Sunday, November 10, 2013

Thế nào là kinh doanh hướng về khách hàng?

Tuần rồi, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhờ soạn báo cáo về tình hình hoạt động của ngành xây dựng để trình bày tại cuộc họp thường niên của Liên đoàn Nhà thầu ASEAN. Như mọi khi, tôi dạo một vòng quanh các trang chủ của Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB)… để thu thập thông tin kinh tế và cập nhật báo cáo đã thực hiện từ kỳ họp trước.
Chưa hài lòng với số liệu kinh tế có được, tôi tìm thêm ở các trang chủ của một số tổ chức chuyên cung cấp dữ liệu chuyên ngành. Ở các trang này thông tin cung cấp phải trả phí, nhưng để thu hút sự chú ý của người tìm kiếm thông tin, nhà cung cấp thường cho phép đọc trích đoạn một phần các báo cáo. Dù chỉ được cung cấp một trích đoạn của nguồn tin, người truy cập cũng phải khai báo mình là ai, tại sao cần thông tin, đồng thời phải cung cấp địa chỉ thư điện tử và số điện thoại của mình.
Có ít còn hơn không, tôi đã làm theo hướng dẫn của một trang chủ tên là Giám sát thông tin toàn cầu (BMI) và đã có một tóm tắt số liệu về tình hình phát triển của ngành xây dựng Việt Nam không đến nỗi tồi. Hơn thế nữa, vào buổi chiều hôm đó, tôi bỗng nhận một cú điện thoại từ London, Anh Quốc. Qua trao đổi, người gọi điện thoại đến cho biết anh ta đang làm ở công ty BMI và ngỏ ý nếu tôi cần thêm thông tin, anh sẽ hướng dẫn thông qua máy tính có internet trực tuyến để tôi có thể lấy toàn bộ nội dung dữ liệu mình cần.
Nửa tin nửa ngờ, tôi hỏi vì sao anh lại cung cấp miễn phí dịch vụ có giá trị cung cấp một báo cáo đến hơn một ngàn đô la Mỹ. Cẩn thận hơn, tôi đề nghị anh xác nhận bằng thư điện tử. Quả vậy, anh xác nhận rằng qua thông tin do tôi cung cấp, nhận thấy BMI đã tìm đúng khách hàng sử dụng dịch vụ thông tin nên sẵn sàng cho sử dụng miễn phí để trải nghiệm về dịch vụ của họ. Ngoài ra, qua việc sử dụng này, anh cũng mong nhận được ý kiến đóng góp của tôi để cải thiện dịch vụ của công ty mình.
Sự việc này khiến tôi nhớ lại, hồi ở đại học, thỉnh thoảng, các công ty cung cấp dịch vụ dữ liệu thương mại như Proquest, Dow Jones, Factiva… cũng có dịch vụ miễn phí có thời hạn cho giáo viên và sinh viên như là một cách quảng bá dịch vụ của mình.
Điều đáng để suy nghĩ ở đây là tất cả báo cáo của các công ty như BMI này đều có nguồn gốc thông tin thu thập từ các cơ quan hành chính ở nước ta. Thế nhưng, vào các trang chủ của các cơ quan hành chính công từ trung ương đến địa phương, nơi tạo ra dữ liệu cho các báo cáo quốc tế này, chúng ta lại không thể thu thập được một cách có hệ thống, có tính thường xuyên cập nhật, chưa nói đến tính chính xác của nó. Ngoài ra, cách tổ chức thông tin trên các trang chủ của các bộ, các sở thuộc các ủy ban nhân dân các tỉnh khiến chúng ta phải suy nghĩ rằng lãnh đạo của các đơn vị này dường như chưa đánh giá đúng vai trò quan trọng của thông tin trong việc xây dựng niềm tin của cộng đồng quốc tế và góp phần thu hút sự quan tâm của giới đầu tư quốc tế vào sự phát triển kinh tế của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng.
Thông tin kinh tế thương mại cần được tổ chức một cách khoa học, theo tiêu chuẩn phổ biến của quốc tế như cách làm của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á Châu, hoặc trang cơ sở dữ liệu IE của chính phủ Singapore… Ngoài ra, tính sẵn có và thông tin được cập nhật liên tục trên các trang chủ của các cơ quan chuyên trách của nhà nước cần được coi là công cụ để thu hút sự chú ý của cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế một cách thiết thực.
Chúng ta còn lâu mới so với cách làm của các hãng tin chuyên ngành nói trên. Nhưng điều chúng ta có thể học là thái độ kinh doanh hướng về khách hàng của họ. Thật đáng buồn khi chúng ta muốn giới thiệu tình hình phát triển kinh tế để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại vào nước mình nhưng lại phải dựa và các nhà cung cấp thông tin quốc tế.

No comments:

Post a Comment