Saturday, December 31, 2011

Nghe tiếng mưa dầm đêm Đông ở Huế

Kể từ khi rời quê vào Nam năm 1981, lần này về thăm quê, tôi nhận ra mình đang sống trong không gian của ngày thơ ấu vì được nghe tiếng mưa dầm đêm Đông của Huế. 

Trong không gian yên tĩnh buổi rạng sáng ngày cuối năm, 31/12/2011, những âm thanh của giọt mưa rơi từ mái của căn nhà xưa đã thu hút sự chú ý của tôi và chúng đã vượt qua giọng ca của ca sĩ Duy Trác trong bài Hương Xưa của Cung Tiến khi tôi quyết định tắt nhạc, bỏ tai nghe, để đắm mình trong dàn hợp xướng của những giọt mưa.

Tôi đã ngồi một mình lắng nghe tiếng mưa và tìm cách phân tích âm thanh do những giọt mưa rơi tạo ra.  Âm trầm là tiếng của những giọt mưa lớn và nặng hạt. Tí tách là âm của những giọt mưa nhỏ và rơi nhẹ hơn. Tiếng xào xạc thỉnh thoảng là của âm của gió mùa Đông Bắc thổi qua vườn cây quanh nhà.

Những đợt mưa lạnh ở Huế vào mùa Đông thường kéo dài cả tuần, thậm chí cả tháng.  Nước mưa chảy triền miên từ mái nhà vô tình tạo ra những vệt lõm trong nền đất. Chúng có độ nông sâu khác nhau một cách ngẫu nhiên do mưa khi nặng khi nhẹ và do nền đất dưới mái nhà không đồng nhất. Âm thanh phát ra từ những giọt mưa vì thế rất đa dạng và có âm vực khác nhau tùy vào lượng mưa lúc nhiều lúc ít nhưng dường như không bao giờ dứt.

Tiếng mưa thật buồn và lắng đọng có lẽ ảnh hưởng đến phong cách sống của con người ở Huế. Hãy tự hỏi bạn sẽ làm gì nếu bị giam kín trong không gian của mưa và lạnh ở Huế. Đa số người Huế ngồi quây quần bên tràng kỷ, uống trà hay nhâm nhi ly rượu cùng bạn bè hay gia đình mỗi khi trời mưa lạnh mùa Đông.  Khi đi ra ngoài trời, theo lẽ tự nhiên, bạn cũng sẽ đi rón rén, vận động khoan thai nhẹ nhàng để tránh mưa và lạnh và sẽ cài nút cổ áo hay quàng khăn quanh, kín cổ.  Mưa kéo dài lê thê, trời lạnh và ướt át, phụ nữ Huế rảnh rang ngồi nhà thích thêu thùa, chế biến thức ăn, hay chuyện trò thỏ pthẻ với những người thân và bè bạn. Ngồi đếm tiếng tí tách của thời gian. Ăn không cần nhải nhanh, uống không vội và chỉ nhâm nhi từng chung nhỏ. Sinh hoạt như thế theo thời gian tạo nên phong cách Huế-nhẹ nhàng pha lẫn trầm tư-như lời một bài hát nói về con người Huế.

Cuộc sống của Huế cũng không tạo ra nhịp điệu hối hả ngay cả khi trời nóng vào mùa Hạ. Không khí nóng cũng có xu hướng giam hãm người ta ở trong nhà. Hồi nhỏ, tôi đã từng trải qua những lúc trốn mình dưới những bóng râm hay nằm bẹp dí trên nền nhà tráng xi măng để tránh không khí nóng như thiêu đốt. Máy lạnh, quạt điện của thời nay càng vô tình giữ chân chúng ta trong phòng nhiều hơn khi trời nóng bức.

Thiên nhiên ảnh hưởng phong cách và tính cách con người Huế. Suy nghĩ thận trọng, ra quyết định đúng nhưng không thể nhanh chóng có thể tốt cho công việc của nhà giáo, nhà khoa học, nhà tư vấn, nhà chính trị. Nhưng thiếu sự liều lĩnh quyết đoán khó thành công trong kinh doanh. 

Con người chúng ta sống gần thiên nhiên sẽ dễ dàng nhận ra quy luật sinh tử, sự ngắn hạn của đời người và sự vô hạn của vũ trụ. Người Huế và thiên nhiên hòa quyện, có lẽ vì thế họ dễ đạt được sự cân bằng khi hiểu được nguyên lý tử sinh của đời người. Chiều hôm qua, đi thăm mộ của đứa con trai người bạn cũ mất sớm vì tai nạn giao thông, tôi kinh ngạc vì kiến trúc lăng mộ trong nghĩa địa của người Huế.  Một lượng tiền của rất lớn dành cho việc xây cất các nhà mồ ở nghĩa trang, trong khi những căn nhà hai bên đường đến nghĩa địa của những người đang sống không lấy gì làm kiên cố và đẹp. Thật không ngoa nếu kết luận người Huế làm việc không vì chỉ hưởng thụ cho bản thân họ mà phần lớn để dành dụm của cải cho hai căn nhà của họ khi còn sống và lúc từ giã cõi đời.

Saturday, December 24, 2011

Tôn giáo và thương mai quốc tế

Lịch sử của các quốc gia thay đổi theo sự biến động của các dòng chảy thương mại quốc tế. 
Khi đến Ai Cập, hòa mình trong khung cảnh đền đài và sinh hoạt mua bán tấp nập ở thủ đô Cairo, chúng ta mới thấu hiểu được do đâu có sự lan tỏa của Đạo Hồi từ Trung Đông, đi theo con đường tơ lụa, lan tỏa sang tận Mông Cổ và các vùng đất phía Tây Trung Quốc. Tương tự như vậy, đến Philippine chúng ta lại phát hiện bằng đường biển, đạo Hồi, đạo Công giáo cũng đã lan tỏa đến xứ sở này từ hàng trăm năm qua.

Cũng tương tự như thế, ở các làng biển Việt Nam ngày nay, các xứ đạo Thiên Chúa kể cả Đạo Hồi của người Chăm ở các tỉnh Ninh Thuận Bình Thuận đều có dáng dấp của các một thời giao thương qua đường biển của các tàu buôn quốc tế.

Câu hỏi ngược lại đối với các sinh viên, "Liệu ngày nay có thể phát triển thương mại quốc tế dựa vào mạng lưới tôn giáo đã phát triển vững chắc từ hàng trăm năm qua?"

Wednesday, December 14, 2011

Thành công nhờ biết nhường nhịn


Tri-cycle taxi  in Bocaray

Shuttle bus

An Asian restaurant


Quan sát hoạt động của các công ty trong nước có thể nhận thấy tâm thế kinh doanh của các chủ doanh nghiệp chúng ta thời bế quan tỏa cảng vẫn còn ngự trị. Đó là, doanh nghiệp thường muốn tự tổ chức và quản lý hết thảy các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình.

Chẳng hạn, các khu nghỉ dưỡng của chúng ta thường tự tổ chức lấy dịch vụ ăn uống trong khi có thể nên tập trung tiền bạc, con người, vốn còn chưa đủ và mạnh, chỉ tập trung đầu tư vào một công đoạn của quy trình dịch vụ này cho đúng chuẩn mực quốc tế. Kết quả là lãng phí nguồn lực cho hầu hết các khu nghỉ dưỡng, trong khi các chủ khu nghỉ dưỡng, nếu biết nhường phần dịch vụ ăn uống cho doanh nghiệp khác sẽ tạo ra một hợp lực trong kinh doanh rất hiệu quả.

Cách làm khác với các chủ doanh nghiệp Việt được các khu nghỉ dưỡng ở đảo Bocaray, Philippine thực hiện và đã mang lại thành công khiến cho điểm du lịch này trở nên nổi tiếng khắp năm châu. Quả vậy, khi đến khu nghỉ dưỡng Alta Vista ở Bocaray, một thành viên trong đoàn chúng tôi đã nhận xét, “Ủa sao khu nghỉ dưỡng rất lớn nhưng nhà ăn nhỏ thế?” Tôi đảo mắt nhìn quanh và được quản lý cho biết khu nghỉ dưỡng có đến năm khối nhà, tổng cộng hơn 520 phòng nhưng chỉ dành ra một khối nhà nhỏ vừa làm sảnh đón khách vừa làm nhà ăn. Anh cho biết, nhà ăn chỉ phục vụ điểm tâm và món ăn do khách đặt làm. Khách được phục vụ tại phòng nếu yêu cầu. Ngoài ra, cứ cách một giờ, khu nghỉ dưỡng sẽ bố trí một chuyến xe đưa và đón khách đi tham quan và ăn uống ở khu phố chính của đảo cách đó chừng 5km. Xe phục vụ từ 10 giờ sáng đến 10 giờ khuya. Nếu không thích đi chung xe lớn, du khách có thể gọi một chiếc xe ba bánh để đi lại bất cứ khi nào tùy thích.

D-mall là một phố đi bộ nhỏ nhưng đầy ắp các cửa hàng lưu niệm và nhà hàng ăn uống có đủ các món ăn, thức uống của khắp nơi trên thế giới. Có thể nói, D-mall là chợ mua sắm, là một khu ăn uống thay thế bổ trợ cho dịch vụ này ở các khu nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng trên đảo Bocaray. Tại D-mall còn có siêu thị để du khách có thể đi chợ và tự tổ chức nấu ăn. Đa số khách du lịch ba lô đã chọn cách này để vừa tiết kiệm vừa tạo cho mình món hợp khẩu vị như ở quê nhà.

Có thể nói, nhờ biết cách phân công lẫn nhau trong việc cung cấp dịch vụ và thỏa mãn một cách tinh tế nhu cầu đa dạng của khách du lịch đã biến Bocaray trở thành một điểm đến lý tưởng của ngành du lịch Philippine.