Monday, November 21, 2016

CHUYỆN LÁNG GIỀNG

Láng giềng nhà bên trái của tôi sửa nhà. Nhà hẹp, nhưng dài nên chủ nhà đã ngăn một phần đuôi vỏn vẹn 15 mét vuông làm phòng cho thuê. Nhà sửa vừa xong đã có người đến thuê ở. Người thuê là một đôi vợ chồng trẻ. Do phòng sát mặt đường, đôi vợ chồng vừa ở vừa mở quán trà sữa.

Vốn là người hay quan tâm đến môi trường sống quanh mình, tôi mừng thầm vì láng giềng càng đông càng vui. Người ta nói, nếu bạn ở một nơi láng giềng làm ăn phát đạt thì bạn cũng sẽ được nhờ.

Quán trà sữa mở được một vài tuần, một cặp vợ chồng khác lại hỏi nhờ nhà tôi để bán gỏi cuốn ở sát bên. Tất nhiên là gia đình tôi không có kiến gì, bởi đây cũng là cách giúp người khác có kế sinh nhai. Vả lại, họ chỉ đặt một tủ nhỏ bên vỉa hè ngoài đường.

Tưởng mọi chuyện êm xuôi, mấy ngày sau, hai bên chủ quán bắt đầu lời qua tiếng lại. Sự cố diễn ra bắt đầu từ khi tiệm bán gỏi cuốn bán kèm thêm đồ uống và trái cây cắt sẵn. Có lẽ chủ quán trà sữa cảm thấy tức tối vì sợ mất đi cơ hội bán đồ giải khát mỗi khi có người đến ăn gỏi cuốn.

Mâu thuẫn lên đến cực điểm. Hai bên choảng nhau, đập vỡ tủ kính. Mảnh gương vỡ văng trúng đầu chồng của chị bán gỏi cuốn. Máu đổ, chính quyền phải can thiệp. Vin vào cớ gây mất trật tự công cộng và làm cản trở giao thông, chính quyền ra lệnh dẹp bỏ tủ bán hàng của cả hai quàn và không đồng ý để chủ hộ cho họ thuê nhà tiếp tục nữa.

Câu chuyện bán hàng này xãy ra khá phổ biến ở trên các đường phố ở Việt Nam. Tranh chấp thường ngày do người bán hàng thường hành xử theo bản năng từ lòng tham và sự đố kị vì sợ người khác hơn mình. Tuy nhiên, nếu chịu quan sát một tí việc bán hàng ăn uống ở các trung tâm mua sắm, bạn sẽ thấy sự khác biệt.

Người Mỹ có câu nói, “Ở đâu có Coca Cola ở đó có Pepsi” hay câu, “Ở đâu có Mac Donald ở đó có Burger King ….” Nghĩa là khi tham gia kinh doanh người bán hàng phải tìm cách thõa mãn  nhu cầu khác nhau người tiêu dùng bằng cách cung cấp cho họ nhiều lựa chọn. Người Hàn Quốc và Philippine cũng đã học theo cách bán hàng này và đã thành công đưa vào thương trường ở nhiều nước trong đó có Việt Nam: chuổi bán hàng nhanh Lotteria, Jolibee. Họ cạnh tranh với nhau rất gay gắt nhưng sòng phẳng và thực khách là người hưởng lợi.

Thật ra, chúng ta có thể học hỏi và hành xử với láng giềng khi kinh doanh bằng cách đọc và hiểu câu nói của tiền nhân, “Buôn có bạn, bán có phường”. Hà Nội có 36 Phố phường. Chúa Nguyễn khi lập kinh đô ở Huế cũng đã thành lập các làng nghề như phường Đúc (chuyên đúc đồ đồng), phường Bao Vinh (chuyên về thương mại), làng gốm, làng làm đồ trang sức vàng bạc, …Ở TP. Hồ Chí Minh, Chợ Lớn cũng đã hình thành từng con đường bán hàng chuyên biệt như đồ điện máy, hóa chất, hàng giả da, hàng nội thất…

Không chỉ có cạnh tranh, hồi nghỉ dưỡng ở Đà Lạt, tôi thấy cô bán hàng sữa đậu nành và trà đã bỏ cửa hàng của mình sang bên dì hàng cơm phụ giúp việc rửa chén và lau bàn. Khi tôi hỏi, sao cô không bán hàng của mình, cô ấy trả lời rất tự nhiên, tụi em giúp nhau khi đông khách là chuyên thường ngày, nếu khách ăn cơm xong gọi nước uống thì lúc đó em sẽ bán.

Chuyện bán hàng bị đổ vỡ của hai vợ chồng thuê nhà láng giềng thật đáng tiếc. Nếu họ biết hợp tác hoặc cạnh tranh một cách tinh tế như những câu chuyện ở trên thì sẽ tốt đẹp biết bao.