Monday, August 13, 2018

CHUYỆN TÁI CẤU TRÚC


Năm 1997, tốt nghiệp MBA ở đại học Vanderbilt, tôi về nước. Đang loay hoay tìm việc, tôi nhận được điện thoại của anh Lâm Hoàng Lộc, Tổng Giám đốc ACB gọi tôi vào phỏng vấn để làm việc trong ngân hàng.
Anh Lộc xem tôi như trợ lý của anh để làm công tác đối ngoại, tiếp xúc với cổ đông là những nhà đầu tư góp vốn vào ngân hàng. Ngoài ra, tôi cùng với anh em trong phòng Chủ tịch chuyên soạn những báo cáo cho ngân hàng về hoạt động tháng, quý, năm. Đặc biệt là báo cáo thường niên.
Anh Lộc còn giao cho tôi một nhiệm vụ đặc biệt, đó là tìm hiểu hoạt động của ngân hàng để tái cấu trúc ACB trở thành một ngân hàng hàng đầu của Việt Nam tương đương với các ngân hàng ở các nước thuộc ASEAN.
Ròng rã hai năm, tôi say mê tìm hiểu hoạt động của ngân hàng. Càng hiểu tôi lại càng ngạc nhiên vì ngân hàng được xây dựng trên nền tảng gia đình của anh Trần Mộng Hùng và những người bạn là đồng nghiệp của anh ở đại học Kinh Tế TP. HCM. Anh Lộc tuy không phải là đồng nghiệp, nhưng anh cũng là giáo viên dạy ở đại học Nông Lâm. Anh Lộc quê ở Trà Vinh, cũng gần gủi với Vĩnh Long là quê của anh Hùng.
Về mặt hiệu quả hoạt động, ngân hàng rất có lãi. Theo tính toán của tôi, trong vòng ba năm từ 1993, toàn bộ vốn của nhà đầu tư ban đầu đã được hoàn lại. Anh Lộc nói với tôi toàn bộ giá trị cổ phần của anh ở ACB là của Trời cho. Anh ăn chay trường và chăm lo làm từ thiện. Tạp chí Giác Ngộ của Phật giáo TP. HCM thường được anh tài trợ.
Tôi tìm thấy ở anh Hùng một nhân cách, một tài năng lãnh đạo bẩm sinh. Tôi có thể kết luận một cách chủ quan, anh Hùng là linh hồn của ACB chỉ qua một vài ví dụ nhỏ. Lúc tôi sọan báo cáo thường niên, thấy tôi nộp chậm, hết giờ làm việc anh đón tôi ở tầng trệt hai tay đút trong túi quần và nhẹ nhàng nói: “Sao chưa thấy anh Khôi nộp bài?”. Một lần khác, thấy tôi đi ngang cửa, anh vội vàng kéo tôi vào phòng riêng. Anh kéo ngăn tủ lấy ra một chiếc cà vạt và nói: “Tôi có quà cho anh nhân chuyến đi Mỹ vừa rồi.”. Lúc in báo cáo thường niên anh đọc từng câu và phát hiện tôi diễn đạt bị sai trong nội dung từ những trang đầu và phần cuối. Anh nhẹ nhàng gọi tôi vào phòng chỉ cho thấy, anh ôn tồn nói: “Ở trang 16 chưa phù hợp với trang 61.” Nhân dịp này, tôi băn khoăn về chi phí in ấn khá nhiều tiền. Thật ngạc nhiên, anh đưa cho tôi số điện thoại Anh Bình đại diện của WESTERN UNION để in quảng cáo chuyển tiền nhanh vào báo cáo thường niên của ACB. Như vây, hầu như toàn bộ chi phí in ấn ACB không tốn tiền!
Kết thúc hai năm làm việc ở ACB, tôi nộp đề án TÁI CẤU TRÚC cho anh Lộc với kết luận ACB không cần phải tái cấu trúc gì cả! Anh Lộc vẫn cho rằng ngân hàng cần tái cấu trúc. Anh nói: “Cậu không làm thì để tớ làm!”
Tháng 11 năm 1999, tôi rời ACB.  

No comments:

Post a Comment