Monday, October 01, 2007

Đôi điều về đại học Việt Nam


Mike là tên gọi thân mật của Michael. Mike ở Mỹ về gọi điện thăm tôi. Năm năm rồi chưa gặp, tôi nghe hình như giọng nói của anh ta có phần nhẹ nhàng hơn trước. Duy chỉ có bầu nhiệt huyết thì vẫn không suy giảm. Mới gặp nhau qua điện thoại, tôi đã rủ Mike đi dự hội nghị khoa học của Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức. Mike nhận lời ngay khi nghe tôi nói, "Người Việt Nam hiện rất muốn nghe ở Mỹ, trường đại học đào tạo sinh viên thế nào để cung ứng cho nhu cầu xã hội. Ông hãy giúp cho hội nghị này bằng cách nói về hệ thống trường đại học công của bang California (California State University) nơi ông đang tham gia công tác."Buổi chiều tôi tranh thủ gặp và bàn thêm nội dung với Mike dưới góc cà phê Thiên Đường của Khách sạn Rex. Mike nhận xét, "Mình về Sài gòn lần này thấy có nhiều đổi thay cũng mừng. Nhưng gặp lại mấy đàn anh làm công tác giảng dạy ở đại học giờ thấy ai cũng khác. Dường như mấy thầy thích nói về chuyện đất đai, xe hơi và gửi con đi học nước ngoài."

Tôi giật mình nhìn lại Mike. Năm năm rồi anh ta vẫn thế. Lấy được bằng MBA rồi bỏ CalTech ra ngoài làm kinh doanh năm năm. Thấy nản, quay lại học chương trình tiến sĩ ở CSU Dominguez Hills. Nền kinh tế nước Mỹ quá lớn nên vòng quay tăng chậm. Năm năm ở Mỹ dường như chẳng thay đổi gì mấy. Nhất là sống trong môi trường giảng dạy và làm nghiên cứu khoa học, con đường lại càng gập ghềnh và chông gai hơn nữa. Tìm một sự đột biến không dễ.

Nghe Mike nói tôi cũng giật mình nhìn lại các trường đại học trong nước. Quả thật, hình như chẳng ai lo làm nghiên cứu khoa học. Tạp chí Kinh tế Viễn đông (số 7, tháng 9/2007), trích khảo sát của chuyên gia UNDP cho rằng Việt Nam có nhiều người tài năng nhưng vẫn thiếu chuyên viên kỹ thuật công nghệ, thiếu sáng tạo và thiếu người làm nghiên cứu khoa học. Theo bài viết này, trong năm 2002, chỉ có hai công trình nộp đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế. Trường đại học gắn kết rất ít với doanh nghiệp. Đào tạo một đàng đi làm việc một nẻo.

Mười năm trước tôi đã chọn con đường giảng dạy đại học để tìm cách phát huy vốn hiểu biết của mình được trau dồi ở nước ngoài cho sinh viên trong nước. Cách đây vài năm, khi nhận thấy được sự què quặt của hệ thống đại học, khi tích lũy đủ một khoản chi học phí, chính tôi cũng đã đồng ý cho con mình nghỉ học ở một trường đại học công lập để theo học chương trình quốc tế của đại học nước ngoài. Nhưng tôi cũng chưa đồng ý tất cả với Mike. Vẫn còn nhiều lắm nhà giáo tâm huyết với nghề, yêu thương học trò và đang sống với đồng lương đạm bạc.

Hiệu trưởng của một trường đại học tự hào khoe về trường của mình trước một số nhà giáo dục nước ngoài. "Sinh viên trường tôi, một chọi mười tám. Những sinh viên vào trường đã qua sàng lọc. Thậm chí còn giỏi hơn một số sinh viên Việt Nam đi du học ở nước ngoài. Đa số con em ở vùng này, vì không thi đậu vào trường tôi mới xin cha mẹ cho đi du học ở nước ngoài!"Lý luận của vị hiệu trưởng khả kính này thật lạ. Sinh viên của ông ắt à những viên ngọc quý và trường của ông là tháp ngà chăng? Trong khi cả nước đang nhức nhối về khủng hoảng giáo dục đại học của Việt Nam. Nhà nước đang đầu tư khá lớn để thay đổi chất lượng giáo dục đại học (Tỷ trọng đầu tư vào giáo dục của Việt Nam trên tổng GDP còn lớn hơn Trung Quốc). Nhưng hệ thống đại học Việt Nam được đánh giá là thiếu chủ động, chương trình đào tạo lạc hậu (không hề thay đổi kể từ những năm 1980). Trường đại học ở Việt Nam yếu trên cả ba mặt chất lượng, uy tín và sự thích nghi với thay đổi của xã hội.

Năm học 2007 này cả nước có 1,8 triệu thí sinh cạnh tranh 300 ngàn chỗ ngồi trong các trường đại học trong cả nước. Vậy số học sinh còn lại làm gì? Không vào đại học, liệu có đủ trường công nhân kỹ thuật để đào tạo cho họ thành công nhân, hay lại đẩy họ vào đồng ruộng hoặc tiếp tục con đường luyện thi và trở thành đội quân thất nghiệp ẩn danh? Trong khi ở các nước đang cố gắng phổ cập đại học, cao đẳng, mở ra các trường Cao đẳng cộng đồng để tạo thêm ngỏ ngách cho giới trẻ, nhất là giới trẻ ở nông thôn có lối đi vào đại học thì ở Việt Nam đang có phong trào "lên đại học." Lên đại học tốt chẳng sao, nhưng đội ngũ giảng viên từ đâu ra? Do đâu đào tạo? Hay lại tiếp tục "chạy sô", một lớp học năm chục thậm chí cả trên trăm sinh viên như hiện nay? Báo cáo của UNDP tiết lộ, "số lượng giáo viên Việt Nam không thay đổi trong vòng 17 năm qua!

Con đường đổi mới giáo dục Việt Nam rõ ràng cần có một lộ trình. Nên chăng cần một Hội nghị Diên Hồng về giáo dục đại học?


Bạn có thể đọc bài này trên VNNet: http://vietnamnet.vn/giaoduc/2007/10/749333/


1 comment:

  1. Đọc bài này của anh Khôi, em thấy rất tâm đắc. Chỉ xin bổ sung một vài điều bên lề: trong báo cáo, Toyota nêu rõ: thời gian đào tạo, chi phí đào tạo cho công nhân Việt Nam xếp thứ hai thế giới, chỉ thua một nước duy nhất, chứng tỏ con người Việt Nam rất thông minh...Hiện nay, và trước đây, sinh viên phải bỏ ra nguyên một năm học để học các môn chuyên về lý luận chính trị (Triết, lịch sử đảng, CNXHKH....) lên cao học cũng không thoát khỏi, thi vào bắt buộc phải có Kinh tế chính trị, thi xong rồi học Kinh tế chính trị nâng cao. Có vị giáo sư ở Mỹ thống kê sinh viên Việt Nam học gấp đôi sinh viên Mỹ nhưng toàn học lý thuyết, thầy cô đa số đọc để sinh viên chép, không có ai khuyến khích tư duy sáng tạo vì sợ sai lệch giáo án, dạy không đúng theo yêu cầu.... sinh viên mà không biết cái thư viện của trường mình nằm đâu thì làm sao ra trường giỏi được... Tất cả do cơ chế, chỉ vì không có một cơ chế. Bà Thảo của TP HCM "chỉ xin chính phủ cho một cơ chế". Trưởng- English K20.

    ReplyDelete