Tuesday, June 21, 2011

Con đường của Tuấn - Lão ngư và trải nghiệm đầu tiên về giàu nghèo và hạnh phúc

Năm thứ ba đại học, Tuấn và Minh được phân công chung một nhóm, cùng nhau tiến hành công việc thu thập số liệu ở vùng ven biển thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Công việc thực tập kéo dài  khoảng từ 2 đến 4 tuần.

Do trời hè nắng nóng, công việc thực địa tiến hành rất sớm. Khoảng 10 giờ 30 sáng, hai bạn đã kết thúc công việc để về nơi tạm trú.  Một buổi sáng, cùng nhau đi bộ về nhà trên bờ cát, một bên là biển, một bên chân đồi, Minh bỗng nhiên reo lên vì phát hiện ra trái dũ dẻ, một loại trái có mùi thơm như cam quýt nhưng nhỏ chỉ bằng hạt đậu phộng và có vị ngọt rất thanh.  Hai đứa vừa hái, vừa bỏ vào mồm nhấm nháp và tiếp tục tìm thêm quả khác. Tuấn nhận ra quy luật, càng trèo lên cao, anh càng hái nhiều trái chín và vị ngọt càng thanh hơn. Do mãi mê vừa đi vừa hái, vừa ăn, Tuấn đã leo lên lưng chừng đồi cao vài chục mét. Anh đưa mắt nhìn xuống thấp, thấy biển xanh lặng lẽ và hoang vắng vô cùng. Bỗng dưng mồ hôi lạnh toát ra, mặt mày Tuấn xây xẩm. Biết mình bị say nắng, anh ngồi bệt bên tảng đá, lớn tiếng gọi Minh.  Không thấy tiếng người đáp trả, anh liều lĩnh cho cơ thể trượt trên cỏ tranh và bụi gai trôi xuống chân đồi. Khi tỉnh dậy anh thấy cơ thể mình vắt ngang một tảng đá hoa cương tròn cạnh, theo bản năng, anh bò vào nấp sau bóng mát của một túp liều tranh độc nhất trên bờ biển. Lúc đó, Minh cũng vừa đi vừa gọi và phát hiện ra nơi Tuấn đang nằm, anh dìu Tuấn vào bên trong túp liều, nằm trên chiếc giường ghép bằng thân của những bụi cây hoang dại mọc trên sườn đồi.

Giữa trưa, một ông già bước vào lều. Minh bối rối giải thích lý do hai đứa dám tự tiện mở cửa vào lều.  Ổng lão không hề tỏ thái độ giận dữ trái lại rất ân cần, yêu cầu Tuấn hãy nằm xuống để nghỉ ngơi.

Tuấn ngũ thiếp đi một lát. Khi tỉnh giấc anh thấy ông lão đang ngồi đan lưới, anh gợi chuyện. Anh hỏi ông vì sao người ta gọi là trái dũ dẻ. Ông lão cho biết vùng núi này là nơi chúa Nguyễn Ánh một lần bị quân Tây Sơn đuổi đã dạt thuyền vào tìm nước.  Quân lính phát hiện quả hoang nhưng ăn được bèn hái dâng cho chúa.  Về sau, khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh cho đặt tên quả này là dũ dẻ để cảm ơn trời đất đã cho quân của ông trái lạ đỡ đói lúc ngặt nghèo.

Nhận thấy ông già vui chuyện, anh hỏi tiếp về kế sinh nhai. Ông lão chỉ tay ra biển cả thong thả nói, "Tối đi câu hoặc kéo lưới, sáng mang cá ra chợ bán, mua gạo, mắm mang về. Rau thì hái ở đằng sau nhà hay lá giang ở trên đồi."  Thế bác ở đây một mình, nhỡ đau ốm thì sao? Tuấn hỏi.  "Tôi chẳng bao giờ đau ốm gì cả."  Tuấn tò mò hỏi tiếp, "Thế bác có bao giờ đi lên thành phố Huế chưa?"  "Tôi chưa đến Huế bao giờ!"  Lão ngư vô tư trả lời.

Nằm vắt tay lên trán, anh tự hỏi.  Mình sắp ra trường, nghĩ đến cảnh xa quê, xa gia đình đã có cảm giác cô đơn, lo sợ. Còn cụ già này sống một mình bên bờ biển, không có bất cứ một tài sản nào ngoài một chiếc thuyền câu cá, sinh hoạt văn hóa cũng không có, bạn bè cũng không, nhưng cụ sống vô tư, thản nhiên như cây cỏ. Vậy hạnh phúc trong cuộc sống là gì, đâu phải chỉ nhà cửa cao sang, xe đẹp, địa vị cao và những lời chúc hay trong nhà hàng sang trọng như mọi người thường mô phỏng? Rồi anh nhớ lại chuyện của riêng mình.  Anh đã nghe lời khuyên của một số bạn không nên tiếp tục quen Khánh vì gia đình cô đã bán hết tài sản để về Sài Gòn. Anh nhận ra mình đã nông cạn và thiếu bản lĩnh  vì đã tìm cách xa lánh Khánh trước ngày cô ấy ra đi.

Nhận ra được điều này, Tuấn quyết định tiến hành công việc thực địa càng nhanh càng tốt để trở về gặp Khánh và cùng cô ấy đạp xe  trên những đường phố xinh đẹp của thành phố Huế thân yêu.

No comments:

Post a Comment