Tuesday, July 05, 2011

Từ Angkor Watt nghĩ về Việt Nam

Trải qua nhiều thời đại vương quốc Khmer từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ 12, hằng trăm đền tháp đẹp và hoành tráng được xây dựng để tôn vinh hai tín ngưỡng lớn xuất phát từ Ấn Độ, đó là đạo Hindu và đạo Phật. Ngày nay, quần thể đền đài ở Siemriep mà Angkor Wat là điển hình đã được UNESCO công nhận là kì quan thế giới.
Vật liệu xây đền là các khối sa thạch lớn, được vận chuyển từ một vùng núi cách xa khoảng 50-60 cây số.  Không có máy móc thiết bị, nhưng chúng được nâng, xây ghép chồng lên nhau thành những đền tháp có độ cao khoảng 45-50 mét. Các mạch đá gắn khít khao đến nỗi theo một anh bạn của tôi, chúng ta không thể chèn một danh thiếp vào được.
Vô số tượng đá hình các linh vật như khỉ, sư tử, rắn thần, cùng với tượng phật các kiểu được tạc từ đá sa thạch rất có hồn. Hàng trăm tượng tiên nữ với các kiểu tóc không hề trùng lắp. Bức tranh tạc bằng đá dài hàng chục mét mô tả toàn cảnh đời sống của người Khmer xưa trong thời chiến tranh cũng như hòa bình. Các hoa văn, họa tiết tài hoa, sắc nét và đẹp khiến chúng ta ngẩn ngơ. Thêm vào đó, bao quanh đền đài là các hồ nước được đào ngay ngắn tạo nên cảnh quan phản chiếu cảnh đền tháp linh thiêng dưới ánh nắng ban chiều.
Chính vì quá đẹp và hoành tráng như thế, mỗi năm, có hàng trăm ngàn khách du lịch đến Angkor để chiêm ngưỡng kiệt tác của nền kiến trúc Khmer và đã khiến cho thành phố Siemriep trở thành một điểm du lịch nổi tiếng thế giới với các thương hiệu khách sạn 5 sao danh tiếng.
Anh bạn đồng hành hỏi tôi, “Theo anh có thể rút ra bài học gì khi đến viếng Angkor?” Tôi nói ngay, đối với một công trình vĩ đại như thế, không có lòng kiên định, e khó có thể hoàn thành được.  Quả thật, Angkor Wat được xây với thời gian 37 năm. Nghe nói, cuối cùng thì người dân xây đền nổi loạn vì thiếu lương thực do mất mùa đói kém, khiến cho một vài chi tiết điêu khắc trong đền chưa kịp hoàn thành.
Thế ở Việt Nam chúng ta có gì để so sánh? Anh bạn hỏi tiếp.  Chùa một cột! Chùa một cột vĩ đại ở chỗ nào? Anh hỏi dồn. Tôi triết lý, “Sự đơn giản chính là sự vĩ đại.” Những thành viên khác cùng đi trong đoàn cười ồ.  Không ngờ, anh bạn tôi chậm rãi cắt nghĩa theo chiều hướng ấy. Các vua chúa Việt Nam ngày xưa vì nghèo và thương dân đã không bắt họ lao động khổ cực xây nên những công trình gì to lớn. Trái lại, chỉ có những người cuồng tín nếu không nói là điên rồ như mấy ông vua Khmer mới dốc hết tài nguyên, nhân lực xây nên những công trình vĩ đại như thế này để rồi đưa đất nước đến chỗ diệt vong. 
Nói thế, nhưng anh đã chia sẻ nhiều trải nghiệm đáng quý.  Theo anh, bài học đầu tiên có thể rút ra từ cuộc thăm viếng Angkor Wat là tài năng, trí tuệ của con người chúng ta có thể là vô hạn, vượt cả không gian lẫn thời gian nếu nhà lãnh đạo biết khơi dậy đúng cách.  Mặc dầu động lực của sự sáng tạo ra quần thể Angkor Wat có thể xuất phát từ niềm tin tôn giáo, nhưng những kiệt tác điêu khắc trên đá cách đây cả ngàn năm khiến chúng ta ngày nay phải sửng sốt. Nửa đùa nửa thật, bạn tôi so sánh với các công trình do chúng ta xây nên ở Sài Gòn, Hà Nội ngày nay.  Anh nói, tài năng, trí tuệ và năng lực tổ chức lao động trên các công trình xây dựng của chúng ta ngày nay chắc gì đã giỏi hơn những người Khmer xưa, những người đã xây nên các đền đài ở Cambodia mà Angkor Wat là một điển hình.  Vâng, ngày nay, ở mỗi công trình chúng ta có các bên, đại diện chủ đầu tư, nhà thầu, quản lý dự án, quản lý chất lượng, nhưng chắc gì chúng ta làm nên một công trình có chất lượng bền vững cả ngàn năm như Angkor.
Tuy vậy, thành tựu của Angkor cũng cho chúng ta thêm một bài học thứ ba nếu nhìn từ mặt trái của nó, đó là, trên đời này không có gì là bất biến, nhà lãnh đạo ngày nay cần phải rút tỉa bài học cay đắng của các vương triều Khmer, đó là, cần tạo ra một sự chuyển đổi đất nước, tổ chức một cách thích ứng, đúng thời điểm, đúng cách mỗi khi hoàn cảnh hoặc thời thế thay đổi. 
 Giữa Tiên và Phật!

1 comment:

  1. Anonymous9:40 AM

    Theo cháu nghĩ lý do tại sao Việt Nam từ thời xưa không có những công trình quy mô hoành tráng như Angkor Watt còn có thể do một nguyên nhân đó là quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam có những nét khác biệt với các quốc gia khác.
    Thông thường, hình thái kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia sẽ trải qua năm giai đọan phát triển tiếp nối là xã hội công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và ngày nay đang quá độ lên hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa.
    Nhưng ở Việt Nam không không trải qua (hoặc trải qua nhưng không đầy đủ) giai đoạn chế độ chiếm hữu nô lệ. Theo cháu được biết, xã hội Văn Lang thời xưa ở nước ta không có chế độ chiếm hữu nô lệ điển hình như ở Hy Lạp, chỉ có chế độ nô lệ gia đình mà mọi người thường gọi là “phương thức sản xuất Châu Á”. Chính vì vậy sự bóc lột sức lao động, khai thác tài nguyên không diễn ra mạnh mẽ như ở một số quốc gia khác.Thêm vào đó, sự bóc lột ở trên quy mô nhỏ và không diễn ra gay gắt có thể làm “mềm” hóa suy nghĩ của tầng lớp thống trị như chú đã đề cập là “Các vua chúa Việt Nam ngày xưa vì nghèo và thương dân đã không bắt họ lao động khổ cực xây nên những công trình gì to lớn.”
    Đấy chỉ là những suy nghĩ của cá nhân cháu. Rất mong nhận được những kiến giả sâu sắc hơn từ chú?

    ReplyDelete