Sunday, May 29, 2011

Con đường của Tuấn

Tuấn sinh ra ở một làng quê ven đô thuộc thành phố Huế.  Chỉ cách thành phố chừng 5 km nhưng làng Ngọc là một vùng thuần nông. Cư dân của làng chỉ có hai lựa chọn, hoặc là học hành chăm chỉ để làm công chức hoặc làm nông.  Đất trồng lúa diện tích hẹp và phần lớn là ruộng hương hỏa nên trong một xóm điển hình như xóm của Tuấn, với 20 hộ dân, giới công chức chiếm đa số.  Tuy vậy, gia đình Tuấn là một trong những hộ nông nghiệp khá lớn của làng do canh tác trên diện tích của dòng họ là những người ly hương tìm cuộc sống ở xứ khác. 

Tuổi thơ của Tuấn giờ đã xa mờ so với tuổi ngũ tuần của anh hiện nay. Những câu chuyện thời thơ ấu của Tuấn kể cho tôi nghe là những kỷ niệm vui buồn sâu sắc nhất mà theo lời Tuấn, phần lớn là những việc khiến anh sợ hãi nhất khi đối mặt.

1. Ngôi chùa khiếp sợ:
Chùa chiền là nơi con người đến để có được cảm giác bình an vì được che chở.  Tuy vậy, đa số trẻ con mỗi khi đi ngang qua ngôi chùa của làng Chiết Bi đều phải cúi đầu.  Tuổi thơ của Tuấn cũng trải qua nỗi khiếp sợ đó.  Chùa được xây cất ven sông Như Ý. Do xói lở bờ sông, đáy nước trước mặt chùa rất sâu. Những cây cổ thụ to lớn với tàn lá tỏa rộng che kín một vùng khiến lối đi qua chùa luôn bị thiếu ánh sáng. Đôi voi phục bằng đá xám trước cổng chùa hẹp sơn màu đỏ luôn đóng kín làm cho cảnh vật thêm huyền bí.  Trẻ con đi ngang chùa thường phải đi thành nhóm và đa số phải xách dép lên mà chạy.
Kí ức của Tuấn có thể nhớ lại sớm nhất là lúc vào học lớp 3 trường làng.  Mỗi ngày, đi qua lại chùa hai lần, Tuấn đều phải khóc vì không chạy kịp theo anh chị lớn tuổi hơn.  Nỗi sợ ấy ám ảnh đến nỗi sau này khi đã trưởng thành, mỗi khi đi ngang ngôi chùa này, Tuấn vẫn bất chợt rùng mình.
Sau sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, Tuấn thôi không đi qua ngôi chùa này vì ngôi trường của Tuấn ở làng Dưỡng Mong Thượng đã bị phá hủy.  Tuấn phải dời sang trường tạm để hoàn tất chương trình lớp 3 và được nhận vào trường Vĩ Dạ theo học hai lớp 4 và 5 để hoàn tất bậc tiểu học. 
2. Tiến thét đêm quật khởi:
Tuấn cùng với anh trai thường hay ngủ qua đêm ở nhà của một người bác họ trong xóm. Người bác già sống một mình cô đơn, cha của Tuấn yêu cầu anh em Tuấn sang ngủ cho vui cửa vui nhà.  Vả lại, bác Khóa thường thưởng công cho anh em Tuấn bằng những món mứt bánh do bác tự làm.  Ngoài ra, bác còn cho phép thắp đèn để học đêm. Nhất cử lưỡng tiện nên anh em Tuấn không bỏ cơ hội tốt này. 
Đêm 30 Tết Mậu Thân, gần sáng, tiếng súng nỗ đanh cùng tiến hô "Xung phong" làm anh em Tuấn khiếp sợ chui xuống gầm phản. Sáng dậy, gần như toàn vùng làng quê của Tuấn trở thành vùng do quân giải phóng kiểm soát. Những ngày tiếp theo đó, tiếng pháo nỗ thay bằng tiếng súng đì đùng.  Cha của Tuấn bị du kích giải phóng quân bắt dẫn đi vì sau khi lục soát toàn bộ ngỏ ngách trong nhà họ không tìm được người anh rễ là một người lính của quân đội Sài Gòn. Khoảng mấy ngày sau ông được cho về.  Khoảng 20 người khác trong làng, những người có công việc dính líu với chính quyền Sài Gòn được mời đi họp đã không bao giờ trở lại.  Đa số họ về sau này được tìm thấy trong những hố chôn tập thể, tay trói lại thành xâu chuổi bằng dây điện thoại ấp chiến lược của Mỹ. Ai giết những người này cho đến nay vẫn còn là một ẩn số.
3. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng:
Sau khi quân giải phóng rút khỏi thành Huế, các lực lượng du kích vẫn còn tiếp tục chiến đấu. Làng quê của Tuấn trở thành vùng tranh chấp "ngày quốc gia-đêm du kích".  Trước tình hình đó, cha Tuấn quyết định dựng nhà ở Chợ Mai để sau mỗi ngày đồng áng, ông cùng anh em Tuấn trú tạm ở đấy.
Ngôi nhà tạm làm bằng khung tre, mái lợp tôn. Vật dụng trong nhà chỉ có một giường đủ lớn cho ba cha con và một bàn ăn cùng làm bàn học cho Tuấn. Láng giềng là một ông thông phán. Ông Hoàng làm thông dịch viên cho người Pháp. Vì thế, mọi người gọi tên ông là Thông Hoàng.
Thông Hoàng chuyên đọc báo Đuốc Nhà Nam. Báo đọc xong được lưu trữ chất thành kho trong một phòng rộng của căn nhà ba gian hai chái, một kiểu nhà rường cổ ở Huế.  Mỗi buổi chiều, báo từ Sài Gòn chuyển về Huế, Thông Hoàng gọi Tuấn sang đọc cho ông nghe.  Ông nằm ngả người trên ghế xếp, tay xua quạt nan, mắt lim dim.  Tuấn đọc cho ông nghe bắt đầu từ trang thời sự trong nước, quốc tế, rồi kết thúc bằng tiểu thuyết dài nhiều tập "Châu Về Hiệp Phố" hay "Tuấn chàng trai nước Việt" của nhà văn Hoàng Hải Thủy.
Việc đọc báo thuê hàng ngày đã mang đến cho Tuấn những kết quả kỳ diệu. Môn chính tả, ngữ văn của Tuấn lúc nào cũng đạt điểm 10 trong lớp. Kỹ năng viết của Tuấn sau này còn giúp anh thành công khi làm những bài luận văn bằng tiếng Anh trong kỳ thi tuyển của Viện Phát triển Quốc tế Đại học Harvard. Tuấn nói, sự nhạy bén về môi trường chính trị còn giúp cho anh nhiều hơn khi gia nhập cơ quan ngoại giao đoàn của Mỹ về sau.  Ngoài ra, anh còn được Thông Hoàng trả công bằng vật chất, khi thì một trái vú sữa, quả chuối, hay quả măng cụt...khi thì một muỗng cà phê bơ Pháp thơm ngon đặt trên chén cơm nóng của bửa ăn sáng vào ngày hôm sau.
(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment