Tuesday, September 06, 2011

Con cá mụt măng

(Cảm nghĩ nhân đọc chuyện Sonadezi xả nước thải)

Hồi nhỏ tôi thường được nghe nói, sát sanh là có tội. Chẳng hạn, người láng giềng nhân từ của gia đình tôi, bác Hậu, dù nhà nghèo vẫn không chịu ăn cá vụn vì bác lý luận, bỏ vào mồm chỉ một nhúm đũa mà giết bao nhiêu sinh mạng là phạm tội sát sinh rất lớn.

Vườn nhà tôi có lũy tre xanh bao bọc. Cha tôi trồng tre thành lũy để chắn gió bão, thân tre để làm rui mè cho mái nhà rường, đan phên làm tường, đan thúng, mũng, nong nia, dần, sàng... thậm chí đan nôi cho em bé và làm chõng tre cho phụ nữ khi sinh đẻ. Mẹ tôi thường nói cắt măng tre vào tháng Tư là có tội. Bà còn thuyết phục được chúng tôi khi nói, cắt măng tre nên cắt vào tháng Bảy, tháng Tám âm lịch. Nếu cắt măng vào tháng Tư, chỗ cắt măng tre sẽ rỉ máu.

Thoạt đầu tôi nghĩ những điều bác Hậu hay mẹ tôi nói ở trên là do ảnh hưởng của giáo lý nhà Phật. Tôi đã quy kết rằng tin tưởng vào những điều như thế là mù quáng và thiếu cơ sở khoa học. Chẳng hạn, chỗ măng tre rỉ máu là màu của ốc xít sắt đọng lại trên mặt cắt sau khi hơi nước bốc đi.

Rồi một hôm tôi chợt ngộ ra sự sâu sắc của tiền nhân. Cắt măng vào tháng Bảy, tháng Tám là thuận lẽ trời vì ở quê tôi, tháng Chín, tháng Mười là mùa mưa bão. Cây măng non nớt một hai tháng tuổi sẽ không biết uốn mình theo bão dữ nên sẽ gãy đổ và khi lớn lên, cây tre ấy trở nên vô dụng.

Không đánh bắt cá con là biết bảo vệ môi trường. Trong thiên nhiên, cá lớn nuốt cá bé. Vì thế, diệt con cá bé, chúng ta mất cơ hội để bắt con cá lớn khi chúng trưởng thành và bản thân loài cá bé khi bị tiêu diệt khiến cho loài cá lớn thiếu mồi nên cũng khó lớn nhanh.

Rõ ràng, vận dụng quy luật thiên nhiên vào cuộc sống đã giúp cha ông ta tồn tại từ thế hệ này sang thế thế hệ khác một cách bền bỉ. Lẽ nào ngày nay chúng ta lại không chịu học hỏi từ kinh nghiệm của cha ông, hối hả làm giàu để rồi hủy hoại thiên nhiên và gieo mầm bệnh tật cho thế hệ con cháu mai sau?

1 comment:

  1. Bác ơi, cháu cũng từng buồn muốn khóc và giận khi theo dõi vụ hạt NIX - Vinashin ở Khánh Hòa. Cháu buồn vì thấy tủi thân cho đất nước khi nhập công nghệ lạc hậu hơn 10 năm từ Hàn Quốc, mang rác về nhà và sản xuất ra chất thải độc hại. Giống như một cậu học sinh nghèo phải dùng thứ vất đi của những học sinh bình dân khác rồi lại mang bệnh vào người. Kết quả rồi dân mình chịu khổ... Những việc vậy càng thôi thúc cháu phải cố gắng nhiều hơn.

    ReplyDelete