Sunday, October 07, 2007

Nha Trang ngày về


Tôi trở về thăm Nha Trang tuần rồi không dự định trước, cũng như hai mươi lăm năm trước đây, tôi đã về sống ở đó mà không hề có kế hoạch gì cả. Nha Trang có nhiều đổi thay, nhưng may thay, tình thương của bạn bè và bà con không hề thay đổi. Đã chín giờ tối, nghe cú phôn mời đột xuất, bạn bè vẫn sẵn lòng bước ra khỏi nhà tụ tập trong một quán bình dân để hàn huyên tâm sự. Nói là bạn, nhưng chỉ có một người cùng tuổi. Đa số những người còn lại tóc đã bạc trắng. Hai mươi lăm năm rồi còn gì!

Liên, tên chị được nhắc nhiều làm không khí buổi họp mặt đượm buồn. Chị Liên đã ra đi trong cô đơn để lại một con cún Nhật bơ vơ. Chị mong ước được chôn cất bên dòng sông Thạch Hãn, nơi chôn nhau cắt rốn và chị đã mãn nguyện. Nhưng tôi thì hụt hẫng. Tôi còn bao nhiêu câu chuyện chưa nói hết với chị! Chị đã sống ở Nha Trang nhưng không có một nơi để chúng tôi thỉnh thoảng trở về thắp cho chị một nén nhang. Sao chị không yêu Nha Trang mà lại quay về bên dòng sông tuổi thơ nhỉ?

Tôi tự lần tìm câu trả lời từ chính mình. Chị Liên không đẹp. Nghe nói, chị học giỏi và đỗ đạt cao ở Khoa tiếng Anh, Đại học Sư Phạm Huế. Chị lưu lạc về Nha Trang như tôi. Đi dạy rồi nghỉ dạy ở trường làm cô giáo tại nhà. Chị gặp tôi và kết bạn với những người hiện đang ngồi với tôi để nói về chị tối nay. Tôi hay đến nhà chị chơi vào mỗi buổi chiều cuối tuần. Ngồi bên ghế đu đặt dưới tàn cây vú sữa. Chị ở nhà của một người anh. Ngôi nhà có vườn rộng như bao kiểu nhà ở Huế thời trước. Có lẽ vì yêu thiên nhiên và yêu Huế, người anh, cũng là một giáo viên Trường Võ Tánh ở Nha Trang, đã sao chụp kiểu vườn ở Huế mang về tạo lập ở Nha Trang. Chị Liên thích nhạc Trịnh Công Sơn. Trồng bằng được hoa quỳnh trong vườn nhà để rồi thấp thỏm chờ đêm hoa khai nhụy. Chị đạp xe đi khắp Nha Trang mời những người bạn thân đến uống trà ngồi ngắm hoa quỳnh nở. Tôi không có diễm phúc ấy, vì thời đó tuy văn phòng đặt ở Nha Trang, nhưng tôi làm việc ở Thành phố Tuy Hòa, nay thuộc tỉnh Phú Yên..

Chị Liên yêu ai nhỉ? Anh Thọ hay anh Quyến? Hay chị có cảm tình với tôi? Cảm tình thôi, chứ yêu thì nhất định không phải. Chị hơn tôi cả chục tuổi. Chị tinh thông hai ngoại ngữ Anh và Pháp và thấu hiểu triết học Đông và Tây phương. Còn tôi là gã trai lông bông, tiền lương tháng chỉ đủ bao bạn bè hai lần. Những ngày còn lại tôi trốn biệt lên rừng hay về quê, sống nhờ cơm tập thể. Nhưng tôi đến với chị còn một vài lý do, tôi thích khung cảnh nhà vườn, nơi suốt thời kỳ tuổi thơ tôi đã trãi qua và tôi còn thích không gian yên tĩnh lãng đãng những lời ca buồn của nhạc sĩ họ Trịnh

Có lẽ định mệnh lẻ loi của chị đã được báo trước. Chị thích bài hát “Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn, “Ôm lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về…” Khi ta còn trẻ với tâm hồn trong sáng, tràn đầy xúc cảm, những ca từ thì thầm của nhạc sĩ họ Trịnh có thể gây tác động rất lớn lên não bộ của chúng ta. Theo tôi, ca từ và âm điệu của ông có thể mạnh đến mức hình thành thói quen thưởng thức âm nhạc của nhiều thế hệ. Chị Liên sống vào thời kỳ sự phổ biến của nhạc Trịnh lên đỉnh điểm ấy,ắt chị cũng chịu nhiều ảnh hưởng.

Một trong những người trong cuộc gặp mặt hôm nay, Thọ và Quyến là hai người cùng trang lứa của chị Liên. Họ học hành thành đạt. Nghe nói, hai anh đều là sĩ quan chế độ cũ. Tuy nhiên, chỉ mới bắt đầu tham gia quân đội thì cuộc chiến kết thúc. Hai người trở về sống với bố mẹ ở Nha Trang. Quyến thì bạo hơn trong quan hệ tình cảm, nhưng chẳng bao giờ anh cho chị một câu trả lời, khi nào thì trò chơi kết thúc. Thọ thì sâu sắc và kín đáo. Có thể chị Liên bị hai con người này bủa vây tình cảm. Tuổi đã lớn mà thời gian thì như nước chảy qua cầu. Nhiều năm trôi qua. Tôi không biết anh Quyến lấy vợ khi nào. Nghe nói đó là một người con gái Đà Lạt. Còn Thọ thì bị cô Kiều đốn ngã. Nói là đốn ngã vì cô Kiều yêu anh Thọ và quyết tâm xốc tới giành lấy người mình yêu. Sao nhiều phụ nữ Việt Nam, mà cụ thể là chị Liên, không hành động như cô Kiều nhỉ.

Người anh sang định cư bên Mỹ đã bán nửa diện tích vườn nhà. Tôi bị sốc dù đó không phải là tài sản của mình. Từ đó, tôi ít lui tới hơn. Rồi thời gian trôi qua, tôi cũng đã lập gia đình và lao vào lo toan cuộc sống. Chị Liên vẫn cô đơn sống ở nửa mảnh vườn còn lại. Về sau, gia đình tôi di chuyển về Sài Gòn, chúng tôi không còn gặp chị. Giờ đây, khi chúng tôi trở về thăm Nha Trang, chị Liên đã ra đi mãi mãi.

Nhạc sĩ, nhà thơ Đỗ Trung Quân có bài thơ Quê hương rất hay đã được phổ nhạc. Tôi thích bài thơ này vì nó có thể giúp ta mỗi khi cần xác định ở đâu là quê hương của mình, “Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi.” Nếu bạn đã từng ở nước ngoài, mỗi khi có ai đó hỏi, “Quê cậu ở đâu?” Câu trả lời ắt là. “Quê tôi ở Việt Nam.” Nhưng theo tôi, câu trả lời này chỉ đúng nhưng chưa đủ. Có lẽ chúng ta phải nói về quê hương của mình là Việt Nam và chính xác nhất vẫn là nơi “chôn nhau cắt rốn,” là nơi ta lớn lên từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành với bao kỷ niệm vui buồn. Bạn tôi, Dũng ở Pháp có lần đọc cho tôi nghe hai câu thơ của anh nói về quê hương, “Tha phương có nhiều nơi để đến. Quê hương chỉ một chốn quay về. Theo tôi, khi đã tha phương, người ta chỉ muốn quay về với hai lý do, về để “vinh quy bái tổ” hoặc về để an ủi chính mình khi đã mất niềm tin vào cuộc sống nơi chốn ngụ cư.

Nếu bạn đã từng sống nhiều năm ở Nha Trang và cùng tôi đi dọc các đường phố của nó hôm nay, ắt bạn cũng sẽ nhận ra thêm một điều nữa là con người và cảnh quan Nha Trang của chị Liên ngày xưa giờ đây không còn nữa. Sáng nay, khi đi ra biển Nha Trang để tìm lại thói quen đi bộ thể dục trước đây của mình, tôi đã nhận ra thêm vài lí do vì sao chị Liên không muốn ở lại thành phố này: Nha Trang của chị Liên mất mát nhiều quá! Những hàng cây xa cừ cổ thụ, như đoạn đường trước trường Võ Tánh cũ, nay là trường phổ thông cấp 3 Lý Tự Trọng, đã biến mất, thay bằng những dãy phố bê tông phô diễn sự giàu có vô hồn. Tôi còn nhớ, lúc mới ra trường, về Nha Trang công tác, tôi thậm chí không có một chiếc xe đạp để đi làm. Sau này, anh Thọ để lại với giá hữu nghị cho tôi một chiếc xe đạp mini, với lý do để các ông anh khỏi chở tôi theo trên những chiếc xe đạp cà tàng mỗi lần đi nhậu lai rai bên Hà Ra, Xóm Bóng hay xa hơn, Cầu Đá, Mã Vòng. Khi biết tôi có chiếc xe mini ấy, chị Liên đã hoan hỉ đạp xe cùng tôi đi khắp những con đường tuyệt đẹp, xanh mát của Nha Trang. Những con đường như thế giờ chỉ còn trong kỷ niệm.

Mỗi người bạn của chị, trong đó có tôi đã đi theo lối rẽ của riêng mình. Còn ai nữa? Tôi nhớ có lần chị khoe bài khóa luận viết bằng tiếng Anh có bút phê của một giáo sư người Mỹ khi còn ở Đại học Sư phạm Huế. Chị nâng niu bài viết như một kỷ vật thiêng liêng. Nếu tôi không nhầm, có lần chị thổ lộ rằng đã nuôi hy vọng một ngày kia, người thầy ấy sẽ tìm về thăm và cùng chị thả bộ dọc bờ biển Nha Trang xinh tươi, hay về Huế, đi dọc dòng Hương tĩnh lặng tâm tình. Tất nhiên là vào những ngày cuối đời của chị, người thầy ấy vẫn chưa về. Tôi chợt nghĩ, giá như chị Liên còn sống, lần này tôi sẽ chỉ cho chị cách sử dụng Internet để liên lạc với những người bạn, người thầy của mình để bớt cô đơn hay biết đâu, chị còn có thể nối lại những chiếc cầu đã gãy.

Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Chị Liên ắt phải dựa vào những người thân. Thương ôi! Người mẹ thân yêu đã mất. Người anh trai và mấy người cháu gọi chị bằng cô thân thương cũng đã di cư sang Mỹ. Liệu tôi có ngộ nhận chăng khi nói rằng chính một người cháu gái của chị đã khiến cảm giác mất mát của chị càng thêm sâu. Đêm qua, lúc chia tay sau buổi hội ngộ, tôi nghe anh Quyến nói úp mở bằng tiếng Anh, tạm hiểu rằng chị Liên cảm thấy mất mát tình bạn với tôi vì sự xuất hiện của một người thứ ba chính là cháu của mình! Tôi cần phải kiểm tra câu nói này vì anh Quyến là người hay thêm mắm muối vào ngôn từ. Còn chị Liên, giờ chị đang đạp xe rong chơi trên chốn thiên đàng. Chị ắt chẳng bận tâm với chuyện đời ngắn ngũi, rối rắm và chẳng có gì vui!

1 comment:

  1. Anonymous1:37 PM

    Que huong gan gui va gan bo voi tuoi tho,voi su lon len, truong thanh cua moi con nguoi chung ta. Moi mot con duong, moi mot goc pho da di qua, la nhung ky niem de om ap, de nho, de tran tro va de yeu thuong...
    ...Nha Trang buon, em dem song vo
    Tha hon vao nhung buoc chan que
    Om ap noi day mot chieu vang
    Ky niem nguoi xua_coi di ve...
    Thoang doc tuy but,
    Le My Tuong Vi :-)

    ReplyDelete