Thursday, January 09, 2014

Mô hình phát triển nước ngoài của Trung Quốc

Tiến sĩ Innocent Okpanum, một kiến trúc sư người gốc Châu Phi và là thành viên công ty tư vấn thiết kế nổi tiếng Ngonyama Okpanum đến tìm hiểu tình hình ngành xây dựng Việt Nam. Sau khi đi thăm một vài doanh nghiệp trong ngành, ông nêu câu hỏi cho chúng tôi, “Tại sao các ông không thi công xây dựng ở châu Phi?”

Ông cho biết có hàng triệu người Trung Quốc đang sống và làm việc ở Châu Phi, đa số khởi đầu bằng nghề xây dựng. Khi nhận hợp đồng thi công, các công ty Trung Quốc chuyển luôn toàn bộ kỹ sư, công nhân sang địa điểm xây dựng mới. Họ nói cùng ngôn ngữ, hiểu các kỹ năng của nhau, khi cần vật tư họ gọi điện thoại bằng tiếng mẹ đẻ, liên lạc với các nhà cung cấp ở Trung Quốc… Mô hình khép kín này khiến cho giá thành của các công ty Trung Quốc hết sức cạnh tranh đến nỗi không một công ty nào trên thế giới có thể sánh bằng.  Rút cục, các hợp đồng thi công rơi vào tay các công ty Trung Quốc.

Tốt nghiệp ngành kiến trúc La Mã nổi tiếng, tiến sĩ Innocent Okpanum cho biết ông cũng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng khai sáng thế giới của các nước phương Tây. Thông thường, các công ty đến từ Âu Mỹ khi kinh doanh ở châu lục khác thường tuyển lựa một số ít người hay công ty địa phương đào tạo về ngoại ngữ và kỹ năng quản trị để làm các vệ tinh cho họ.  Ngoài ra, ngày nay, tiền lương, đi lại đắt đỏ khiến các công ty Âu Mỹ không thể mang cả đại quân chinh phạt xứ người như các thế kỉ trước. Hậu quả là mô hình Trung Quốc đang rất hợp thời với dân số lớn, nền sản xuất quy mô công nghiệp, nếu không nói thêm có một chính phủ mạnh với ý chí quyết tâm phát triển cao, vươn lên dẫn đầu các nền kinh tế thế giới.

Một khía cạnh khác khiến cho mô hình Trung Quốc trở nên hết sức hiệu quả đó là mối quan hệ giữa người dạy và người học. Mô hình đào tạo phát triển cần nhiều thời gian và người học phải là người thật sự muốn học nếu không nói là khao khát học hỏi để đổi đời. Peter Drucker, nhà quản trị học nổi tiếng thế giới đã từng nói, đại ý thế này, khó có thể huấn luyện người yếu kém thành người xuất chúng mà chỉ có cơ may nâng những người khá thành người giỏi.  Nếu nguyên lý đó là đúng, đem áp dụng mô hình đào tạo phát triển châu Âu vào châu Phi và các nước kém phát triển ở các châu lục khác, liệu có bao nhiêu người có chỉ số thông minh cao, có thái độ ham học tiếp thu cái mới tham gia mô hình này.  Chúng ta càng thấy khá rõ nét khi nhìn lại lịch sử Việt Nam. Thực dân Pháp ra đi, để lại cho nước ta một nhóm người có số lượng rất nhỏ có danh xưng ông nghè, ông thông, phán sống khá giả vì hưởng mức thu nhập cao khiến cho Trần Kế Xương phải mỉa mai.
Phen này ông quyết làm thông phán,
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.

Cách đây hơn 15 năm, khi du học từ Mỹ trở về, mang đầy tâm thế đổi mới, trồng người của thế hệ thầy cô đi trước, tôi đã quyết tâm và may mắn trở thành giảng viên đại học nhiều năm. Thế nhưng, lửa nhiệt tình đã dần dần tắt ngấm vì phát hiện ra rằng kiến thức truyền đạt của mình không thấm được vào lớp người trẻ đương thời. Đa phần sinh viên ngày nay học để đối phó với yêu cầu xã hội như phải có tấm bằng đại học để kiếm việc, để an tâm trên con đường quan lộ cha mẹ dọn sẵn đường… và để sáng bằng với mọi nguời trong xã hội.  Hơn nữa, trách các em làm gì khi một lớp học với trên 50 thậm chí gần 100 sinh viên, thì không thể nào giáo viên có thể truyền đạt kiến thức đến sinh viên một cách hiệu quả.

Quả tình, mong  muốn trở thành những thầy cô giỏi, gương mẫu về đạo đức như trước đây là một thách thức lớn. Cô Tuyết Ba thời tiểu học với không những văn hay, toán giỏi mà còn dạy cho chúng tôi lòng tự trọng dân tộc khi ứng xử với lính Mỹ mỗi ngày ngoài đường phố. Thầy Lũy dạy luyện phát âm tiếng Anh giọng Mỹ bằng mô hình. Cô Hương dạy tân đại số, thầy Luật dạy toán cao cấp…thời trung học… và cả khi ở bậc đại học, chúng tôi cũng được thừa hưởng nền giáo dục căn bản từ các giảng viên gạo cội và là tinh túy của chế độ thực dân, đế quốc đến hai nền giáo dục của hai miền Nam Bắc.
Có phải tôi là lớp người già, không còn cơ hội để phát triển nên nuối tiếc ngày xưa. Thôi đành vậy, nhưng khi đã nói ra suy nghĩ của mình, tôi cũng đã vượt qua nỗi sợ hãi và phải nêu ra một số quan sát để các bạn suy nghĩ. Hoặc nên chăng, bỏ hết, dẹp hết các mô hình đào tạo, giáo dục tạm gọi là tiên tiến để đi theo mô hình Trung Quốc?

No comments:

Post a Comment