Wednesday, January 01, 2014

Đơn độc đôi khi cũng là động lực phát triển

Đọc cuốn “Quốc gia khởi nghiệp”, nói về quá trình dựng nghiệp của nhà nước Israel, có thể kết luận rằng chính sự đơn độc giữa thế giới Hồi Giáo đã làm cho quốc gia này vươn lên để tồn tại và phát triển. Ngày nay, từ một vùng đất khô cằn, bốn bề sa mạc, Israel không những đã tồn tại mà còn trở thành quốc gia nổi tiếng về công nghệ cao, công nghệ thông tin và nông nghiệp tiên tiến.
Rõ ràng, bản năng tồn tại đã làm cho dân tộc Israel tập trung vào những lợi thế của mình để tìm ra con đường phát triển riêng.  Công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt của Israel đã góp phần biến bán đảo Shameshek của Ai Cập thành một thiên đường du lịch. Công nghệ tưới nhỏ giọt ở nông trại Israel ngày nay đã có mặt nhiều vùng sản xuất nông nghiệp nơi có khí hậu khô cằn trên thế giới. Phát minh về chíp điện tử thế hệ mới dùng ít năng lượng hơn đã giúp Intel đứng vững qua nhiều thời kỳ thăng trầm của thế giới số… Không những thế, tất cả những phát minh này đang giúp cho con người tên quả địa cầu tìm thấy giải pháp khả dĩ có thể tìm lại thế cân bằng trước sự bất cân xứng giữa nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, nhưng tài nguyên thế giới càng ngày càng cạn kiệt.
Ở một số nơi khác trên thế giới, chúng ta có thể tìm thấy hiện tượng xã hội tương tự mà Singapore là một điển hình. Đảo quốc này là một doi đấy dạng bán đảo nằm trong lòng Malaysia.  Nước uống, tài nguyên cơ bản như cát, đá…khác hầu như không có… Thế nhưng, từng thời kỳ phát triển, lãnh đạo nước này đã có những chiến lược thích hợp để đưa đảo quốc này thành một nơi có thu nhập dân số tính trên đầu người cao nhất thế giới. Singapore ngày nay đang cạnh tranh với Tokyo, Hongkong… để trở thành trung tâm tài chính của thế giới.  Singapore cũng đang đầu tư để trở thành trung tâm khám chữa bệnh của khu vực. Vai trò giáo dục cũng đang nỗi trội với chất lượng học sinh đứng đầu của thế giới. Trên hết, vị trí giao thương của Singapore vẫn rất vững chắc là cảng biển của tàu bè giao thương giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
Ở Việt Nam gần như cũng tìm thấy hiện tượng tương tự tuy quy mô không lớn.  Chẳng hạn, chúng ta thường ngạc nhiên vì sao một số học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi học sinh giỏi hoặc thi tốt nghiệp lại có hoàn cảnh sống rất khiêm tốn. Đa phần ở những tỉnh nghèo, các huyện vùng sâu, vùng xa như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quãng Ngãi, Phú Yên, Bình Định… Rất cần thiết để có những đề tài nghiên cứu xã hội về vấn đề này. Tuy nhiên, chúng ta có thể tạm đồng ý với nhau rằng muốn học giỏi trước hết phải xuất phát từ động lực cá nhân của người học, trong đó vai trò tự học hỏi phải đặt lên hàng đầu.
Một số tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long đôi khi chúng ta nghe có những phát minh về máy đào kênh, máy tuốt lúa… nhưng những nhà phát minh “Hai Lúa” phần lớn chưa có bằng tốt nghiệp phổ thông hoặc đại học!  Thế nhưng, rất nhiều người với danh thiếp tiến sĩ, thạc sĩ …lại không viết nổi một bài báo nghiên cứu.  Trước hiện tượng này, chúng ta có thể thấy những sáng kiến, phát minh có gốc từ những nỗ lực vượt qua khó khăn trở lực trong công việc của đời sống thực tế đòi hỏi.
Nhân chuyện nói về Đồng bằng Sông Cửu Long tôi nhớ lại buổi tham dự hội thảo gần đây có cô Phạm Việt Nga, Tổng giám đốc của Dược Hậu Giang làm chủ tọa.  Khi được hỏi vì sao trong thời kỳ hoàn kim của bất động sản, cô không tham gia đầu tư mà chỉ chú trọng vào nghề dược. Bà Nga trả lời rằng, “Trước hết, vì tôi yêu nghề dược, thứ hai, vì tôi không hiểu về nghề bất động sản và cuối cùng vì tôi không có nhiều thông tin do sống ở Miền Tây. Như các bạn biết,  mọi chuyện khi đến nơi tôi sống đã không còn mới và nóng nữa.”
Câu trả lời tuy mộc mạc nhưng chứa đựng triết lý sâu xa:  Đơn độc giúp chúng ta tập trung hơn vào nhu cầu thực tế của chính mình và đôi khi, đó chính là động lực cho sự phát triển.

No comments:

Post a Comment