Friday, August 23, 2013

Uổng quá tài Việt!

Bạn tôi, Hùng, sang Mỹ học về quản trị công nghệ năm 1994. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ về nước năm 1997, anh trở về trường đại học nơi mình ra đi tìm cách để ứng dụng những kiến thức và kỹ năng đã học. Tìm mãi cũng không chọn nơi làm việc cho phù hợp, anh đành phải chấp nhận làm việc tại Trung tâm tư liệu Đại học Đà Nẵng. Sau gần mười năm lăn lộn với lĩnh vực khoa học hoàn toàn mới lạ, anh đã góp phần biến Trung tâm này thành một nơi cho cả ngành thư viện Việt Nam đến tham quan học tập về quản lý thông tin thư viện. Tuy nhiên, do cơ chế đề bạt cán bộ của nhà nước, bản thân anh cũng phải hợp thức hóa vị trí của mình bằng cách học thêm một bằng thạc sỹ thư viện để nhận chức giám đốc trung tâm. Sự nghiệp đang vững vàng thì anh bị bệnh tim và qua đời một cách đột ngột ở tuổi 50.

Minh sang Mỹ học thạc sỹ về kinh tế phát triển ở Khoa Kinh tế phát triển, Đại học Vanderbilt. Anh học rất giỏi các ngành khoa học liên quan đến tính toán như xác suất thống kê, toán cao cấp, toán kinh tế… Vì thế anh trở thành người phụ đạo cho rất nhiều sinh viên đến từ Châu Phi, Indonesia, Philippines, Malaysia… và được tôn kính như giáo sư.

Giáo sư dạy môn kinh tế lượng thấy anh quá xuất sắc đã cho phép anh làm trợ giảng và trả thù lao tương xứng cho anh. Khi anh tốt nghiệp, vị giáo sư này còn đề nghị cấp học bổng để anh ở lại trường học tiếp lên bậc tiến sĩ. Nghĩ rằng đất nước đang hồi sinh, về đúng lúc sẽ đóng góp nhiều hơn, anh quay lại Việt Nam. Hơn 15 năm qua, tôi vẫn chưa thấy tên anh xuất hiện trên các báo đọc mỗi buổi sáng hàng ngày. Thế nhưng, tôi vẫn mong sao anh có thể đóng góp sức mình cho đất nước dù ở bất cứ vị trí nào đi nữa. Vì thế, tôi vẫn chờ mong.

Hùng và Minh chỉ là hai ví dụ điển hình trong số ít những người tôi quen biết. Rất nhiều những gương sáng học tập của người Việt của chúng ta khắp năm châu được nêu trên các báo hàng ngày. Nhân tài nước Việt không thiếu, nhưng chúng ta thiếu vắng các điều kiện kinh tế xã hội để họ thi thố tài năng.

Vì thế, đừng hỏi vì sao nền kinh tế của chúng ta vẫn còn trì trệ, nền khoa học kỹ thuật của chúng ta vẫn chưa có lối ra. Con cháu chúng ta vẫn tiếp tục đổ mồ hôi gia công hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp của chúng ta vẫn đào bới tài nguyên đem bán thô ra thị trường các nước.

Hàng ngàn sinh viên trong nước, tốt nghiệp ra trường vẫn rất khó kiếm được việc làm. Hàng trăm sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài về muốn có thu nhập tương xứng với đầu tư của gia đình đành phải tìm cách làm cho thuê cho các công ty, tổ chức nước ngoài. Uổng quá tài Việt!

No comments:

Post a Comment