Sunday, November 07, 2010

Từ Ai Cập nghĩ về Việt Nam

Chuyến đi thăm thủ đô Cairo và Khu nghỉ dưỡng Domina Coral Bay ở Sharm El Sheik, Ai Cập quả là một sự kỳ diệu của cuộc sống dành cho cá nhân tôi.

Là một người thích học hỏi, tôi coi chuyến đi này là một chuyến du học ngắn hạn về điều hành và quản trị khu nghỉ dưỡng cao cấp. Chuyến đi này còn giúp tôi "mở trí" thấy được người thật, việc thật, tận mắt chứng kiến cách phát triển khu nghỉ dưỡng cao cấp trên thực tế diễn ra như thế nào. Tôi nhận ra một thực tế đầy mỉa mai trong xã hội loài người, chúng ta đôi khi là nạn nhân của sự thành công của chính mình. Chẳng hạn, khu nghỉ dưỡng và khách sạn Domina đã bị bao vây ba phía, trừ mặt biển, sau 20 năm hoạt động. Giá phòng của Domina từ khoảng 1000 euro/phòng những năm đầu tiên đã bị kéo xuống 300-400 euro/phòng hiện nay do cạnh tranh.

Sự kỳ diệu thứ đến là được tham quan Phức hợp Kim Tự Tháp ở Giza và Bảo tàng Ai Cập ở thủ đô Cairo. Ở Giza, tôi đã may mắn xem câu chuyện lịch sử Kim Tự Tháp kể bằng ánh sáng lazer vào ban đêm và được chui vào hầm mộ của một Kim Tự Tháp và tham quan tượng nhân sư, đầu người mình sư tử Sprinx vào ban ngày. Tất cả vật liệu xây dựng các công trình của Kim Tự Tháp đều xây bằng đá hoa. Riêng Kim Tự Tháp của vị vua thứ ba, phần đáy được xây bằng đá granit màu đỏ. Các tảng đá có chiều ngang dài hơn một sải tay và cao đến 3-4 mét được cắt xẻ vuông vức, sắc cạnh cho dù đã mấy ngàn năm qua. Thật thán phục khả năng ứng dụng tính toán số học và hình học của người Ai Cập cổ đại trong xác định tọa độ công trình xây dựng. Chẳng hạn, 4 mặt và các góc của Kim Tự Tháp đại diện cho 4 phương, 8 hướng. Tim của xác ướp nhà vua đặt trong hầm mộ được chỉnh sao cho đúng vào tâm của mặt đáy hình vuông và trọng tâm của Kim Tự Tháp tính từ đỉnh. Tòa tháp thứ nhất của vua cha Khufu cao khoảng 145 mét. Các đỉnh tháp của hai đời vua kế tiếp, tức là đời con và cháu, có độ cao lệch nhau đúng 1 mét.

Do không có nhiều thời gian để thăm hết Bảo tàng Ai Cập, người hướng dẫn và cũng là một nhà Ai Cập học đưa chúng tôi đến thăm các mẫu vật khai quật được trong hầm mộ vua Tutankhamun. Theo người hướng dẫn này, các đời sau của vua Ai Cập không tiếp tục xây Kim Tự Tháp mà trái lại họ cho xây các nhà mồ bí mật ẩn trong núi đá để ngăn chặn nạn trộm cắp. Xác ướp của vua Tut và khoảng 5000 cổ vật bằng đá, bằng vàng và ngọc, được chế tác hết sức tỉ mỉ và đầy sáng tạo. Việc khai quật hầm mộ được bảo tồn hoàn chỉnh nhất của ông đã giúp loài người ngày nay hiểu biết sâu hơn về nền văn minh Ai Cập cổ đại. Chẳng hạn, xác ướp của nhà vua quyét qua máy cộng hưởng từ trường của Mỹ đã giúp xác định nguyên nhân cái chết của vì vua trẻ. Ông đã bị thương (không rõ do chiến đấu hay lúc đi săn) và đã mất do bị nhiễm trùng.

Trước công trình Kim Tự Tháp vĩ đại và các mẫu vật tinh xảo của vua Ai Cập cổ đại, tôi thầm nghĩ, ngày nay con người vẫn chưa giải quyết trọn vẹn câu hỏi, sau khi chết sẽ con người sẽ về đâu. Niềm tin vào sự sống lại về sau đã dẫn dắt người Ai Cập cổ đại làm nên những công trình kỹ, mỹ thuật tuyệt vời. Tôi cũng nhận ra một điều rằng ngày nay, mặc dù chúng ta có các công cụ thiết bị hiện đại phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, nhưng cách giải các bài toán số học và hình học căn bản vẫn không hơn gì cách đây hàng ngàn năm. Suy nghĩ sáng tạo và cảm nhận cái đẹp của loài người thời nay cũng không hơn gì người xưa từ mấy ngàn năm lịch sử.

Nền văn minh Ai Cập đến sớm nhưng con cháu họ ngày nay vẫn chưa làm gì cho xúng đáng để tự hào. Ai Cập vẫn là nước đang phát triển. Từ quan sát chiều cao của ba tòa Kim Tự Tháp, tôi phát hiện ra người Ai Cập cổ đặt ra một ẩn dụ đáng ngại cho sự phát triển của xã hội: con phải thấp hơn cha. Quan sát chiều cao của các khu phố quanh các đền thờ Hồi giáo tôi cũng có một nhận xét tương tự.

Nghĩ về đất nước chúng ta. Tổ tiên của chúng ta dù không để lại gia tài lớn lao gì cho hậu thế nhưng câu truyền miệng, "Con hơn cha, nhà có phúc." luôn giúp chúng ta nỗ lực phấn đấu, xây dựng cuộc sống hướng về tương lai để mỗi người, mỗi gia đình và đất nước một ngày mỗi tươi đẹp hơn. Thật đáng mừng khi nhận ra được chân lý này.

Võ đắc Khôi

Mời bạn xem thư viện ảnh của hầm mộ vua Tutankhamun:  http://www.touregypt.net/museum/tuta.htm

Một vài hình ảnh của chuyến đi: http://www.facebook.com/home.php?#!/vodaco

No comments:

Post a Comment