Wednesday, August 08, 2018

CHUYỆN VỀ SẾP TRẦN HUY HẢI

Ông Hải người miền Bắc. Lúc chia đôi đất nước theo hiệp định Geneve năm 1954, ông đang theo học đại học Giao thông ở Hà Nội. Cả gia đình ông xuống tàu di cư vào Nam, ông vẫn ở lại vì đang yêu một cô gái Hà Nội, người sau này là vợ ông.
Vì lý lịch, tuy được đào tạo bài bản dưới thời thuộc Pháp ở một trường đại học nổi tiếng, ông luôn bị đặt trong diện nghi vấn là Tề ngụy cài ở lại miền Bắc để làm gián điệp. Suốt 20 năm chiến tranh Việt Nam, mặc dầu theo chân tướng Đồng Sĩ Nguyên, sau này là Bộ trưởng Giao thông, mở đường Trường Sơn, ông Hải vẫn thuộc biên chế cán bộ của Viện Thiết kế thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
Sau 1975, do nhu cầu tiếp quản các tỉnh miền Nam, ông Hải xin về Phú Khánh và giữ chức vụ quyền đội trưởng đội Khảo sát Thiết kế Giao thông của Ty Giao thông Vận tải Phú Khánh, sau này là quyền Giám đốc Xí nghiệp Khảo sát Thiết kế.
Vào Nha Trang, mặc dầu ở cương vị không cao nhưng ông Hải rất có uy vì ở bên thắng cuộc. Lúc tôi mới về nhận việc, mỗi khi đi khảo sát, ông Hải lúc nào cũng mặc quần áo bộ đội, đeo bên người một khẩu rulo ở trong bọc da trông rất ngầu. Hơn nữa, “Quân hùng nhờ tướng mạnh”, ông Hải có trong tay một đội kỹ sư có thể nói giỏi nhất miền Nam, tốt nghiệp ngành kỹ sư công chánh của đại học Bách Khoa. Anh Hồ Chánh, Nguyễn Tăng Xuân, Trần Văn Thông, Nguyễn Ngọc Phụng, Đỗ Dũng … là những viên ngọc của nền giáo dục đại học Việt Nam Cộng Hòa.
Ông Hải có biệt tài về học hỏi những cái mới và tài hùng biện. Cho dù những vấn đề không phải chuyên ngành của mình, sau khi lắng nghe, ông vận dụng vào hoàn cảnh thực tế hay vô cùng. Vì thế, những giải pháp ông đưa ra có tính thuyết phục.
Những cán bộ cấp dưới khi lọt vào tầm ngắm, được ông tìm mọi cách giữ chân. Chẳng hạn, anh Nguyễn Tăng Xuân muốn chuyển công tác, lúc mọi chuyện đã xong, ông nói với cơ quan nơi anh Xuân sắp đến rằng anh ta là người được chế độ cũ đào tạo và có nhiều nghi vấn ông đang theo dõi. Trường hợp của tôi, mặc dầu luân chuyển trong nội bộ Sở Giao thông, ông lại báo với cấp ủy của Sở, tôi là cán bộ được ông quy hoạch đào tạo nhiều năm nên không muốn cho chuyển công tác.
Giữa tôi và ông đã vài lần va chạm nhưng lần nào ông cũng là người mà tôi phải khuất phục. Một lần ở Tuy Hòa, đội chúng tôi tiến hành khảo sát cầu Trần Hưng Đạo ngay thị xã. Do ở lâu trong thị xã, chúng tôi không có củi để nấu ăn. Lợi dụng lúc bạn tôi đang công tác ở cơ quan đối diện, nơi có rất nhiều gỗ xẻ nằm la liệt ở sân. Một số anh em lén mang gỗ về dùng mà không xin phép nên bị bảo vệ đuổi theo bắt lại. Họ đòi gặp người phụ trách đội để lập biên bản. Tôi phải trốn. May thay, lúc đó ông Hải xuất hiện, ông nói: “Mình là sếp của cậu ấy, có gì nói mình, nhưng mà cậu ấy là chiến sĩ thi đua của cơ quan nên mình tin là có chuyện hiểu lầm.” Ông lại trổ tài hùng biện nói thêm một lát, mấy ông cán bộ vừa nghe vừa nể nên bỏ qua.
Một lần khác, ở xã Hòa Tân huyện Tuy Hòa, chúng tôi cũng khảo sát chọn vị trí để đặt cầu bắc qua sông. Ở vùng này, mùa lũ dâng cao, nước chảy xiết nên năm nào cũng có người chết đuối vì bơi qua sông để về nhà sau ngày làm việc. Nghe chúng tôi đến khảo sát làm cầu, dân làng mừng rỡ vô cùng. Tại cuộc họp với ủy ban xã có ông Hải tham dự, hợp tác xã mang đến một rổ trứng vịt để tôi mang về cho đội. Ông Hải nhìn tôi lắc đầu, nên tôi không dám nhận.
Một tháng sau, ông lại ghé thăm. Họp hành xong, ông lại kéo tôi ra nói nhỏ: “Cậu đi với tớ mua một ít hột vịt mang về cho cô ở nhà.” Ông và tôi đảo quanh làng chẳng mua được hột nào. Bực quá, tôi càu nhàu người ta mang cho thì không lấy, giờ đi tìm mua không ra!
Cuộc đời của tôi hình như bị khóa chặt từ khi gặp ông. Tận dụng lúc ông chuyển công tác sang công ty cầu đường, tôi xin chuyển qua Sở Công nghiệp làm việc ở Xí nghiệp Khoáng sản để làm dự án chế tạo bột màu titan hợp tác với Viện Khoa học Việt Nam do giáo sư Nguyễn Văn Hiệu chủ trì. Chưa đầy một năm, xãy ra việc tách tỉnh Khánh Hòa - Phú Yên, ông Hải lại xách xe đạp đến tìm tôi ở nhà. Ông cho biết, vừa được điều về Tổng công ty Vận tải Biển Khánh Hòa phụ trách việc khai thác cát Cam Ranh để xuất khẩu. Ông cần tôi về Tổng công ty để làm luận chứng kinh tế kỹ thuật xin trung ương giấy phép khai thác mỏ.
Tôi đưa ra điều kiện phải sát nhập toàn bộ xí nghiệp tôi đang công tác vào đội của ông và đổi tên thành công ty Khai thác Chế biến Khoáng sản Khánh Hòa. Lúc đó, Tổng công ty Vận tải Biển Khánh Hòa là đơn vị đứng đầu của tỉnh nên mọi việc diễn ra thuận lợi.
Việc sát nhập thành công, làm tăng uy tín của tôi vì thu nhập của nhân viên được cải thiện đáng kể nhờ vào những chuyến tàu bán cát thô xuất khẩu sang Đài Loan thu tiền mặt vì lúc đó đang bị cấm vận. Những đảng viên trở nên quan trọng vì họ trở thành những người quan sát hoạt động kinh doanh trong thời kỳ tranh tối tranh sáng. Chi bộ được thành lập có bốn đảng viên, trong đó ba người ít nhiều coi tôi là ân nhân và một người là vợ một đồng nghiệp của ông Hải chuyển từ Sở Giao thông qua.
Mặc dầu không phải là đảng viên, nhưng tôi có khả năng nắm bắt cơ hội vận động công đoàn để kết nạp ông Hải vào đảng. Tôi làm vậy vì biết ông là người yêu công việc và muốn đóng góp nhiều cho đất nước. Vả lại, một tấm thẻ đảng sẽ giúp ông trụ được ở vị trí rất nóng vào thời kỳ đó. Thế là sau năm đời bí thư ở xí nghiệp Khảo sát Thiết kế giao thông, đến nay ông Hải mới được vào đảng.
Việc ông Hải vào đảng sau này mang lại cho tôi một số thông tin để xử lý công việc. Khi tôi nhận được giấy báo của Viện Phát triển Quốc tế đại học Harvard, cấp ủy đảng đã họp và khiển trách ông Hải vì đã không thông báo cho họ biết trước. Vì vậy, họ kết luận ông Hải có lỗi và tôi phải nghỉ việc mới đi du học. Ông Hải bực bội đưa biên bản họp cho tôi đọc. Họ còn truy cứu khuyết điểm của ông đã làm mất 45,000.00 usd vì lô hàng xuất sang Đài Loan không thu được tiền.
Thực ra, đấy chỉ là cái cớ vì chức vụ của ông Hải bị một nhóm cục bộ nhòm ngó. Trước đó, tôi đã phát hiện và báo cho ông Hải âm mưu của nhóm này. Họ muốn làm giảm quyền lực của ông Hải bằng cách đề bạt tôi làm phó giám đốc một công ty con và chia rẽ ông Hải với anh Phi trưởng phòng kế hoạch vì cho rằng mất hai cánh tay phải trái, ông Hải phải bó tay.
Họ đã làm được. Khi tôi vừa qua tới Mỹ, ông Hải nhận quyết định về hưu. Mặc dầu vậy, ông Hải vẫn say mê làm việc. Ba năm sau, hoàn thành chương trình học trở về, tôi ghé thăm lúc đó ông làm chuyên gia của dự án PMU và muốn giới thiệu cho tôi làm chung dự án này.
Dù ông Hải luôn quở trách tôi và không thể bảo vệ tôi và bản thân ông nhưng cuộc đời tôi đã gắn bó với những thăng trầm của ông. Có một điều hạnh phúc với tôi khi viết về ông là ông đã lấy tên tôi đặt cho cháu nội của mình!

No comments:

Post a Comment