Saturday, May 13, 2017

“FAKEBOOK”

Trong hai tháng 4 và 5, tôi mất đi ba người bạn. Các bạn ấy ra đi đột ngột đến nỗi khi vợ tôi, Trúc báo tin cho anh Độ, cựu sinh viên khoa Sinh K1, bằng cách chỉ cho anh trang Facebook của Đại học Tổng Hợp Huế, anh gạt ngang nói đó là “Fakebook”, nghĩa là “Tin đểu”.
Anh Độ liền bốc máy điện thoại di động gọi vào máy hai bạn lớp Lý K1 là Trung và Hải. Cả hai máy đã bị đóng. Anh gọi cho hai bạn khác là Thanh và Cư, bạn cùng lớp với Trung và Hải, rồi mới chịu tin.
Tôi cũng bị sốc khi vợ tôi mở Facebook và báo tin buồn. Cách đây vài tháng, Trung uống cà phê với các bạn đã gọi cho tôi và hứa sẽ đưa các bạn nữ cựu sinh viên của các khoa Văn, Sử, Ngoại ngữ đến thăm tôi. Còn Hải đã đi cùng Cư và Hà tới thăm. Anh còn đùa giỡn tiếu lâm, giọng anh sang sảng. Khi cả ba đã về, cháu tôi nói, “Nhìn ba anh ấy to khỏe ghê”.
Thế mà Trung và Hải đã ra đi quá dễ dàng!
Chiều nay, lúc mở laptop, một tin nhắn từ Google bật lên chào tôi. Một đồng nghiệp cũ đang công tác ở Myanmar báo tin, bạn tôi là ông Tin Maung Win, người cùng tuổi, đã qua đời tháng trước. Hèn gì, mỗi lúc mở máy, tên Ông vẫn hiện ra, nhưng không thấy Ông online.
Cả ba người này đều rất dễ mến và đã ra đi rất thanh thản. Họ như những ngôi sao đã tắt, nhưng ánh sáng của những ngôi sao này vẫn đang tỏa sáng như bầu trời đầy sao mỗi đêm tối trời.
Tạm biệt những người bạn thân thương của tôi.

Lỗi tại mình

Cách đây vài năm, nhà tôi bỗng xuất hiện nhiều chuột. Ở bếp ga, chuột nhắt chui vào nằm sâu bên dưới bếp lò. Không may cho chúng, điện giật chết khiến mùi hôi bốc ra trong vùng bếp, vợ tôi tìm hoài vẫn không thấy. Ở phòng ngủ, chuột nhắt chui vào máy điều hòa, chúng cắn đứt dây điện làm máy bị hỏng. Ở ngoài sân, trước đây lúc mới làm nhà, kiến trúc sư để lại một dải đất để trồng cỏ. Chuột cống đào xới làm hang để sống. Chúng đông đến nỗi hàng đêm đuổi nhau kêu chít chít làm tôi mất ngủ. Vì thế, chúng tôi đã mở chiến dịch tìm và diệt.
Trận đánh đầu tiên là đối phó với lũ chuột ở trong bếp. Chúng tôi đặt bẫy, keo dính chuột và đã có kết quả bước đầu, bắt đươc một vài con. Chúng tôi phải mở tung bếp ga mới tìm thấy xác chuột chết khô và nhờ đó phát hiện được đường xâm nhập của địch thủ. Thì ra, những người thợ xây bếp đã lắp một ống thông hơi cho bếp. Ống này dẫn từ bếp lò xuyên qua tường thải khí ra bên ngoài. Lũ chuột đói ăn tìm thấy đường dẫn, chúng đã thâm nhập và đã gây ra những bực mình cho gia đình tôi. Ở phòng ngủ, chúng tôi phải kêu thợ điện lạnh đến sửa và làm tạm một vòng thép bao quanh thân máy điều hòa để chặn đứng đường vào của chuột. Thế nhưng, ống dẫn nước thải đẩy ra từ máy điều hòa vẫn bị nghẹt. Bí quá, thợ sửa máy phải nối tạm một ống dẫn nước thoát ra ngoài.
Cách đây hơn một năm, nhà tôi tiến hành sửa chữa, chúng tôi thay toàn bộ bếp và máy điều hòa mới. Nạn chuột nhắt cũng từ đó chấm dứt.
Ở phía ngoài sân, chúng tôi bỏ trồng cỏ và láng xi măng toàn bộ khoảnh đất trống, chỉ chừa lại hai ô trống vì có hai gốc hoa hoàng anh đang xanh tốt. Lũ chuột cống thiếu nơi cư ngụ, chúng bỏ đi gần hết. Tuy vậy vẫn còn một gia đình chuột cố nán lại bằng cách đào hang mới ngay ở gốc hoa hoàng anh gần cổng.
Giờ đây, mỗi ngày tôi một mình ngồi nhìn ra cửa, đôi vợ chồng chuột vẫn thản nhiên chạy qua lại. Thỉnh thoảng, chúng ngước mắt nhìn tôi, đôi mắt tròn xoe, sáng long lanh.
Rồi tôi chợt hiểu, lũ chuột không hề có lỗi. Thế nhưng, tôi đã đổ hết tội cho chúng và xem chúng là kẻ đã gây ra phiền toái, thậm chí tốn kém cho gia đình tôi.
Rõ ràng là lỗi tại mình mà tôi không nhận ra, lại đổ cho kẻ khác. Nếu như không có những đường ống đặt sẵn ở bếp và máy điều hòa thì những chú chuột nhắt đã không vào nhà. Tương tự, nếu không có khoảnh đất trống ngoài sân, lũ chuột cống đã không lấy làm nơi cư ngụ.
Từ đây, tôi nhớ lại từng kỷ niệm đau buồn trong đời và đã nhận ra tất cả những hậu quả đã gánh chịu là lỗi tại mình, do chính mình gây ra.
Tết năm Ất Mùi, một người bạn, anh Nhất Thống đến thăm đã tặng tôi cuốn lịch treo tường thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tờ lịch tháng 12, Thiền sư viết, “Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm”. Đã hai năm rồi, tôi vẫn giữ nó để mỗi ngày nhắc tôi phải suy nghĩ, nhận thấy, tưởng tượng ra kết quả, trước khi nói, viết hay hành động một sự việc gì. 

Kỷ niệm với hai người “bạn” Mỹ

Cuốn tự truyện đã xong, nhưng tôi vẫn còn áy náy vì chưa nhắc đến kỷ niệm với hai người “bạn” Mỹ, có lần đã tiếp xúc trong quá trình làm việc ở Tổng Lãnh sự Quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh. Đó là Thượng nghị sĩ John McCain và bà Luella Davis, Giám đốc các Trung tâm Tư liệu khu vực Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Người Việt chúng ta ai cũng biết Thượng nghị sĩ John McCain là tù nhân chiến tranh Việt Nam và hiện đang là Thượng nghị sĩ ở Quốc hội Mỹ. Ông có một cảm tình đặc biệt với Việt Nam. Thời kỳ tôi còn làm việc ở Tổng Lãnh sự Quán, đã có nhiều lần Ông đến thăm Việt Nam. Tuy nhiên, duy nhất một lần tôi được nói chuyện trực tiếp với Ông.
Hôm đó, sau khi thăm Tây Nguyên về, phóng viên hãng Thông tấn AP hẹn lịch phỏng vấn Ông ở văn phòng Tổng Lãnh sự. Lúc đó, ông Tổng Lãnh sự Seth Winnick đang đi nghỉ ở nước ngoài. Sếp của tôi cũng đi vắng. Chúng tôi mượn phòng làm việc của Ông Tổng Lãnh sự để cho Thượng nghị sĩ ngồi tạm trong thời gian phỏng vấn. Một cán bộ ngoại giao Mỹ và tôi ngồi ngoài cửa để canh chừng giữ im lặng và theo dõi cuộc phỏng vấn.
Tôi có một người bạn cùng làm việc từ năm 1982 ở Xí nghiệp Khảo sát Thiết kế Giao thông Phú Khánh là anh Phan Ngọc Toàn. Toàn hay đến gặp tôi để tâm sự về chương trình định cư qua Mỹ theo luật McCain sửa đổi. Toàn là con trai của một Chủ tịch hội đồng tỉnh Bình Định trước năm 1975. Sau khi học tập 9 năm, cha Toàn và gia đình được di dân qua Mỹ. Toàn lấy vợ ở thành phố Hồ Chí Minh. Do Toàn không có tên trong hộ khẩu nên bị kẹt lại. Nhờ Thượng nghị sĩ McCain xin Quốc hội Mỹ sửa đổi luật McCain nên những người kẹt lại như trường hợp của Toàn tiếp tục được theo cha mẹ vào Mỹ.
Lúc Thượng nghị sĩ McCain phỏng vấn xong, Ông bước ra cửa. Tôi đứng dậy buột miệng nói, “Thưa Ông nghị sĩ, tôi đã chăm chú nghe Ông nói về những đóng góp cho quan hệ hai nước Việt – Mỹ. Tôi rất cảm ơn Ông. Tuy nhiên, tôi nghĩ là Ông còn nói thiếu một điều quan trọng.”
Nghe tôi nói xong, Thượng nghị sĩ tỏ vẻ ngạc nhiên. Tôi nói ngay, “Ông chưa nói về luật McCain sửa đổi. Nhờ nỗ lực của Ông mà rất nhiều bạn trẻ người Việt Nam được đoàn tụ gia đình. Thay mặt họ, tôi xin cảm ơn Ông”. Thương nghị sĩ rất vui, Ông nói, “Đúng rồi! Tôi quên.”
Sau lần gặp này, trở lại văn phòng tôi bị một đồng nghiệp Mỹ phê bình vì đã dám nói chuyện trực tiếp với Thượng nghị sĩ. Tuy vậy, tôi chống chế, “Tôi xin lỗi vì không hiểu quy tắc ngoại giao. Nhưng cô vẫn thấy đấy, Ông nghị sĩ rất vui khi nghe tôi nói chuyện.”
Cũng cần nói thêm một chút về Toàn. Toàn đã ở lại Việt Nam vì hồ sơ bảo lãnh của cha mẹ Toàn chưa xong thì cả hai đều mất.
Người Mỹ thứ hai để lại cho gia đình tôi ấn tượng đẹp, đó là bà Luella Davis.
Mỗi năm một lần, bà Luella Davis đến Trung tâm của chúng tôi để vừa kiểm tra công việc vừa huấn luyện chuyên môn. Những lần như thế, chúng tôi thường tạo điều kiện cho Bà tiếp xúc với cơ quan Việt Nam ở các trường đại học và thư viện tỉnh. Bà Luella Davis là người Mỹ gốc Phi. Tôi tìm thấy ở Bà sự khiêm tốn và chân tình nên đã cố gắng tìm cách đưa Bà đi xa tận Huế, Đà Nẵng và cả Đà Lạt. Sau mỗi lần tập huấn, tôi thường bố trí cho Bà đi thăm thư viện và thưởng thức những món ăn địa phương.
Một lần đi thăm Huế, tôi đưa Bà đi ăn ở quán Không Gian Xưa. Bà rất ngạc nhiên vì phát hiện thức ăn ở Huế có vị cay giống ở Thái Lan. Tuy nhiên, Bà khen món mực một nắng ở Việt Nam ngon hơn nhiều nơi Bà đã đến.
Một lần khác, Bà thăm và làm việc ở Đại học Đà Lạt. Lúc tôi đưa Bà đến thư viện tỉnh Lâm Đồng, Bà rất cảm động vì phát hiện những quyển sách cũ trước năm 1975 vẫn được bảo quản tốt và dấu USIS màu đỏ vẫn còn y nguyên. Sau đó, cán bộ thư viện, anh Thắng đưa Bà đi ăn trưa. Tôi chọn món gà nướng ống tre ăn với xôi. Bà rất thích.
Rời Đà Lạt bằng máy bay. Lúc chia tay ở sân bay Tân Sơn Nhất, Bà kéo tôi lại nói, ”Tôi hiểu rồi!”. Tôi ngạc nhiên trố mắt nhìn Bà. Không để tôi hỏi, Bà nói, “Tôi đã hiểu vì sao nước Việt Nam của anh lại bị nhiều lần chiến tranh xâm lược đến thế! Vì đất nước anh đẹp tuyệt vời!”.
Nhiều năm sau, tuy không còn làm việc với nhau, Bà vẫn sẵn lòng đón vợ tôi và đưa đi tham quan ở San Jose lúc Trúc sang Mỹ thăm con gái Mỹ Ngọc đang học ở đại học Houston, Texas. Thỉnh thoảng, giờ đây chúng tôi vẫn còn liên lạc với nhau qua Facebook.