Tuesday, January 28, 2014

Tư duy Mỹ

Nhân chuyện bản dịch của anh Phạm Vũ Lửa Hạ được trang Triết học đường phố đăng nhưng không xin phép khiến anh em lời qua tiếng lại. Tôi xin kể một kỷ niệm của mình liên quan với tờ Tuổi Trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1997, tôi được Tổng Giám đốc Lâm Hoàng Lộc nhận vào làm việc ở Văn phòng Hội đồng quản trị Ngân hàng Á Châu ở thành phố Hồ Chí Minh.  Ông Lộc nói, “Làm cho mình lương không bằng ngân hàng nước ngoài, nhưng chúng ta hãy cùng nhau xây dựng ngân hàng này để sao cho người ta không nói rằng người Việt không biết làm ngân hàng, không biết kinh doanh tài chính.”

Quả thật, do trả lương không thể ra ngoài quy định của hệ thống lương ngân hàng, ông Lộc cũng không hề giao quá nhiều việccho tôi, trái lại ông khuyến khích tôi quan sát hệ thống, thăm các chi nhánh và thi thoảng dịch những bài báo trên các tạp chí nước ngoài để phân phối cho các cấp quản lý ngân hàng đọc.

Hồi đó, tuy nhà nước theo đuổi chính sách mở cửa, nhưng trên khía cạnh văn hóa, báo chí các cơ quan có trách nhiệm liên quan của nhà nước rất chú trọng các vấn đề nhạy cảm trong kinh tế, chính trị và văn hóa.  Các tạp chí như Kinh tế Viễn đông (Far Estern Economic Review); Nhà kinh tế (The Economist); Tuần tin tức (News Week)…thường được xem xét kỹ nội dung trước khi đưa ra phát hành cho công chúng.

Tôi còn nhớ, lúc đó là đỉnh cao của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Tôi đã dịch ra tiếng Việt một bài phân tích rất hay trên tờ Tuần tin tức, chỉ ra nguyên nhân khủng hoảng. Tác giả cho rằng, phấn khích trước dòng vốn rẻ, các doanh nhân châu Á đã tiến hành đầu tư một cách vội vã, kết hợp với lòng tham muốn làm giàu sao cho thật nhanh, nên bất chấp kỷ luật tài chính khiếnxảy ra đổ vỡ.  Các nhà lãnh đạo châu Á (điển hình là Thủ tướng Malaysia, Mohamed Mathir) không nên chỉ đổ tội cho các nhà đầu tư tài chính phương Tây mà cũng nên xem xét lại hệ thống quản trị tài chính ngân hàng của mình như câu nói của tiền nhân, “Đi nhanh hay vấp, tham thực cực thân.”

Sáng thứ Bảy, ra sạp báo đầu hẽm mua tờ Tuổi Trẻ, tôi hết sức ngạc nhiên, bản dịch của mình được đăng trong cột Câu chuyện thứ Bảy của tờ báo. Thú thiệt, tôi cũng lấy làm giận vì không thấy tên mình là dịch giả. Không biết lấy ai để giãi bày, tôi gọi cho Rich, một người bạn Mỹ đang dạy tiếng Anh cho trẻ em ở phố Tây Phạm Ngũ Lão. Chưa uống hết ly cà phê, Rich bảo tôi, “Đây là cơ hội cho anh đấy”.  Rồi Rich hướng dẫn tôi viết một là thư cho tòa soạn báo Tuổi Trẻ với lời lẻ khiêm tốn. Thay vì trách móc, dịch giả lại cảm ơn tờ báo đã sử dụng bản dịch của mình. Rich còn khuyên tôi dịch thêm bài báo khác để gửi nhờ đăng báo.

Quả như dự đoán của Rich, bài dịch thứ hai được tòa soạn nhậnvà cho đăng báo. Tôi còn may mắn được Phó Tổng Biên tập tờ báo, ông Huỳnh Sơn Phước đến tận ngân hàng để mời cộng tác. Nhiều năm sau đó, tôi thường xuyên nhận báo biếu hàng tuần vì được xem là cộng tác viên của tờ báo.

Thursday, January 09, 2014

Mô hình phát triển nước ngoài của Trung Quốc

Tiến sĩ Innocent Okpanum, một kiến trúc sư người gốc Châu Phi và là thành viên công ty tư vấn thiết kế nổi tiếng Ngonyama Okpanum đến tìm hiểu tình hình ngành xây dựng Việt Nam. Sau khi đi thăm một vài doanh nghiệp trong ngành, ông nêu câu hỏi cho chúng tôi, “Tại sao các ông không thi công xây dựng ở châu Phi?”

Ông cho biết có hàng triệu người Trung Quốc đang sống và làm việc ở Châu Phi, đa số khởi đầu bằng nghề xây dựng. Khi nhận hợp đồng thi công, các công ty Trung Quốc chuyển luôn toàn bộ kỹ sư, công nhân sang địa điểm xây dựng mới. Họ nói cùng ngôn ngữ, hiểu các kỹ năng của nhau, khi cần vật tư họ gọi điện thoại bằng tiếng mẹ đẻ, liên lạc với các nhà cung cấp ở Trung Quốc… Mô hình khép kín này khiến cho giá thành của các công ty Trung Quốc hết sức cạnh tranh đến nỗi không một công ty nào trên thế giới có thể sánh bằng.  Rút cục, các hợp đồng thi công rơi vào tay các công ty Trung Quốc.

Tốt nghiệp ngành kiến trúc La Mã nổi tiếng, tiến sĩ Innocent Okpanum cho biết ông cũng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng khai sáng thế giới của các nước phương Tây. Thông thường, các công ty đến từ Âu Mỹ khi kinh doanh ở châu lục khác thường tuyển lựa một số ít người hay công ty địa phương đào tạo về ngoại ngữ và kỹ năng quản trị để làm các vệ tinh cho họ.  Ngoài ra, ngày nay, tiền lương, đi lại đắt đỏ khiến các công ty Âu Mỹ không thể mang cả đại quân chinh phạt xứ người như các thế kỉ trước. Hậu quả là mô hình Trung Quốc đang rất hợp thời với dân số lớn, nền sản xuất quy mô công nghiệp, nếu không nói thêm có một chính phủ mạnh với ý chí quyết tâm phát triển cao, vươn lên dẫn đầu các nền kinh tế thế giới.

Một khía cạnh khác khiến cho mô hình Trung Quốc trở nên hết sức hiệu quả đó là mối quan hệ giữa người dạy và người học. Mô hình đào tạo phát triển cần nhiều thời gian và người học phải là người thật sự muốn học nếu không nói là khao khát học hỏi để đổi đời. Peter Drucker, nhà quản trị học nổi tiếng thế giới đã từng nói, đại ý thế này, khó có thể huấn luyện người yếu kém thành người xuất chúng mà chỉ có cơ may nâng những người khá thành người giỏi.  Nếu nguyên lý đó là đúng, đem áp dụng mô hình đào tạo phát triển châu Âu vào châu Phi và các nước kém phát triển ở các châu lục khác, liệu có bao nhiêu người có chỉ số thông minh cao, có thái độ ham học tiếp thu cái mới tham gia mô hình này.  Chúng ta càng thấy khá rõ nét khi nhìn lại lịch sử Việt Nam. Thực dân Pháp ra đi, để lại cho nước ta một nhóm người có số lượng rất nhỏ có danh xưng ông nghè, ông thông, phán sống khá giả vì hưởng mức thu nhập cao khiến cho Trần Kế Xương phải mỉa mai.
Phen này ông quyết làm thông phán,
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.

Cách đây hơn 15 năm, khi du học từ Mỹ trở về, mang đầy tâm thế đổi mới, trồng người của thế hệ thầy cô đi trước, tôi đã quyết tâm và may mắn trở thành giảng viên đại học nhiều năm. Thế nhưng, lửa nhiệt tình đã dần dần tắt ngấm vì phát hiện ra rằng kiến thức truyền đạt của mình không thấm được vào lớp người trẻ đương thời. Đa phần sinh viên ngày nay học để đối phó với yêu cầu xã hội như phải có tấm bằng đại học để kiếm việc, để an tâm trên con đường quan lộ cha mẹ dọn sẵn đường… và để sáng bằng với mọi nguời trong xã hội.  Hơn nữa, trách các em làm gì khi một lớp học với trên 50 thậm chí gần 100 sinh viên, thì không thể nào giáo viên có thể truyền đạt kiến thức đến sinh viên một cách hiệu quả.

Quả tình, mong  muốn trở thành những thầy cô giỏi, gương mẫu về đạo đức như trước đây là một thách thức lớn. Cô Tuyết Ba thời tiểu học với không những văn hay, toán giỏi mà còn dạy cho chúng tôi lòng tự trọng dân tộc khi ứng xử với lính Mỹ mỗi ngày ngoài đường phố. Thầy Lũy dạy luyện phát âm tiếng Anh giọng Mỹ bằng mô hình. Cô Hương dạy tân đại số, thầy Luật dạy toán cao cấp…thời trung học… và cả khi ở bậc đại học, chúng tôi cũng được thừa hưởng nền giáo dục căn bản từ các giảng viên gạo cội và là tinh túy của chế độ thực dân, đế quốc đến hai nền giáo dục của hai miền Nam Bắc.
Có phải tôi là lớp người già, không còn cơ hội để phát triển nên nuối tiếc ngày xưa. Thôi đành vậy, nhưng khi đã nói ra suy nghĩ của mình, tôi cũng đã vượt qua nỗi sợ hãi và phải nêu ra một số quan sát để các bạn suy nghĩ. Hoặc nên chăng, bỏ hết, dẹp hết các mô hình đào tạo, giáo dục tạm gọi là tiên tiến để đi theo mô hình Trung Quốc?

Sống với người Hà Nội

Năm 1980 lần đầu tiên tôi ra Hà Nội. Một buổi chiều tháng Năm, nắng nóng và không khí ẩm, thời tiết khó chịu vô cùng. Trên chuyến xe buýt người đứng chật như nêm từ Hà Đông về Hà Nội, bạn học của tôi bị trụy tim ngất ngay trên xe. Tài xế cho xe dừng trước Bệnh viện Việt Nam Cu Ba đưa bạn tôi vào cấp cứu hồi sức.

Đang ngồi bên ngoài sảnh chờ cho bạn tôi hồi tỉnh, một cô gái tay cầm ca sữa bột đậu xanh đi vào bệnh viện tiến lại chỗ tôi, “Mẹ em bảo mang cái này cho anh miền Nam hồi nãy bị ngất xỉu trên xe buýt uống cho lại sức.”  Cô gái ấy về sau trở thành bạn bè. Chúng tôi gặp nhau một vài lần cho đến ngày xuôi tàu về Nam.  Cô ấy đưa chúng tôi ra tận ga Hàng Cỏ. Lần này cô lại chuẩn bị cho chúng tôi cơm nắm, chả giò, muối tiêu ăn đủ từng bữa cho đến lúc tàu đến Huế. Thú thật, ngày nay, sau đã hàng chục năm, hình ảnh một người con gái đứng vẫy tay mờ dần khi con tàu chầm chậm rời sân ga vẫn khó quên được trong lòng người lữ khách.

Nhiều năm sau, tôi lại có dịp sống chung nhà với một cặp vợ chồng trẻ người Hà Nội. Một bữa nọ tôi đi học về muộn. Lúc bước vào cả nhà đang ăn cơm. Tôi nghe nói, “Mời chú xơi cơm ạ.” Đang lúc bụng đói, tôi vào bếp lấy bát đũa ra ngồi ăn chung cùng gia đình nói cười vui vẻ.  Về sau, lúc ngồi nói chuyện thân mật, vợ chồng chủ nhà mới cho biết rằng tôi đúng là người ngây thơ, không hiểu phép ngoại giao của người Hà Nội. Thật ra, câu nói “Mời chú xơi cơm” chỉ có nghĩa là “Chào chú ạ”.

Con trai miền Bắc phần lớn nấu ăn rất giỏi. Bạn tôi biết cả cách nấu phở Bắc. Còn món sườn rang nước mắm anh ta chế biến quả xuất sắc vô cùng. Do nấu ăn dở, hàng ngày tôi được giao cho công việc rửa bát. Thế nhưng, ngày đầu tiên rửa bát tôi cũng bị chê trách. Số là người bạn Hà Nội của tôi rất tinh tế. Anh ta chỉ cho tôi, sau khi rữa sạch phải sắp xếp bó đũa cùng đầu đuôi lại với nhau và đưa đầu nhỏ gắp thức ăn lên trên ống đựng đũa.  Anh nói, ống đũa lâu ngày dễ bị bụi bẩn và hơi nước ẩm thấp dễ tạo nấm mốc gây bệnh. Vì vậy, cần đua đầu gắp lên trên để chúng được luôn khô ráo.

Nhiều khi ngay trong bữa cơm, tôi cũng được vợ chồng anh bạn người Hà Nội chỉ cho cách xới cơm.  Anh dặn, khi xới cơm cho người khác, ta phải xới hai lần trở lên vì xới cơm một lần là kiểu xới cơm cho người chết. “Các cụ bảo thế.”  Quả là các bậc tiền nhân ngoài Bắc (Hà Nội) còn biết vận dụng cả tín ngưỡng để dạy cho con cháu phép xã giao. Thử hỏi, khi xới cơm cho người khác, làm thế nào để biết họ còn muốn ăn nữa hay không. Vì thế, khi xới lần thứ nhất, bạn cần đưa mắt nhìn đối tượng mình phục vụ để dò xem thái độ của khách. Lượng cơm nhiều ít của lần xới thứ hai chắc chắn đều làm hài lòng thực khách.

Lâu lắm, tôi chưa có dịp sinh hoạt với người Hà Nội. Dù sau này cuộc sống đô thị có hối hả, có hiện đại hơn, tôi vẫn mong rằng những kỷ niệm đẹp về sự tinh tế của con người Hà Nội sẽ duy trì mãi mãi.

Wednesday, January 01, 2014

Đơn độc đôi khi cũng là động lực phát triển

Đọc cuốn “Quốc gia khởi nghiệp”, nói về quá trình dựng nghiệp của nhà nước Israel, có thể kết luận rằng chính sự đơn độc giữa thế giới Hồi Giáo đã làm cho quốc gia này vươn lên để tồn tại và phát triển. Ngày nay, từ một vùng đất khô cằn, bốn bề sa mạc, Israel không những đã tồn tại mà còn trở thành quốc gia nổi tiếng về công nghệ cao, công nghệ thông tin và nông nghiệp tiên tiến.
Rõ ràng, bản năng tồn tại đã làm cho dân tộc Israel tập trung vào những lợi thế của mình để tìm ra con đường phát triển riêng.  Công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt của Israel đã góp phần biến bán đảo Shameshek của Ai Cập thành một thiên đường du lịch. Công nghệ tưới nhỏ giọt ở nông trại Israel ngày nay đã có mặt nhiều vùng sản xuất nông nghiệp nơi có khí hậu khô cằn trên thế giới. Phát minh về chíp điện tử thế hệ mới dùng ít năng lượng hơn đã giúp Intel đứng vững qua nhiều thời kỳ thăng trầm của thế giới số… Không những thế, tất cả những phát minh này đang giúp cho con người tên quả địa cầu tìm thấy giải pháp khả dĩ có thể tìm lại thế cân bằng trước sự bất cân xứng giữa nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, nhưng tài nguyên thế giới càng ngày càng cạn kiệt.
Ở một số nơi khác trên thế giới, chúng ta có thể tìm thấy hiện tượng xã hội tương tự mà Singapore là một điển hình. Đảo quốc này là một doi đấy dạng bán đảo nằm trong lòng Malaysia.  Nước uống, tài nguyên cơ bản như cát, đá…khác hầu như không có… Thế nhưng, từng thời kỳ phát triển, lãnh đạo nước này đã có những chiến lược thích hợp để đưa đảo quốc này thành một nơi có thu nhập dân số tính trên đầu người cao nhất thế giới. Singapore ngày nay đang cạnh tranh với Tokyo, Hongkong… để trở thành trung tâm tài chính của thế giới.  Singapore cũng đang đầu tư để trở thành trung tâm khám chữa bệnh của khu vực. Vai trò giáo dục cũng đang nỗi trội với chất lượng học sinh đứng đầu của thế giới. Trên hết, vị trí giao thương của Singapore vẫn rất vững chắc là cảng biển của tàu bè giao thương giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
Ở Việt Nam gần như cũng tìm thấy hiện tượng tương tự tuy quy mô không lớn.  Chẳng hạn, chúng ta thường ngạc nhiên vì sao một số học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi học sinh giỏi hoặc thi tốt nghiệp lại có hoàn cảnh sống rất khiêm tốn. Đa phần ở những tỉnh nghèo, các huyện vùng sâu, vùng xa như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quãng Ngãi, Phú Yên, Bình Định… Rất cần thiết để có những đề tài nghiên cứu xã hội về vấn đề này. Tuy nhiên, chúng ta có thể tạm đồng ý với nhau rằng muốn học giỏi trước hết phải xuất phát từ động lực cá nhân của người học, trong đó vai trò tự học hỏi phải đặt lên hàng đầu.
Một số tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long đôi khi chúng ta nghe có những phát minh về máy đào kênh, máy tuốt lúa… nhưng những nhà phát minh “Hai Lúa” phần lớn chưa có bằng tốt nghiệp phổ thông hoặc đại học!  Thế nhưng, rất nhiều người với danh thiếp tiến sĩ, thạc sĩ …lại không viết nổi một bài báo nghiên cứu.  Trước hiện tượng này, chúng ta có thể thấy những sáng kiến, phát minh có gốc từ những nỗ lực vượt qua khó khăn trở lực trong công việc của đời sống thực tế đòi hỏi.
Nhân chuyện nói về Đồng bằng Sông Cửu Long tôi nhớ lại buổi tham dự hội thảo gần đây có cô Phạm Việt Nga, Tổng giám đốc của Dược Hậu Giang làm chủ tọa.  Khi được hỏi vì sao trong thời kỳ hoàn kim của bất động sản, cô không tham gia đầu tư mà chỉ chú trọng vào nghề dược. Bà Nga trả lời rằng, “Trước hết, vì tôi yêu nghề dược, thứ hai, vì tôi không hiểu về nghề bất động sản và cuối cùng vì tôi không có nhiều thông tin do sống ở Miền Tây. Như các bạn biết,  mọi chuyện khi đến nơi tôi sống đã không còn mới và nóng nữa.”
Câu trả lời tuy mộc mạc nhưng chứa đựng triết lý sâu xa:  Đơn độc giúp chúng ta tập trung hơn vào nhu cầu thực tế của chính mình và đôi khi, đó chính là động lực cho sự phát triển.

Chiếc giường của ông Tin

Nước Myanmar bị cấm vận nhiều năm. Tuy vậy, khi tham gia thị trường này, chúng ta vẫn gặp một số tập đoàn kinh doanh đa ngành rất lớn. Một trong số đó là tập đoàn Capital Diamond Star Group (CDSG).
CDSG sở hữu nhà máy sản xuất cà phê hòa tan nhãn hiệu Premier và một số nhãn hiệu khác. Họ phân phối cà phê khắp lãnh thổ Myanmar. Đồng thời CDSG cũng xuất khẩu cà phê nhân, hạt điều, cao su và nhập lúa mì để gia công thành sản phẩm bột mì. Nghe nói công ty chiếm thị phần phân phối bột mì 60% cả nước. Công ty còn có hai siêu thị to cỡ Big C ở hai thành phố lớn nhất nước là Yangon và thủ đô Naypyidaw.
Ngoài thương mại, CDSG còn hoạt động trong lĩnh vực thi công xây dựng, từ nhà kho công nghiệp đến cầu vượt giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông hiện nay tại thành phố Yangon sau khi mở cửa đón đầu tư ngoại quốc. Tuy vậy, CDSG cũng như nhiều công ty khác trên thị trường nước này chưa có kinh nghiệm xây nhà cao tầng. Đây chính là sự bổ trợ của chúng tôi với công ty này và cũng là khung cửa hẹp để thâm nhập thị trường còn nhiều rủi ro lẫn cơ hội.
Có lẽ thương mại giúp cho con người năng động và cởi mở hơn. Tôi đã từng trải nghiệm ý tưởng này khi tiếp xúc với người dân ở các tỉnh có cửa khẩu để giao thương với các nước, như tỉnh An Giang, Quảng Ninh… Đây cũng là yếu tố quan sát được từ những cán bộ quản lý của CDSG.
Một quan sát khác đó là, những công ty thành công trên thương trường thường gắn liền với những nhà quản lý tài ba và tận tâm, tận lực. Tôi muốn dành điều này nói về ông Tin Maung Win, một cán bộ quản lý của CDSG qua câu chuyện về chiếc giường ngủ.
Lần công tác trước, chúng tôi gửi danh sách đoàn tham gia cho đối tác và đã được bố trí ăn ở ngay trong khuôn viên công trường. Tòa nhà làm cư xá cho chúng tôi ở cũng là nhà của cán bộ công nhân tham gia nhà máy sản xuất xà bông cục. Tuy thế, công nghệ lạc hậu khiến cho chủ của nó nhanh chóng ngừng hoạt động để chuyển sang xây chung cư cao tầng và trung tâm thương mại.
Lần này chúng tôi đến công trường với số lượng kỹ sư đông hơn. Lúc đang họp, bỗng nhiên tôi nhận ra công nhân của chủ đầu tư mang thêm những chiếc giường mới vào nhà, nhưng đếm lại chỉ có hai chiếc. Tôi lo lắng nhưng không dám hở lời vì sợ bị chủ nhà cho là mình đòi hỏi.
Để dự phòng phương án thuê khách sạn ngủ qua đêm, tôi hỏi: “Ở đây ai chưa có phòng ngủ đưa tay lên”. Lạ thay, kiểm lại chúng tôi chỉ thiếu hai giường và cả hai đã được ông Tin cho nhân viên mua và mang tới trước mấy tiếng đồng hồ.
Tôi chợt hiểu bí mật thành công của đối tác có thể chính là sự sâu sát của nhà quản lý này trong công việc của mình.