Friday, March 21, 2008

We are remarkably irrational creatures!

"Đời là bể khổ" Nàng là người hạnh phúc nhưng luôn than buồn, chán! Chàng là một doanh nhân thành đạt vẫn than khổ. Vì sao? Tháng Giêng năm ngoái (2007), một nhóm khoa học gia của Đại học California ở thành phố Los Angeles (Mỹ) đã trình bày kết quả nghiên cứu tổng hợp về thần kinh học, kinh tế học hành vi với sự hỗ trợ của máy quét hình ảnh cộng hưởng từ (MRI-magnetic resonance imaging). Nhóm khoa học gia này đã làm thí nghiệm hàng ngàn lần đo lường sự thay đổi về kích thước và hình dạng của não bộ của những nhóm người tham gia thí nghiệm chơi trò đỏ đen theo kiểu năm ăn, năm thua. Máy quét gửi tín hiệu hình ảnh hai giây một lần, sau đó tín hiệu này được xử lý thống kê so sánh với một mô hình chuẩn đã được thiết lập, rồi sau đó chuyển tín hiệu thành hình màu minh họa hình thái của não bộ. Nhóm khoa học gia này quan sát rằng khi khả năng thắng tăng lên có sự gia tăng của hoạt chất dopamine liên quan đến yếu tố động viên và khen thưởng. Còn khi khả năng thua tăng, hoạt chất nói trên giảm rõ rệt trong não bộ người tham gia trò chơi. Hoạt chất dopamine được tiết ra từ cùng một cấu trúc não bộ. Họ kết luận, cá nhân khác nhau về thái độ chống lại rủi ro bởi do sự khác nhau hàm lượng chất hóa học do hệ thần kinh này tiết ra. Vì thế, nhiều người trong chúng ta hầu như khó thay đổi khi đối mặt với rủi ro cao hay thấp trong đời sống hàng ngày. Kết quả thí nghiệm này giải thích được hành vi tài chính của nhà đầu tư trước các biến động trên thị trường chứng khoán. Khi giá chứng khoán giảm, những người yếu bóng vía tìm cách tháo chạy (não bộ của họ giảm lượng dophamine khi lo sợ tăng lên), nhưng có người vẫn lì đòn giữ chứng khoán không chịu bán (não bộ những người này thuộc loại thần kinh thép, nghĩa là vẫn tiết ít lượng dopamine). Sự việc này đưa đến cả hai kết quả tốt và xấu liên quan đến hậu quả tài chính của nhà đầu tư. Nghĩa là khi giá chứng khoán giảm, nhà đầu tư tháo chạy trước mất mát ít hơn nhà đầu tư lì lợm bán sàn (do họ là người dám thách thức với rủi ro). Ngược lại do bỏ chạy khỏi sàn, nhà đầu tư sợ rủi ro không còn cơ may nắm giữ cổ phiếu khi giá lên. Thí nghiệm này đưa đến việc chấp nhận giả thuyết, con người là một tạo vật vô lý! (Chứ không phải là hợp lý như giả thuyết con người kinh tế trước đây trong việc làm quyết định khi đối mặt rủi ro. Cũng cần nói thêm rằng, năm 1979, các nhà kinh tế học hành vi, Daniel Kahnerman và Amos Tversky đã trình bày kết quả nghiên cứu của mình và kết luận rằng hầu hết con người chúng ta có thái độ chống lại rủi ro gấp đôi thái độ phấn khởi khi hài lòng. Nghĩa là, người ta cảm thấy đau khổ khi mất mát nhiều hơn (gấp bội) sự hài lòng khi được lợi lộc. Đấy cũng là cách lý giải cho tình trạng hoảng loạn trên thị trường chứng khoán thế giới và ở nước ta khi giá cổ phiếu giảm. Kết luận này cũng giải thích vì sao ta hay nghe câu nói: “Đời là bể khổ” hoặc câu hát, “Đường vào tình yêu, có trăm lần vui, có vạn lần sầu!”

No comments:

Post a Comment