Saturday, June 23, 2012

Ông Đội 2 Chiêu


Ông Đội hai chiêu

Thân tặng các anh em tổ khoan

“Ông Đội hai chiêu” là biệt danh được anh em tổ khoan địa chất tặng cho Ông Đội sau một sự kiện rất đáng nhớ trong đời khảo sát. Trước đó nhiều năm, khi còn khảo sát nền móng Nhà máy đường Đồng Bò ở Hòa Phong, Tuy Hòa, một hôm Ông Đội được Phạm Thái Linh nài nỉ mời đến nhà bạn gái của anh ta để ăn tối. Thật ra, mục đích của Linh là dùng sự xuất hiện của Ông Đội để ngầm giải thích cho cha mẹ cô Loan (sau này là vợ anh ấy), quan hệ của Linh với Loan là nghiêm túc.

Gia đình Loan sống ven sông Ba, gần cầu Đà Rằng. Buổi ăn tối ngoài món gà vườn luộc lá chanh, còn thêm canh cá chép nấu chua, do ông già vừa kéo lưới bắt được từ dưới sông lên. Đời khảo sát với bếp ăn tập thể đã quen “canh toàn quốc” và cá, mực muối nên được một bữa ăn ngon với vài ly rượu gạo do gia đình Loan tự nấu, Ông Đội ngủ rất say.

Sáng sớm tinh mơ, Ông Đội bỗng bị thức giấc bởi tiếng đấm đá thình thịch sau bức tường ngăn giữa nhà trên và chái dưới. Ắt mọi người còn nhớ, nhiều ngôi nhà ở Phú Yên, Bình Định đều có mái sau được kéo dài thêm để làm kho chứa cuốc xẻng, hay lương thực, thậm chí làm phòng ngủ của con gái. Căn nhà của cô Loan khá đặc biệt vì phía sau là phòng tập võ. Hóa ra, cha con chủ nhà đang luyện võ công vào sáng sớm.

Bị kích động quá mức, Ông Đội nép bên cửa liếp, lén nhìn trộm. Bất ngờ, ông già xoay người, nắm lấy vai lôi Ông Đội vào phòng tập. “Vào đây chớ nấp làm gì. Ông Đội có biết võ không?”  Vừa lắc đầu ra hiệu không biết,  ông đã gạt chân làm Ông Đội ngã lăn trên sàn đất.  Chưa đứng vững ông đã gạt tay, lên chỏ khiến Ông Đội ngã lăn quay thêm một lần nữa.  Ông bảo, hai chiêu võ này chỉ để phòng thân khi gặp nguy khốn, chủ yếu bất ngờ đánh gục đối thủ để chạy thoát thân. Vừa nói xong, ông đóng vai làm địch thủ để Ông Đội thực tập.

Nhiều năm sau đó, một hôm đội khoan được điều đến khảo sát Đập Suối Hành ở Cam Ranh.   Đập Suối Hành dài chừng hơn cây số, vừa thi công xong, sau một cơn lũ đã bị vỡ. Cuộc khảo sát nhằm tìm ra nguyên nhân tại sao con đập không chịu nỗi sức nước theo tính toán thiết kế.

Trận lũ quét không những xé tan thân đập mà còn khiến làng quê đã nghèo còn thêm điêu tàn, xơ xác. Cả đội trú ngay tại công trường, trong chiếc lán lợp tranh dùng cho công nhân thi công đập trước đây bỏ lại. Một quán cà phê trước đây phục vụ công trường, dường như còn tiếc nuối thời sinh hoạt đông đúc vẫn chưa đóng cửa.  Nhờ vậy, cả đội vừa kéo đến là đã sà vào quán để vừa ăn uống vừa nắm tình hình địa phương, nhất là khâu hậu cần. Lúc đó, trong quán có vài thanh niên vừa uống rượu, vừa có thái độ khiếm nhã với một phụ nữ có lẽ là chủ quán.

Chủ quán thấy các chàng trai khảo sát đến mừng rỡ ra mặt. Chị cho biết đám thanh niên kia thường đến ăn uống nhưng không chịu trả tiền. Mỗi khi mẹ con chị lên tiếng đòi tiền, chúng dọa đốt quán.  Nợ chưa thu được, đóng cửa dọn đi là mất, đấy là lý do chị lần lữa chưa dọn đi nơi khác.

Bốc đồng vì chút hơi men và ỷ vào số đông, Ông Đội gọi một thanh niên đến và yêu cầu nhóm thanh niên giữ trật tự. Một gã to con nhất trong đám hất hàm hỏi, “Mày muốn gì?” Hắn đứng phắt dậy, tiến gần phía Ông Đội, khoa tay múa chân định xông vào đánh. Ông Đội bất ngờ dùng thế võ hộ thân học được hồi còn ở Tuy Hòa ra áp dụng. Đối thủ ngã gục, hắn lồm cồm bò dậy và kêu cả nhóm đứng dậy ra khỏi quán.

Bà chủ quán đem rượu ra mời.  Cả tổ ăn uống xong trở về lán nghỉ ngơi. Khoảng 9 giờ tối, lúc mọi người đang ngủ say, ai nấy phải bật dậy vì tiếng la hét ở bên ngoài lán. Đám thanh niên hồi tối bỏ đi, chúng quay lại với nhiều thành viên hơn, mỗi đứa cầm trên tay hung khí và một vài ngọn đuốc sáng rực. Chúng yêu cầu Ông Đội ra để gặp.  Một tay có vẻ là trưởng nhóm dõng dạc nói, “Hồi chiều ông nào đánh gục học trò tôi, xin mời ra đấu trực tiếp với tôi.” Nghe rõ mồn một lời hắn nói, Ông Đội hết sức lo lắng. Nếu không ra gặp, chúng điên tiết đốt lán, chết hết cả tổ. Nếu ra đánh đấm, Ông Đội còn miếng võ nào nữa đâu để thi thố. Hai chiêu võ học của ông già, ra đòn xong là phải chạy thoát thân kia mà. 

“Nước loạn mới biết tôi trung.” Cường Hải Phòng bước ra cửa, vừa đi vừa chửi “Đ.M! Mấy ông biết mấy giờ rồi không?  Ông Đội của tao say quá đã ngủ rồi! Có gì sáng mai gặp nhau giải quyết, tụi bây về đi.” Đám thanh niên dùng dằng không chịu về. Đuốc cháy hừng hực.  Cường hét lớn. “Đ.M. Tụi bây có về không tao bắn đây.” Biết địch thủ có súng, nhóm thanh niên mới chịu rút đi.

Những năm sau ngày đất nước thống nhất, đội khảo sát cầu đường được cấp hai khẩu súng, một AR15 và một khẩu các-bin. Cụ Hải còn có riêng một khẩu Colt 45.  Lý do dùng súng là để phòng khi vào rừng gặp thú dữ hoặc đụng độ với lính Fulro. Súng nặng, chẳng ai muốn giữ. Minh Xụi thường xung phong mang súng để đi săn.  Thành tích săn bắn của Minh Xụi không nhiều, nhưng cũng cải thiện đời sống phần nào cho cả đội khảo sát.  Là một kỹ sư trẻ, loại thư sinh trói gà không chặt, Ông Đội chưa bao giờ đụng đến súng đạn.  Hồi ở tổ khảo sát, thỉnh thoảng, ông Đội được Minh Xụi rủ đi theo rình bắn cá ban ngày hoặc thú rừng vào ban đêm.

Thật ra, lúc Cường dọa nạt đám thanh niên kia, tổ khoan làm gì có súng. Trước đó mấy năm đã có lệnh của nhà nước thu hồi vũ khí từ các đơn vị dân sự. Tuy vậy, sáng hôm sau, tổ khoan được trang bị đầy đủ “vũ khí”. Nào là tay quay, ống típ, cà lê … Cả đội đến quán cà phê ngồi từ rất sớm. Lũy, một công nhân to lớn nhất tổ có vẻ mặt lầm lì có thể là người đóng vai “Lê Lai cứu chúa” đứng ra đôi co với địch thủ và cũng để ra uy. Thật ra, Lũy cũng có ít võ thiếu lâm hay thần quyền gì đó do anh Tường truyền lại.

Có lẽ thấy quân khảo sát “sung” quá, đối phương chủ động giảng hòa. Ông Đội vô cùng mừng rỡ và thầm cảm ơn anh em trong tổ đã không ngại hiểm nguy, có tinh thần đoàn kết bên Ông Đội và đặc biệt có tinh thần Lục Vân Tiên, tỏ thái độ trước những việc bất công. Còn mẹ con chủ quán trước cách cư xử của các chàng trai tổ khoan, họ vô cùng mừng rỡ và coi anh em như những người anh hùng.

Thursday, June 21, 2012

Những chuyện không may thời khảo sát


Có thể nói tôi không gặp may từ những ngày đầu công tác ở Xí nghiệp Khảo sát Thiết kế Giao thông Vận tải Phú Khánh, nay là Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Khánh Hòa. Tuy vậy, sau hơn 30 năm nhìn lại, tôi thầm cảm ơn số mệnh đã đưa tôi vào lò khảo sát dưới sự dẫn dắt của quái kiệt đất Nha Trang, cụ Trần Huy Hải và nhiều cộng sự của ông tiếp sau đó.
Điều không may đầu tiên xảy ra cho tôi từ tấm tem phiếu mua vải thời bao cấp. Là sinh viên mới ra trường, tôi mang theo mảnh tem được mua 4 mét vải nộp cho chị Dung, nhân viên Phòng Hành chính, để đổi từ tem sinh viên sang tem cán bộ. Chị đã cất nó ở một nơi nào đó và quên mất.  Khi đến lượt của hàng công nghệ phẩm thông báo bán vải, tôi đến nhờ mua và bị chị mắng cho một trận là tên dối trá, nói không thành có.  May mắn thay, bác Dũng, cũng ở Phòng Hành chính sau đó phát hiện tấm tem phiếu và thông báo cho tôi đến nhận.
Chuyện không may thứ hai xảy ra ở Thành phố Tuy Hòa. Sau một năm lăn lộn với đội khảo sát địa hình của anh Binh, tôi được cụ Hải gọi lên để kiểm tra tay nghề.  Cụ bảo, “Tốt rồi, bây giờ cậu được phép làm công việc theo chuyên môn của mình.”  Thế là tôi được phân công về một tổ khoan đất với vai trò tổ trưởng. Thời đó, các hợp tác xã nông nghiệp được tổ chức thành từng đội sản xuất nên đối với người dân Tuy Hòa, tôi được gọi là Ông Đội.
Ông Đội bắt chước kỹ sư Xuân, Phụng… rất ham học, thích nghe chương trình dạy tiếng Anh vào ban đêm qua làn sóng radio. Lợi dụng đặc điểm này, một số công nhân lớn tuổi sắp xếp cho Ông Đội một căn phòng ở vị trí cao nhất trong tòa nhà và sau đó dẫn gái về nuôi ăn và vui vẻ dưới tầng hầm. Tài Mập, trẻ nhất nhưng ham vui đã bị vướng bệnh.  Anh Trung, Công đoàn phát hiện trong một đợt đến thăm nên ông Đội phải chịu đòn khiển trách.
Phải nói đời khảo sát hết sức khó khăn về vật chất. “Cái khó ló cái khôn”, đôi khi sự sáng tạo mang đến từ việc đối phó với hoàn cảnh khó khăn như thế.  Một hôm, tổ khoan địa chất được điều quân đột xuất đến xã Hòa Thắng để khảo sát nền móng sau khi hố móng Cầu Đá Trắng gặp phải một tầng bùn lỏng chưa xác định được độ dày. Là một cây cầu nông thôn, ngân sách có hạn, việc điều thiết bị đóng cọc đến vị trí thi công cầu rất tốn kém sau khi tổ khoan hoàn tất công việc. Vì thế, ông Đội đã đề xuất với đơn vị thi công, chuyển đổi công năng của dàn khoan thành dàn máy đóng cọc. Ý tưởng được thực hiện ngay và việc dùng dàn khoan đóng cọc thi công cầu nông thôn nhanh chóng lan về Sở Giao Thông. Lãnh đạo các cấp của Sở, nhân dân địa phương đến xem và hết lời khen ngợi, nhưng việc đóng cọc nằm ngoài chức năng của tổ khoan nên cũng đã bị cụ Hải phê bình. 
Đời khảo sát sống nay đây mai đó.  Được về sống ở thành phố là một điều quá diễm phúc đối với những chàng trai khảo sát.  Tuy nhiên, đóng quân lâu ngày, tiền chi cho cà phê, thuốc lá, rượu cũng bay đi nhanh chóng vì đồng lương ít ỏi. Không những thế, đội khảo sát còn lâm vào tình trạng thiếu chất đốt để nấu ăn tập thể. Túng làm liều, anh em phải rảo quanh khu vực sinh sống để kiếm củi đốt, thực chất là đi trộm củi. 
Kế hoạch đột nhập Phòng Lương thực Tuy Hòa đóng trước văn phòng của xí nghiệp được hoạch định khá hoàn hảo.  Ông Đội được giao nhiệm vụ tán tỉnh một cô nhân viên (sau này trở thành vợ). Lũy, Hùng, Thượng… lẻn vào khiêng củi. Không may, vừa hoàn thành xong nhiệm vụ thì bị du kích đến lục soát văn phòng và đòi gặp ông Đội để lập biên bản.  Ông Đội trốn trên máng xối, nơi giao nhau giữa hai căn nhà, không dám xuất đầu lộ diện.  Lúc đó, cụ Trần Huy Hải vừa đi công tác Sông Hinh về, ghé qua văn phòng. Trông thấy cán bộ địa phương, cụ “nỗ” đến văng mảnh. “Các anh cứ về đi, tôi sẽ điều tra kỹ chuyện này, nếu đúng như các anh đã nói, tôi sẽ kỷ luật cả đội. Tuy vậy, xin báo cho các anh biết, đội này là một đội công nhân lao động xã hội chủ nghĩa ưu tú của công ty tôi đấy.  Nếu không đúng, các anh cũng sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm!”
Nằm trên máng xối, ông Đội thầm nghĩ, “Quả là tướng thế nào, quân thế đó!” Thế mới có câu thơ dặn dò các cô gái trẻ, “Khảo sát, địa chất, lái xe. Trong ba thằng đó chớ nghe thằng nào.”

Wednesday, June 20, 2012

Ruộng sâu trâu nái


Tháng rồi, tôi có dịp thăm và làm việc tại đặc khu kinh tế Iskandar của Malaysia, từ câu chuyện trao đổi với ông Ismail bin Ibrahim, Tổng Giám đốc điều hành đặc khu, tôi chợt nhận ra ý nghĩa câu nói cửa miệng của mẹ tôi hồi còn nhỏ khi bị thiếu thốn nguồn nhân lực để phát triển kinh tế gia đình.
Số là hồi đó gia đình tôi khá đơn chiếc nhưng quản lý một diện tích lớn đất và ruộng của dòng họ để lại ở nông thôn. Do không đủ người để canh tác trên một diện tích lớn, mẹ tôi thường than thở, “Ruộng sâu phải có trâu nái”, ngụ ý là nếu ruộng đất rộng và xa, cần phải nuôi trâu cái để chúng đẻ ra nhiều nghé, lớn lên sử dụng sức trâu cày làm việc đồng áng. Nói cách khác, phát triển kinh tế cần có nguồn nhân lực dồi dào.
Iskandar của Malaysia dường như đang gặp phải trở lực này. Nằm sát biên giới Singapore, với diện tích gấp ba lần nước này, nhưng dân số chỉ khoảng 1,4 triệu người.  Từ 2005 đến nay, dân số của đặc khu cũng chỉ tăng chừng 100 đến 150 ngàn người và dự kiến đến năm 2025, dân số mới tăng lên mức 3 triệu người. 
Tranh luận thẳng thắng với vị CEO khả kính này, tôi nói, đồng thời phát triển với Iskandar, VSIP ở Bình Dương, Việt Nam do Singapore đầu từ đã tăng từ 1 lên 6 khu công nghiệp và đang tiếp tục phát triển.  Đặc khu của ông không nhắm vào công nghiệp thâm dụng lao động nên đã không thu hút đầu tư của nước láng giềng Singapore. Ngụ ý của tôi là Iskandar phải cho phép lao động nước ngoài, cụ thể là lao động Việt Nam, đi vào để tham gia xây dựng kinh tế, nếu không, khó có được đột phá trong tăng trưởng mặc dù các điều kiện để phát triển hết sức thuận lợi. 
Dân số Việt Nam gần 87 triệu người, gấp ba lần dân số Malaysia. Chúng ta cần thấy rõ sức mạnh “đông dân” này trong phát triển kinh tế. Những năm trước đây, ngành may, da giày và thủ công mỹ nghệ đã cáng đáng tốt việc tìm ra công ăn việc làm cho người lao động trẻ.  Nay thời thế đã đổi thay, lao động Việt Nam cần dấn thân vào những lĩnh vực cao hơn để kiếm sống và xây dựng quốc gia.  Lắp ráp vi mạch điện tử, viễn thông, hàng hóa công nghiệp vẫn rất cần sự tinh xảo và khéo léo của người lao động Việt Nam.
Mong rằng doanh nhân và các nhà làm chính sách quan tâm đầu tư đúng hướng. Chớ ảo tưởng vươn đến việc làm chủ những công nghệ hiện đại khi các yếu tố nền tảng như vốn và giáo dục vẫn chưa sẵn sàng. Một hệ thống hạ tầng tốt và quản lý hoạt động xuất nhập khẩu ngày một minh bạch hơn sẽ có cơ hội thu hút đầu tư từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc…vào các lĩnh vực cần lao động ở Việt Nam.