Friday, October 20, 2017

THE VIETNAM WAR:CHUYỆN THẮNG THUA

Trong bộ phim tài liệu The Vietnam War do PBS sản xuất năm 2017, có một chi tiết rất thú vị có tính học thuật cao trong môn học xác suất thống kê đó là nỗ lực dùng số liệu thu thập để phán đoán kết quả của biến cố.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Mcnamara là người rất mê ứng dụng này. Ông đã nỗ lực đưa những thành quả của môn học này đã một thời làm cho nền công nghiệp của nước Mỹ vươn lên dẫn đầu thế giới. MADE IN USA đã trở thành thương hiệu về chất lượng của hàng hóa Mỹ.

Trong chiến tranh Việt Nam ông đã chỉ đạo thu thập số liệu của các chương trình ở Việt Nam rồi đưa vào máy tính IBM để đưa ra kết luận về tính hiệu quả của chương trình. Rất buồn cười, máy tính cho ra kết quả Mỹ đã thành công vào năm 1965.

Chúng ta đều biết chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975 với sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa. Rất nhiều lần trong bộ phim tài liệu, các nhân vật người Mỹ đã bực bội cho rằng nguyên nhân thất bại là do họ đã chọn sai đối tác (người lãnh đạo); do sự yếu kém của quân đội Việt Nam Cộng Hòa; do miền Bắc mạnh hơn cả về tinh thần và vật chất; do các phong trào phản chiến…

Theo tôi, Mỹ đã thất bại từ đầu cuộc chiến kể từ trận đánh Ấp Bắc. Những lý do ở trên dẫn tới kết thúc chiến tranh Việt Nam đều không sai. Tuy nhiên, sai lầm nguy hiểm nhất, có thể nói là sai lầm cơ bản, đó là sự xung đột văn hóa giữa các Cố vấn và ngay cả lính Mỹ đối với người dân miền Nam.

Tại sao sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, Lý Tòng Bá và cấp trên của ông không nghe lời Cố vấn Mỹ trong trận Ấp Bắc? Tại sao chính quyền Ngô Đình Diệm nhận viện trợ của Mỹ, mà không làm theo chỉ đạo của Mỹ? Tại sao Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng mà không báo cho chính quyền miền Nam chuẩn bị?

Rõ ràng người Mỹ đã đụng vào tự ái dân tộc của người Việt, không kể là người miền Nam hay là người miền Bắc. Người Việt Nam đã chịu sự thống trị của ngoại bang hàng ngàn năm và vẫn tìm cách nổi dậy để giành độc lập. Vì vậy, sự độc đoán, kiêu ngạo của bất cứ ai là không thể chấp nhận, nhất là đối với tính khí của dân Nam bộ. Vì vậy, tôi kết luận thất bại của người Mỹ là thất bại trong giao tiếp, ứng xử do thiếu hiểu biết về văn hóa.

Đối với người Việt Nam, không có chuyện thắng thua trong cuộc chiến kéo dài 20 năm đã làm chết hơn hai triệu người.

Tôi muốn đưa ra một vài câu chuyện về chiến tranh Việt Nam ở làng Ngọc Anh quê tôi ở Huế để minh chứng. Láng giềng của nhà tôi gồm có 3 gia đình: bác Hậu, bác Thợ Cháu và mệ Nghè.

Gia đình bác Hậu rất nghèo, bác làm ấp trưởng vì được dân làng mến phục. Thế nhưng, trong biến cố Mậu Thân, bác được mời đi họp và về sau được tìm thấy trong một hố chôn tập thể. Ba người con trai, hai người ở miền Nam cùng đi lính Việt Nam Cộng Hòa, người con trưởng thoát ly ra miền Bắc gia nhập quân đội, trở thành sĩ quan. Sau chiến tranh, cả ba người đều gặp khó khăn, riêng người con trưởng vẫn phải ở lại miền Bắc.

Gia đình bác Thợ Cháu cũng có hoàn cảnh tương tự. Bác có ba người con trai, người con trưởng tham gia du kích Việt Cộng và đã mất tích sau biến cố Mậu Thân. Người con thứ là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa và đã hy sinh trong trận Hạ Lào.

Mệ Nghè có chồng là một viên chức miền Nam trong ngành giao thông công chánh. Mệ sống một mình nên hàng đêm anh em tôi phải sang ngủ nhà mệ. Sau biến cố Mậu Thân, nhà Mệ bị lính Mỹ đốt cháy. Hòa bình lập lại Mệ phải ra Hà Nội sống cùng người con trai lúc ấy là Thứ trưởng của một Bộ trong chính quyền.

Với những người Việt Nam như thế, chuyện thắng thua đều vô nghĩa!

No comments:

Post a Comment