Sunday, November 10, 2013

Tinh thần Myanmar ở Yangon

Chiều thứ Bảy, các kỹ sư của công ty chúng tôi được chủ đầu tư bố trí để trình bày các giải pháp thi công công trình căn hộ cao tầng trước các đồng nghiệp của công ty đối tác Myanmar ở Yangon. Sau buổi thuyết trình, tôi đứng lên thay mặt đoàn công tác cảm ơn các kỹ sư Myanmar vì đã bỏ thời gian quý báu tham dự buổi thuyết trình mà lẽ ra họ phải được về nhà sau một tuần làm việc vất vả trên công trường.
 Hết sức ngạc nhiên, các kỹ sư Myanmar cho biết họ quay trở lại nơi làm việc chứ không về nhà. Tôi đưa mắt hướng về giám đốc công ty như để hỏi “Có thật thế không”. Vị giám đốc gật đầu xác nhận.
 Trên chuyến xe do ông tự lái đưa tôi về cư xá, vị giám đốc cho biết, ông giao công việc cho nhân viên và đánh giá thành tích của họ dựa trên kết quả đạt được theo mốc thời gian đã cam kết. Các kỹ sư trẻ do năng lực giải quyết công việc còn chậm, họ phải tự mình làm cho xong việc được giao. Căn cứ trên thành tích công tác, nhân viên được thưởng khuyến khích và có thể được điều chỉnh lương chứ không phải chờ đến đợt xét tăng lương theo kế hoạch định sẵn.
 Ngoài tinh thần hưng phấn có lẽ do đất nước đang trong thời mở cửa đón nhận những vận hội mới, tiếp xúc với các công ty và các cấp quản lý, tôi thấy người Myanmar có những tư chất khả dĩ họ có thể nhanh chóng khôi phục nền kinh tế của đất nước sau những năm dài bị cô lập.
Thứ nhất là cách suy nghĩ lấy nguyên tắc thương mại làm nền tảng. Chẳng hạn, để triển khai xây các cầu vượt ở thành phố Yangon, họ thuê các tư vấn Nhật Bản cung cấp giải pháp; để xây nhà cao tầng, họ thuê các kỹ sư Việt Nam của công ty chúng tôi làm tư vấn. Tuy thế, từ các đề xuất của chuyên gia Nhật hay Việt Nam, khi triển khai, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí kỹ thuật và ý kiến của chuyên gia, họ luôn tìm các giải pháp với chi phí hợp lý nhất.
Thứ đến, khác với người Việt chúng ta, khi giao tiếp thường có thói sĩ diện, sợ bị coi là dốt nên không dám hỏi và rất ức chế khi bị đối xử cảm thấy mình bị “mất mặt”, người Myanmar biết cách đặt câu hỏi để hiểu cho đến ngọn ngành một vấn đề họ muốn biết. Khi đã nhận ra giá trị của giải pháp tư vấn, người Myanmar có thái độ chấp nhận những kiến thức mới và nhanh chóng ứng dụng ngay vào thực tế công việc hàng ngày.
Một quan sát nhỏ nhưng làm cho chúng ta phải suy nghĩ, đó là tình yêu thú vật. Ở Yangon, chim chóc bay lượn và đậu đen cả trên các ngọn dừa hay dây điện. Trong khu đất công trình đang xây chung cư cao tầng của chúng tôi, mỗi sáng chim bồ câu trống mái cất tiếng gáy gọi nhau. Thỉnh thoảng nhìn lên cây chúng tôi còn thấy các chú sóc chuyền cành. Chim quạ hầu như không bị ai bắn. Các quán ăn hầu như không có bán các loại chim chóc, rắn như ở xứ mình.
Tinh thần mộ đạo không khác biệt đối với người nghèo. Người nghèo vẫn phát chẩn cho sư khất thực. Ai không có gì cho thì chấp tay vái để vị sư biết và bước đi. Khi được hỏi vì sao dù nghèo vẫn tích cóp vàng hay lễ vật để dâng cho chùa, nhiều người Myanmar theo đạo Phật cho biết khi đau ốm hay gặp chuyện phiền muộn, họ ngồi thiền cho tĩnh tâm và thường tự hứa với đức Phật sẽ cúng dường khi cơn bỉ cực qua khỏi. Phải chăng vì ảnh hưởng của tôn giáo đã làm cho giữa các giai cấp dù có cách biệt vẫn không đến nỗi tạo ra đối kháng. Ở Yangon, bạn sẽ ngạc nhiên vì người nghèo không hề tỏ thái độ hằn học hay bực tức đối với lớp người giàu có.
Hy vọng với những yếu tố xã hội ở trên sẽ làm nền tảng cho Myanmar thật sự cất cánh hóa rồng.

No comments:

Post a Comment