Sunday, October 28, 2012

Khi bão tan

Một ngày nọ, tôi đón một nhà đầu tư bất động sản người Ý để đưa ông đi xem vùng đất đã được một tỉnh ở miền Trung cấp phép đầu tư.  Đến nơi cũng vừa quá buổi trưa, nhà đầu tư vui vẻ dùng bữa ngay trên vùng đất hứa. Nhưng vừa ăn chưa xong, ông lại nằng nặc đòi đi ngay. Lo lắng và lúng túng  không hiểu có điều gì không đúng phép xã giao, tôi cố thuyết phục ông cho biết lý do và có lẽ cho rằng mình là một ông lão trên 70 nên ông chẳng cần lịch sự, nóng nảy hất hàm hỏi tôi,“Cậu đã làm gì trước khi đảm trách việc này?” Khi nghe tôi nói mình là một kỹ sư,  ông cười phá lên, “Tôi đi khắp các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, ở đâu cũng gặp kiểu người như cậu.” Đang ngơ gác chưa hiểu ông ngụ ý gì lại nghe ông nói. Các cậu là những thằng duy ý chí, gặp cơ hội thì muốn làm giàu cho nhanh, bất chấp điều gì xảy ra cho nhà đầu tư trong tương lai. Thử hỏi ai bỏ ra cả triệu đô để mua nhà ở của một resort tôi được giới thiệu và nghỉ qua đêm ngoài Đà Nẵng hay nếu cậu có vài trăm ngàn đô để xây nhà, cậu có xây trên bãi cát này hay xây nhà trên quả đồi kia?”.  Nhìn vẻ mặt ngơ ngác và vô tư có lẽ ông đoán được tôi không can dự trong việc tạo ra việc đầu tư này nên ông thay đổi thái độ và từ tốn giảng giải, “Các cậu hãy nghĩ đến nhà đầu tư khi họ mua sản phẩm, sau này bán lại họ có thể bán nhanh và có lãi không thì mới nên đi vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản.”

Nhiều năm trước đây tôi có dịp làm việc với một sinh viên mới tốt nghiệp người Anh đến từ Hong Kong. Cậu ta học về kinh tế và luật nhưng còn rất trẻ nên chỉ được bố trí tìm hiểu luật ngân hàng của Việt Nam vừa mới được ban hành. Một hôm cậu cầm cuốn luật ngân hàng đặt trên bàn làm việc của tôi chỉ vào chỗ in đậm bằng bút dạ quang nói. “Chỗ này ngân hàng có thể kiếm rất nhiều tiền.”  Theo cậu ta, khi nhà nước cho phép ngân hàng thương mại mở công ty chứng khoán, nếu thị trường nóng lên, nhân viên ngân hàng có thể rút tiền vay từ ngân hàng đổ vào mua các mã chứng khoán tốt rồi chọn thời điểm thoát ra, trả lại phần vốn của ngân hàng.  Nhưng nếu ở tình thế ngược lại, chứng khoán tuột dốc, hết sức nguy hiểm cho ngân hàng. Đó là lý do tại sao các nước phát triển rất thận trọng trong việc cho phép kiểu hai trong một này.

...Đang đối mặt và tìm cách thoát ra tâm bão nhưng khi bão tan chúng ta cần sửa chữa ngay từ hệ thống bằng cách tìm các giải pháp để hạ giá đất và chấn chỉnh lại hệ thống ngân hàng.

Wednesday, October 17, 2012

Cơ hội thoát khỏi tâm bão

Có lẽ chúng ta đang ở trong tâm của cơn bão kinh tế. Tuy nhiên, đối phó với khủng hoảng kinh tế đang diễn ra cho thấy cơ quan chức năng đã rất lúng túng trong việc quản lý các dòng vốn nóng, cộng thêm lòng ham muốn bản năng của lớp doanh nhân nôn nóng làm giàu sao cho nhanh nhất, đã làm cho thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, hệ thống ngân hàng Việt Nam bốc hỏa thành cơn lốc. Trước thực tế này báo chí nước ngoài gần đây mỉa mai Việt Nam là “Con hổ biến thành chú mèo ướt”, là “Tấm gương xấu” cho các nước đang phát triển.
Quả là hơi oan, vì người Việt chưa bao giờ tự coi mình là hổ.
Hy vọng chúng ta sẽ vượt qua cơn bão kinh tế này từ niềm tin về đặc tính của dân tộc, biết khai thác các thế mạnh và khắc phục các điểm yếu sau đây.
Áp lực cạnh tranh khu vực nhưng là cơ hội để thay đổi
Sau nhiều thập kỷ được cai trị độc đoán bởi quân đội và bị cấm vận của Mỹ, Myanmar đang nổi lên thành điểm nóng thu hút đầu tư của nước ngoài. Trước tình hình này, một số nhà đầu tư bắt đầu giảm chú ý vào các nước láng giềng ASEAN để khăn gói lên đường sang vùng đất mới.
Vốn cũng như máu lưu thông trong cơ thể. Vốn chảy đến nơi nào kinh tế năng động và sinh lợi lớn. Vì thế, không chỉ có Việt Nam, các quốc gia thuộc nhóm gia nhập ASEAN gần đây đều ở thế bất lợi đối với sự trổi dậy của Myanmar. Vì thế, song song với việc tìm ra giải pháp để bù đắp giảm sút FDI ở một số khu vực của nền kinh tế, chúng ta cần chú trọng hơn đến các lĩnh vực vẫn còn nhiều thế mạnh, đó là các nhà máy lắp ráp chế tạo hàng điện tử, viễn thông; nhà máy dệt nhuộm, vải sợi cung cấp nguyên liệu cho thị trường các tỉnh Nam Trung Quốc. Sở dĩ có hiện tượng này vì tính toán lợi thế về thuế xuất nhập khẩu khi Hiệp định Thương mại tự do các nước ASEAN (AFTA) và ASEAN+3 có hiệu lực, các nhà sản xuất Hàn Quốc, Nhật, Singapore, EU vẫn muốn tiếp tục đầu tư mạnh các nhà máy chế tạo, lắp ráp các mặt hàng này nhất là các tỉnh phía Bắc. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng được cải thiện, giá nhân công thấp ở các tỉnh phía Bắc nước ta so với nhân công các nước Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…cũng là một thực tế thêm thu hút các nhà đầu tư quốc tế.
Việc sử dụng vốn ODA tuy vẫn quan trọng nhưng không còn hấp dẫn do nhiều nước coi Việt Nam là nước không còn thích hợp với loại hình vốn này. Thay vào đó, nên mạnh dạn mở cửa cho các công ty quốc tế trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) hoặc hình thức xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT) theo hướng hợp tác công tư (PPP). Chính phủ Nhật và Indonesia trong tháng 10/2012 đã ký hợp tác song phương theo hình thức PPP một thỏa thuận lên đến 24 tỷ đô la nhằm nâng cấp hạ tầng một số khu vực trọng điểm kinh tế ở Indonesia.  Nếu chúng ta không mạnh dạn lôi kéo các công ty Nhật theo hướng này, Indonesia, Philippine sẽ nhanh chóng trở  thành điểm thu hút đầu tư của Nhật và như thế việc thu hút nguồn vốn FDI sẽ khó khăn hơn.
Nguồn vốn của Mỹ cũng sẵn sàng đổ vào Việt Nam. Trong cuộc viếng thăm liên tiếp của đại diện ngân hàng này cho thấy, Việt Nam được xếp vào 6 quốc gia  hàng đầu của Mỹ trong việc cấp  hạn mức tín dụng từ  ngân hàng Eximbank Mỹ. Khoảng hạn mức tín dụng 1,5 tỷ đô la Mỹ sẵn sàng cho vay mua thiết bị hàng không, đầu tư  hạ tầng trong đó chú trọng hình thức PPP.
Các tập đoàn công nghiệp, hạ tầng của Trung Quốc hiện cũng đang tích cực tìm cách tham gia đấu thầu các dự án phát triển hạ tầng ở Việt Nam và các nước khác do tình trạng phát triển trong lĩnh vực này đã bão hòa ở Trung Quốc. Theo các đơn vị tư vấn cho các công ty này, hiện các gói tài chính khoảng 400 triệu đô la Mỹ được ưu tiên xem xét theo phương thức BT hoặc PPP.
Quan sát thực tế, các tuyến đường sắt trên cao ở Bang Kok, Thái Lan, MRT ở Kuala Lumpur, Malaysia... giai đoạn đầu đều do các nhà đầu tư quốc tế xây dựng, vận hành và khai thác. Còn ở TP.HCM, các dự án BOT do các công ty trong nước đầu tư hiện nay rất bất cập, do thiếu vốn, thiếu phối hợp đồng bộ trong quản lý điều hành. Chẳng hạn, dự án BOT cầu - đường Bình Triệu II; dự án BOT nâng cấp, mở rộng liên tỉnh lộ 15 giai đoạn 2; và hiện nay, dự án BOT cầu Phú Mỹ đang đứng trước nguy cơ phá sản... Gần đây báo chí cũng đã nêu vấn nạn hệ thống thu phí rào kín các ngỏ đường TP HCM khiến cho dư luận có thể hiểu sai hình thức đầu tư này.
Để thu hút FDI vào nước ta trở lại, chúng ta cần mạnh dạn áp dụng thực tiễn trên.  Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc còn đương thời đã nhắc nhỡ rằng phải nghĩ đến lợi ích của nhà đầu tư mới làm tốt thu hút đầu tư. Dưới sự lãnh đạo của ông đã góp phần đưa một lượng vốn   FDI lớn vào nước ta. Chẳng hạn, tỉnh Bình Dương đã rất thành công thu hút được nhà đầu tư Singapore vào VSIP từ một khu đã thành bảy khu cũng xuất phát từ tâm thế này.  Nhiều doanh nghiệp trong nước khiêm tốn học hỏi bằng cách làm phụ như lắp ráp, thi công xây dựng... một thời gian đã vươn lên làm chủ, làm chính.
Tái sắp xếp hệ thống ngân hàng
Vấn đề nan giải của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua và hiện nay có phần do sơ hở ngay từ luật. Việc cho phép các ngân hàng mở cửa ào ạt cùng với việc mở và sở hữu các công ty chứng khoán đã giúp cho các nhóm quyền lợi sử dụng chuyển vốn qua lại theo hình thức bình thông nhau dẫn đến nền kinh tế bị lũng đoạn trên ba lĩnh vực nền tảng của nền kinh tế đó là ngân hàng, chứng khoán và địa ốc. Vì vậy, cần thiết phải chấn chỉnh ngay hệ thống ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo hướng tách biệt sự liên thông hoặc chồng chéo.
Lãi suất cho vay cao, nhưng việc hạ lãi suất ngân hàng phải bắt đầu từ chính sách vĩ mô và ý chí cuả ngân hàng nhà nước. Các nước phát triển đều sử dụng lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước thiết lập làm nền tảng cho các ngân hàng thương mại tái cấp vốn lẫn nhau và xác định lãi suất cho vay khách hàng dựa vào rủi ro của dòng vốn cho vay. Tuy vậy, một cách dễ hiểu, lãi suất cao hay thấp phụ thuộc vào dòng tiền thu ngân sách như thuế, thặng dư mậu dịch, tiền gửi từ nước ngoài và từ khả năng vay nợ cuả chính phủ.
Việc giải quyết tồn đọng bất động sản hiện nay, nhà nước cần lập quỹ nhà ở để cho người làm công ăn lương ở thành phố có thể vay dài hạn mua nhà ở. Trên thế giới ít phổ biến hình thức dùng khoản vay ngắn hạn để đầu tư mua nhà ở, thậm chí người mua nhà bằng tiền mặt còn bị nghi ngờ rửa tiền hoặc thu nhập bất chính. Chính phủ Singapore đã rất thành công trong việc dùng đầu tư công để giải quyết các khu nhà ở cho người dân có nhu cầu. Các chung cư công ở Singapore được quy hoạch và quản lý tốt, 5 năm được sơn mới một lần, người dân được vay dài hạn để mua nhà và việc trả lãi và vốn có thể kéo dài cả hai, ba thế hệ trong gia đình. Bên cạnh việc cung cấp nơi ở cho đại bộ phận người dân có nhu cầu, các khu chung cư do chính phủ đầu tư ở Singapore còn tạo ra thế đối trọng để tránh cho giá địa ốc bị lũng đoạn bởi các nhóm quyền lợi. Việt Nam cần học tập giải pháp này và nên quy hoạch thêm quỹ đất công để đầu tư nhà ở, tạo cơ sở cho việc thiết lập mặt bằng giá địa ốc trong đô thị, tránh việc giá địa ốc bị đẩy lên, cũng như kéo giá trị địa ốc về giá trị thực của nó.
Cần chấn chỉnh khâu cung cấp số liệu thống kê
Số liệu thống kê là nền tảng để đề ra chính sách kinh tế. Các trường đại học ở Mỹ, Singapore, Pháp… thường đóng góp nhiều về chính sách kinh tế cho quốc gia. Rất nhiều giáo sư kinh tế về sau trở thành bộ trưởng, thống đốc ngân hàng. Thực tế hiện nay tính trách nhiệm và độ tin cậy trong việc cung cấp số liệu thống kê phục vụ phát triển kinh tế ở Việt Nam có vấn đề. Không thể nào các sinh viên ngành kinh tế, thương mại lại phải trích dẫn số liệu của Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB), Tổ chức Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP)... trong khi đáng lẽ ra, số liệu này phải được Tổng cục thống kê giao chìa khóa cho các khoa kinh tế, thương mại các trường đại học để truy cập cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu kinh tế. Số liệu thống kê hiện nay chưa cho phép so sánh và đánh giá chính xác thực trạng của các ngành kinh tế ngay cả những con số về nợ công, số liệu liên quan đến hiệu quả và sự phát triển của nền kinh tế cũng như các vấn đề khác. Vì thế, khi không nắm chắc được số liệu thực tế, không rõ các nhà cố vấn cho chính phủ làm thế nào để đưa ra những phân tích và kết luận xác đáng, từ đó chính phủ có thể nhận được đề xuất về chính sách quản lý một cách chính xác.
Cũng như ngân hàng nhà nước, tính độc lập của Tổng cục thống kê cần phải đặt ra.  Việc độc lập trong thu thập dữ liệu sẽ làm tăng độ minh bạch. Yếu tố này không những làm tăng uy tín quốc gia mà còn là yếu tố thu hút các nhà đầu tư quốc tế.
Thu hút tài năng từ các nước
Khủng hoảng kinh tế tạo ra sự dịch chuyển lao động từ nơi khó khăn đến nơi dễ kiếm việc làm. Khó khăn trong giải quyết công ăn việc làm khiến cho chính phủ ở các nước Mỹ, châu Âu và kể cả doanh nghiệp các nước này đặt ra ưu tiên tuyển dụng cho người bản xứ.  Đây là cơ hội tốt để thu hút tài năng từ các nước vào Việt Nam. 
Vả lại, trong khi nước ta đang bị tình trạng sa sút về chất lượng đào tạo, tình trạng bằng cấp chưa phản ánh năng lực đáp ứng nhu cầu công việc, nạn bằng giả... và nhất là thiếu kinh nghiệm kinh doanh quốc tế, chính phủ cần có chính sách thu hút tài năng Việt ở xứ người về chấn hưng tổ quốc. Sự ra đi của gần một triệu người Việt đến nhiều nơi trên thế giới qua nhiều thời kỳ lịch sử hóa ra lại có lợi cho đất nước trong thời kỳ kinh tế mới. Không chỉ phục vụ phát triển kinh tế trong nước, các chuyên viên kinh tế kỷ thuật người Việt được đào tạo ở các trường chất lượng cao trên thế giới hiện rất cần cho các công ty Việt Nam trong hoạt động xuất nhập khẩu, quản lý vốn đầu tư đi vào và đi ra của quốc gia và bành trướng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài.  Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, sinh viên Đài Loan, Trung Quốc du học và ở lại làm việc cho các công ty của Anh, Mỹ, Úc hiện đang góp phần rất hiệu quả cho các công ty của họ bành trướng ra thế giới.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tế ở các quốc gia Âu Mỹ cũng sẽ giúp chúng ta thu hút chuyên gia quản lý khoa học, quản lý kinh tế của các nước này. Việc tham gia hoạt động của của chuyên gia nước ngoài không chỉ đóng góp trong công việc thực tế, mà sẽ giúp trao đổi văn hóa, tạo ra một môi trường làm việc quốc tế ngay trong đất nước mình.  Đây cũng chính là cách tiếp thị hình ảnh tốt nhất cho quốc gia.  Các nước Singapore, Nhật, Anh, Mỹ, Úc…đang dùng các chương trình học bổng, cấp visa việc làm… cũng nhằm thu hút chất xám từ các nước  khác.
Không chỉ việc làm, những năm đầu sau chiến tranh Nam Bắc Triều Tiên, chính phủ Hàn Quốc đã xây nhà cho chuyên gia ở, chu cấp tiền lương để thu hút nhân tài. Giá thuê nhà rẻ hoặc chính sách bán nhà cho chuyên gia quốc tế, Việt Kiều cũng góp phần thu hút tài năng phát triển đất nước.
Mặc khác, ngoài mục tiêu thu hút tài năng bằng chính sách nhà đất, kinh nghiệm phát triển  ổn định của ngành bất động sản Malaysia trong khi các nước trong khu vực kể cả Việt Nam đang gặp hạn do khủng hoảng kinh tế là nhờ  chính phủ đề ra chính sách "căn nhà thứ hai".  Chính sách này đã cho phép người nước ngoài, đặc biệt là người Hoa ở Hong Kong,Trung Quốc và ở các nước Đông Nam Á khác cũng như người Nhật đầu tư mua căn hộ ở Malaysia vừa để nghỉ dưỡng vừa để sinh lợi trong tương lai.