Thursday, January 09, 2014

Sống với người Hà Nội

Năm 1980 lần đầu tiên tôi ra Hà Nội. Một buổi chiều tháng Năm, nắng nóng và không khí ẩm, thời tiết khó chịu vô cùng. Trên chuyến xe buýt người đứng chật như nêm từ Hà Đông về Hà Nội, bạn học của tôi bị trụy tim ngất ngay trên xe. Tài xế cho xe dừng trước Bệnh viện Việt Nam Cu Ba đưa bạn tôi vào cấp cứu hồi sức.

Đang ngồi bên ngoài sảnh chờ cho bạn tôi hồi tỉnh, một cô gái tay cầm ca sữa bột đậu xanh đi vào bệnh viện tiến lại chỗ tôi, “Mẹ em bảo mang cái này cho anh miền Nam hồi nãy bị ngất xỉu trên xe buýt uống cho lại sức.”  Cô gái ấy về sau trở thành bạn bè. Chúng tôi gặp nhau một vài lần cho đến ngày xuôi tàu về Nam.  Cô ấy đưa chúng tôi ra tận ga Hàng Cỏ. Lần này cô lại chuẩn bị cho chúng tôi cơm nắm, chả giò, muối tiêu ăn đủ từng bữa cho đến lúc tàu đến Huế. Thú thật, ngày nay, sau đã hàng chục năm, hình ảnh một người con gái đứng vẫy tay mờ dần khi con tàu chầm chậm rời sân ga vẫn khó quên được trong lòng người lữ khách.

Nhiều năm sau, tôi lại có dịp sống chung nhà với một cặp vợ chồng trẻ người Hà Nội. Một bữa nọ tôi đi học về muộn. Lúc bước vào cả nhà đang ăn cơm. Tôi nghe nói, “Mời chú xơi cơm ạ.” Đang lúc bụng đói, tôi vào bếp lấy bát đũa ra ngồi ăn chung cùng gia đình nói cười vui vẻ.  Về sau, lúc ngồi nói chuyện thân mật, vợ chồng chủ nhà mới cho biết rằng tôi đúng là người ngây thơ, không hiểu phép ngoại giao của người Hà Nội. Thật ra, câu nói “Mời chú xơi cơm” chỉ có nghĩa là “Chào chú ạ”.

Con trai miền Bắc phần lớn nấu ăn rất giỏi. Bạn tôi biết cả cách nấu phở Bắc. Còn món sườn rang nước mắm anh ta chế biến quả xuất sắc vô cùng. Do nấu ăn dở, hàng ngày tôi được giao cho công việc rửa bát. Thế nhưng, ngày đầu tiên rửa bát tôi cũng bị chê trách. Số là người bạn Hà Nội của tôi rất tinh tế. Anh ta chỉ cho tôi, sau khi rữa sạch phải sắp xếp bó đũa cùng đầu đuôi lại với nhau và đưa đầu nhỏ gắp thức ăn lên trên ống đựng đũa.  Anh nói, ống đũa lâu ngày dễ bị bụi bẩn và hơi nước ẩm thấp dễ tạo nấm mốc gây bệnh. Vì vậy, cần đua đầu gắp lên trên để chúng được luôn khô ráo.

Nhiều khi ngay trong bữa cơm, tôi cũng được vợ chồng anh bạn người Hà Nội chỉ cho cách xới cơm.  Anh dặn, khi xới cơm cho người khác, ta phải xới hai lần trở lên vì xới cơm một lần là kiểu xới cơm cho người chết. “Các cụ bảo thế.”  Quả là các bậc tiền nhân ngoài Bắc (Hà Nội) còn biết vận dụng cả tín ngưỡng để dạy cho con cháu phép xã giao. Thử hỏi, khi xới cơm cho người khác, làm thế nào để biết họ còn muốn ăn nữa hay không. Vì thế, khi xới lần thứ nhất, bạn cần đưa mắt nhìn đối tượng mình phục vụ để dò xem thái độ của khách. Lượng cơm nhiều ít của lần xới thứ hai chắc chắn đều làm hài lòng thực khách.

Lâu lắm, tôi chưa có dịp sinh hoạt với người Hà Nội. Dù sau này cuộc sống đô thị có hối hả, có hiện đại hơn, tôi vẫn mong rằng những kỷ niệm đẹp về sự tinh tế của con người Hà Nội sẽ duy trì mãi mãi.

No comments:

Post a Comment