Friday, February 05, 2016

O Hến

Từ thuở ấu thơ đến khi tốt nghiệp phổ thông trung học, tôi chẳng bao giờ nghe cha mẹ nhắc đến tên O Hến.  Mùa Thu năm 1977, khi vào Đà Nẵng cùng Dũng - người em họ, chuẩn bị một chuyến hành trình thăm cô bác ở Đà Lạt-Lâm Đồng, tôi mới biết O Hến hiện đang sống ở Nha Trang. 

Hồi đó, muốn đến Lâm Đồng phải đi qua tuyến đường Phan Rang - Đà Lạt. Từ Đà Nẵng đi xe lửa đến Nha Trang cũng mất gần hai ngày và phải dừng ở trạm Nha Trang hoặc Phan Rang để mua vé ô tô đi tiếp Đà Lạt.  Tôi và Dũng đã đột ngột “đến thăm” nhà O Hến và chúng tôi chỉ cần khai báo mình là con cháu ở Huế - Đà Nẵng lên thăm cô bác ở Đà Lạt là chúng tôi có thể ngủ qua đêm ở nhà O Hến. 

Bốn năm sau, tốt nghiệp đại học, tôi đã một lần nữa đến nhà O Hến xin tá túc.  Lần này tôi ở lâu dài vì được phân công về công tác ở Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Khánh. Lúc này Dượng Bảy, chồng O Hến đã qua đời, O Hến sống với một người con nuôi và vẫn ngày hai lần đi về chợ Xóm Mới bán trà Bảo Lộc và lá vối như xưa. 

Làm công tác khảo sát thiết kế giao thông, tôi theo đội đi khắp tỉnh.  Nhưng mỗi khi về Nha Trang làm hồ sơ, tôi đều trú ở nhà O Hến.  Tôi nhận ra O rất ngoan đạo. Tờ mờ sáng, lúc Nhà thờ Núi đổ chuông, O Hến thức dậy đi lễ.  Hằng tuần, trưa Chủ Nhật, O Hến đều nghỉ bán về nhà sớm để đi lễ chiều.  Lúc này O Hến đã già lắm, nên Lành - con gái nuôi O Hến- phải dìu O lên dốc nhà thờ Núi để làm lễ.  Lành cũng là một thành viên trong ca đoàn của nhà thờ nên đưa đón cũng thuận lợi. 

Nói về Lành, O Hến kể rằng, một buổi sáng mùa đông, lúc lễ xong về nhà, O Hến phát hiện một hài nhi quấn trong khăn tắm để dưới một bậc cấp nhà thờ.  O Hến nhặt đứa bé lên, đi ngược lại vào nhà thờ gặp Đức Cha để trình báo.  Nghe xong sự việc, Đức Cha nói ”Đây là quà của Chúa Giêsu ban cho con đấy.”  O Hến sửng sốt đứng lặng người một lát.  Đức Cha chợt hiểu O Hến còn phải xin ý kiến người chồng mặc dù hai vợ chồng đã lớn tuổi và không có con cái.  Đức Cha cho người gọi Dượng Bảy lên gặp Cha rồi làm phép cho Lành làm con nuôi kể từ ngày đó.

Nhà O Hến nằm dưới chân Núi Một, bên cạnh con hẽm cùng tên, nối Ngã Sáu với chợ Xóm Mới. Địa điểm này gần Ga đường sắt Nha Trang nên cư dân rất đa dạng và phức tạp. Mỗi khi về trú tạm ở nhà O Hến, tôi như lạc vào một thế giới của những người được Victor Hugo mô tả trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ”. Tôi nhận ra láng giềng của tôi là các cô gái bán hương sắc về đêm ở các góc phố đèn mờ và nhiều đứa trẻ bán hàng rong trong sân ga hoặc ngoài bờ biển. Rất lạ lẫm đối với tôi là họ tôn trọng việc riêng tư của nhau, chung sống hiền hòa cạnh nhà thờ.

O Hến rất ít nói và có trí nhớ minh mẫn. Việc bán chịu trà ngoài chợ và lối xóm trong hẽm đều ghi trong óc.  Không những thế, O học thuộc lòng Kinh thánh dù không biết chữ. Tôi nhận ra thêm một điều thú vị, đức tin còn quan trọng hơn học vấn để con người có được một cuộc sống an lành hạnh phúc.

Thật vậy, đức tin đã giúp O Hến quên đi nỗi buồn, mất mát lớn nhất trong đời. O Hến kể, thật ra vợ chồng O có một người con trai đã bị du kích bắn chết vì nhầm tên của một ông xã trưởng trong thời chiến tranh ở một huyện nào đó của tỉnh Lâm Đồng.  Sau biến cố đau buồn đó, vợ chồng O Hến quyết định chuyển về sống ở Nha Trang.

O Hến xa quê từ lúc còn nhỏ.  Dường như O chưa một lần về thăm quê hương.  Có lẽ cảm xúc không có nơi chốn để quay về đã ngăn cản bước chân người lưu lạc.  O cho biết, hồi nhỏ, cha mẹ mất sớm,  anh em của O phải sống nhờ nhà của một ông chú.  Khi triều đình Huế có chủ trương di dân gọi là “Hoàng triều cương thổ”, O đã đi theo đoàn người mở đất vào Đà Lạt để mưu sinh.  Vợ chồng O Hến lấy nhau trong hoàn cảnh bơ vơ với sự chứng giám của linh mục.  Từ đó, cuộc sống mới của đôi vợ chồng trẻ đã bắt đầu trong hào quang tỏa sáng của Đức Chúa Trời. 

Khi hòa bình lập lại, O Hến cũng đã mở lòng rộng lượng trong đối xử với con cháu trở về từ hai phía.  O đã đưa số vàng dành dụm được cả cuộc đời tần tảo để cho đứa cháu trai là lính Sài Gòn về quê mua một mảnh vườn có nhà làm nơi thờ tự tổ tiên.  O cũng ôn tồn hàn huyên, lo ăn uống và cho chút tiền để đứa cháu là bộ đội về quê.  Số tiền còn lại, O gửi cho Cha xứ để lo tang lễ khi về Trời. 

O Hến đã cho tôi nhận ra một khuôn mẫu cuộc sống. Khi viết những dòng này, tôi tin, nếu có một thiên đường cho những người sống có đức hạnh, O Hến ắt sẽ là cư dân của thế giới ấy.