Sunday, November 10, 2013

Thầy ơi!

Ngạn ngữ Trung Quốc có câu, “Muốn lợi ích 10 năm thì trồng cây. Muốn lợi ích trăm năm thì trồng người”. Riêng tôi, mới hơn 10 năm làm thầy đã thấy bao câu chuyện vui buồn về quan hệ thầy trò.
Ông Ngô Văn Giáo, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Giống cây trồng miền Nam, một ngày nọ gọi tôi, “Thầy ạ! Tôi muốn mời thầy uống cà phê”. Một thời gian sau buổi cà phê ấy, ông giới thiệu tôi với Đại hội đồng cổ đông và từ đó tôi có cơ hội gắn bó với công ty này.
Một nhóm ba sinh viên Khoa Thương mại Đại học Văn Lang (Lộc-Bảo-Triết) sau khi tốt nghiệp đã chung tay thành lập công ty. Trải qua hơn 10 năm thăng trầm, biết bao lần các bạn ấy gọi “Thầy ơi!” để chia sẻ thành công và tham vấn lời khuyên khi gặp khó. Chẳng hạn, bạn Triết vừa mua được ô tô, mời thầy về Bến Tre câu cá dã ngoại. Bạn Lộc lên đường đi Trường Sa công tác, trong khi đang cùng Bảo tiến hành tái cấu trúc công ty sao cho gọn nhẹ và hiệu quả hơn cũng mời thầy ăn trưa để tư vấn. Còn bạn Khánh Vân sau hơn 10 năm làm việc cho các tập đoàn quốc tế như Kimberly Clark, Pepsi, gọi thầy để hỏi về con đường dựng nghiệp thênh thang phía trước.
Không chỉ có chuyện vui, trong một cuộc gặp mặt gần đây, các bạn sinh viên Đại học Giao thông Thành phố Hồ Chí Minh, băn khoăn hỏi thầy về con đường tìm kiếm việc làm ngay từ ngày đầu vào năm thứ nhất của chương trình đại học. Tựu trung các em hỏi: “Thầy ơi! Đa số thông tin tuyển dụng đều yêu cầu ứng viên có hai năm kinh nghiệm làm việc, chúng em ra mới ra trường làm sao thỏa mãn yêu cầu này?”. Quả tình là có sự thiếu tin tưởng, nếu không nói là thiếu tôn trọng lớp trẻ khi đưa ra những yêu cầu tuyển dụng như thế!
Ở Nhật, các công ty có cách tuyển dụng nhân viên từ khi họ mới vào trường đại học. Sinh viên được tuyển chọn vào chương trình đào tạo nguồn nhân lực được yêu cầu tham gia với công ty trong từng công việc theo kiểu dự án riêng lẻ. Tất nhiên, họ sẽ nhận phụ cấp theo thành quả tham gia với công ty. Qua thời gian, sinh viên làm quen môi trường doanh nghiệp sẽ thấy không bỡ ngỡ khi vào làm việc chính thức. Tuy vậy, sinh viên cũng có quyền từ chối không nhận việc ở doanh nghiệp sau khi ra trường mà không cảm thấy bị mang tiếng là vô ơn.
Ở Mỹ, nơi mà cơ chế xã hội và môi trường kinh doanh luôn tôn vinh giới trẻ theo kiểu ai có sức cống hiến và mang lại thành tích kinh doanh cao, họ là vua của ngọn đồi (King of the hill). Vì thế, lớp trẻ không phải nộp đơn xin việc mà câu chuyện là họ sẽ mang giá trị gì đến cho doanh nghiệp. Cùng quan điểm này, thầy Nguyễn Hữu Lam của Khoa Quản trị kinh doanh Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, tỏ ra bức xúc khi anh nói: “Tôi thù hai chữ “Xin việc”. Theo thầy Lam, lớp trẻ cần có ba chữ C trong đầu khi tìm việc. Trước hết, hay tỏ ra mình nghiêm túc với nơi đến nộp đơn tuyển dụng (commitment); thứ đến, hãy chứng tỏ năng lực của mình với công việc (competence); và tiếp theo, hãy nói được mình đóng góp gì cho tổ chức (contribution).
Các em ạ! Hãy đọc câu chuyện này để có cảm xúc mạnh mẽ trong chuyến hành trình của mình phía trước. Hãy suy nghĩ về ý kiến của thầy Lam. Tôi chỉ khuyên các em, khi có ba chữ C ở trên, hãy quên đi thái độ khúm núm, xin xỏ khi bước vào cửa của đơn vị tuyển dụng.

No comments:

Post a Comment