không biết anh Quyến lấy vợ khi nào. Nghe nói đó là một người con gái Đà Lạt. Còn Thọ thì bị cô Kiều đốn ngã. Nói là đốn ngã vì cô Kiều yêu anh Thọ và quyết tâm xốc tới giành lấy người mình yêu. Sao nhiều phụ nữ Việt Nam, mà cụ thể là chị Liên, không hành động như cô Kiều nhỉ.

Người anh sang định cư bên Mỹ đã bán nửa diện tích vườn nhà. Tôi bị sốc dù đó không phải là tài sản của mình. Từ đó, tôi ít lui tới hơn. Rồi thời gian trôi qua, tôi cũng đã lập gia đình và lao vào lo toan cuộc sống. Chị Liên vẫn cô đơn sống ở nửa mảnh vườn còn lại. Về sau, gia đình tôi di chuyển về Sài Gòn, chúng tôi không còn gặp chị. Giờ đây, khi chúng tôi trở về thăm Nha Trang, chị Liên đã ra đi mãi mãi.

Nhạc sĩ, nhà thơ Đỗ Trung Quân có bài thơ Quê hương rất hay đã được phổ nhạc. Tôi thích bài thơ này vì nó có thể giúp ta mỗi khi cần xác định ở đâu là quê hương của mình, “Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi.” Nếu bạn đã từng ở nước ngoài, mỗi khi có ai đó hỏi, “Quê cậu ở đâu?” Câu trả lời ắt là. “Quê tôi ở Việt Nam.” Nhưng theo tôi, câu trả lời này chỉ đúng nhưng chưa đủ. Có lẽ chúng ta phải nói về quê hương của mình là Việt Nam và chính xác nhất vẫn là nơi “chôn nhau cắt rốn,” là nơi ta lớn lên từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành với bao kỷ niệm vui buồn. Bạn tôi, Dũng ở Pháp có lần đọc cho tôi nghe hai câu thơ của anh nói về quê hương, “Tha phương có nhiều nơi để đến. Quê hương chỉ một chốn quay về. Theo tôi, khi đã tha phương, người ta chỉ muốn quay về với hai lý do, về để “vinh quy bái tổ” hoặc về để an ủi chính mình khi đã mất niềm tin vào cuộc sống nơi chốn ngụ cư.

Nếu bạn đã từng sống nhiều năm ở Nha Trang và cùng tôi đi dọc các đường phố của nó hôm nay, ắt bạn cũng sẽ nhận ra thêm một điều nữa là con người và cảnh quan Nha Trang của chị Liên ngày xưa giờ đây không còn nữa. Sáng nay, khi đi ra biển Nha Trang để tìm lại thói quen đi bộ thể dục trước đây của mình, tôi đã nhận ra thêm vài lí do vì sao chị Liên không muốn ở lại thành phố này: Nha Trang của chị Liên mất mát nhiều quá! Những hàng cây xa cừ cổ thụ, như đoạn đường trước trường Võ Tánh cũ, nay là trường phổ thông cấp 3 Lý Tự Trọng, đã biến mất, thay bằng những dãy phố bê tông phô diễn sự giàu có vô hồn. Tôi còn nhớ, lúc mới ra trường, về Nha Trang công tác, tôi thậm chí không có một chiếc xe đạp để đi làm. Sau này, anh Thọ để lại với giá hữu nghị cho tôi một chiếc xe đạp mini, với lý do để các ông anh khỏi chở tôi theo trên những chiếc xe đạp cà tàng mỗi lần đi nhậu lai rai bên Hà Ra, Xóm Bóng hay xa hơn, Cầu Đá, Mã Vòng. Khi biết tôi có chiếc xe mini ấy, chị Liên đã hoan hỉ đạp xe cùng tôi đi khắp những con đường tuyệt đẹp, xanh mát của Nha Trang. Những con đường như thế giờ chỉ còn trong kỷ niệm.

Mỗi người bạn của chị, trong đó có tôi đã đi theo lối rẽ của riêng mình. Còn ai nữa? Tôi nhớ có lần chị khoe bài khóa luận viết bằng tiếng Anh có bút phê của một giáo sư người Mỹ khi còn ở Đại học Sư phạm Huế. Chị nâng niu bài viết như một kỷ vật thiêng liêng. Nếu tôi không nhầm, có lần chị thổ lộ rằng đã nuôi hy vọng một ngày kia, người thầy ấy sẽ tìm về thăm và cùng chị thả bộ dọc bờ biển Nha Trang xinh tươi, hay về Huế, đi dọc dòng Hương tĩnh lặng tâm tình. Tất nhiên là vào những ngày cuối đời của chị, người thầy ấy vẫn chưa về. Tôi chợt nghĩ, giá như chị Liên còn sống, lần này tôi sẽ chỉ cho chị cách sử dụng Internet để liên lạc với những người bạn, người thầy của mình để bớt cô đơn hay biết đâu, chị còn có thể nối lại những chiếc cầu đã gãy.

Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Chị Liên ắt phải dựa vào những người thân. Thương ôi! Người mẹ thân yêu đã mất. Người anh trai và mấy người cháu gọi chị bằng cô thân thương cũng đã di cư sang Mỹ. Liệu tôi có ngộ nhận chăng khi nói rằng chính một người cháu gái của chị đã khiến cảm giác mất mát của chị càng thêm sâu. Đêm qua, lúc chia tay sau buổi hội ngộ, tôi nghe anh Quyến nói úp mở bằng tiếng Anh, tạm hiểu rằng chị Liên cảm thấy mất mát tình bạn với tôi vì sự xuất hiện của một người thứ ba chính là cháu của mình! Tôi cần phải kiểm tra câu nói này vì anh Quyến là người hay thêm mắm muối vào ngôn từ. Còn chị Liên, giờ chị đang đạp xe rong chơi trên chốn thiên đàng. Chị ắt chẳng bận tâm với chuyện đời ngắn ngũi, rối rắm và chẳng có gì vui!

Wednesday, October 03, 2007

Twin Cities











Da Nang City




Hue City

They are twin cities but each one has different perspectives. Do you think so?

Monday, October 01, 2007

Đôi điều về đại học Việt Nam


Mike là tên gọi thân mật của Michael. Mike ở Mỹ về gọi điện thăm tôi. Năm năm rồi chưa gặp, tôi nghe hình như giọng nói của anh ta có phần nhẹ nhàng hơn trước. Duy chỉ có bầu nhiệt huyết thì vẫn không suy giảm. Mới gặp nhau qua điện thoại, tôi đã rủ Mike đi dự hội nghị khoa học của Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức. Mike nhận lời ngay khi nghe tôi nói, "Người Việt Nam hiện rất muốn nghe ở Mỹ, trường đại học đào tạo sinh viên thế nào để cung ứng cho nhu cầu xã hội. Ông hãy giúp cho hội nghị này bằng cách nói về hệ thống trường đại học công của bang California (California State University) nơi ông đang tham gia công tác."Buổi chiều tôi tranh thủ gặp và bàn thêm nội dung với Mike dưới góc cà phê Thiên Đường của Khách sạn Rex. Mike nhận xét, "Mình về Sài gòn lần này thấy có nhiều đổi thay cũng mừng. Nhưng gặp lại mấy đàn anh làm công tác giảng dạy ở đại học giờ thấy ai cũng khác. Dường như mấy thầy thích nói về chuyện đất đai, xe hơi và gửi con đi học nước ngoài."

Tôi giật mình nhìn lại Mike. Năm năm rồi anh ta vẫn thế. Lấy được bằng MBA rồi bỏ CalTech ra ngoài làm kinh doanh năm năm. Thấy nản, quay lại học chương trình tiến sĩ ở CSU Dominguez Hills. Nền kinh tế nước Mỹ quá lớn nên vòng quay tăng chậm. Năm năm ở Mỹ dường như chẳng thay đổi gì mấy. Nhất là sống trong môi trường giảng dạy và làm nghiên cứu khoa học, con đường lại càng gập ghềnh và chông gai hơn nữa. Tìm một sự đột biến không dễ.

Nghe Mike nói tôi cũng giật mình nhìn lại các trường đại học trong nước. Quả thật, hình như chẳng ai lo làm nghiên cứu khoa học. Tạp chí Kinh tế Viễn đông (số 7, tháng 9/2007), trích khảo sát của chuyên gia UNDP cho rằng Việt Nam có nhiều người tài năng nhưng vẫn thiếu chuyên viên kỹ thuật công nghệ, thiếu sáng tạo và thiếu người làm nghiên cứu khoa học. Theo bài viết này, trong năm 2002, chỉ có hai công trình nộp đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế. Trường đại học gắn kết rất ít với doanh nghiệp. Đào tạo một đàng đi làm việc một nẻo.

Mười năm trước tôi đã chọn con đường giảng dạy đại học để tìm cách phát huy vốn hiểu biết của mình được trau dồi ở nước ngoài cho sinh viên trong nước. Cách đây vài năm, khi nhận thấy được sự què quặt của hệ thống đại học, khi tích lũy đủ một khoản chi học phí, chính tôi cũng đã đồng ý cho con mình nghỉ học ở một trường đại học công lập để theo học chương trình quốc tế của đại học nước ngoài. Nhưng tôi cũng chưa đồng ý tất cả với Mike. Vẫn còn nhiều lắm nhà giáo tâm huyết với nghề, yêu thương học trò và đang sống với đồng lương đạm bạc.

Hiệu trưởng của một trường đại học tự hào khoe về trường của mình trước một số nhà giáo dục nước ngoài. "Sinh viên trường tôi, một chọi mười tám. Những sinh viên vào trường đã qua sàng lọc. Thậm chí còn giỏi hơn một số sinh viên Việt Nam đi du học ở nước ngoài. Đa số con em ở vùng này, vì không thi đậu vào trường tôi mới xin cha mẹ cho đi du học ở nước ngoài!"Lý luận của vị hiệu trưởng khả kính này thật lạ. Sinh viên của ông ắt à những viên ngọc quý và trường của ông là tháp ngà chăng? Trong khi cả nước đang nhức nhối về khủng hoảng giáo dục đại học của Việt Nam. Nhà nước đang đầu tư khá lớn để thay đổi chất lượng giáo dục đại học (Tỷ trọng đầu tư vào giáo dục của Việt Nam trên tổng GDP còn lớn hơn Trung Quốc). Nhưng hệ thống đại học Việt Nam được đánh giá là thiếu chủ động, chương trình đào tạo lạc hậu (không hề thay đổi kể từ những năm 1980). Trường đại học ở Việt Nam yếu trên cả ba mặt chất lượng, uy tín và sự thích nghi với thay đổi của xã hội.

Năm học 2007 này cả nước có 1,8 triệu thí sinh cạnh tranh 300 ngàn chỗ ngồi trong các trường đại học trong cả nước. Vậy số học sinh còn lại làm gì? Không vào đại học, liệu có đủ trường công nhân kỹ thuật để đào tạo cho họ thành công nhân, hay lại đẩy họ vào đồng ruộng hoặc tiếp tục con đường luyện thi và trở thành đội quân thất nghiệp ẩn danh? Trong khi ở các nước đang cố gắng phổ cập đại học, cao đẳng, mở ra các trường Cao đẳng cộng đồng để tạo thêm ngỏ ngách cho giới trẻ, nhất là giới trẻ ở nông thôn có lối đi vào đại học thì ở Việt Nam đang có phong trào "lên đại học." Lên đại học tốt chẳng sao, nhưng đội ngũ giảng viên từ đâu ra? Do đâu đào tạo? Hay lại tiếp tục "chạy sô", một lớp học năm chục thậm chí cả trên trăm sinh viên như hiện nay? Báo cáo của UNDP tiết lộ, "số lượng giáo viên Việt Nam không thay đổi trong vòng 17 năm qua!

Con đường đổi mới giáo dục Việt Nam rõ ràng cần có một lộ trình. Nên chăng cần một Hội nghị Diên Hồng về giáo dục đại học?


Bạn có thể đọc bài này trên VNNet: http://vietnamnet.vn/giaoduc/2007/10/749333/