Friday, December 07, 2007

Lề đường, cốt nền và tục phong thủy



Mỗi ngày đi về đôi khi cũng cho chúng ta nhiều quan sát thú vị về cảnh vật và con người hai bên đường.

Phát hiện đầy ngạc nhiên là từ mép nhà ra phía lề đường, các chủ hộ thường xây luôn phần lề theo ý mình với các loại vật liệu tự chọn. Do cốt nền khác nhau, lề đường cũng xuôi theo mặt đường ở các độ dốc khác nhau để thuận tiện cho các loại xe vào hay ra. Vô hình trung, lề đường gần như là “thềm lục địa” của các chủ hộ mặt tiền chứ không phải phần đất để dành cho người đi bộ. Điều gì khiến phần lớn lề đường đa số bị xâm phạm?

Trước hết, phải nói rằng từ cơ quan nhà nước cũng như tư nhân, ai ai cũng tận dụng mặt tiền và lề đường. Lề đường là nơi các công ty điện lực, công ty điện thoại, công ty truyền hình cáp chôn đầy các cột điện, cột đỡ dây điện thoại, lắp đặt cáp điện thoại, cáp truyền hình. Lề đường còn là nơi treo băng rôn, quảng cáo, nơi để thùng rác công cộng, là nơi cất các nhà tạm dành cho dân phòng ngũ qua đêm. Lề đường, là nơi kinh doanh của bất cứ ai có được căn phố mặt tiền, nơi để xe của các cửa hàng hai bên đường, nơi để nấu nướng, pha chế thức ăn, thức uống của các quán nhậu, giải khát, thậm chí còn là nơi họp chợ. Ở chợ Hòa Hưng, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh, người dân còn mổ cá, cắt tỉa trái cây, hoa và bán cả thịt gà, vịt, heo ngay trên lề đường.

Rất mừng vì một số con đường lớn ở thành phố Hồ Chí Minh đang được đào lên để lót gạch có cùng màu và cùng cao độ Tuy nhiên, mỗi khi làm xong, thật trớ trêu, các căn hộ mặt tiền giờ đây bày ra như răng khểnh. Rõ ràng do thiếu quy định cốt nền cho từng con đường, người dân tự chọn cốt nền cho căn nhà của mình theo ý thích.

Không chỉ vì thích, theo tìm hiểu, có lẽ người dân còn bị ảnh hưởng tục phong thủy. Phong thủy là nét văn hóa cổ có ảnh hưởng khá lớn trong xây dựng của người Hoa. Người Hoa xưa tin rằng vũ trụ sinh ra và tồn tại là nhờ vận động của âm dương, ngũ hành. Âm (Yīn) tượng trưng cho bóng râm, mây che, các màu tối, giống cái, theo hướng đi xuống, và tượng trưng cho bóng đêm. Dương (Yáng) tượng trưng cho nơi sáng sủa, ánh nắng, các yếu tố hoạt động, các màu sáng, giống đực, theo hướng đi lên và tượng trưng cho ban ngày Vì ai cũng muốn hưng vượng, dân ta hiểu một cách đơn giản, phải xây cao hơn nhà kế bên một chút để cho hên. Kết quả là nền nhà, lề đường, thậm chí chiều cao tầng nhà liên kế hình hộp diêm không bao giờ có được một sự hài hòa của không gian đô thị hiện đại. Thực ra, theo quan niệm phong thủy của người Hoa, mọi tạo vật trong tự nhiên đều có chứa đựng cả hai yếu tố âm và dương. Cả hai yếu tố này vận động không ngừng chứ không tĩnh tại. Áp dụng phong thủy trong xây dựng chính là tìm sự hài hòa của môi trường để con người sống và làm việc sao cho hiệu quả và để cùng nhau tồn tại chứ không phải để tạo sự mất cân đối của người khác, thậm chí phá hủy môi trường tự nhiên. Tiếc thay, thiếu nghiên cứu, thiếu tầm nhìn, chúng ta lại làm cho cuộc sống của chính mình bị cản trở và lãng phí một cách vô ích.

Nói rằng thiếu nghiên cứu vẫn còn hơi đao to búa lớn. Chỉ cần quan sát là tốt lắm rồi. Hồi nhỏ cứ mỗi lần tần ngần đứng ngắm ô tô chạy trên quốc lộ 1 hay xe lửa chạy qua tuyến đường sắt Bắc –Nam, tôi cứ thắc mắc vì sao mặt đường xây cao đến như vậy. Về sau, khi tham gia ngành cầu đường, tôi mới hiểu ra, các kỹ sư đã tính toán đến cả hai vấn đề tránh lũ và tránh lún. Do vậy, chỉ cần quan sát các công trình tồn tại lâu hàng thế kỷ, chúng ta có thể nhận ra các quy luật. Tương tự như thế, nếu bạn về thăm các căn nhà cổ, đền, chùa, ở Đồng bằng Sông Cửu Long, bạn sẽ nhận ra cốt nền của các công trình khá cao, vừa để cho nơi thờ phượng hay cư trú cao ráo, thoáng mát lại vừa kinh tế do không phải gia cố nhiều lần vì hai vấn đề lũ và lún nói trên.

Trên các phương tiện thông tin gần đây hay đề cập đến hai chữ tâm và tầm. Hai chữ này cũng rất hợp trong câu chuyện của chúng ta. Hãy lấy thành phồ Hồ Chí Minh làm ví dụ. Nhu cầu đất ở Thành phố quá nóng. Nếu làm nên một con đường, đất hai bên tăng giá hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Đại lộ Nam Sài Gòn là một ví dụ quá rõ, con đường này là cửa ngỏ thông về phía Nam của khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Mặc dầu đường băng qua khu sình lầy, các căn hộ cao tầng và khu biệt thự ăn theo đang mọc lên như nấm. Cả một vùng sinh thái ngập mặn, cửa thoát của các con kênh bắt nguồn từ các quận nội đô thành phố Hồ Chí Minh đang bị san lấp, bịt kín. Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ hễ mưa là ngập. Ngân sách của thành phố giờ đây không thể không chi cho việc chống ngập. Xét về mặt kinh tế, cả hai nhóm, người có của cải mua được nơi ở đẹp và dân nghèo thành phố đều phải đóng góp ngân sách cho việc chống ngập. Duy chỉ có báo cáo kết quả lợi nhuận của công ty, cá nhân kinh doanh địa ốc là tăng mấy chục, thậm chí mấy trăm phần trăm một năm.

Chuyện nhỏ về cốt nền và lề đường cũng cho thấy thành phố cần có ngay một quy hoạch mang tính chiến lược cho sự phát triển trong tương lai gần. Trái đất đang ấm dần lên, mực biển sẽ dâng cao, nghe nói nước ta sẽ có khoảng 16 triệu người mất nơi cư ngụ. Chuyện ấy còn xa vời quá, nhưng Thành phố vỡ đê bao vừa rồi là một báo động đỏ về nguy cơ lãng phí tiền của vô cùng to lớn nếu không bắt tay tính toán chuyện quy hoạch đô thị ngay từ bây giờ.
Mời các bạn đọc bài này từ Tuổi trẻ: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=233634&ChannelID=118

No comments:

Post a Comment