Saturday, December 31, 2011

Nghe tiếng mưa dầm đêm Đông ở Huế

Kể từ khi rời quê vào Nam năm 1981, lần này về thăm quê, tôi nhận ra mình đang sống trong không gian của ngày thơ ấu vì được nghe tiếng mưa dầm đêm Đông của Huế. 

Trong không gian yên tĩnh buổi rạng sáng ngày cuối năm, 31/12/2011, những âm thanh của giọt mưa rơi từ mái của căn nhà xưa đã thu hút sự chú ý của tôi và chúng đã vượt qua giọng ca của ca sĩ Duy Trác trong bài Hương Xưa của Cung Tiến khi tôi quyết định tắt nhạc, bỏ tai nghe, để đắm mình trong dàn hợp xướng của những giọt mưa.

Tôi đã ngồi một mình lắng nghe tiếng mưa và tìm cách phân tích âm thanh do những giọt mưa rơi tạo ra.  Âm trầm là tiếng của những giọt mưa lớn và nặng hạt. Tí tách là âm của những giọt mưa nhỏ và rơi nhẹ hơn. Tiếng xào xạc thỉnh thoảng là của âm của gió mùa Đông Bắc thổi qua vườn cây quanh nhà.

Những đợt mưa lạnh ở Huế vào mùa Đông thường kéo dài cả tuần, thậm chí cả tháng.  Nước mưa chảy triền miên từ mái nhà vô tình tạo ra những vệt lõm trong nền đất. Chúng có độ nông sâu khác nhau một cách ngẫu nhiên do mưa khi nặng khi nhẹ và do nền đất dưới mái nhà không đồng nhất. Âm thanh phát ra từ những giọt mưa vì thế rất đa dạng và có âm vực khác nhau tùy vào lượng mưa lúc nhiều lúc ít nhưng dường như không bao giờ dứt.

Tiếng mưa thật buồn và lắng đọng có lẽ ảnh hưởng đến phong cách sống của con người ở Huế. Hãy tự hỏi bạn sẽ làm gì nếu bị giam kín trong không gian của mưa và lạnh ở Huế. Đa số người Huế ngồi quây quần bên tràng kỷ, uống trà hay nhâm nhi ly rượu cùng bạn bè hay gia đình mỗi khi trời mưa lạnh mùa Đông.  Khi đi ra ngoài trời, theo lẽ tự nhiên, bạn cũng sẽ đi rón rén, vận động khoan thai nhẹ nhàng để tránh mưa và lạnh và sẽ cài nút cổ áo hay quàng khăn quanh, kín cổ.  Mưa kéo dài lê thê, trời lạnh và ướt át, phụ nữ Huế rảnh rang ngồi nhà thích thêu thùa, chế biến thức ăn, hay chuyện trò thỏ pthẻ với những người thân và bè bạn. Ngồi đếm tiếng tí tách của thời gian. Ăn không cần nhải nhanh, uống không vội và chỉ nhâm nhi từng chung nhỏ. Sinh hoạt như thế theo thời gian tạo nên phong cách Huế-nhẹ nhàng pha lẫn trầm tư-như lời một bài hát nói về con người Huế.

Cuộc sống của Huế cũng không tạo ra nhịp điệu hối hả ngay cả khi trời nóng vào mùa Hạ. Không khí nóng cũng có xu hướng giam hãm người ta ở trong nhà. Hồi nhỏ, tôi đã từng trải qua những lúc trốn mình dưới những bóng râm hay nằm bẹp dí trên nền nhà tráng xi măng để tránh không khí nóng như thiêu đốt. Máy lạnh, quạt điện của thời nay càng vô tình giữ chân chúng ta trong phòng nhiều hơn khi trời nóng bức.

Thiên nhiên ảnh hưởng phong cách và tính cách con người Huế. Suy nghĩ thận trọng, ra quyết định đúng nhưng không thể nhanh chóng có thể tốt cho công việc của nhà giáo, nhà khoa học, nhà tư vấn, nhà chính trị. Nhưng thiếu sự liều lĩnh quyết đoán khó thành công trong kinh doanh. 

Con người chúng ta sống gần thiên nhiên sẽ dễ dàng nhận ra quy luật sinh tử, sự ngắn hạn của đời người và sự vô hạn của vũ trụ. Người Huế và thiên nhiên hòa quyện, có lẽ vì thế họ dễ đạt được sự cân bằng khi hiểu được nguyên lý tử sinh của đời người. Chiều hôm qua, đi thăm mộ của đứa con trai người bạn cũ mất sớm vì tai nạn giao thông, tôi kinh ngạc vì kiến trúc lăng mộ trong nghĩa địa của người Huế.  Một lượng tiền của rất lớn dành cho việc xây cất các nhà mồ ở nghĩa trang, trong khi những căn nhà hai bên đường đến nghĩa địa của những người đang sống không lấy gì làm kiên cố và đẹp. Thật không ngoa nếu kết luận người Huế làm việc không vì chỉ hưởng thụ cho bản thân họ mà phần lớn để dành dụm của cải cho hai căn nhà của họ khi còn sống và lúc từ giã cõi đời.

No comments:

Post a Comment