Monday, August 13, 2018

RÁC VÀ HOA

Nghe tôi bàn về lời Phật dạy TỪ BI HỶ XẢ, anh Nguyễn Sơn ở báo Lao Động nói: “Anh cứ dạy từ bi hỷ xả. Giờ chúng xả rác kinh quá!
Biết là anh đùa, nhưng rất thâm thúy, phản ánh sự thật về vấn nạn hiện nay của xã hội chúng ta. Tuy vậy, nếu suy ngẫm lời Phật dạy, ta sẽ có giải pháp biến rác thành hoa.
Cứ mỗi dạo sau Tết, nhìn những chuyến xe rác chở hoa đi ngang nhà, tôi thấy những đóa hoa vẫn tươi cười như chào tạm biệt tôi để mùa sau sẽ trở lại. Đức Phật dạy, chết là một sự tái sinh. Vì thế, hoa biến thành rác và rác lại biến thành hoa.
Chuyện này đã có xãy ra ở nhiều nơi: Ở thủ đô Jakarta, Indonesia đã xây nhà máy điện từ rác; ở Tokyo, Nhật Bản đã có nhà máy sản xuất hydro để chạy ô tô từ rác, và mới đây một công ty ở miền trung Nhật Bản vô tình tạo ra được một loại vật liệu xây dựng từ rác thải nhưng lại được thử nghiệm thành công trong nông nghiệp, dấy nên một niềm hy vọng cho nông dân ở các vùng khan hiếm nước trên thế giới.
Thành phố Hồ Chí Minh có dân số gần 10 triệu người, nếu theo lời Phật dạy có thể biến rác thành hoa cho đời!

CÓ MỘT THỜI



Đã có một thời Sài Gòn trở thành nơi mà các bậc cha mẹ muốn con mình đến học. Trong hầu hết các chuyện phim ở miền Nam thường có cảnh các cậu ấm ở miền Tây được gửi lên Sài Gòn để học. Không những ở trong nước mà ở nước láng giềng như Singapore, Campuchia … cũng coi Sài Gòn là điểm đến để thực hiện ước mơ giáo dục.
Tôi biết chuyện này từ một số đồng nghiệp ở Liên đoàn nhà thầu ASEAN. Họ tỏ vẻ ngạc nhiên khi nghe người Việt Nam gửi con qua Malaysia, Thái Lan để học và nói: “Thời của bọn tôi, Sài Gòn là giấc mơ du học.”
Còn bác sĩ Tùng, chủ tịch hội đồng quản trị bệnh viện Tâm Trí thì tâm sự: “Tôi được chuyển từ đại học Y khoa Huế vào Sài Gòn, cảm nhận đầu tiên thấy mình lạc lỏng, phải mất một thời gian tôi mới ổn định.”
Ngay ở Huế cũng là một trung tâm giáo dục nổi tiếng, nhưng có ai thi đậu vào trường Bách khoa Phú Thọ hầu như cả làng, thậm chí cả vùng đều biết.
Sau năm 1975, nhiều người bạn của tôi thi rớt đại học ở Huế, coi Sài Gòn là cứu cánh. Quả thật, họ được đậu vào đại học, ra trường ở lại làm việc và hầu hết thành đạt.
Ngay cả tôi cũng là người được Sài Gòn cưu mang sau khi tốt nghiệp trở về quê hương. Nhớ lại lúc làm việc ở ngân hàng ACB, tôi được lãnh đạo bố trí cho dự khóa tập huấn về thị trường chứng khoán. Lúc đó, nhà nước đang chuẩn bị mở trung tâm giao dịch chứng khoán ở thành phố nên mời Sở Giao dịch Chứng khoán Luân Đôn, Anh Quốc giảng dạy. Vì tôi đã học về chứng khoán ở Mỹ, nên có thể trao đổi khá mạch lạc với giảng viên bằng tiếng Anh. Cuối khóa, lớp học được chia làm hai nhóm, kết quả bài thi tôi đứng đầu nhóm. Từ học viên, cuối khóa học tôi bỗng trở thành hướng dẫn viên đưa giảng viên đi thăm Mười tám thôn vườn trầu ở Hóc Môn do ban tổ chức bố trí.
Một tuần sau đó, tôi nhận được quyết định của Sở Kế hoạch Đầu tư TP. HCM gửi về ngân hàng ACB, bổ nhiệm tôi làm thành viên tổ tư vấn tài chính của thành phố. Được lãnh đạo ngân hàng cho phép và từ đó tôi ra vào Sở Kế hoach Đầu tư để tham gia vào đề án đầu tư của một công ty Pháp cấp nước cho TP. HCM.
Một lần nọ, tôi được mời đến văn phòng ủy ban để tiếp một phái đoàn đầu tư từ Malaysia do tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo giới thiệu. Đó là lần đầu tiên tôi dự họp ở một nơi trang trọng nhất thành phố, trong một căn phòng thơm mùi gỗ Pơmu. Họp xong, khách được mời ăn cơm trưa ở khách sạn Rex, vừa ăn vừa xem biểu diễn nhạc Cung đình. Tôi được bố trí ngồi cạnh Phó chủ tịch Vũ Hùng Việt. Ăn xong, trên đường về tôi vừa vui vừa ngạc nhiên về cách đối xử rất thoáng của lãnh đạo TP: Tôi chỉ là một người sống ở thành phố chưa đầy hai năm và chưa có hộ khẩu, không có quan hệ với cách mạng mà lại ở Mỹ mới về!
Hai mươi năm qua, Sài Gòn vẫn thế. Bây giờ, hàng ngày tôi nghe có khoảng 30 tiếng rao của người bán hàng rong dùng loa điện tử với đủ giọng Bắc - Trung - Nam.
Tôi nhận ra Sài Gòn không những là đất hứa về giáo dục, mà còn là hy vọng của người nghèo.