Wednesday, June 20, 2012

Ruộng sâu trâu nái


Tháng rồi, tôi có dịp thăm và làm việc tại đặc khu kinh tế Iskandar của Malaysia, từ câu chuyện trao đổi với ông Ismail bin Ibrahim, Tổng Giám đốc điều hành đặc khu, tôi chợt nhận ra ý nghĩa câu nói cửa miệng của mẹ tôi hồi còn nhỏ khi bị thiếu thốn nguồn nhân lực để phát triển kinh tế gia đình.
Số là hồi đó gia đình tôi khá đơn chiếc nhưng quản lý một diện tích lớn đất và ruộng của dòng họ để lại ở nông thôn. Do không đủ người để canh tác trên một diện tích lớn, mẹ tôi thường than thở, “Ruộng sâu phải có trâu nái”, ngụ ý là nếu ruộng đất rộng và xa, cần phải nuôi trâu cái để chúng đẻ ra nhiều nghé, lớn lên sử dụng sức trâu cày làm việc đồng áng. Nói cách khác, phát triển kinh tế cần có nguồn nhân lực dồi dào.
Iskandar của Malaysia dường như đang gặp phải trở lực này. Nằm sát biên giới Singapore, với diện tích gấp ba lần nước này, nhưng dân số chỉ khoảng 1,4 triệu người.  Từ 2005 đến nay, dân số của đặc khu cũng chỉ tăng chừng 100 đến 150 ngàn người và dự kiến đến năm 2025, dân số mới tăng lên mức 3 triệu người. 
Tranh luận thẳng thắng với vị CEO khả kính này, tôi nói, đồng thời phát triển với Iskandar, VSIP ở Bình Dương, Việt Nam do Singapore đầu từ đã tăng từ 1 lên 6 khu công nghiệp và đang tiếp tục phát triển.  Đặc khu của ông không nhắm vào công nghiệp thâm dụng lao động nên đã không thu hút đầu tư của nước láng giềng Singapore. Ngụ ý của tôi là Iskandar phải cho phép lao động nước ngoài, cụ thể là lao động Việt Nam, đi vào để tham gia xây dựng kinh tế, nếu không, khó có được đột phá trong tăng trưởng mặc dù các điều kiện để phát triển hết sức thuận lợi. 
Dân số Việt Nam gần 87 triệu người, gấp ba lần dân số Malaysia. Chúng ta cần thấy rõ sức mạnh “đông dân” này trong phát triển kinh tế. Những năm trước đây, ngành may, da giày và thủ công mỹ nghệ đã cáng đáng tốt việc tìm ra công ăn việc làm cho người lao động trẻ.  Nay thời thế đã đổi thay, lao động Việt Nam cần dấn thân vào những lĩnh vực cao hơn để kiếm sống và xây dựng quốc gia.  Lắp ráp vi mạch điện tử, viễn thông, hàng hóa công nghiệp vẫn rất cần sự tinh xảo và khéo léo của người lao động Việt Nam.
Mong rằng doanh nhân và các nhà làm chính sách quan tâm đầu tư đúng hướng. Chớ ảo tưởng vươn đến việc làm chủ những công nghệ hiện đại khi các yếu tố nền tảng như vốn và giáo dục vẫn chưa sẵn sàng. Một hệ thống hạ tầng tốt và quản lý hoạt động xuất nhập khẩu ngày một minh bạch hơn sẽ có cơ hội thu hút đầu tư từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc…vào các lĩnh vực cần lao động ở Việt Nam.

No comments:

Post a Comment