Friday, December 23, 2016

CHUYỆN CHÚ THẰN LẰN


Hồi nhỏ, sống ở nông thôn, quê tôi không có điện. Mọi sinh hoạt về đêm đều nhờ ánh đèn dầu hỏa. Bữa cơm tối, cả gia đình quây quần quanh ngọn đèn bát (đèn thủy tinh cao). Việc đèn sách của anh em tôi phải sử dụng đèn hột vịt (đèn thủy tinh thấp, bóng đèn to bằng quả hột vịt).

Mùa đông, dù cây đèn hột vịt chỉ đủ ánh sáng cho một đến hai người học, nhưng sức nóng của nó tỏa ra cũng hấp dẫn lũ thằn lằn, nhất là những đêm có nhiều muỗi. Vì thế, chúng tôi thường giải lao bằng cách ngắm sinh hoạt của những chú thằn lằn.

Hằng đêm, Mẹ tôi thường hát, “Thạch sùng còn thiếu mẻ kho, huống chi em bậu lại cho mình giàu”. Mẹ kể, thằn lằn là hóa thân của ông Thạch Sùng. Thạch Sùng rất giàu có, đến đâu cũng khoe khoang về sự giàu có của gia đình mình. Ông có hàng ngàn mẫu ruộng, đàn gia súc hàng ngàn con, kẻ hầu người hạ lên đến hàng trăm, gấm vóc lụa là, lúa gạo đầy kho. Hể ai có cái gì mới, Thạch Sùng đều tìm mua mang về cất ở nhà.

Một vị quan ở trong vùng nghe tiếng về sự khoe khoang của Thạch Sùng bèn bày mưu kế làm cho Ông ta một phen bẽ mặt. Thật ra, ý của vị quan này chỉ muốn nhắn nhủ, giàu có cũng quan trọng, nhưng cuộc sống còn nhiều thứ cũng quan trọng không kém đó là sự hiểu biết.

Vị quan cho người đến gặp Thạch Sùng thách đấu, nếu mọi của cải ở trong nhà đều có, Thạch Sùng sẽ thắng và có thêm hàng trăm mẫu đất. Ngược lại, nếu có một loại của cải Thạch Sùng bị thiếu, toàn bộ hàng ở trong kho thuộc về người thách đấu.

Thạch Sùng đồng ý tổ chức cuộc thi. Sau mấy ngày kiểm kê, quả thật, cái gì Ông ta cũng đều có. Tuy nhiên, đến khi bên thách đấu đòi hỏi miếng mảnh sành thì không tìm thấy. Mất hết tài sản, Thạch Sùng tự vẫn. Ông hóa thành thằn lằn. Hằng đêm, tiếc của, tặc lưỡi tạo nên âm thanh đặc trưng của loài thằn lằn.

Gần đây, cuốn phim Công viên kỷ Jura cho thấy, thằn lằn đã tồn tại và tiến hóa trên trái đất hơn ba trăm triệu năm. Như vậy, từ những con khủng long khổng lồ, ngày nay những chú thằn lằn hiền lành vô tư sống chung với loài người. Chúng còn có ích vì ăn côn trùng chủ yếu là muỗi. Nghe nói, thằn lằn còn chữa được bệnh suyễn. Hồi nhỏ, chính mắt tôi chứng kiến mẹ tôi bắt thằn lằn con cho anh tôi nuốt sống bằng cách thả vào miệng để trị bệnh suyễn.

Thằn lằn có mặt ở khắp mọi nhà, hồi nhỏ chúng là bạn của tôi hằng đêm. Sau này, có dịp lưu lại nhiều nơi, ở đâu tôi cũng gặp những chú thằn lằn thảnh thơi dưới ánh đèn nê ông. Ngay ở nhà tôi, nhiều lúc chú thằn lằn bò lên chân tôi để bắt muỗi.

Con người ta tìm thấy hạnh phúc khi được ở dưới một mái nhà. Vì thế, hầu như mọi người đều giành hết thời gian của cuộc đời để tạo dựng cho mình một mái nhà. Có người giỏi giang sở hữu hàng chục căn nhà, như Bác tôi ở Đà Lạt. Thế nhưng, khi lìa bỏ thế gian, Bác chẳng mang theo bất cứ thứ gì. Trong khi đó, những căn nhà của Bác bây giờ thuộc về sở hữu của những người khác.

Bạn tôi ơi! Cho dù căn nhà yêu mến của bạn sau này thuộc về ai, những chú thằn lằn vẫn vô tư sống ở trong nhà như những người chủ.

Ngẩm nghĩ, tôi thấy câu chuyện của mẹ tôi có vẻ thật, Thạch Sùng tuy đã hóa kiếp thành thằn lằn nhưng Ông vẫn rất giàu.