Wednesday, February 11, 2009

Sĩ Huế

Trở lại Huế ăn Tết sau nhiều năm xa cách, tôi tìm đến thăm một số bạn cũ cùng lớp thời đại học. Đến nhà Th., thấy căn biệt thự hai tầng khang trang tọa lạc trong một khu đất thoáng đãng, môi trường sống phù hợp cho nghề giáo kiêm nhà nghiên cứu của anh, tôi vui mừng, rút máy điện thoại gọi những bạn khác hiện đang sống và làm việc ở thành phố Huế. Đinh ninh rằng gian phòng rộng khang trang của Th. ắt đủ để chúng tôi có một bữa nhậu ra trò, ôn lại những ngày gian khó đào khoai, trộm dừa trong cư xá đại học xây dựng theo kiểu trại lính. Nào ngờ chỉ có duy nhất một người bạn cùng lớp đến nhà Th. Thấy tôi ngồi chờ lâu, chủ nhà hơi lúng túng, anh rút máy điện thoại di động gọi thêm một vài bạn khác, nhưng cũng chỉ tuyển được thêm một người cũng từ phương xa trở về như tôi. Tiếc thời gian quý báu của những ngày Tết ở quê nhà đang trôi qua nhanh và cũng để tháo gỡ khó khăn cho Th., tôi chào chủ nhà ra về. Lòng băn khoăn tự hỏi, phải chăng anh bạn Th. của mình ngày nay có chức quyền đã đổi tính đổi nết, khiến các đồng liêu khác xa lánh? Hoặc, những người bạn cũ của tôi ở Huế, vì cảm thấy thua thiệt, mặc cảm nên không tới nhà Th.? Là một người quan tâm về khoa học quản lý, tôi liên tưởng đến những bài viết về tính hợp tác của người Việt, đặc biệt, của người Huế. Tôi tạm kết luận, “Tính hợp tác, cộng đồng của các bạn mình ở Huế hơi yếu!” Rất ngạc nhiên, khi hôm sau, ngày giỗ đầu của mẹ tôi, cả nhóm bạn cùng lớp nói trên đều có mặt đông đủ. Từng thành viên ăn mặc rất chỉnh tề, tất cả chắp tay đứng trước bàn thờ mẹ tôi khấn vái. Họ ngồi quay quần chung bàn ăn, chuyện trò rôm rả, thơ ca, hò vè tuôn ra như suối chảy. Nào đâu có vẻ gì là đố kỵ, tự ty mặc cảm hay thiếu hợp tác như tôi đã nghĩ. Chuyện tương tự xảy ra với nhóm bạn cùng lớp thời trung học phổ thông đã mang đến cho tôi lời giải đáp. Do có điều kiện đi về giữa Huế và Thành phố Hồ Chí Minh nhiều lần, M tự nguyện đứng ra thay mặt tôi tập hợp và mời tất cả bạn cùng lớp về họp mặt ở nhà tôi. Theo cách chúng ta thường nghe quảng cáo trên TV, “hai trong một”, nghĩa là vừa ăn giỗ vừa kết hợp hội ngộ sau hàng chục năm chưa hề gặp nhau. Tối hôm đó, M gọi điện cho tôi, “Tao đã tập hợp chừng hai mươi đứa, tất cả đã sẵn sàng, chỉ có một mình thằng P. Hắn nói, việc đi ăn giỗ ở nhà mày sao mày không mời. Nếu mày gọi điện, P. mới đi. Thôi, cho hắn một cú phôn nhé. Số phôn của hắn đây, ghi này.” Có được số điện thoại của P, tôi gọi ngay và P. đã vui vẻ nhận lời. Tôi chợt nhận ra ở Huế và nhiều nơi ở miền Trung vẫn tồn tại truyền thống văn hóa lễ nghi phép tắc và cách ứng xử trong xã hội chuẩn mực. “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ.” Bạn Th. của tôi làm nhà mới, Th. ắt phải có lời mời các bạn khác đến chia vui. Tôi chỉ là một người khách của Th., cũng như những người bạn cùng lớp, vì thế, lời mời của tôi sai nguyên tắc. “Việc mời mọc, mày đâu phải là chủ nhà?” bạn Đ. giảng giải. Hôm ra sân bay Phú Bài trở về Thành phố Hồ Chí Minh, tôi tình cờ gặp K, một trong những đồng liêu thời trung học phổ thông và hiện là hiệu phó một trường trung học. K. còn cho biết, “Trước khi đến nhà mày, tao đã yêu cầu thằng M, nếu đi ăn giỗ, không góp tiền mua lễ vật, tao sẽ không đi.” Tôi chợt nghĩ về câu nói đùa thường nghe bàn về cá tính của người ba miền, “Lý luận-miền Bắc; nguyên tắc-miền Trung,” và có lẽ cũng nên bổ sung thêm “Trung dung-Nam bộ.” Phải chăng môi trường sống hiền hòa của miền Nam đã nhào trộn hay làm mềm đi cả hai tính cách mạnh mẽ của các miền kia? Bài này được đăng tại Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/bandocviet/15777/