Friday, December 25, 2015

Vì sao phần lớn đội ngủ quản lý của công ty VN lại thiếu tính chủ động?


Nếu ta hỏi tính chủ động là tính dương (+), thì tính thụ động là tính âm (-).  Một tổ chức cũng như một cơ thể muốn khỏe mạnh, âm dương phải hài hòa.  Theo tôi, văn hóa đã góp phần làm tăng tính thụ động vì các Sếp VN thích tính tuân thủ, tính khiêm nhường, gọi dạ bảo vâng, lòng trung thành của đội ngủ quản lý.  

Trong các tổ chức VN, để tăng tính chủ động, sáng tạo, chấp nhận rủi ro trong hoạt động kinh doanh, nhiều giám đốc đã đưa ra sách lược tuyển dụng cán bộ trẻ, tiến hành lưu chuyển cán bộ, chỉ huy…để khuấy động tổ chức theo hướng tích cực.  Tuy nhiên, việc làm này chưa thu được kết quả như mong muốn.

Ở các tổ chức quốc tế, khi tuyển dụng, người lao động được tham gia làm bài kiểm tra tâm lý.  Kết quả kiểm tra sẽ cho biết cá thể dự tuyển thuộc nhóm “lý trí” hay “tình cảm” (chúng ta hay nói nôm na là “thuận tay trái” hay “thuận tay phải”).  Tay trái - tay phải; lý trí - tình cảm đều rất quan trọng và có vai trò cân bằng cuộc sống của con người và tổ chức.   Vì thế, để tăng tính chủ động, chúng ta cần phải tiến hành nhiều biện pháp, từ khâu tuyển dụng đào tạo đến thiết lập các quy chế hoạt động sao cho các ý kiến trái chiều được lắng nghe, tôn trọng.  Quy trình hoạt động tiến tới mục tiêu trao quyền nhiều hơn cho cấp dưới sau một quá trình theo dõi, dẫn dắt của cấp trên. 

Wednesday, May 06, 2015

Người Việt không hẵn xấu xí!


Sáng, trưa, chiều Chủ nhật (3/5/2015), liên lạc bằng điện thoại với anh Việt, bạn Hướng đạo sinh hồi nhỏ mãi không được, tôi lo lắng vô cùng.  Số là bạn tôi sẽ đóng vai trò như một chủ hôn tại lễ rước dâu của gia đình anh Tri, một đồng đội khác.  Mãi đến lúc tiệc tối, tôi mới hay vợ chồng anh bị tai nạn giao thông khi trên đường từ Mỹ Tho về Thành phố dự lễ cưới.

Thứ Hai, anh bạn liên lạc với tôi qua điện thoại. Anh bần thần kể, sớm hôm qua lúc đang đi trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) anh va quẹt với một xe máy khác. Một người phụ nữ điều khiển xe máy, không đội mũ bảo hiểm, phía sau chở lặc lè hai giỏ cần xé trái cây, phía trước treo lũng lẵng hai bên 4 con vịt. Cô còn đèo thêm một đứa trẻ, không nón, không giày dép. Rất vội vã cô ta cố vượt lên qua mặt. Chiếc xe lắc, đảo và đâm sầm vào ngang hông xe máy của vợ chồng bạn tôi đang đi cùng chiều.  Đứa trẻ văng ra khỏi xe (rất may không hề hấn gì), người phụ nữ đầu đập xuống mặt đường, chiếc xe nằm vắt một nửa trên người, một vệt máu nhỏ chảy dài xuống cổ.  Bản thân bạn tôi cũng bị xây xát nhẹ khi xe bị lực đẩy đẩy ngang.
Người đi đường xúm lại, đỡ xe kéo người phụ nữ ra, cô vội vàng chồm lên tóm cổ mấy con vịt. Ai đó dựng xe lên nhưng có người lại ngăn, họ bảo phải chờ công an tới. Một lúc sau, 2 xe công an hụ còi chạy đến. Họ yêu cầu đưa người phụ nữ đi cấp cứu vì máu đầu chảy và cô kêu đau tức vùng bụng, vùng ngực. Đo đạc vết xe đổ, vẽ hiện trường … cộng thêm lời vào tiếng ra của người đi đường, có vẻ bạn tôi không có lỗi. Tuy nhiên, công an nói thêm, cả hai chủ phương tiện đều đi quá tốc độ cho phép. Và yêu cầu đưa cả hai phương tiện về đồn, giải phóng đường đi. Hơn 3 giờ chiều, bệnh viện điện về báo tin, người phụ nữ không có vấn đề gì trong não, ngực và bụng … Xuất viện, người phụ nữ được miễn phí điều trị vì có sổ hộ nghèo, bạn tôi chỉ phải đóng một chút đỉnh phí lặt vặt. Trở về đồn công an gần 5 giờ chiều, sau khi được công an giải thích, người phụ nữ xin lỗi và công an giải quyết cho tất cả ra về, giao trả phương tiện.
Lo ngại người phụ nữ còn yếu và nhất là đứa bé cứ bám lấy vợ chồng bạn tôi vì được cho ăn ngon, uống nước ngọt, thay áo quần mới, mang dép mới. Bạn tôi theo người phụ nữ này về nhà, hỗ trợ tiền 2 giỏ trái cây, mua lại 2 con vịt tặng gia đình và thêm 500.000 đồng “tiền bồi dưỡng sức khỏe”.
Gia đình người phụ nữ sống trong một căn nhà tối tăm, bề bộn, vá víu, nhưng ở vị trí bàn thờ Thánh Giá lại khá tươm tất. Có vẽ đây là một gia đình ngoan đạo. Người chồng bước vào nhà, phảng phất mùi rượu rẻ tiền. Hình như anh ta đã được biết khá tường tận mọi chuyện, nên hùng hổ quát mắng vợ. Vợ chồng bạn tôi ôn tồn xin lỗi, giải thích và cố gắng hướng sự việc đến việc thờ cúng, đến thánh đường, nói bóng gió về “yêu thương và tha thứ” và có những lời khen ngợi chân thành với gia đình. Người chồng trở nên mềm mỏng, lịch sự quay lại xin lỗi. Đúng là một gia đình ngoan đạo.
Bạn tôi mừng rỡ, và may mắn thay, bạn tôi có quen một mục sư ở gần đó. Anh liên lạc và được mục sư hẹn gặp tất cả mọi người. Biết tin, cả nhà người phụ nữ hân hoan nhưng lo ngại – họ rất muốn đến với mục sư, nhưng lại rất tủi thân cho hoàn cảnh của mình  - “Ai lại để mục sư phải bận tâm đến kẻ nghèo khó, hư hỏng như chúng tôi!”.
Dường như niềm hân hoan đã lấn lướt nỗi lo ngại, với sự thuyết phục chân tình của bạn tôi, mọi người đã đến gặp vị mục sư và cuối cùng, một kế họach giúp đỡ nhỏ được vạch ra, cùng với lời hứa cai rượu từ từ của người chồng và những giọt nước mắt không rõ vì lý do gì của người vợ.
Hơn 8 giờ đêm vợ chồng bạn tôi quay về nhà ở Mỹ Tho. Anh chợt  áy náy không nguôi khi biết mình đã làm lỡ kế họach rước dâu của gia đình bạn.  Anh báo tin sự việc khi trên người vẫn mặc một chiếc quần com-lê rách. 
Việt chợt nghĩ, sao mình đi giữa phố Sài Gòn suốt ngày lại không thấy ai chê cười. Anh kết luận, có lẽ cái may mắn cũng còn nhiều lắm ở đâu đó trong cuộc đời này. Còn tôi, tôi không nghĩ vậy, ứng xử của Việt toát lên nhân cách của con người hướng đạo trưởng thành.

Monday, February 09, 2015

Một vài khác biệt văn hóa gây cản trở hội nhập của người Việt Nam đương đại

Rất nhiều câu chuyện hàng ngày liên quan đến hành xử thiếu kỷ luật, thiếu tính nhân bản của người Việt Nam đương đại. Bản thân tôi sau nhiều năm được học tập và làm việc với các tổ chức quốc tế và trong nước, cũng có điều kiện trải nghiệm cũng như tiếp nhận một số nhận xét của chuyên gia nước ngoài về các khuyết điểm kể trên.
Trước hết, xin kể về tính thiếu kỷ luật về giờ giấc. Sau nhiều lần tiếp xúc để tìm hiểu về khả năng tham gia phối hợp trong việc thi công công trình mang tính đột phá về hạ tầng ở TP. Hồ Chí Minh giữa tập đoàn xây dựng quốc tế Shimizu Nhật Bản và đơn vị chúng tôi, một hôm, một quản lý phía đối tác thản nhiên bảo tôi, “Này ông! Tôi thấy ông không giống người Việt”.
Tưởng rằng ông ta nhận xét về phương diện nhân chủng học, tôi tuôn ra ngay một tràng giải thích về sự di cư của các giống người Indonesean trong quá khứ hàng ngàn năm qua.  Tôi tự hào nói, “Trên thế giới, sự di dân từ nơi này sang nơi khác đã từng được chứng minh qua các chứng cứ về khảo cổ học và nhân chủng học.  Nước Việt chúng tôi nằm trên ngã ba đường của các cuộc di dân đó nên chúng tôi có thể là người Nhật, người Hoa, người gốc Ấn, và thậm chí còn có thể là con cháu của Thành Cát Tư Hãn xứ Mông Cổ.
Từ tốn như bao người Nhật khác, vị chuyên gia bảo tôi, “Tôi nói ông không giống người Việt là ở điểm khác anh bạn ạ! Ý tôi là qua nhiều cuộc hẹn, tôi thấy ông lúc nào cũng đúng giờ, không giống như các cuộc làm việc của tôi với nhiều người Việt khác.” Đến đây, tôi thẹn đỏ mặt, không chỉ vì sự võ đoán của mình mà còn vì nhận xét cay đắng của vị chuyên gia Nhật dành cho người Việt chúng ta.
Kế đến, nói về tính nhân bản của người Việt. Có thể đây là một sự xúc phạm đến đồng chủng của mình.  Nhưng không bàn đến vấn đề này có thể là một tội lớn đối với tiền nhân và thế hệ kế tiếp.
Trước hết, xin nói về tiêu chuẩn thiết kế các công trình xây dựng dân dụng. Nếu bạn có dịp đi vào các công trình dân dụng xây trước 1975 còn sót lại, chẳng hạn, Dinh Thống Nhất ở TP. HCM,  bạn sẽ thấy dốc cầu thang khá thoải và các bậc cấp có chiều cao vừa phải khiến cho người đi bộ leo dốc có cảm giác nhẹ nhàng thoải mái.  Bên cạnh đó, các tòa nhà đều có lối đi hoặc các nhà vệ sinh dành cho người dành cho người tàn phế, già yếu.
Đi bất cứ đâu ở các nước như Singapore, Hàn Quốc, Mỹ… chúng ta đều thấy có các hạng mục xây dựng dành cho người già, người tàn phế ở các công trình dân dụng và các phương tiện công cộng mà thi thoảng mới gặp ở nước ta.  Chẳng hạn, mới đây, trong một dịp ghé vào trạm dừng ôtô Tâm Châu, Bảo Lộc, tôi ngạc nhiên và rất mừng cho ngành du lịch địa phương khi nhìn thấy bảng chỉ dẫn nhà vệ sinh dành cho người tàn phế.
Cơ quan Ngoại giao Mỹ ở Việt Nam trong nhiều năm trước đây cũng đã nêu vấn đề này có chương trình tài trợ để thiết kế phương tiện lên xuống xe buýt cho người tàn tật ở TP. HCM. Tuy vậy, có lẽ vì lý do ngân sách, hiện nay các xe buýt công cộng ở TP vẫn vắng bóng phương tiện này.
Nói đến tính nhân bản của người Việt, cũng không thể không nói đến văn hóa ẩm thực. Hầu như chúng ta có thể vô tư ăn nhậu bất cứ loài cầm thú nào. Thức ăn càng hiếm càng khoái khẩu và càng quyết tâm lùng kiếm để thưởng thức. Trên các tuyến đường du lịch ở nước ta, đi đâu cũng thấy các bảng quảng cáo đặc sản, “Cá suối, rau rừng”. Còn ở chợ đồng bằng, người tiêu dùng dường như không biết thực hư về trọng lượng cũng như chất lượng thực phẩm có giá như tôm, cua, thịt bò…đành chuyển dần sang sử dụng hàng ở siêu thị.  Hiện chưa có ý kiến của ngành y tế về thông tin tỷ lệ ung thư của người Việt rất cao, một phần vì dư lượng các chất tăng trọng, thuốc trừ sâu trong thực phẩm!
Đâu là giải pháp giúp giới trẻ Việt thay đổi?
Bước xuống sân bay quốc tế Bangkok, chúng ta luôn bắt gặp nụ cười và ánh mắt thân thiện từ nhân viên hải quan đến người đẩy xe phục vụ.  Ta còn thấy hình ảnh chùa tháp và các tượng Phật ở trong và cả lối ra vào sân bay.  Ở khu thương mại sầm uất của nội đô Bangkok, ta vẫn thấy ở các góc ngã tư, ngã ba đền thờ Phật, hình ảnh nhà vua, hoàng hậu xuất hiện trong các dịp lễ. Ở thủ đô Pnompenh, Cambodia, ở Yangon, Myanmar… chúng ta cũng bắt gặp những hình ảnh tương tự.  Nghe nói, thanh niên ở Thái Lan, người Khmer ở nước ta và ở Cambodia, người Lào… đều phải vào chùa học giáo lý và thực hành nghi thức tôn giáo một thời gian.  Phải chăng đây là gốc rễ cho tính thiện, và sự hiền từ thể hiện trong tính cách của người dân các nước láng giềng?

Sau nhiều năm công tác ở TP.HCM, chuyên gia kinh tế Heung Choi tiết lộ cho tôi một trong những bí quyết thành công của Hàn Quốc.  Anh nói, thật tình, nước tôi phải học tập Việt Nam về quyết tâm thống nhất đất nước mà đến nay người Hàn vẫn chưa làm được.  Thế nhưng trong cái rủi lại có cái may. Do lo sợ chiến tranh, chính phủ Hàn Quốc ban hành luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc hai năm đối với thanh niên. Ở trong quân ngũ, chúng tôi không những học về kỹ thuật quân sự mà còn được rèn luyện về thể chất, tính kỷ luật, tính tuân thủ...  Nhờ vậy, khi trở về cuộc sống đời thường các tố chất này hóa ra rất cần thiết để tạo nên một thế hệ trẻ Hàn Quốc mạnh về thể chất, nhạy bén trong đối phó các tình huống và đặc biệt biết tôn trọng giờ giấc và kỷ luật của tổ chức, yếu tố góp phần làm nên một quốc gia hưng thịnh trong hội nhập quốc tế ngày nay.